Những viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung Sáng

16.03.2016

Những viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung Sáng

Sau hơn 40 năm kể từ ngày thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng (29/3/1975 - 29/3/2016), Đà Nẵng được đánh giá là một thành phố xây dựng và phát triển điển hình, có sức bật đột phá thành công được cả nước học tập, tạo sự triển vọng cạnh tranh với những đô thị phát triển tiên tiến trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với đặc điểm là thành phố có vị trí gắn liền cùng biển đảo, được nhân dân cả nước tin tưởng giao phó quản lý huyện đảo Hoàng Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, Đà Nẵng có trách nhiệm xứng đáng trong công tác  bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo Tổ quốc.

 

Công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng chính thức khởi công xây dựng tại nút giao thông Hoàng Sa - Phan Bá Hiến (quận Sơn Trà) vào những ngày cuối năm 2015, là một trong những sự kiện đáng nhớ được người dân thành phố bên sông Hàn mong đợi từ suốt nhiều năm qua. Công trình dự kiến sẽ khánh thành trong năm 2016 và sẽ mở cửa miễn phí đón khách tham quan để giới thiệu, tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về lịch sử khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Công trình được xây dựng trên khu đất gần 1.300m2, trong đó diện tích xây dựng hơn 400m2, gồm một tầng trệt, ba tầng nổi, chiều cao 18m, với vốn đầu tư 40 tỷ đồng, được thiết kế, xây dựng theo phương án kiến trúc “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” theo đồ án RS1312 của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang.

 Theo kế hoạch, sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động, Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ là nơi trưng bày, lưu giữ hàng trăm tư liệu, ảnh, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa trong thư tịch cổ của

Việt Nam trước và trong triều Nguyễn; những hoạt động tại Hoàng Sa trong giai đoạn 1858-1945; những bằng chứng về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, giai đoạn 1945-1974 và những hình ảnh về hoạt động thực tiễn của UBND huyện đảo Hoàng Sa tại Đà Nẵng từ 1974 đến nay. Gần 200 bản đồ, tư liệu lịch sử của nước ngoài, trong đó có bản đồ của chính người Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, như: Dư địa đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản (Trung Quốc), Thiên hạ thống nhất chi đồ đời Minh trong Đại Minh thống nhất chí (1462), Hoàng Minh Đại thống nhất Tổng Đồ đời Minh (1635), các bản đồ đời Thanh cho đến những bản đồ, tài liệu của nước này đầu thế kỷ XX đều vẽ điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Những tư liệu từ trước công nguyên cùng hơn trăm bản đồ của các nước phương Tây từ thế kỷ 15-16 cho đến những năm sau 1975 là những bằng chứng thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt, những tư liệu, hiện vật có liên quan đến hai nhân vật lịch sử Phạm Hữu Nhật và Phạm Quang Ảnh - những cai đội Hoàng Sa thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng ra Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ; đo đạc thủy trình và canh giữ vùng biển trên quần đảo Hoàng Sa sẽ được sưu tầm và trưng bày tại đây.

Những viên gạch thầm lặng...

Để có được những tư liệu, hiện vật quý giá như ngày hôm nay, không thể  không nhắc đến những công dân tâm huyết trong và ngoài nước, kể cả các nhà nghiên cứu nước ngoài lặn lội khắp mọi nơi, để đem về những chứng cứ hùng hồn nhất khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa suốt mấy chục năm qua.

Điển hình đó là nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Phước Tương, hội viên Hội Khoa học Lịch sử thành phố và Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng (vừa qua đời ngày 23-3-2015 do tuổi cao sức yếu).Ông nguyên là một giáo viên ngành khoa học xã hội và nhân văn thời Pháp thuộc, đã xuất bản nhiều cuốn sách khoa học tự nhiên, văn học, khảo cứu văn hóa, lịch sử về con người, vùng đất và lịch sử của địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng. Song sinh thời với ông, công trình ông tâm đắc nhất đó là “Quần đảo Hoàng Sa không thể chuyển nhượng của Việt Nam” mà ông đeo đuổi suốt quá trình hơn 10 năm liền (từ 1997-2008), bao gồm 160 tài liệu, trong đó có khoảng 30 tài liệu nước ngoài, mà ông đã thu thập thông tin và tìm mua sách cũ nhiều nơi, trong đó có những quyển sách rất cổ từ thế kỷ thứ XVI, những tư liệu rất cổ viết rõ ràng quần đảo Hoàng Sa - Bãi cát vàng là của Đàng trong.

Đó là anh Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York, là người đã sưu tầm, mua lại và tặng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng 150 bản đồ, gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản. Cùng các tập Atlas Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ - Postal Atlas of China, do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919... Theo anh Thắng: “Những người Việt trẻ ở nước ngoài cũng bắt đầu chú ý và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên dùng sức mạnh mềm và luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và biển đảo của mình. Sức mạnh mềm ở đây là thiện cảm của thế giới dành cho Việt Nam. Việt Nam cần sớm hệ thống hóa tài liệu về chủ quyền biển đảo để sẵn sàng cho một cuộc chiến về pháp lý”.

Đó là André Memdras Hồ Cương Quyết - người mang hai quốc tịch Pháp -Việt, tác giả bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát được thực hiện tại huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu thuộc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, không những ghi lại những chứng cứ minh chứng Hoàng Sa là của Việt Nam mà còn chỉ rõ những hành động ngang ngược mà phía Trung Quốc gây ra cho ngư dân ở Hoàng Sa...

Nhà trưng bày Hoàng Sa và những câu chuyện không quên...

Ngay tại buổi lễ khởi công Nhà trưng bày Hoàng Sa, nhiều nhân chứng từng tham gia vào sự nghiệp giữ gìn quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 nay tuy tuổi đã cao, vẫn đến từ sáng sớm với mong muốn được chứng kiến trọn vẹn buổi lễ khởi công một công trình có ý nghĩa lớn lao này. Ông Trần Hòa, 63 tuổi, quê ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam từng là Y tá công tác tại Hoàng Sa từ năm 1973 với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ nhân viên Đài Khí tượng đóng tại khu vực này nói: “Câu chuyện về Hoàng Sa rất nhiều. Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ là nơi để tôi kể lại cho con cháu của tôi những câu chuyện đó. Đó là minh chứng, là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”. Ông Hòa bày tỏ: “Từ sự kiện này, tôi muốn nhắn gửi với con cháu phải luôn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam, bằng mọi giá phải đòi lại núm ruột thiêng liêng này về cho Tổ quốc Việt Nam!”.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa chia sẻ: “Nhà trưng bày Hoàng Sa là ý tưởng của nhân dân và chính quyền địa phương, nay đã hiện thực hóa. Tôi thấy rất xúc động, việc làm này rất có ý nghĩa”. Ông Ngữ cũng cho biết, khi nhà trưng bày hoàn thành sẽ đưa tàu cá ĐNa 90152 TS của gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa, bị tàu cá của Trung Quốc đâm chìm trên biển Hoàng Sa vào ngày 26.5.2014 vào lưu giữ. Bởi, ngoài những hiện vật trước đây thì con tàu đó là hiện vật mới nhất. Nó khẳng định ý chí của người dân Việt Nam đã đứng ra bảo vệ chủ quyền bằng mọi cách. Con tàu đó là bằng chứng, minh chứng ý chí quật cường của nhân dân ta, đồng thời cũng là một minh chứng phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Võ Công Chánh, người kế nhiệm vai trò Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Sa hiện nay khẳng định: “Việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là việc lâu dài, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhà trưng bày Hoàng Sa là những bước đi cụ thể từ những bằng chứng và tư liệu. Tôi nghĩ rằng nhà nước và huyện Hoàng Sa cần tiếp tục có trách nhiệm để đưa những bằng chứng lịch sử này ra quốc tế. Mình có đấu tranh mới được, không đấu tranh thì không có gì cả”.

Thật vậy, Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ là nơi trưng bày các sự kiện lịch sử bình thường mà là nơi trưng bày lịch sử, pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi để các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, tìm về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam mà lớp lớp cha anh đã dày công vun đắp.

T.T.S 

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô