Cô gia sư nhỏ - Nguyễn Thị Cẩm Giang

19.06.2013

Cô gia sư nhỏ - Nguyễn Thị Cẩm Giang

Lớp Ngữ Văn K09 Đại học Quảng Nam

 Mấy ngày nay, căn nhà tôi trở nên lạnh ngắt. Bên ngoài, trời vẫn rỉ rả mưa. Cha đi đi, về về như một cái bóng lầm lũi, hoặc là sáng sớm hoặc là đêm khuya. Từ lâu cha không uống rượu, ông chọn cho mình một chất độc cố hữu đó là thuốc lá, vậy mà dạo này người cha lúc nào cũng nồng sặc mùi men. Có những đêm thấy ông về trước cửa, bóng đổ xiêu đổ vẹo, vậy mà tôi chẳng buồn chạy ra. Tôi không thể nào nâng cái thân nặng nề của mình ra khỏi tấm chăn. Có phải tôi cũng đang ủ ê một nỗi buồn không thể nói. Và cha chứ không ai khác mang nó đến đổ lên người tôi một cách khiên cưỡng. Tôi thấy mình ghét cha.

Tôi đã rất thương cha. Trong lòng, ông lúc nào cũng như cây đại thụ, và nhất là tình yêu ông dành cho tôi, cha dạy tôi cách đi xe đạp, cách bắt bóng đèn, chúng tôi làm việc với nhau như hai người đàn ông. Thế nhưng bây giờ tôi dửng dưng, không cảm giác.

Trời đêm về khuya với tôi thật đáng sợ, tôi không tài nào nhắm mắt. Tôi lại nhớ đến cô gia sư nhỏ của mình. Tôi không lí giải nỗi cảm giác này là thế nào, mọi thứ bắt đầu rối tung, khi tôi thấy mẹ quằn quại như điên dại trước mặt cô gái chỉ lớn hơn con mẹ năm tuổi. Mẹ khóc rất nhiều, nước mắt bết vào tóc, rủ xuống gương mặt nhiều nếp nhăn của mẹ. Tôi không hiểu cô giáo nhỏ của tôi đã làm điều gì. Sau lần đó tôi không còn gặp lại cô giáo một lần nào nữa. Sự nghi hoặc cứ dâng dần lên mà tôi không hiểu điều gì đang diễn ra. Mẹ bận với đau khổ của mình, cha bận phải đóng vai kẻ dằn vặt. Còn tôi, có ai biết tôi đang là người mất đi tất cả.

Đã hơn nhiều lần tôi đi tìm cô giáo, thằng con trai mười lăm tuổi ngày nào cũng đạp xe dọc trên đường chỉ để tìm một người con gái. Có lúc tôi tự hỏi, mình tìm cô giáo làm gì? Tìm để trả lời điều gì? Tôi chẳng biết, chỉ thấy nhơ nhớ nụ cười, ánh mắt và hình dáng nhỏ nhắn ấy cứ hiện lên trong giấc ngủ mộng mị của thằng con trai tuổi dậy thì. Có phải tôi thích cô giáo? Cha mẹ đâu biết tôi cũng đang chịu một sự mất mát đầu đời. Lúc này tôi không thể đồng cảm cho nỗi buồn khổ của mẹ hay của cha tôi nữa.

Tôi không nghe rõ cuộc nói chuyện giữa mẹ và cô ấy, tôi chỉ thấy những hàng nước mắt mẹ chảy tràn trên má. Còn cô, sao cô không khóc, nhìn cảnh tượng đó mẹ tôi như đóng vai một người yếu thế. Họ nói với nhau rất nhiều nhưng tôi tin chắc chính cha là nhân vật trong cuộc giãi bày đó, bởi không gì làm mẹ có thể khóc ngoài cha. Tôi rất hiểu mẹ. Bề ngoài, bà là người cứng rắn và nguyên tắc nhưng trước những gì liên quan đến cha bà dường như bất lực. Bà sợ cái quyết đoán âm thầm của ông. Có lúc tôi thấy thương mẹ vì sự chịu đựng dai dẳng đó của bà.

Trong một thoáng,  tôi vụt lên cái ý nghĩ về mối quan hệ của cha và cô giáo. Không thể. Tôi gạt phắt đi thành tiếng. Cha không thể. Đầu óc tôi lại loạn ngầu. Hình ảnh chiếc bật lửa hình trái tim bằng bạc. Đúng rồi, tôi đã từng nhìn thấy nó ở phòng cô giáo. Đó là món đồ cha luôn mang bên mình. Vật chứng chắc chắn về sự có mặt của cha tôi ở đấy, lẽ nào vậy. Tôi run lên với cái suy nghĩ định tội cha. Cha có lí do gì để có mặt ở phòng cô gia sư của tôi? Trong khi chính mẹ là người tìm cô giáo về dạy kèm văn cho tôi. Và cha chưa một lần bắt chuyện với cô ấy.

Càng lúc tôi thấy mẹ càng khóc nhiều hơn, chân tôi như bị đóng chặt ở mép tường, tôi không thể tiến gần hơn được nữa. Lưng gầy của cô giáo nhỏ bắt đầu run lên. Cô đang khóc. Cả hai người phụ nữ tôi yêu thương đang đối diện với điều gì? Chẳng lẽ đúng là cha. Được một lúc, mẹ nói thêm gì đó và cô giáo vụt chạy, tôi chỉ kịp nhìn thấy đôi mắt nhòe nhoẹt buồn. Tôi ghét mẹ, mẹ đã nói gì vậy? Ngoài trời đang mưa, tôi vẫn đứng đấy không làm gì cả, hình bóng ấy mất hút đi trong tầm mắt tôi. Trong lòng tôi như đang vụt mất điều gì quý giá lắm.Và cảm giác sẽ mất đi mãi mãi. Căn phòng chỉ còn mẹ, không ánh điện. Trời buông tấm màn tối làm tôi không còn nhìn thấy khuôn mặt mẹ nữa. Hôm nay không có bữa cơm chiều như mọi khi. Chỉ có mưa, mưa dần một lớn nhưng không chảy trôi chút buồn nào đang đặc quánh trong tôi.

Mấy ngày sau mẹ ra đi, tôi không biết mẹ đã đi đâu. Chỉ để lại cho cha một lá thư, ông xem qua đúng một lần, tôi nghĩ chắc cha hiểu mẹ. Còn tôi, sự ra đi của mẹ càng làm tôi thấy ghét cha mình. Trong trí óc tôi không thể nghĩ được điều gì có thể tha thứ cho ông. Cô giáo và mẹ, cuối cùng là thế nào? Nhưng tôi lại không dám hỏi cha. Tôi trở thành cái bóng nhỏ bé trong xó nhà. Chẳng ai còn quan tâm tôi. Tài sản tôi có là chút tiền tiêu vặt mẹ để lại, nhưng tôi không nghĩ mình cần nó làm gì.

Từ khi mẹ đi, cha cũng chẳng buồn nhúc nhích, ông ngồi lầm lì trong phòng, mặt rỏ đi trông thấy. Và lá thư của mẹ tôi không còn thấy lần nào nữa. Tôi thả những buổi chiều của mình ở quán Net, chỉ khi nhốt mình trong đó tôi mới không phải suy nghĩ, cũng chẳng buồn đi học.

Đêm dần về khuya cha vẫn chưa về. Tôi nghĩ, có lẽ cha đi tìm mẹ. Tôi vùng dậy đi tìm lá thư nhưng vô ích. Mọi thứ bị tôi lật tung ra nhưng lá thư lại không còn dấu vết tồn tại. Căn nhà trống vắng quá làm tôi òa khóc và rồi thiếp đi lúc nào không biết. Chiều hôm sau tôi thấy cha trở về nhưng chỉ một mình.  Một thoáng thất vọng. ông gọi tôi vào dặn dò, thật lòng, tôi chỉ đứng trước mặt ông như một cái xác biết nghe lời mà tai như điếc đặc một cách ngoan cố.

Cha tôi lại đi. Tôi chạy theo van vỉ, “cho con đi với cha”. “Chưa phải lúc”. Ông trả lời rồi bỏ tôi lại với hai hàng nước mắt. Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra với gia đình tôi nữa, tôi chán ghét cảm giác này. Đến trưa, dì Hai lên, có lẽ mẹ hay cha đã nhờ dì lên ở cùng tôi. Dì Hai cũng không nói điều gì và hình như cũng không biết chuyện gì.

Mấy ngày sau cha lại về, vẫn một mình, lần này tôi không thất vọng nữa, tôi biết chắc cha không đi tìm mẹ. Dì hai nói mẹ đang ở quê, cha không về đó. Ông đã đi đâu? Tôi nghĩ đến cô gia sư nhỏ. Chẳng lẽ??? Không dám chắc nhưng tôi thấy kinh tởm ông. Tôi muốn biết cuối cùng của sự thật. Mấy ngày nay tôi không còn nhớ cô gia sư nhiều nữa, tôi quay sang thương mẹ. Mẹ là nạn nhân, cả người con gái đó và cha…tôi đinh ninh với những ý nghĩ không dám thốt nên lời mà lòng tan nát.

Được vài ngày cha lại đi, lần này tôi quyết tìm ra sự thật, tôi nghĩ mình sẽ đi theo cha, và khoái trá khi vạch ra sự thật. Nhưng chưa nghĩ được nhiều, cha gọi tôi vào và bảo tôi chuẩn bị đi cùng. Tôi chỉ biết nhìn ông khó hiểu. Cha lúc nào cũng vậy.

Cha chở tôi bỏ lại quán nước bên đường cách thành phố không xa, bảo tôi ngồi đợi. Tôi nghĩ ông đi gặp cô gia sư, điều gì đó làm tôi linh cảm như vậy. Cha vừa rời khỏi, tôi cũng đi theo. Ông rẽ vào môt quán càphê sang trọng gần đấy. Một lát sau có người phụ nữ bước vào ngồi xuống trước mặt cha. Ý nghĩ đầu tiên không phải là cô giáo, tôi thoáng nhẹ lòng.  Tôi chọn lấy một chỗ quan sát an toàn, chỉ nhìn chứ không nghe được điều gì. Người đàn bà đó trạc tuổi mẹ nhưng có vẻ mặn mà và đôi mắt buồn rất giống cô giáo. Hai người nói chuyện với nhau như đã rất quen, ánh mắt cha nhìn bà ta mới thật khó hiểu, nó không giống khi cha nhìn mẹ. Tôi không hiểu rốt cuộc cha đang đóng vai gì ở đây. Có gì đó rất bất công với mẹ. Tôi phẫn nộ như chính cha đang phản bội mẹ và tôi. Tôi nhớ đến hình ảnh mẹ khóc trong bóng tối mà nguyền rủa. Cha ơi, cha đang làm gì vậy?

Họ vẫn nói chuyện với nhau, hình như cha đang rất đau lòng, cha tôi khóc. Nhưng không vì mẹ và vì tôi. Tôi chưa bao giờ thấy cha mình như vậy. Phản bội và xa lạ. Người đàn bà lấy trong ví chiếc bật lửa hình trái tim đặt vào tay cha. Vẫn là món đồ đó, cha siết chặt bất lực. Tôi trở lại quán nước ngồi như kẻ thất thần, đầu óc mơ hồ nghĩ. Tất cả có liên quan gì nhau? Cha trở lại, trước mặt tôi ông vẫn khoác lên mình bộ dạng của người cha mười mấy năm qua. Tôi tự hỏi sao cha có thể kìm nén giỏi đến vậy. Chúng tôi tiếp tục đi, gió thổi tạt vào người rát buốt.

Cuối cùng chúng tôi dừng lại ở nghĩa trang, cha vẫn im lặng, còn tôi lầm lũi theo cha. Tôi không hiểu cha đưa tôi đến đây làm gì? Đầu tiên là cô gia sư của tôi, sự đau khổ của mẹ, người đàn bà xinh đẹp và bây giờ là một nấm mồ chăng? Ai đang nằm tại đây?

“Chị gái con đó”. Tiếng cha nghẹn ngào, thân cha đổ sụp xuống nấm mồ còn thơm hương đất. Tấm hình trên bia, nụ cười, ánh mắt cô gia sư của tôi. Đầu óc tôi như đông cứng lại. Không một lời nói nào nữa, chỉ có nước mắt. Chúng tôi ngồi lại đó rất lâu. Cha đặt chiếc bật lửa hình trái tim lên mộ chị. Không cần lời giải thích. Tôi chỉ thấy sự tan nát rã rời. Mất mát…

Mấy ngày sau cha về quê đón mẹ lên, mẹ tiều tụy trông thấy. Và chiều nay gia đình tôi lại cùng nhau ăn cơm. Bữa cơm sao lạnh lẽo quá, không ai nói một lời. Đến đêm cha đi vào phòng ngồi xuống bên tôi, cha trao chiếc bật lửa hình trái tim bằng bạc. Cha nói nó vốn có một đôi, một cha để lại cho chị, một cho tôi. Chị mất vì tai nạn. Cả đêm tôi không thể chợp mắt, đó là món đồ duy nhất tôi có thể giữ lại của người con gái tôi yêu mến đầu đời, người chị gái mà tôi biết trong muộn màng. “QJ” hai chữ được khắc trên chiếc bật lửa, có lẽ là tên cha và người đàn bà đó. Mối tình cha bỏ lại trong quá khứ. Tôi bỗng thấy thương cha. Cuối cùng không biết phải trách ai. Khi đau khổ đã chia đều cho tất cả. Tôi thiếp đi trong nụ cười của cô gia sư nhỏ…

 

                                                                                                                                                                             C. G

Bài viết khác cùng số

Hoa phượng tháng ba - Tôn Nữ Ngọc HoaĐêm - Nguyễn Phương NgânNước mắt chảy ngược - Sử Hà Hạnh NhiCô gia sư nhỏ - Nguyễn Thị Cẩm GiangChuột và Sóc - Hồng ChiếnNgười mang tên dòng sông - Thanh QuếChúng tôi làm báo Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ - Đông San VĩNếu có lúc - Như NgọcAnh về xanh cùng hoa lá - Võ Kim Ngân Giấc mơ - Nguyễn Ngọc HạnhDọc mù sương - Trần TuấnBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..); nét vượt - Trần Phương KỳNét vượt - Trần Phương KỳBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..) - Trần Phương KỳChiều quê nhớ nội - Thanh VânÁo trắng - Vạn LộcTìm lại tuổi thơ - Phùng HiếuCâu thơ bỏ sót - Mai Mộng TưởngVườn mẹ - Nguyễn Nho Thùy DươngQuệ nội - Trần Trúc TâmBạn trà - Phạm PhátBờ thực - Nguyễn Thị Anh ĐàoKhắc khoải - Nguyễn Đức NamGiải mã nghệ thuật cổ Champa - James Blake Wiener-Hà Duy dịchBộ Châu làng Tân Thái- mấy suy nghĩ về văn bản - Đinh Thị ToanNhà văn và nỗi sợ - InrasaraBác sống trong ta, Bác ở giữa đời - Huỳnh Văn HoaĐóng góp của một gia tộc xứ Nghệ vào văn hóa xứ Quảng: Võ phái Hồ Công - Châu Yến LoanNguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu nhi - Thái Phan Vàng AnhNhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại - Bùi Như Hải