Bộ Châu làng Tân Thái- mấy suy nghĩ về văn bản - Đinh Thị Toan

19.06.2013

Bộ Châu làng Tân Thái- mấy suy nghĩ về văn bản - Đinh Thị Toan

Vừa qua, khi đi nghiên cứu điền dã ở làng Tân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), chúng tôi được tiếp cận tập tài liệu gọi là “bộ châu” của làng Tân Thái, niên đại Cảnh Hưng nguyên niên (1740). Tài liệu được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, đóng tập gồm 6 tờ (bao gồm cả bìa, trong đó chỉ có 3 trang viết chữ), khổ 17cm x 29cm, bìa ngoài có hai chữ “châu bộ” và đóng dấu triện. Nội dung rất ngắn gọn, nói đến việc khai ấp lập làng, đồng thời ghi rõ danh tính của những vị được coi là tiền hiền, hậu hiền có công trong quá trình khai phá và phát triển làng Tân Thái.

Dưới góc độ văn bản học, chúng tôi nhận thấy tài liệu rất thiếu độ tin cậy. Dẫn chứng thì có nhiều, nhưng rõ ràng và phổ biến nhất là những sai sót rất cơ bản liên quan đến Hán ngữ và những vấn đề thuộc lĩnh vực lịch sử trong văn bản.  Là người có chút Hán học, chúng tôi thấy cần thiết phải trình bày những bản ý của mình về tài liệu nói trên với mong muốn sẽ mang đến cho nhiều người những điều hữu ích.

Để bạn đọc tiện theo dõi, cách trình bày của chúng tôi là: trước hết, dẫn nguyên văn toàn bộ chữ Hán của văn bản, rồi phiên âm; sau đó, nêu và đánh giá những sai sót cơ bản. Cuối cùng, trên cơ sở đó, mới đưa ra bản dịch hoàn chỉnh.

1. Chữ Hán và phiên âm văn bản

Chữ Hán:

朱 簿   

奉 編 大 越 國 南 營 鎮 奠 盤 附 延 福 縣 安 留 下 總 新 安 社 奉 趾 原 前 開 基 立 業 窃 立 社 号 年 庚 乙 卯 皇 朝 黎 意 宗 年 号 頻 有 內 面 前 有 列 計 名 前 人 于 後 鄉 員 潘 文 明 年 庚 六 十 歲 鄉 老 潘 文 浪 年 庚 六 十歲 鄉 豪 阮 文 愛 年 庚 六 十 二 歲 上 書 簿 吏 陳 文 該 年 庚 六 十 三 歲 鄉 伸 黎 公 悲 年 庚 六 十 四 歲 鄉 豪 黃 金 鐘 年 庚 六 十 二 歲 簿 文 記 作 合 開 基 歸 民 立 邑 太 歲 年 庚 申 元 年 朝 黎 顯 宗 号 景 興 陸 月 貳 拾 日 窃 立 社 号 新 安 社 有 面 列 計 于 後 鄉 伸 黎 公 悲 手 記 上 書 簿 吏 陳 文 該 手 記 社 長 阮 文 愛 手 記 鄉 豪 黃 金 鐘 手 記 鄉 員 陳 文 模 手 記 鄉 員 范 文 (*)手 記 鄉 員 阮 文 弟 手 記 鄉 員 黎 文 泰 手 記 鄉 員 吳 文 年 手 記 鄉 員 鄧 文 岸 手 記

到 後 日 南 安 諸 派 族 順 讓 分 地 分 界 貳 十 一 畝 至 分 地 福 江 社 呈 路 木 今 地 之 界 南 安 合 新 安 順 讓 諸 派 族 六 人 仝 記 交 認 立 為 憑 社 長 張 公 弼 阮 有 教 陳 文 舌 武 文 謨 潘 文 (*) 阮 文 (*) 社 福 江 貳 人 仝 記 執 認 潘 文 用 阮 文 畱

景 興 元 年

Phiên âm:

            Châu bộ

            Phụng biên Đại Việt quốc, Nam Dinh Trấn, Điện Bàn phụ, Diên Phước huyện, An Lưu Hạ tổng, Tân An xã phụng chỉ nguyên tiền khai cơ lập nghiệp thiết lập xã hiệu, niên canh Ất Mão hoàng triều Lê Ý Tông niên hiệu Tần Hữu (Hựu) nội diện tiền hữu liệt kê danh tiền nhân vu hậu: Hương viên Phan Văn Minh, niên canh lục thập tuế. Hương lão Phan Văn Lãng, niên canh lục thập nhất tuế; Hương hào Nguyễn Văn Ái, niên canh lục thập nhị tuế; Thượng thư Bộ Lại Trần Văn Cai, niên canh lục thập tam tuế; Hương thân Lê Công Bi, niên canh lục thập tứ tuế; Hương hào Hoàng Kim Chung, niên canh lục thập nhị tuế (Bộ văn kí) tác hợp khai cơ quy dân lập ấp.

Thái tuế niên Canh Thân nguyên niên triều Lê Hiển Tông hiệu Cảnh Hưng lục nguyệt nhị thập nhật thiết lập xã hiệu Tân An xã hữu diện liệt kê vu hậu: Hương thân Lê Công Bi thủ kí. Thượng thư Bộ Lại Trần Văn Cai thủ kí. Xã trưởng Nguyễn Văn Ái thủ kí. Hương mục Hoàng Kim Chung thủ kí. Hương viên Trần Văn Mô thủ kí. Hương viên Phạm Văn Dặc thủ kí. Hương viên Nguyễn Văn Đệ thủ kí. Hương viên Lê Văn Thái thủ kí. Hương viên Ngô Văn Niên thủ kí. Hương viên Đặng Văn Ngạn thủ kí.

            Đáo hậu nhậtNamAn chư phái tộc thuận nhượng phân địa phân giới nhị thập nhất mẫu, chí phân giới địa Phước Giang xã trình lộ mộc. Kim địa chi giớiNamAn hợp Tân An thuận nhượng.

           Chưphái tộc lục nhân đồng kí giao nhận lập vi bằng. Xã trưởng Trương Công Bật, Nguyễn Hữu Giáo, Trần Văn Thiệt, Vũ Văn Mô, Phan Văn Đốt, Nguyễn Văn Chừ.

            Xã Phước Giang nhị nhân đồng kí chấp nhận. Phan Văn Dụng, Nguyễn Văn Lưu.

            Cảnh Hưng nguyên niên.

2. Đánh giá văn bản

 

2.1. Văn bản này còn mang nhiều lỗi về câu chữ, nếu không muốn nói là nó đã được ghi chép một cách sơ sài, cẩu thả và chứng tỏ người ghi chép rất “yếu” về Hán ngữ. Đơn cử một số trường hợp điển hình như sau:

Trước hết là lỗi về dùng chữ. Ngay ở trang bìa, chỉ với hai chữ “châu bộ” 朱 簿     thì văn bản đã viết sai chữ “châu” 朱. Chữ “châu” 朱 này có nghĩa là sắc đỏ đậm, hoặc họ Châu (còn “bộ” 簿 nghĩa là sổ sách). Trong trường hợp này, chữ “châu” phải viết là 硃, nghĩa là son (Phiến sớ đóng thành tập có bút phê bằng son của vua thì gọi là châu bản). Cũng xin nói thêm, “châu bộ” là cách gọi kính trọng của dân gian để chỉ những văn bản của làng xã ghi chép về ruộng đất, có đóng ấn triện của vua (cụ thể ở đây là chúa Nguyễn), nó được hiểu là văn bản đã được vua (hay chúa) phê duyệt. Vì vậy, chúng tôi thấy lạ (nếu không nói là ngược đời) khi có hai chữ “châu bộ” ở trang bìa của văn bản.

Ở chỗ nêu địa danh hành chính Điện Bàn, thay vì phải viết “Điện Bàn phủ” 奠 盤 府 thì “bộ châu” đã viết sai thành “Điện Bàn phụ” 奠 盤 附. “Phủ”  府tức là chỉ đơn vị hành chính lúc bấy giờ ở trên cấp huyện, dưới cấp trấn; còn “phụ” 附 là “nương theo, dựa theo”, có nghĩa hoàn khác hẳn. Tiếp theo, ở từ “phụng chỉ” thì chữ “chỉ” không thể viết là 趾 (nghĩa là “chân, nền”) mà phải viết là 旨, tức sắc chỉ của vua ban.

 Riêng với tên chức vụ “Thượng thư Bộ Lại”, “bộ châu” viết là 上 書 簿 吏, đã phạm đến hai lỗi về dùng chữ, đồng thời còn lỗi về trật tự từ ngữ (sẽ bàn ở dưới). Chúng ta đã biết, bộ là cơ quan chính quyền trung ương, phụ trách một lĩnh vực hoạt động của nhà nước, do thượng thư đứng đầu. Thời phong kiến thường có 6 bộ: lại, hộ, lễ, binh, hình, công. Bộ lại phụ trách về tổ chức và quản lý quan lại, tức vấn đề nhân sự nói chung. Vì vậy, “bộ” phải được viết部, chứ không phải “bộ” 簿 có nghĩa là “sổ, vở”; còn “thượng” trong thượng thư thì phải viết 尚 , tức là “chủ về, coi về, phụ trách”, chứ không thể viết上, nghĩa là “trên” được.

Về niên hiệu của vua Lê Ý Tông (1735 - 1740), “bộ châu” ghi 頻有 (phiên âm là “Tần Hữu” hoặc “Tần Hựu”) là hoàn toàn sai sự thật. Đúng phải là永祐, đọc là Vĩnh Hựu (hoặc Vĩnh Hữu). Trong lịch sử phong kiến ViệtNam, không hề có một vị vua nào có niên hiệu là Tần Hữu như trên.

Một số lỗi cơ bản về trật tự từ ngữ. Trở lại với cụm từ “Thượng thư Bộ Lại” nói trên, viết đúng theo trật tự chữ Hán phải là “Lại Bộ Thượng thư” 吏 部 尚 書chứ không thể là “Thượng thư Bộ Lại” như chữ quốc ngữ được. Tương tự như vậy, “xã Phước Giang” theo trật tự chữ Hán phải ghi “Phước Giang xã” 福 江 社chứ không thể ghi “xã Phước Giang” 社福 江 được.

Đối với các con số trong chữ Hán, có thể viết theo kiểu giản thể hoặc phồn thể, ví dụ “nhị” có thể viết là 二 (giản thể) hoặc 貳 (phồn thể), “nhất” có thể viết 一 (giản thể) hoặc viết 壹 (phồn thể). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đặc biệt là những văn bản liên quan đến mua bán, trao đổi thì buộc phải viết chữ phồn thể để tránh việc thêm bớt nét thành ra chữ khác. Đó chính là dụng ý của tiền nhân để ngăn chặn những hành vi gian lận. Văn bản này (tức “châu bộ”) có nói đến chuyện cắt nhượng đất đai, cho nên nhất thiết phải viết các con số theo dạng phồn thể. Thế nhưng, “châu bộ” không tuân thủ nguyên tắc quan trọng này, vẫn viết 貳 十 一 畝 “nhị thập nhất mẫu”.

2.2. Về những vấn đề liên quan đến lịch sử, “bộ châu” có những chi tiết quan trọng chứng tỏ văn bản này được lập ra ở thời kỳ sau, không thể có niên đại Cảnh Hưng nguyên niên (1740).

Đầu tiên xin nói về Bộ Lại và chức Thượng thư Bộ Lại. Trong “bộ châu” có nêu Thượng thư Bộ Lại Trần Văn Cai. Xem lại lịch sử cho thấy, lúc này (1740 – thời điểm lập “bộ châu”) ở Đàng Trong chưa có bộ lại nói riêng và cả lục bộ nói chung. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) mới “đổi Ký lục làm Lại Bộ. Nha úy làm Lễ Bộ, Đô tri làm Hình Bộ, Cai bạ phó đoán sự làm Hộ Bộ, đặt thêm hai bộ Binh và Công để chia chức chưởng” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.153). Như vậy, không thể có chức Thượng thư Bộ Lại (ở thời điểm năm 1740) như ghi chép của tài liệu trên. Chúng tôi thử tra tìm trong sử cũ cũng chẳng thấy ông Trần Văn Cai nào giữ chức Thượng thư Bộ Lại cả.

Thứ hai, thật lạ lùng “bộ châu” sử dụng miếu hiệu của các vua Lê để xác định thời gian các sự kiện thành lập xã hiệu của bổn xã từ năm 1740 trở về trước, trong khi lúc bấy giờ, các vị vua (được nhắc đến trong văn bản) thì vẫn còn tại thế!? “Bộ châu” viết: “Phụng chỉ nguyên tiền khai cơ lập nghiệp thiết lập xã hiệu, niên canh Ất Mão hoàng triều Lê Ý Tông niên hiệu Tần Hữu (Hựu)… ”, nghĩa: Phụng chỉ vua, nguyên trước đây đã khai cơ lập nghiệp thiết lập xã hiệu trong năm Ất Mão triều Lê Ý Tông niên hiệu Tần Hữu (sự thật là Vĩnh Hựu, không phải Tần Hữu); và: “Thái tuế niên Canh Thân nguyên niên triều Lê Hiển Tông hiệu Cảnh Hưng lục nguyệt nhị thập nhật thiết lập xã hiệu Tân An xã …”, nghĩa: Năm Canh Thân nguyên niên[1], triều Lê Hiển Tông, hiệu Cảnh Hưng tháng 6 ngày 20, thiết lập xã hiệu Tân An…

Chúng ta đã biết, vua Lê Ý Tông (1735-1740), tên Lê Duy Thận, lại có tên Duy Chấn, con thứ 11 của vua Dụ Tông. Ông lên ngôi vào năm 1735, đến năm 1740 thì nhường ngôi làm thượng hoàng. Ông mất năm Kỹ Mão (1759). Trong 5 năm tại vị, vua chỉ dùng một niên hiệu là Vĩnh Hựu 永祐. Vua Lê Hiển Tông (1740-1786), tên Lê Duy Diêu, con trưởng của vua Lê Thuần Tông, gọi Lê Ý Tông bằng chú ruột. Ông lên ngôi năm 1740, tại vị 36 năm, mất năm Bính Ngọ (1786). Và chúng ta cũng đều biết, các tên gọi Lê Ý Tông và Lê Hiển Tông nhắc ở trên là miếu hiệu của nhà vua, chỉ được đặt sau khi vua đã băng hà. Thế mà năm 1740, các miếu hiệu này đã xuất hiện trong “bộ châu” của làng Tân Thái.

 Có lẽ người ghi chép tài liệu có tài tiên đoán nên biết được miếu hiệu triều đình đặt cho vua sau khi ngài băng hà(!). Nhưng dù có giỏi như vậy cũng không tránh khỏi rơi đầu vì tội khi quân. Như vậy, rõ ràng là văn bản này được ghi chép sớm nhất cũng phải sau khi vua Lê Hiển Tông băng hà (tức sau năm 1786), không thể là năm 1740.

2.3. “Bộ châu” có nhiều chi tiết thể hiện sự không thống nhất về thông tin, nội dung không rõ ràng và thiếu các chứng cứ thuyết phục.

Về một số chức danh, “bộ châu” viết rất lẫn lộn. Như đã thấy ở trên, cùng một người mang tên Nguyễn Văn Ái nhưng ban đầu thì ghi là hương hào, sau thì ghi là xã trưởng. Nhưng chức xã trưởng không thể có hai người cùng giữ chức vụ một lúc, vì trên đã nói xã trưởng là ông Nguyễn Văn Ái, dưới lại nói xã trưởng là ông Trương Công Bật.

Bộ châu là một văn bản rất quan trọng của làng xã, vì vậy ở dòng niên đại thường phải ghi đầy đủ cả ngày, tháng và năm. Nhưng ở đây chỉ ghi gọn ghẽ “Cảnh Hưng nguyên niên”. Thêm nữa, ở trang đầu có nói việc lập xã hiệu là vào năm Vĩnh Hựu nguyên niên tức 1735 nhưng ở trang 2 lại nói ngày 20 tháng 6 năm Cảnh Hưng nguyên niên. Giả sử xem năm 1735 là năm viết tư liệu này thì cũng không đúng vì phần cuối có ghi năm viết là Cảnh Hưng nguyên niên 1740.

Thêm nữa, lúc đầu văn bản chỉ nhắc đến việc lập xã hiệu Tân An, nhưng đến trang hai lại xuất hiện “chư phái tộcNamAn” thuận nhượng đất đai (!). Chưa tính đến việc phân chia ruộng đất phải có sự đồng ý và kiểm duyệt của các cơ quan nhà nước cấp cao, thì ở đây đã có sự nhập nhằng khó hiểu.Chưphái tộc ở đây là những tộc nào? Hai mươi mốt mẫu đất thuận nhượng đó nằm ở xứ nào? Ranh giới phân chia ra sao? Tại sao trước thì nói chư phái tộc thuận nhượng đất đai nhưng sau lại nói thêmNamAn và Tân An thuận nhượng? Nếu có liên quan đến phần đất đai của Tân An thì tại sao không có đại diện của xã Tân An điểm chỉ…? Tất cả những điểm nghi vấn trên hoàn toàn có cơ sở và nhất thiết phải được kê khai rõ thì “bộ châu” này lại không ghi chép.

Bộ châu, thực chất là bản kê khai ruộng đất của làng xã (tức địa bạ) có đóng ấn triện của vua (hoặc chúa). Vì thế, nó không đơn giản chỉ là đôi ba dòng ghi chép sơ sài về chuyện cắt nhượng đất mà nhất thiết phải kê rõ số đất đai các loại, phân bố ở xứ nào, ai làm chủ.v.v. Cho nên, ngoài việc “bộ châu” này có quá nhiều lỗi về chữ nghĩa, câu từ, các vấn đề liên quan đến lịch sử và cách hành văn thì một điều đáng ngại là văn bản này chỉ dài 3 trang, và những nội dung nói trên không hề được đề cập.

3. Dịch nghĩa văn bản

Với sự hiểu biết và cách lý giải những sai sót văn bản như trên, chúng tôi tạm đưa ra bản dịch nghĩa như sau:

Bộ châu

            Phụng chép về xã Tân An, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh trấn Quảng Nam, nước Đại Việt. Phụng chỉ vua, nguyên trước đây đã khai cơ lập nghiệp thiết lập xã hiệu trong năm Ất Mão triều Lê Ý Tông niên hiệu Tần Hữu, trước mắt liệt kê danh tính của các vị tiền nhân như sau: Hương viên Phan Văn Minh, năm nay 60 tuổi; Hương lão Phan Văn Lãng, năm nay 61 tuổi; Hương hào Nguyễn Văn Ái, năm nay 62 tuổi; Thượng thư Bộ Lại Trần Văn Cai, năm nay 63 tuổi; Hương thân Lê Công Bi, năm nay 64 tuổi; Hương hào Hoàng Kim Chung, năm nay 62 tuổi (Bộ văn kí) cùng nhau khai cơ, quy dân lập ấp.

Năm Canh Thân nguyên niên, triều Lê Hiển Tông, hiệu Cảnh Hưng tháng 6 ngày 20, thiết lập xã hiệu Tân An, (những người) có mặt liệt kê như sau: Hương thân Lê Công Bi kí tay. Thượng thư Bộ Lại Trần Văn Cai kí tay. Xã trưởng Nguyễn Văn Ái kí tay. Hương mục Hoàng Kim Chung kí tay. Hương viên Trần Văn Mô kí tay. Hương viên Phạm Văn Dặc kí tay. Hương viên Nguyễn Văn Đệ kí tay. Hương viên Lê Văn Thái kí tay. Hương viên Ngô Văn Niên kí tay. Hương viên Đặng Văn Ngạn kí tay.

            Đến ngày sau, chư phái tộc Nam An thuận nhượng phân chia ranh giới đất đai 21 mẫu, đến chia ranh giới đất xã Phước Giang, trình lộ mộc (!). Nay địa giới (ấy) Nam An cùng Tân An thuận nhượng.

            Chư phái tộc 6 người cùng kí giao nhận, lập làm bằng chứng. Xã trưởng Trương Công Bật, Nguyễn Hữu Giáo, Trần Văn Thiệt, Vũ Văn Mô, Phan Văn Đốt, Nguyễn Văn Chừ.

Hai người xã Phước Giang cùng kí chấp nhận. Phan Văn Dụng, Nguyễn Văn Lưu.

Cảnh Hưng nguyên niên.

Bước đầu tìm hiểu, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn đây hoàn toàn là văn bản giả mạo. Có thể nói rằng, việc xuất hiện những tài liệu Hán Nôm giả trong dân gian không phải là hiếm. Việc khẳng định tính chân thực của các văn bản trên trước người dân cũng không phải dễ dàng vì nó liên quan đến vấn đề họ tộc, làng xã. Tuy nhiên, để đảm bảo tính xác thực của lịch sử, việc xác định đâu là văn bản chân, đâu là văn bản ngụy là hết sức cần thiết./.

Đ. T.T



[1] Kiểu viết này cũng rất ngược đời: không thể nói “nguyên niên” đối với năm theo can – chi, mà chỉ sử dụng kèm với niên hiệu nhà vua để xác định năm cụ thể (ví dụ: Tự Đức nguyên niên, tức Tự Đức năm thứ nhất - 1848). 

Bài viết khác cùng số

Hoa phượng tháng ba - Tôn Nữ Ngọc HoaĐêm - Nguyễn Phương NgânNước mắt chảy ngược - Sử Hà Hạnh NhiCô gia sư nhỏ - Nguyễn Thị Cẩm GiangChuột và Sóc - Hồng ChiếnNgười mang tên dòng sông - Thanh QuếChúng tôi làm báo Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ - Đông San VĩNếu có lúc - Như NgọcAnh về xanh cùng hoa lá - Võ Kim Ngân Giấc mơ - Nguyễn Ngọc HạnhDọc mù sương - Trần TuấnBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..); nét vượt - Trần Phương KỳNét vượt - Trần Phương KỳBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..) - Trần Phương KỳChiều quê nhớ nội - Thanh VânÁo trắng - Vạn LộcTìm lại tuổi thơ - Phùng HiếuCâu thơ bỏ sót - Mai Mộng TưởngVườn mẹ - Nguyễn Nho Thùy DươngQuệ nội - Trần Trúc TâmBạn trà - Phạm PhátBờ thực - Nguyễn Thị Anh ĐàoKhắc khoải - Nguyễn Đức NamGiải mã nghệ thuật cổ Champa - James Blake Wiener-Hà Duy dịchBộ Châu làng Tân Thái- mấy suy nghĩ về văn bản - Đinh Thị ToanNhà văn và nỗi sợ - InrasaraBác sống trong ta, Bác ở giữa đời - Huỳnh Văn HoaĐóng góp của một gia tộc xứ Nghệ vào văn hóa xứ Quảng: Võ phái Hồ Công - Châu Yến LoanNguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu nhi - Thái Phan Vàng AnhNhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại - Bùi Như Hải