Hoa phượng tháng ba - Tôn Nữ Ngọc Hoa

19.06.2013

Hoa phượng tháng ba - Tôn Nữ Ngọc Hoa

“ Hoa phượng nở rồi ! Hoa phượng nở rồi các bạn ơi! ”

           Thay vì đứng nghiêm trong hàng mắt hướng về phía trước như mọi người thì cậu ta lơ đãng nhìn quanh. Và màu đỏ thân thuộc bất ngờ đập vào mắt nó. Quên phứt việc cả trường đang tập trung  chuẩn bị chào cờ, cậu ta nhảy cẫng lên hò reo sung sướng để sau đó nhận được vô vàn ánh  mắt đủ mọi ý nghĩa  và đáng sợ nhất là một lệnh phạt nhặt rác trên sân vì tội gây mất trật tự trong lúc chào cờ từ thầy hiệu trưởng.

           

                                     *                    *                    *

 

            Ngồi trong lớp nhưng Trí chẳng hiểu cô giáo đang nói gì vì đầu óc mải nghĩ đến cây phượng. Chiều qua cậu ta và thằng Hùng, thằng Chương, thằng Quý đá gà cỏ ở đó nhưng đã thấy tí hoa nào đâu. Sực nhớ giấc mơ lạ lùng đêm qua, Trí giật mình. Trong giấc mơ  có rất nhiều cô gái. Ai cũng mặc áo xanh cài hoa đỏ … Trí nhắm mắt cố hình dung lại những gì đã nghe, đã thấy… Cậu chìm dần chìm dần vào hun hút mênh mông không biết rằng một lệnh phạt khác chuẩn bị giành cho nó vì tội “ngủ trong giờ học”.

 

                                      *                    *                        *

 

Chuyện liên quan đến cây phượng lâu năm có tên là Phuợng Nhất

 

               Cách đây không lâu một nhóm người bệ vệ  từ thành phố đến trường đi quanh sân nghiêng ngó. Họ dừng lại dưới bóng cây phượng mé phải dãy phòng học bàn bạc. Vốn không tò mò nhưng Phượng Nhất  không thể nào không dõi theo  những cánh tay đầy quyền uy đang ra dấu khoanh vùng khoảng sân có mình trú ngụ, càng không thể không để tâm lắng tai nghe những tiếng nhỏ to hùng hồn xen với bối rối rụt rè khi họ quá gần  mình.

“Chặt bỏ cây phượng này ta sẽ có đủ diện tích để xây thêm hai phòng thay vì 8 phòng như trước đây.”

“ Phải đấy. Cây phượng cũng già lắm rồi, phải 30 năm là ít. Chặt lấy thêm đất là đúng.”

  Phượng Nhất bàng hoàng khi nghe cụm từ “chặt bỏ cây phượng”. Thì ra họ đang bàn đến việc loại bỏ mình . Nhất phải ra đi. Chao ôi! Phải vĩnh biệt tất cả ư? Nắng, gió, mưa , vuông sân, tiếng trống trường và hơn hết thảy là tiếng cười trong trẻo của nhũng cô cậu học trò hồn nhiên tinh nghịch. Phượng Nhất nghe nhói tận ruột gan. Lẽ nào đời cây của mình lại ngắn ngủi vậy! Lẽ nào phải rời xa tất cả! Lẽ nào phải hóa thành gỗ mục thành mùn khi niềm yêu cuộc sống này còn chảy đầy trong từng thớ gỗ. Một nỗi buồn vô hạn xâm chiếm…

        Phượng Nhất héo úa hẳn. Vẻ phiền muộn lộ trên sắc lá nhợt nhạt, cành nhánh uể oải. Mọi năm vào thời điểm này việc chuẩn bị đón chào mùa hè thật hào hứng , ráo riết nhất bao giờ cũng là Phượng Nhất. Nhập cư sân trường này trước tiên, Phượng Nhất luôn tiên phong. Từ việc tỏa rễ sâu trong lòng đất tìm nguồn sống  đến việc luyện thắm sắc đỏ được chúa Cây ban chờ ngày phô sắc đầy cành cùng với tiếng ve báo mùa hè đến khiến bao nhiêu học trò trầm trồ thích thú. Kể cả việc hóa thân những mảnh lá li ti xanh mướt thành những công phét ti vàng rực bay khắp sân trường khi mùa đông đến, Phượng Nhất luôn làm xúc động mọi người bằng vẻ đẹp của giống loài mình trước tiên. Vậy mà giờ đây…

Phượng Nhất nhắm mắt:

 “ Chúa Cây ơi! Thế là con không còn góp mặt với các Phượng Hai, Phượng Ba chào đón mùa hè nữa rồi. Không còn được thấy những ánh mắt sáng rỡ niềm vui của đám học trò thân thương khi nhận ra ánh lửa đầu tiên con nhóm  trên đầu cành bởi vì con báo cho chúng mùa hè đang đến, chúng sẽ thỏa thuê chơi đùa quên những giờ học luôn gấp rút trên lớp. Không còn nghe tiếng cười thích thú của các cô bé khi nhặt ánh lửa con thả xuống xếp thành hoa thành bướm ép vào trang vở. Ước chi con được đơm hoa một lần cuối trước khi từ biệt. Ước chi ước chi…”

 

                                                    *          *

 

    Những biến đổi xấu trên sắc diện Phượng Nhất khiến các Phượng Hai, Phượng Ba lo lắng. Họ không biết vì đâu. Vẫn nắng này mưa này sao họ mơn mởn mà Phượng Nhất ủ rũ. Họ đang háo hức dồn sức cho một cuộc phô diễn vẻ đẹp ngoạn mục sao chị cả của họ uể oải. Đành rằng chị cả ngụ một góc riêng chứ không quây quần trên sân như họ nhưng điều này không mới. Hằng bao nhiêu năm nay vậy mà. Hay bọn nhóc nghịch ngợm khắc khoét  thô bạo lên thân hoặc bẻ cành gây đau đớn? Nhưng gió bão còn hung bạo hơn nhiều, vặn cành bứt nhánh, trốc rễ nghiêng thân bao lần chị cả vẫn lẫm liệt tồn tại tươi hoa tốt lá khi hè đến thu sang. Các Phượng thì thầm với nhau chia sẻ nỗi băn khoăn. Gió khuếch âm tiếng thì thầm thành âm thanh lao xao khác thường khiến bọn nhóc ngơ ngác nghiêng tai tìm quên cả việc để tâm đến bài học cô giáo đang say sưa giảng.

                             

                                     *                      *                            *

 

          “ Công trình 10 phòng học sẽ khởi công vào ngày ….tháng tư. Để có mặt bằng bàn giao cho bộ phận thi công chúng ta phải chặt bỏ cây phượng ở mé sân bên phải. Ai cần củi thì đăng ký và chịu trách nhiệm đốn hạ dọn dẹp”. Tiếng sang sảng của thầy hiệu trưởng trong cuộc họp vọng đến Phượng Ba Một vốn ngụ trước sân gần phòng làm cô giật mình. Thì ra là vậy. Thì ra nguyên nhân ủ ê của chị Nhất là thế này đây. Phát hiện làm Ba Một rụng rời. Trời ơi! Chị Nhất phải lìa bỏ cuộc sống trong mùa chuẩn bị bung hoa ư? Chị Nhất phải xa cả bọn sao? Sao Chị Nhất phải xa đám học trò mỗi năm mỗi lớn mỗi năm mỗi ngoan? Ba Út  truyền tín hiệu báo tin dữ đến các chị. Họ lại thì thầm …Học trò lại ngơ ngác nghiêng tai tìm.

     “ Bây giờ ai cũng đã biết vì sao chị Nhất buồn. Thương chị quá. Làm sao đây?”

          “  Chị ấy luôn là niêm kiêu hãnh của nhà ta. Lửa hoa chị bao giờ cũng rực rỡ nhất. Xanh của lá chị không ai trong chúng ta đẹp bằng. Khi non mởn như lụa, khi vàng lộng lẫy như thu. Tiếc quá!”

         “ Sắp đến Hội hoa mùa hè rồi, vắng chị Nhất liệu chị em nhợt nhạt  chúng mình có làm cô Mùa hè vừa lòng không nhỉ?”

         “ Có lẽ chúng ta nên đến gặp Chúa Cây may ra có cách nào giúp chị ấy không”.

         “ Phải đấy. Phải đấy”

         Các Phượng  hồ hởi ủng hộ ý kiến của Hai Một vốn được coi là thông minh nhạy cảm nhất đám. Họ hối hả kéo nhau đi.

 

                                      *                        *                          *  

          

     Giấc mơ của Trí   

 

     Một khu vườn mênh mông đầy cây đẹp và lạ, hoa đua nhau khoe sắc, chim chóc bay chuyền véo von bằng đủ giọng. Giữa vườn là ngôi nhà dáng dấp thanh thoát nhưng rất lộng lẫy bởi ánh sáng muôn màu phản chiếu từ các nhành lá và sắc hoa. Nhà gần như không có cửa bởi bộn bề là pha lê trong suốt. Trí nhìn thấy rõ từ xa một vật gì giống Ti- vi màn hình phẳng nhà chú Hùng nhưng lớn gấp mấy lần. Ngồi trên cái ghế bành kết quanh bằng hoa hồng vàng đặt trước Ti-vi (Trí tạm gọi thế vì chưa thấy rõ lắm) là một phụ nữ xinh đẹp, hồn hậu. Cậu bé tự hỏi không biết người này là ai.

     - Thưa Chúa Cây, chị em Phượng chúng con ở sân trường Tiểu học Tình thương muốn gặp người ạ!

Trí giật bắn mình ngoái lui và lẹ làng nép vào khóm bông trang đỏ thắm. Một tốp bảy tám cô gái áo voan xanh lá cây có độ đậm nhạt khác nhau đầu cài hoa phượng vĩ vừa ùa vào vừa đồng thanh lên tiếng. Thì ra đây là Chúa Cây, người cai quản điều hành muôn loài thực vật.

-Chuyện gì vậy các con? Vào đây vào đây.

     Các cô nắm tay nhau vào ngồi quanh Chúa Cây nhanh nhảu  trình bày đầu đuôi câu chuyện và ngỏ ý muốn được giúp đỡ.

       - Lấy chỗ làm trường là đúng. Trẻ em cần có nơi học tập rộng rãi thoáng mát mới đủ điều kiện phát triển, trở thành người hữu ích sau nầy. Ta không trách con người khi muốn chặt bỏ Phượng Nhất. Chúng ta sinh ra cũng để giúp loài người bằng cách này hay cách khác. Chỉ thương cô ấy không còn khoe sắc trong hội hoa sắp tới.

-Dạ thưa. Chúng con cũng nghĩ vậy, hay là…

-Con định nói gì hở Hai Một?

-Hay là, Chúa cho phép chị ấy dự hội hoa trước chúng con được không ạ!

-          Phải đấy. Phải đấy.

      Các cô gái lại đồng thanh hưởng ứng.

      Chúa Cây trầm ngâm khi nghe thỉnh cầu của các cô gái. Mới qua Tết không lâu. Sắc  đỏ chưa ủ đúng độ. Thời gian còn lại của Phượng Nhất rất ít. Cứ như lời thầy Hiệu trưởng thì nửa tháng  nữa Phượng Nhất sẽ phải lìa sân lìa cuộc sống. Ý các Phượng  thật tốt. Để xem… Phải rồi.

         “Lại đây các con. Ta cũng thương Phượng Nhất như các con nhưng muốn đạt ý nguyện đã trình bày chỉ có cách này.”

        “ Cách gì? Cách gì? Xin người cứ nói. Chúng con sẵn sàng theo”. Các Phượng háo hức.

        Trí thấy Chúa Cây động đậy mấy ngón tay  và một âm thanh quen thuộc vang lên . Gì vậy nhỉ? Trí bạo dạn rời chỗ nấp nhìn vào và  tìm được câu trả lời khi thấy màn hình TV bật sáng với vô vàn ô xanh ô đỏ và những dòng chữ dày đặc . À, thì ra vậy. Đó là tín hiệu âm thanh báo  máy tính đã sẵn sàng hoạt động mà Trí thường nghe mỗi khi chị Nga con bác Trung mở máy. Màn hình lớn đó chính là màn hình máy tính của Chúa Cây chứ không phải Ti-vi như Trí đoán lúc đầu.

       -  Các con xem. Thông tin mới cập nhật cho biết lượng ĐỎ đang được ủ để phân phối cho từng Phượng chưa đủ. Nếu tất cả các Phượng đồng ý dồn phần mình cho Phượng Nhất thì may ra…Nghĩa là các con phải hi sinh.”.

        “  Chúng con sẵn sàng, sẵn sàng. Tất cả cho chị Nhất”.

        “ Giỏi lắm. Các con thật biết sống” .

 Chúa Cây vừa nói vừa cầm lên  vật gì nho nhỏ y như  điện thoại di động của cô giáo và cất tiếng, giọng dứt khoát nhưng đầy tình cảm :

         “ A lô! Rút lượng ĐỎ chuẩn bị cấp cho các Phượng Hai, Phượng Ba  thuộc sân trường Tiểu học Tình thương cấp thêm cho Phượng Nhất càng nhanh càng tốt…Thắc mắc sẽ được rõ sau.”.

    Trí mở to mắt ngạc nhiên, suýt bị lộ nếu không kịp ghìm tiếng A A …thích thú . Đúng là điện thoại di động. Chúa Cây cũng  dùng máy tính và điện thoại di động. Trí đi từ  ngạc nhiên này  đến ngạc nhiên khác.

 

                                                 *                     *                   *

 

     Trí thực hiện lệnh phạt trong giờ chơi. Cậu ta vừa  tha thẩn nhặt rác, mặc chúng bạn chơi đùa có đứa còn quay sang trêu tức Trí, vừa nhớ lại giấc mơ. Cũng may là chỉ lèo tèo mấy mẩu giấy kẹo - chắc của bọn con Lan, con Hiếu vốn hay ăn quà vặt lại thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Xong việc cậu chạy lại bên cây phượng  vẻ ngưỡng mộ không giấu diếm.

         Dù bị phạt nhưng Trí không lấy làm xấu hổ, ngược lại cậu còn cảm thấy tự hào bởi chỉ mình cậu mới có giấc mơ đáng giá đó. Chỉ mình cậu biết sự thật về sự ra hoa khác thường của cây phượng. Chỉ mình cậu biết được rằng cây cối cũng có Chúa tể, có tâm hồn, biết chia sẻ buồn vui. Cậu chỉ tiếc không biết tường tận những gì diễn ra sau đó vì giấc mơ bị cắt đứt bởi tiếng mẹ gọi dậy ôn bài cho bài kiểm tra trong ngày.

-          Đẹp lên nữa đi phượng nhé, ta không bao giờ quên Phượng.

     Cậu âu yếm miết tay lên lớp vỏ xù xì đầy những vết khắc ngộ nghĩnh của học trò trong đó có Trí, ngước nhìn vòm lửa đỏ rực, mĩm cười.

      Năm ấy, trừ cây phượng góc sân nở hoa khác thường- giữa tháng ba, toàn bộ phượng trên sân trường TÌNH THƯƠNG thuần một sắc xanh hoặc lác đác đơm vài bông màu èo uột.

      Và không ai - kể cả cô giáo- biết được giấc mơ lạ lùng của Trí.

 

T.N.N.H

Bài viết khác cùng số

Hoa phượng tháng ba - Tôn Nữ Ngọc HoaĐêm - Nguyễn Phương NgânNước mắt chảy ngược - Sử Hà Hạnh NhiCô gia sư nhỏ - Nguyễn Thị Cẩm GiangChuột và Sóc - Hồng ChiếnNgười mang tên dòng sông - Thanh QuếChúng tôi làm báo Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ - Đông San VĩNếu có lúc - Như NgọcAnh về xanh cùng hoa lá - Võ Kim Ngân Giấc mơ - Nguyễn Ngọc HạnhDọc mù sương - Trần TuấnBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..); nét vượt - Trần Phương KỳNét vượt - Trần Phương KỳBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..) - Trần Phương KỳChiều quê nhớ nội - Thanh VânÁo trắng - Vạn LộcTìm lại tuổi thơ - Phùng HiếuCâu thơ bỏ sót - Mai Mộng TưởngVườn mẹ - Nguyễn Nho Thùy DươngQuệ nội - Trần Trúc TâmBạn trà - Phạm PhátBờ thực - Nguyễn Thị Anh ĐàoKhắc khoải - Nguyễn Đức NamGiải mã nghệ thuật cổ Champa - James Blake Wiener-Hà Duy dịchBộ Châu làng Tân Thái- mấy suy nghĩ về văn bản - Đinh Thị ToanNhà văn và nỗi sợ - InrasaraBác sống trong ta, Bác ở giữa đời - Huỳnh Văn HoaĐóng góp của một gia tộc xứ Nghệ vào văn hóa xứ Quảng: Võ phái Hồ Công - Châu Yến LoanNguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu nhi - Thái Phan Vàng AnhNhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại - Bùi Như Hải