Đóng góp của một gia tộc xứ Nghệ vào văn hóa xứ Quảng: Võ phái Hồ Công - Châu Yến Loan

19.06.2013

Đóng góp của một gia tộc xứ Nghệ vào văn hóa xứ Quảng: Võ phái Hồ Công - Châu Yến Loan

Quan hệ gắn bó  giữa xứ Nghệ và xứ Quảng không chỉ thể hiện ở mặt Văn học mà còn để lại những dấu ấn sâu sắc nơi Võ học. Bên cạnh các thầy Đồ Nghệ dày công vun đắp cho văn học xứ Quảng  phát triển rực rỡ còn có các võ sư xứ Nghệ đã giúp cho nền võ học xứ Quảng trở nên lừng lẫy một thời với các võ sĩ “bất khả chiến bại” trên võ đài và đóng góp nhiều vào sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc.

Tại làng Châu Bí (nay là xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nằm dưới chân núi Bồ Bồ, được bao bọc bởi hai con sông Bình Phước và sông Yên,  có một dòng tộc đã sáng chế ra những thế võ độc đáo, xây dựng dòng tộc mình thành một dòng võ nổi tiếng, đó là võ phái Hồ Công.

Tương truyền, người khai sáng ra võ phái này là tướng quân Hồ Công Sùng. Ông xuất thân từ làng Quỳnh Đôi, Nghệ An làm quan dưới triều nhà Mạc đến chức Đô chỉ huy sứ. Đầu thế kỷ XVII, ông từ quan dẫn ba người con trai là Hồ Công Vạn, Hồ Văn Bền (người thứ ba không biết tên) đều là tướng quân vào miền đất Châu Bí khai hoang lập làng cùng các vị tổ họ Dương, Trần, Nguyễn. Thủa ấy, đất này là rừng thiêng, nước độc, nhiều thú dữ, nên ông phải tìm cách tự vệ, và việc đánh rắn, đuổi cọp trên núi Cấm đã được ông đúc kết kinh nghiệm, sáng chế ra những thế võ độc đáo, có tên là võ Long Xà.

“Những thế võ đó hầu hết được mô phỏng từ những thế trườn, quật, bắt mồi của loài rắn, phối hợp cương nhu làm cho thân pháp của người luyện võ dẻo dai, uyển chuyển như rồng cuộn trong mây. Khi ra đòn thấy nhẹ như bông nhưng thực chất thì đối phương đón đỡ nặng tựa ngàn cân.

Đặc điểm võ nghệ của Hồ Công Sùng truyền lại là luồn lách nhập nội, đánh đòn ngắn, hiểm độc, có hiệu quả thực dụng, những đòn dài chỉ là đòn gió đề luồn lách”... (1)

Võ Long Xà không truyền cho người ngoại tộc, kể cả con gái họ Hồ cũng không được học những thế võ bí truyền ấy, chỉ có con cháu trai mới được đặc truyền. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, do yêu cầu của lịch sử, võ sĩ Hồ Công hầu hết tham gia các phong trào yêu nước chống xâm lược, họ đã đem kỹ thuật chiến đấu bí truyền của môn phái ra huấn luyện cho nghĩa quân, do đó quy luật “ngoại tộc bất truyền” mới được bãi bỏ.

Trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 do hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo, tộc Hồ ở Châu Bí có nhiều người tham gia. Các ông Hồ Công Cung, Hồ Quảng Ngôn, Hồ Xuyến cùng với các ông Phan Phú Dinh và Phan Bá Thiều mở các lớp dạy võ tại Cấm Lớn huấn luyện nghĩa quân cho phong trào.(2)

Võ phái Hồ Công ở Châu Bí đã đào tạo cho  xứ Quảng những võ sĩ tài ba, danh tiếng lừng lẫy, “bất khả chiến bại” như Hồ Hương, Hồ Cưu, Hồ Cập…

 

Võ sư Hồ Hương, truyền nhân đời thứ 7 của võ phái Hồ Công, rất giỏi thuật phi thân (khinh công). Hai tay xách hai giỏ đựng đầy đá, ông nhún mình một cái tức thì từ dưới đất vọt lên trên nóc nhà. Thời ấy, khi trong làng, xã có nhà bị cháy, ông tung người nhảy lên các mái nhà bên cạnh, giở tranh ném xuống đất để khỏi bị lửa cháy lan. Trong trường hợp khẩn cấp, ông có thể "bốc" từng người ném lên các mái nhà để họ cùng giở tranh với ông.

Ngoài việc rèn luyện tinh thông quyền pháp võ Long Xà, Hồ Hương còn học thêm võ thuật với một võ sư người Pháp tên là Big Bag. Sau gần một năm rèn luyện, Big Bag nói rằng đã dạy hết các thế võ cho Hồ Hương chỉ còn dành lại một tuyệt chiêu để “phòng thân”. Nếu Hồ Hương đánh trúng ông 5 roi thì ông sẽ dạy nốt tuyệt chiêu này. Hồ Hương suy nghĩ, tìm tòi sáng chế ra 5 đường roi tuyệt kỹ công phu, khi giao đấu với thầy, 5 đường roi xuất ra một cách thần tốc, tài tình làm cho võ sư Big Bag không kịp trở tay phải nhận đủ 5 đòn vào người.(3)

Võ sư Hồ Công Vinh lại kể rằng: "Ở phủ Điện Bàn có một ông quan võ gọi là Đội Du, rất giỏi về Roi. Nhân chuyến về quê, ông Đội Du thách ông Hồ Hương đấu roi với ông vào dịp lễ hội của phủ Điện Bàn. Dân chúng trong phủ nghe tin ai cũng háo hức đợi xem. Trong khi tập luyện chuẩn bị lên sàn, ông Hồ Hương đã sáng chế được 5 “đường roi” tuyệt kỹ. Đến ngày thi đấu, 5 đường roi được triển khai như giông bão, khiến ông Đội Du tối tăm mặt mày, phải bó tay chịu thua trong chốc lát.

Ông Hồ Hương cùng với các ông Đoàn Cử, Nguyễn Phổ lập ra Hội Võ và tổ chức đấu võ tại đình làng Châu Bí vào các dịp Tết Nguyên Đán đầu thế kỷ XX, làm cho phong trào dạy võ, học võ ở đây lên rất cao.(4)

 

Võ sư Hồ Điệp, vừa là học trò vừa là cháu gọi ông Hồ Hương bằng bác ruột, ông học võ với bác từ năm 7 tuổi. Ông là truyền nhân đời thứ 8 của võ phái, và đã đào tạo rất nhiều võ sĩ lừng danh trên các võ đài như: Hồ Cưu, Hồ Cập, Hồ Hiểu, Hồ Phước, Hồ Hồng Quang, Hồ Ôn, Hồ Dần... Trong những võ sĩ xuất sắc  có Hồ Cưu và Hồ Cập là 2 anh em ruột.

Võ sư Hồ Điệp là người tài ba, đức độ, ngoài 90 tuổi mỗi ngày vẫn múa roi đi quyền. Năm 2001, ông bị ốm rồi qua đời, hưởng thọ 100 tuổi.

 

Võ sư Hồ Cưu sinh năm Quý Sửu (1913), chết năm Mậu Tý (22-1-1948) còn gọi là “Thắng Cưu”. Mỗi khi bước lên võ đài, đặt bút ký bản cam kết “chết không khiếu nại”, bao giờ ông cũng mỉm cười tự tin và cuối cùng luôn là người chiến thắng.

Từ năm 14 tuổi, ông theo học với chú ruột là võ sư Hồ Điệp gần 10 năm trên đỉnh Đồi Mồi. Ông nổi tiếng với biệt tài “hốt ngựa” túm đối phương ném xuống đài. Từ năm 1935 đến năm 1940, Hồ Cưu đã giành được các danh hiệu Vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, và trong 2 năm 1937-1938, Hồ Cưu vô địch trận đài 5 xứ Đông Dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cambodia và Lào) do Pháp tổ chức.

Danh tiếng Hồ Cưu đã làm cho nhiều môn phái khác ghen tị. Một hôm võ sư Quỳ ở làng Cẩm Sơn biết Hồ Cưu đi Hạ Nông (nay là xã Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam), liền tập hợp thêm 3 võ sư và 70 võ sinh, mang theo vũ khí, đón tại đình Thái Cẩm trên đường về Châu Bí, quyết tâm hạ sát Hồ Cưu. Nhưng âm mưu của võ sư Quỳ và đồng bọn bị người em gái của Quỳ báo cho Hồ Cưu biết và khuyên ông tìm đường khác để lánh nạn. Ông cười đáp: “Cô em yên tâm, chẳng ai có thể hại được Cưu này đâu” rồi ông cứ đi đường chính từ Hạ Nông trở về. Đến đình Thái Cẩm, gặp lúc trong đình có hát bội, ông vào xem. Thế là bị lọt vào giữa vòng vây của đoàn võ sĩ đang lăm lăm dao rựa trên tay. Đám hát sợ quá bỏ chạy, Hồ Cưu vớ được cái mâm gỗ làm chiếc khiên đỡ. Dao, rựa của phe võ sư Quỳ thi nhau chém xuống chiếc mâm. Có người trông thấy hoảng hốt chạy tới võ đường Long Xà báo cho võ sư Hồ Điệp rằng Hồ Cưu đã bị băm nát xác. Trong khi đoàn ứng cứu đang trên đường kéo về đình Thái Cẩm giải vây thì cái mâm gỗ vỡ tan, Hồ Cưu phải dùng thế võ “hốt ngựa” túm lấy đối phương để chống đỡ.

Sau trận này quan phủ Điện Bàn đã gọi ông và võ sư Quỳ lên phủ hạch hỏi về tội quấy rối an ninh trật tự. Hồ Cưu đưa ra chiếc áo dài ông mặc đã bị đối phương đâm thủng. Quan phủ đếm trên tấm áo có 21 vết dao, rựa nhưng người ông thì không có vết thương nào đáng kể nên cảm phục cho về…

Từ năm 1942 đến 1948, Hồ Cưu tham gia phong trào Việt Minh, làm công tác truyền bá chữ quốc ngữ và huấn luyện võ thuật cho đội Quyết Tử của tổng Định An.

Hồ Cưu hy sinh năm 1948 trong một lần vượt sông Thu Bồn, hưởng dương 36 tuổi. Ông được đưa về an táng trên đỉnh Đồi Mồi.(5)

 

Võ sư Hồ Cập, em ruột của Hồ Cưu cũng là một võ sĩ “bất khả chiến bại” trong nhiều năm. Ông cùng với Hồ Cưu đã từng so tài với các võ sĩ thượng thặng thời ấy như: Bửu Tiễn, Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Hồ Trọng Sơn, Đỗ Hy Sinh, Tôn Ngọc Lực và đạt các chức vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, vô địch Đông Dương từ năm 1938 đến 1941 ở hạng B (Hồ Cưu vô địch ở hạng A).

Võ sĩ Hồ Cập nổi tiếng với thế võ “Nghịch cước xuyên tâm” trong trận thắng “Long Hổ Hội” tại Đại Lộc vào năm 1960.

Long Hổ Hội là một võ đoàn đấu võ đài lưu động gồm hàng trăm võ sĩ danh tiếng do ông Tôn Ngọc Sách phụ trách. Đoàn có võ sĩ Tôn Ngọc Lực, 40 tuổi, cao 1,7m nặng 75kg là cao thủ võ lâm chuyên hạ đối thủ bằng những  độc chiêu. Cuối tháng 4–1960, võ đoàn “Long Hổ Hội” đến lập đài ở thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, suốt 5 đêm liền chưa có một võ sĩ nào của tỉnh Quảng Nam chịu đòn với Tôn Ngọc Lực được 2 phút. Lúc này, võ sĩ Hồ Cập đã 57 tuổi, cao 1,63m, nặng 56kg, nghe tin đoàn “Long Hổ Hội” đang “làm mưa, làm gió”, khinh thường Quảng Nam không có nhân tài, ông bèn cùng với một số người làng Châu Bí bơi qua sông Vu Gia đến Ái Nghĩa. Giữa lúc Tôn Ngọc Lực vừa mới đánh trọng thương một võ sĩ thì ông nhún mình vọt lên đài xin giao đấu. Hai bên xuất chiêu, lúc đầu, với sức thanh niên sung mãn Tôn Ngọc Lực ra đòn tới tấp, áp đảo Hồ Cập khiến khán giả có lúc phải nín thở vì lo sợ cho tính mạng của ông. Thế nhưng, đến phút thứ ba, bỗng nghe một tiếng “hự” rất lớn rồi thấy Tôn Ngọc Lực ngã trên sàn đấu. Được cấp cứu Tôn Ngọc Lực mới tỉnh và ngày hôm sau, võ đoàn “Long Hổ Hội” rút đi khỏi đất QuảngNam. Về sau Hồ Cập mới cho biết ông đã hạ đối phương bằng đòn “nghịch cước xuyên tâm”… Đó là thế võ bí truyền của phái Long Xà được võ sĩ Hồ Cập sáng tạo bằng cách áp sát đối thủ và tung ra cú đá hiểm hóc, chưa có người nào hóa giải được nên nghịch cước xuyên tâm còn có tên là “câu hồn cước”. (6)

Ông mất năm 1968.

 

Võ sư Hồ Công Vinh

Con của Võ sư Hồ Điệp, là truyền nhân đời thứ 9 của võ phái Hồ Công từ năm 2001 khi thân phụ qua đời. Ông sinh năm 1955, học võ với cha từ thuở nhỏ và thượng đài đấu võ lần đầu tiên vào năm 16 tuổi (1971) tại võ đài Ngô Văn Sở Đà Nẵng. 

Năm 1981, Hồ Công Vinh mở võ đường Long Xà ở Châu Bí, ông đã đào tạo được nhiều võ sĩ xuất sắc như: Nguyễn Văn Trị (2 huy chương vàng huyện Điện Bàn),  Đỗ Thanh An (huy chương đồng tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng), Trần Văn Đạt (2 huy chương bạc tỉnh QNĐN), Lê Văn Tâm (huy chương vàng tỉnh QNĐN), Hồ Công Thạch (con của võ sư Hồ Công Vinh, huy chương vàng Giải trẻ toàn quốc, huy chương bạc giải Vô địch quốc gia), Võ Thành Long (huy chương vàng giải Vô địch quốc gia 3 năm liền 2004-2006)...(7)

Trong cuộc hội thảo võ thuật tại Ninh Thuận, Hồ Công Vinh đã biểu diễn đòn “Nghịch cước xuyên tâm” của võ phái Long Xà khiến các võ sư vô cùng thán phục. Đây là một đòn khác thường rất sáng tạo vì nguyên tắc võ thuật là “roi liên, quyền nội”, chứ ít ai dùng cước trong khi áp sát đối thủ. Và tuyệt kỹ này được hội nghị chọn vào danh sách 28 thế đối kháng của võ thuật cổ truyền dân tộc…(8)

Võ sư Hồ Công Vinh đang tập hợp tất cả những quyền pháp võ Long Xà để viết lại thành cuốn sách “Võ Long Xà” lưu truyền hậu thế.

Hiện nay tại nghĩa trang tộc Hồ làng Châu Bí, xã Điện Tiến có đến 6 tấm bia mộ ghi danh hiệu “Võ sư” của tộc . (9)

 

Từ Quỳnh Đôi xứ Nghệ, võ tướng Hồ Công Sùng và các con đã chọn núi rừng Châu Bí làm quê hương thứ hai, khai sinh ra Võ phái Long Xà lưu truyền trong dòng tộc với những cao thủ võ lâm làm rạng rỡ cho nền võ học xứ Quảng . Sự nghiệp đó mãi mãi được người dân xứ Quảng ghi nhớ đúng như 2 câu đối ở nhà thờ tộc Hồ Công:

"Hữu khai tất tiên, công đức tòng lai viễn hỉ,

Khắc xương quyết hậu, tử tôn phất thế dẫn chi"

( Khai cuộc dẫn đầu, công đức ngàn sau lưu dấu.

Hưng công mở mối, cháu con tiếp bước noi truyền)

                                                (Nguyễn Thiếu Dũng dịch)

 

                                                                                                 C. Y. L

 

 

Tham khảo:

 

(1), (4), (7), (9) “Tộc Hồ và võ phái Hồ Công” của võ sư Trần Xuân Mẫn. Nguồn: vo-thuat.net

(2) “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Tiến    (1930-1977)”. NXB Đà Nẵng, năm 2001, trang 21, 37, 105.

(3) “Võ tướng Hồ Công Sùng và võ phái Long Xà” Nguồn: vocotruyenvn.net

(5), (6), (8) “Tìm lại những trận giác đấu của võ sĩ Long Xà”. Nguồn:Võ đường Vĩnh Xuân Vũ gia thân pháp - VinhxuanVietnam.Vn

Bài viết khác cùng số

Hoa phượng tháng ba - Tôn Nữ Ngọc HoaĐêm - Nguyễn Phương NgânNước mắt chảy ngược - Sử Hà Hạnh NhiCô gia sư nhỏ - Nguyễn Thị Cẩm GiangChuột và Sóc - Hồng ChiếnNgười mang tên dòng sông - Thanh QuếChúng tôi làm báo Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ - Đông San VĩNếu có lúc - Như NgọcAnh về xanh cùng hoa lá - Võ Kim Ngân Giấc mơ - Nguyễn Ngọc HạnhDọc mù sương - Trần TuấnBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..); nét vượt - Trần Phương KỳNét vượt - Trần Phương KỳBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..) - Trần Phương KỳChiều quê nhớ nội - Thanh VânÁo trắng - Vạn LộcTìm lại tuổi thơ - Phùng HiếuCâu thơ bỏ sót - Mai Mộng TưởngVườn mẹ - Nguyễn Nho Thùy DươngQuệ nội - Trần Trúc TâmBạn trà - Phạm PhátBờ thực - Nguyễn Thị Anh ĐàoKhắc khoải - Nguyễn Đức NamGiải mã nghệ thuật cổ Champa - James Blake Wiener-Hà Duy dịchBộ Châu làng Tân Thái- mấy suy nghĩ về văn bản - Đinh Thị ToanNhà văn và nỗi sợ - InrasaraBác sống trong ta, Bác ở giữa đời - Huỳnh Văn HoaĐóng góp của một gia tộc xứ Nghệ vào văn hóa xứ Quảng: Võ phái Hồ Công - Châu Yến LoanNguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu nhi - Thái Phan Vàng AnhNhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại - Bùi Như Hải