Nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại - Bùi Như Hải

19.06.2013

Nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại - Bùi Như Hải

Hiện thực đời sống luôn đổi thay, biến động không ngừng. Những biến động đó thường ảnh hưởng không nhỏ đến sự thay đổi của văn học, đặc biệt là tư duy nghệ thuật của nhà văn. Sự thay đổi của tư duy nghệ thuật kéo theo sự biến đổi của phương thức miêu tả và biểu hiện nghệ thuật. Trong điều kiện cho phép, chúng tôi chỉ tìm hiểu tư duy tiểu thuyết nông thôn Việt Nam giai đoạn từ 1945 – 1975, 1975 - 1985 và giai đoạn từ 1986 trở về sau để làm rõ sự biến đổi của tư duy nghệ thuật qua hai giai đoạn trong tiến trình văn học

1. Cách mạng tháng Tám và hiện thực lịch sử của hai cuộc kháng chiến đã làm cho văn học nói chung, tiểu thuyết viết về nông thôn nói riêng có bước chuyển biến quan trọng. Từ chỗ bộc lộ khát vọng giải phóng cá nhân, mưu cầu hạnh phúc (tiểu thuyết Tự lực văn đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo); miêu tả đời sống người nông dân nghèo trong cảnh sưu cao thuế nặng, bị bóc lột trắng trợn, dã man của chế độ phong kiến (tiểu thuyết hiện thực phê phán: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao), tiểu thuyết viết về nông thôn đã chuyển sang thời kỳ mới – đó là thời kỳ sáng tác theo khuynh hướng sử thi. Tư duy sử thi đã ngự trị, chi phối gần bốn mươi năm trong dòng chảy của tiểu thuyết viết về nông thôn (1945-1985). Đề tài nông thôn nằm trong đề tài kháng chiến, vì thế nó thực sự là thứ vũ khí sắc bén, đắc lực trên con đường đấu tranh, dựng xây đất nước, là nhiệm vụ thiêng liêng không thể chối cãi. Chúng ta từng ghi nhận sức mạnh to lớn của tiểu thuyết viết về nông thôn bởi sức mạnh động viên của nó, khiến một thời bao thế hệ nông dân từ những miền quê một lòng quyết tâm, hăng hái ra trận, in dấu trong những trang văn đầy nhiệt huyết của Nguyễn Văn Bổng (Con trâu), Nguyễn Đình Thi (Vỡ bờ), Nguyễn Khải (Xung đột)… Vì vậy, chủ âm nổi lên là cảm hứng ngợi ca để dẫn đến kiểu tư duy sử thi ngự trị gần như tuyệt đối thời kỳ này. Con đường tư duy ấy đã chi phối đến hầu hết các phương diện nghệ thuật như chủ đề, hình tượng, xây dựng tính cách nhân vật, ngôn ngữ, kết cấu, không – thời gian nghệ thuật…

Cuộc binh lửa đi qua và với độ lùi thời gian nhất định, chúng ta tĩnh tâm nhìn nhận lại, vén đi lớp bụi phủ kín thời gian để khẳng định: với tư duy sử thi, cái nhìn sử thi đã tước đi phần nào tính đa dạng, phong phú và độc đáo của chủ thể sáng tạo. Những thuộc tính của văn học biểu hiện còn mờ nhạt, khiên cưỡng, đặc biệt lúc này tiểu thuyết viết về nông thôn chưa chú ý đào xới những “vùng mờ khuất” trong đời sống nông thôn và trong cái nhìn đa trị về người nông dân. Hầu hết các tác phẩm đều đưa hình ảnh người nông dân đến với thánh địa của sự trong sáng, thủy chung, sạch sẽ và phủ vây bởi thiên lương cao cả nên hình ảnh người nông dân thiếu đi cá tính, mờ nhạt về tâm lí, tính cách…

2. Sau năm 1975, đặc biệt từ 1986 trở về sau, tiểu thuyết viết về nông thôn bước vào vận hội mới để thể nghiệm trọn vẹn tính linh hoạt của nó. Cùng với sự đổi thay về quan điểm đạo đức, thẩm mĩ do công cuộc đổi mới đem lại làm cho tư duy sử thi nhạt hóa và tăng dần tư duy tiểu thuyết. Tư duy tiểu thuyết hiện đại đã nhanh chóng đáp ứng phần nào những đòi hỏi đó và trở thành dòng chủ lưu của tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn này. Đổi mới tư duy nghệ thuật dẫn đến kéo theo hàng loạt những đổi mới quan trọng như quan niệm nghệ thuật về con người, cảm hứng sáng tác, phương thức biểu hiện…

2.1. Với kiểu tư duy tiểu thuyết, tiểu thuyết viết về nông thôn sau đổi mới có nhiều thể nghiệm, tìm tòi và cách tân rõ rệt trong hình thức nghệ thuật. Trước hết, thể hiện sự biến đổi trong cấu trúc tác phẩm. Ngoài một số tiểu thuyết có xu hướng quay về với mô hình tự sự truyền thống, kết cấu rõ tràng, mạch lạc, có mở đầu, có kết thúc, cách kể không quá phức tạp (Thời xa vắng, Giời cao đất dày, Đứa con của thần linh, Ma làng, Bến không chồng, Thủy hỏa đạo tặc), là kết cấu “phức hợp”, ở đó các nhân vật (người kể chuyện, nhân vật xưng tôi, tác giả…) đối thoại với nhau chan chát, không ai có quyền phán xét, áp đặt (Chuyện làng Cuội, Bên kia bờ ảo vọng, Ba người khác). Kết cấu như một trò chơi rubich, tạo nên sự hỗn loạn, lỏng lẻo, rời rạc, lắp ghép, gấp khúc, khó nắm bắt (Giã biệt bóng tối, Lão Khổ). Kết cấu theo lối đảo lộn thời gian (quá khứ - hiện tại – tương lai), không có sự tổ chức sắp sếp theo quy luật nào (Lão Khổ, Chuyện làng Cuội). Kết cấu “buông lửng”, “bỏ ngỏ” – nhằm đưa người đọc tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo kết thúc riêng theo quan niệm của mỗi cá nhân (Mảnh đất lắm người nhiều ma, Dòng sông Mía). Kết cấu liên văn bản, “tiểu thuyết lồng tiểu thuyết” (Giã biệt bóng tối, Lão Khổ, Dòng chảy đất đai)… Chính tư duy tiểu thuyết và những biến đổi thi pháp đã chi phối nguyên tắc xây dựng tác phẩm, tạo ra nhiều mô hình cấu trúc mới mẻ: Cấu trúc theo đường đời nhân vật (Thời xa vắng, Giời cao đất dày). Cấu trúc đan cài số phận mỗi con người với mỗi dòng họ, gia đình, làng quê, đan cài hiện tại với các lớp trầm tích văn hóa, lịch sử (Mảnh đất lắm người nhiều ma, Lời nguyền hai trăm năm, Lão Khổ), cấu trúc theo ký ức hồi cố (Giời cao đất dày, Lão Khổ), cấu trúc tập trung vào nhân vật cá nhân dị biệt (Dòng sông Mía), cấu trúc đảo lộn thời gian xen kẽ quá khứ và hiện tại (Chuyện làng Cuội), cấu trúc dồn tụ chất liệu hiện thực để khắc sâu một tư tưởng, một luận đề (Dưới chín tầng trời)… Nghĩa là điểm nhìn được tối ưu hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn hiện đại. Một khi tư duy tiểu thuyết thắng thế tư duy sử thi thì ngôn ngữ trong tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn này cũng biến đổi theo hướng đó. Do nhu cầu phản ánh hiện thực đời sống xã hội nông thôn trong thời đại mới, các nhà văn tiếp cận đời sống ở cự li gần chứ không phải qua một “khoảng cách sử thi tuyệt đối”(M. Bakhtin) nên ngôn ngữ ít mực thước, trang trọng, chuẩn mực, mĩ lệ, mà xu hướng đời thường hóa, đậm tính khẩu ngữ, thậm chí thô tục trở thành một “hiệu ứng” riêng trong phản ứng mĩ cảm của nhà văn với thế giới (Lão Khổ, Ba người khác, Thời của thánh thần). Xuất phát từ tinh thần dân chủ và ý thức cá tính trong việc đi sâu tìm hiểu khám phá đời sống nông thôn ở chiều sâu nên ngôn ngữ ngày càng gia tăng tính triết luận, khái quát và cách ứng xử ngôn ngữ của họ tự do, phóng khoáng hơn, nhằm đem lại hiệu ứng trực tiếp mạnh mẽ trong sự tiếp nhận của công chúng (Lão Khổ, Giã biệt bóng tối, Màu rừng ruộng).

Từ lớp nhà văn trưởng thành đến lớp nhà văn xuất hiện từ cao trào đổi mới và những cây bút phần lớn còn trẻ vẫn luôn nỗ lực sáng tạo, vẫn lặng lẽ kiếm tìm nhằm tạo ra những hình thức mới, mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện tượng những cuốn tiểu thuyết viết về nông thôn ngắn gọn, co lại, dồn nén về mặt dung lượng là một trong những biểu hiện của sự đổi mới của tư duy tiểu thuyết viết về nông thôn từ sau đổi mới. Tạ Duy Anh - nhà văn trẻ chuyên viết về nông thôn đã khẳng tính ưu việt của nó: “Xu hướng ngắn, thu hẹp bề ngang, vừa khoan sâu theo chiều dọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa ý nghĩa, bi kịch thời đại được dồn nén trong một cuộc đời bình thường, không áp đặt chân lý là dễ thấy. Tiểu thuyết ít mô tả thế giới hơn là tạo ra một thế giới theo cách của nó. Ở đó con người có thể chiêm ngưỡng mình từ nhiều chiều hơn là chỉ thấy cái bóng của mình đổ dài xuống lịch sử” (dẫn theo Bùi Việt Thắng), [3; tr.185]. Xu hướng này phù hợp với kiểu tư duy hiện đại. Dưới áp lực cơ chế thị trường, cạnh tranh phương tiện nghe nhìn và sự bùng nổ thông tin, con người buộc phải hối hả chạy đua với thời gian, vì thế ngoại trừ những nhà nghiên cứu, phê bình và những ai quan tâm đến tiểu thuyết, còn lại ít người chịu bỏ ra lượng thời gian lớn để đọc những cuốn tiểu thuyết dày hàng trăm, hàng nghìn trang như thời chống Pháp, chống Mỹ (Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Xung đột của Nguyễn Khải). Vì thế, tiểu thuyết được mệnh danh là “cổ máy cái” buộc phải “thu mình lại” để có một “khuôn hình” phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong thời đại công nghệ thông tin. Một số tiểu thuyết viết về nông thôn gây được sự chú ý gần đây với khuôn khổ nhỏ, có hình thức rất ngắn gọn, chú trọng sự cô đọng, gói gọn  phạm vi một tập, số lượng phổ biến giao động trên dưới 300 trang, dồn nén đúng nghĩa của tiểu thuyết ngắn như Bến không chồng (281 trang), Lời nguyền hai trăm năm (191 trang), Lão Khổ (260 trang), Ma làng (187 trang), Ba người khác (250 trang), Đứa con của thành linh (231 trang), Giờ cao đất dày (243 trang), Trăm năm thoáng chốc (183 trang), Họ vẫn chưa về (210 trang), Cánh đồng lưu lạc (256 trang), Cách trở âm dương (260 trang)... Độ ngắn như thế chưa nói được điều gì đáng kể, song ít nhất “sự thành công của không ít tác phẩm thuộc dạng này đã nói lên rằng giá trị của một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn không phụ thuộc vào bề dày và số trang của nó”[5;tr.54]. Mặt khác, thể hiện thiên hướng “chống lại một xu hướng chính từng ngự trị trong truyền thống: viết những bộ sử thi, tùng thư dài trang được xem như một giá trị, còn viết ngắn đồng nghĩa với sự non yếu, thất bại; mặt khác minh chứng cho một sự mới mẻ rằng: tính toàn thể của thế giới chỉ có thể được biểu hiện và nhận ra trong từng phân mảnh của thực tại, rằng miêu tả toàn bộ hoặc phần lớn thế giới trong một tác phẩm tiểu thuyết là siêu hình và trên thực tế là không thể đạt được, do vậy mà tiểu thuyết truyền thống đã rơi vào tình trạng quá nhiều lời và thừa mứa ngôn từ”[4]. Và dĩ nhiên, khuôn hình ấy không làm giảm đi dung lượng phản ánh, trái lại có sự dồn nén lớn về nội dung phản ánh hiện thực, góp phần tạo nên chất thơ và tính triết lí trong tiểu thuyết viết về nông thôn đương đại. Như vậy, một mặt tiểu thuyết viết về nông thôn từ đổi mới trở về sau vẫn kế thừa, phát triển những đặc điểm ưu việt của hình thức nghệ thuật truyền thống, mặt khác đã tiếp thu những kĩ thuật mới của nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại trên thế giới. Những nét mới mẻ, tinh túy nhất được tiểu thuyết viết về nông thôn vận dụng, biến hóa linh hoạt, uyển chuyển trên tinh thần dân tộc.

2.2. Tư duy tiểu thuyết cũng góp phần đắc lực để tiểu thuyết viết về nông thôn sau đổi mới đi sâu vào thế giới bên trong đầy bí ẩn, thầm kín và chiều sâu tâm linh con người; đi vào những hướng tiêu cực, cổ hủ lạc hậu, những mất mát hi sinh và cả những bi kịch của người nông dân; khám phá sâu con người đời tư, con người tự vấn, tự ý thức, con người bản năng, đa phân, lưỡng trị… tạo nên một quan niệm nghệ thuật mới về con người. Đây chính là nét đổi mới đáng kể thể hiện tư duy nghệ thuật khác trước. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình có lý khi cho rằng:“Có một dòng chảy mới, lúc đầu âm thầm lặng lẽ, càng về sau càng mạnh mẽ hơn, trong đó chứa đựng nhận thức khoa học hơn, đầy đủ hơn về hiện thực”[1;tr.22]. Đặc biệt, với kiểu tư duy nghệ thuật mới, tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đã khám phá ra con người đời tư (tiếp cận người nông dân ở góc độ riêng tư). Khám phá ra con người nông dân dưới góc độ đời tư, thực ra không phải là bước đột phá mới trong tiểu thuyết viết về nông thôn đương đại, mà nó đã xuất hiện ở giai đoạn trước đó (những năm 1930 – 1945 của thế kỷ XX trong văn học hiện thực phê phán và Tự lực văn đoàn) thể hiện ước mơ, khát vọng sống mãnh liệt của người nông dân trong “đêm trường trung cổ”. Giai đoạn 1945 – 1975, nhằm đáp ứng yêu cầu của hiện thực cuộc sống nông thôn (hậu phương lớn chi viện tiền tuyến lớn) nên quan niệm cũng như tư duy nghệ thuật luôn hướng tới cái chung của cộng đồng, dân tộc. Con người chủ yếu là mẫu số chung của cộng đồng, là con người quần chúng, tập thể, lịch sử đã che khuất con người đời thường. Ở đó, mọi nhận thức, đánh giá được “bao bọc trong một bầu không khí vô trùng” (Niculin), nên họ là ai, ở vị trí nào đều thể hiện một trình độ nhận thức về chính trị, xã hội, về niềm tin đối với cách mạng, ý chí và tấm lòng sắc son, thủy chung với quê hương đất nước (Bão biển của Chu Văn, Chủ tịch huyện của Nguyễn Khải). Trong hoàn cảnh ấy, cái tôi cá nhân hết sức mờ nhạt, không có điều kiện để phô diễn mình, những tiếng nói riêng của “cái tôi” bị lạc lõng, cô đơn (Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng). Từ 1975 trở về sau, con người đời tư xuất hiện trở lại nhưng phổ biến hơn, đậm nét hơn và được xem như một kiểu tư duy của “thời hiện đại”. Con người đời thường, con người cá nhân ấy được soi rọi từ nhiều chiều khác nhau, đặt vào vòng xoáy nghiệt ngã nhất của cuộc đời. Con người ấy không còn giản đơn, một chiều, “không có những bất ngờ, may rủi”, không “nhạt” như trước, mà đó là những con người “đầy những vết đập xóa trên thân thể, trong tâm hồn”. Ở đó, con người đồng thời tồn tại cả mặt tốt lẫn mặt xấu, nhân tính và phi nhân tính, bản ngã và phi ngã, ý thức và vô thức và luôn biểu hiện cá tính rõ rệt. Cá tính ấy biểu lộ xung đột trong cùng một thời điểm tạo nên nét riêng biệt của mỗi con người. Con người đời tư pha lẫn hối hận, dằn vặt, đau đớn, day dứt, sám hối. Họ dằn vặt trước thời cuộc, sống trong sự tự bộc bạch, tự mổ xẻ chính mình như Chị Nhân, Hạnh (Bến không chồng), Giang Minh Sài (Thời xa vắng), bà Son (Mảnh đất lắm người nhiều ma), bà Đất (Chuyện làng Cuội), chị Cả Thuần (Dòng sông Mía), Hai Thìn (Lời nguyền hai trăm năm), Thuần (Giời cao đất giày)… Họ đắng cay, xa xót nhất khi hiển lộ ra sự sai trái của mình, bởi con người không phải bao giờ cũng sáng suốt tuyệt đối, trái lại có những lúc, thậm chí nhiều lúc con người đã để mình rơi vào những khoảng tối. Hạnh (Bến không chồng) luôn mang nỗi khổ đau, đơn côi để rồi cuối cùng Hạnh nhận ra “trên đời này không có ai tốt như chú Vạn và không có ai khổ cô đơn như chú Vạn”. Lão Xung suốt cuộc đời chìm đắm trong hận thù, cuối đời khi không còn đủ sức để làm điều xấu điều ác đã ăn năn: “Tôi bây giờ già rồi, giờ nghĩ lại mà khiếp sợ”. Cuộc đời của chị Cả Thuần (Dòng sông Mía) là một chuỗi dài tủi nhục vì quá khứ ám ảnh, nỗi đau của người mẹ khi người con thân yêu hi sinh ngoài chiến trường. Nhà văn đã tạo ra những con người có nội tâm phong phú, biết suy xét và thức nhận cuộc sống ở mức độ riêng, đấu tranh trong cùng một con người để tìm ra chân lý đích thực của hiện tại, tìm ra chính bản thân mình như nhân vật Sài (Thời xa vắng) là một điển hình. Đồng thời với mặt trái tiêu cực trên của xã hội nông thôn, con người cá nhân được tự do phát triển, suy nghĩ, bộc bạch, theo đuổi ước mơ, sở thích của mình. Họ có quyền riêng tư, chọn lựa phong cách sống dù phải nhận lấy bi hài kịch, cá tính được phát huy cao độ, không phân biệt giai cấp, địa vị. Trong Dòng sông Mía, Đào Thắng xây dựng người nông dân rất đỗi đời thường, họ có ước mơ, hoài bão và khát vọng riêng. Một cô bé xinh đẹp con nhà giàu nhưng dám quẳng thân vào gió bụi, lao vào cuộc tình éo le với Lẹp – đứa con rơi, tàn tật. Một bà Mến lúc nào cũng tâm niệm: “Đàn bà chúng tôi không cần cái gì, tiền bạc của nả, danh tiếng không bằng một đứa con, khi khỏe mạnh đã vậy, còn lúc ốm đau, trái gió trở trời, thêm nữa tránh sao khỏi miệng đời, người ta rủa xả mình là vô phúc”. Trong thẳm sâu tâm hồn của người nông dân luôn ẩn chứa bao nỗi niềm khắc khoải, dằn vặt thao thức, luôn đi tìm ý nghĩa cuộc sống, nhạy cảm trước đổi thay của thế cuộc. Ông Phúc (Mảnh đất lắm người nhiều ma) luôn bày tỏ quan niệm của mình về hiện thực đời sống xã hội: “Thời buổi bây giờ nó nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, cóc ngóe nhảy lên làm người! Muốn có chỗ đứng thì phải biết lựa”. Hương (Thời xa vắng) nhận thấy cuộc đời đầy bất công, ngang trái: “Đời hay thật, kẻ hèn nhát không muốn mất đi cái gì thì được tất cả. Người sẵn sàng đánh đổi tất cả cho một cái gì thì chỉ còn thân tàn ma dại”. Đôi khi ước mơ chỉ là giản dị, đơn sơ nhưng mãi là giấc mơ xa vời đối với Hạnh (Bến không chồng): “Hạnh chỉ ước mơ được ở một căn nhà nhỏ. Hạnh được cầm chiếc chổi rơm quét nhà, được tự tay nhóm lửa nấu cơm”. Con người đời tư, con người cá nhân hiện diện trong tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn này được các nhà văn phản ánh trung thực bằng kinh nghiệm sống chắt lọc, vắt kiệt trên từng câu chữ, trang viết. Con người ấy có đời sống nội tâm phong phú và đa dạng: có cái tốt xen lẫn với cái xấu, có niềm vui pha lẫn nỗi buồn, có hạnh phúc lắng lại trong nỗi đau…

2.3. Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết viết về nông thôn sau đổi mới còn thể hiện sự nhạy bén trong việc nhận thức đạo đức tối đa về thực trạng suy thoái, băng hoại đạo đức, nhân cách của người nông dân trong quá trình đô thị hóa nông thôn. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, xã hội nông thôn Việt Nam  biến đổi nhanh chóng theo vòng quay hối hả của cơ chế thị trường thì tiếng gọi khẩn thiết về đạo đức của con người được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết! Chính những điều kiện tốt đẹp đó đưa người nông dân ngự trên những vinh quang nhưng cũng sẵn sàng tước đoạt đi “nhân tính” thiêng liêng nhất. Những cơ hội thách thức đã hòa trong mỗi cá nhân để mở ra cả một xã hội bộn bề trong một con người bé nhỏ. Và cũng chính từ đây, các nhà văn truy tìm trong cơ chế thị trường và quá trình hiện đại hóa nông thôn, người nông dân đã đánh mất đi chất thuần hậu; đạo đức bị băng hoại, tha hóa và biến chất về mặt nhân phẩm. Lối sống thực dụng đã làm đảo lộn, lung lay và có nguy cơ sụp đổ những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc vốn bám sâu nơi làng quê trước cơn sóng gió của thời cuộc. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ có lý khi cho rằng: “Cơ chế thị trường có những mặt tích cực của nó nhưng cũng kéo theo những mặt tiêu cực. Nó đưa đến một lối sống cạnh tranh vô chính phủ, lối sống chụp giật hoặc thực dụng, lấy đồng tiền làm thước đo mọi giá trị. Đạo đức, nhân cách được coi là dại dột, lỗi thời, người tốt bị cô đơn, lép vế, bị rơi vào tình trạng bi kịch, còn cái xấu, cái ác… có nguy cơ lộng hành, thậm chí xâm nhập vào những gia đình truyền thống”[2;tr.268]. Nông thôn đương đại vì thế không là một chiều, giản đơn, dễ hiểu mà luôn biến chuyển phức tạp, sinh động và đa thanh. Am tường những ngóc ngách đó, các nhà văn lần lượt đưa ra những con đường lựa chọn nhân cách giằng co để bạn đọc suy nghĩ, đắn đo và tìm ra những giải pháp tối ưu nhất mà các nhà văn quan tâm thể hiện. Với nội lực riêng trong cá tính sáng tạo, các nhà văn đã và đang chiêm nghiệm, vừa ở tư thế nhập cuộc, vừa biết lùi xa và đứng trên tầm cao của đất nước trong những năm chuyển động dữ dội để dựng những góc nhìn. Các nhà văn đã nhận ra trạng thái “chấn thương” của những dòng đời trong cơn vây bủa. Đó là lối sống thực dụng của một bộ phận nông dân chạy theo vật chất, xem quyền lực và đồng tiền là “chúa tể”, là thước đo tất cả. Đọc Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Ma làng (Trịnh Thanh Phong)…, độc giả bàng hoàng trước mưu ma chước quỷ của những kẻ vì quyền lực, lợi ích cá nhân, gia đình và dòng họ mà hãm hại, trù dập những người ngay thẳng, trung thực và bần cùng hóa người nông dân. Ở đây, cái ác không chỉ là một cá nhân nữa mà có nguy cơ loang bùng khắp thôn xóm. Chính vì quyền lực và đồng tiền mà Hiếu (Chuyện làng Cuội) đã táng tận lương tâm đẩy mẹ mình đến cái chết và làm cho anh mất hoàn toàn lòng tin ở thế hệ trẻ (như con của Hiếu). Người đọc chua xót trước hành động của Quàng (Mảnh đất lắm người nhiều ma) quyết định chôn cất người anh xấu số của mình bằng bó chiếu chỉ vì sợ tốn kém. Quyền lực và đồng tiền với sức mạnh của nó cũng như những vị kỉ của cá nhân đã len lỏi vào, che lấp các mối quan hệ thiêng liêng của gia đình, làng xã, hủy hoại dần những giá trị đạo đức cao quý, thiêng liêng mà cha ông dày công dựng xây. Chỉ vì gia đình, dòng tộc mà chú cháu ông Hàm đào mồ cha Phúc (Mảnh đất lắm người nhiều ma). Do dục vọng thấp hèn, vô đạo đức mà sau những cơn bộc phát sinh lí, Lẹp (Dòng sông Mía) đã loạn luân với chị dâu và em gái mình. Và sa đọa hơn, vì lợi ích cá nhân mà cụ Chánh lấy nơi linh thiêng để làm nơi thỏa mãn lạc thú. Guồng quay nghiệt ngã của cuộc sống nông thôn trên bước đường hiện đại hóa đã làm xói mòn giá trị đạo đức của người nông dân. Qua lời phát ngôn của Côn (Dòng sông Mía) với mẹ chồng: “Đánh đĩ rồi đi trôi sông”, “Lúc nào cũng chính chuyên… nằm ngửa ra mời nó, chửa hoang có con, bây giờ mới lộ cái mặt ra! Lại vẫn chứng nào tật ấy, giờ sắp xuống lỗ rồi còn tí tởn, tí táu, tí mẻ, sờ soạng, hú hí”. Sang, con của Khuê đã dành cho người cha của mình những lời tệ mạt, xấc xược: “Ông cút khỏi cái nhà này đi, nếu không tôi đánh ông chết ngay bây giờ”. Côn, Sang những vết thương đang lở loét trên cơ thể xã hội nông thôn đương đại khiến lòng người nhói đau, xốn xang! Hay chỉ cần qua một chi tiết điển hình trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, sự phi nhân tính trong bản chất của người nông dân hiển lộ khi mọi trật tự đã bị đảo lộn và phỉ báng; con gọi cha bằng mày: “Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không? Dạ thưa ông tôi có biết ông, vì tôi đã trót đẻ ra ông?”. Đó là hiện thực đau lòng mà tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn này luôn quan tâm cảnh báo, và là một biểu hiện đầy tính nhân văn về phương diện đạo đức xã hội của tiểu thuyết viết về nông thôn đương đại.

            Như vậy, đổi mới tư duy nghệ thuật là sự vận động hợp quy luật phát triển của lịch sử. Nó mở ra những ngã đường vô tận để tiểu thuyết viết về nông thôn đi sâu vào mọi ngõ ngách của làng quê thanh bình để kiếm tìm, phát hiện tận cùng những nét đẹp, mọi khổ đau, ẩn ức… của kiếp người. Sự đóng góp đó đã đem lại sức sống mới, chiều sâu mới cho văn xuôi đương đại bằng những trang văn rất riêng, khẳng định tiếng nói, tâm hồn, bản lĩnh của dân tộc mà các nhà văn chân tài đã miệt mài sáng tạo.

 

                                                                                                                                                                                                             B.N.H

Bài viết khác cùng số

Hoa phượng tháng ba - Tôn Nữ Ngọc HoaĐêm - Nguyễn Phương NgânNước mắt chảy ngược - Sử Hà Hạnh NhiCô gia sư nhỏ - Nguyễn Thị Cẩm GiangChuột và Sóc - Hồng ChiếnNgười mang tên dòng sông - Thanh QuếChúng tôi làm báo Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ - Đông San VĩNếu có lúc - Như NgọcAnh về xanh cùng hoa lá - Võ Kim Ngân Giấc mơ - Nguyễn Ngọc HạnhDọc mù sương - Trần TuấnBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..); nét vượt - Trần Phương KỳNét vượt - Trần Phương KỳBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..) - Trần Phương KỳChiều quê nhớ nội - Thanh VânÁo trắng - Vạn LộcTìm lại tuổi thơ - Phùng HiếuCâu thơ bỏ sót - Mai Mộng TưởngVườn mẹ - Nguyễn Nho Thùy DươngQuệ nội - Trần Trúc TâmBạn trà - Phạm PhátBờ thực - Nguyễn Thị Anh ĐàoKhắc khoải - Nguyễn Đức NamGiải mã nghệ thuật cổ Champa - James Blake Wiener-Hà Duy dịchBộ Châu làng Tân Thái- mấy suy nghĩ về văn bản - Đinh Thị ToanNhà văn và nỗi sợ - InrasaraBác sống trong ta, Bác ở giữa đời - Huỳnh Văn HoaĐóng góp của một gia tộc xứ Nghệ vào văn hóa xứ Quảng: Võ phái Hồ Công - Châu Yến LoanNguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu nhi - Thái Phan Vàng AnhNhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại - Bùi Như Hải