Người mang tên dòng sông - Thanh Quế

19.06.2013

Người mang tên dòng sông - Thanh Quế

Vào một ngày đầu tháng 3-2003, trước khi Thu Bồn ra đi độ 3 tháng, nữ nghệ sĩ Lý Bạch Huệ, vợ anh bỗng đột ngột ghé thăm vợ chồng tôi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe nhau, chị nói:

 - Anh Thanh Quế hiện đang ở phòng cũ của anh Thu Bồn hồi Trại sáng tác văn học Quân khu V phải không ạ?

- Đúng rồi. Tôi nói.

Chị vui vẻ:

- Anh Thu Bồn có nhờ em ra đây chụp ảnh chiếc giường cũ mà ngày xưa ảnh đóng cho mẹ ảnh nằm. Bây giờ bỗng nhiên ảnh nhớ lại rất rõ những kỷ niệm về mẹ anh ạ. Ảnh thường kể cho em nghe rằng, xa mẹ 30 năm trời, hồi mới giải phóng, về quê ảnh thường cõng mẹ qua chiếc cầu tre bắc trên con mương nhỏ vì sợ mẹ đi qua sẽ té. Có thời gian, ảnh đưa mẹ ra ở với ảnh tại đây. Hàng ngày ảnh nấu cơm cho mẹ ăn, rót nước cho mẹ uống, cõng đưa mẹ đi tiểu tiện. Giờ thì ảnh nằng nặc bảo em ra đây chụp ảnh lại chiếc giường cũ ảnh đóng cho mẹ nằm…

Khi tôi cho hay rằng: chiếc giường cũ anh để lại đã hư lâu rồi (Thu Bồn đóng gỗ tạp và không chắc lắm, tôi phải bỏ đi rồi). Chị bỗng bưng mặt khóc hu hu:

- Làm sao đây anh. Biết nói với anh Trọng làm sao đây. Ảnh đang nằm bệnh, nóng ruột chờ em mang ảnh về cho ảnh xem…

Chị Bạch Huệ ra đi. Tôi nhìn theo và nghĩ: “Thu Bồn đã yêu con người này biết bao nhiêu”. Năm ngoái, khi ra Đà Nẵng họp mặt với anh em Văn nghệ Khu V, anh chỉ vào chị nói:

- Cuối đời mình may mắn còn có Huệ bên mình.

Ai cũng biết trong đời, Thu Bồn có nhiều lần cưới vợ và yêu nhiều tình nhân, nhưng vì nhiều lý do, mà anh mãi chưa có được một nửa của mình. Anh yêu trung thành, thủy chung với họ vô cùng và cũng thay đổi vô cùng khi họ không đáp ứng tình yêu như chính anh yêu họ.

Thu Bồn có 2 đứa con. Cháu Thảo Nguyên con trai đầu đã mất khi mới 12 tuổi vì bị nhiễm chất độc màu da cam. Khi đưa tang cháu, tôi nhớ có gặp một đám tang khác cùng đưa ra Văn Điển. Mọi người bên đám tang đang khóc tiễn một cụ già, bỗng xì xào: “Tội quá, cháu đó còn nhỏ quá”. Con trai thứ 2 của anh, cháu Băng Ngàn, đứa bé mà khi ra Bắc năm 1968, anh khoét 2 nắp ba lô để 2 chân cháu và đặt cháu trong ba lô cõng đi. Băng Ngàn cũng bị nhiễm chất độc da cam, sau này trở thành một chú bé không bình thường. Thu Bồn thường khóc với bạn bè khi nói về những đứa con.

Thu Bồn tính tình phóng khoáng, yêu bạn, chiều bạn, ưa giúp đỡ bạn. Hồi ở chiến khu, anh ở Ban Văn học Quân khu V, chúng tôi ở Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Khu V. Biết chúng tôi đói khổ hơn, mỗi lần cõng gạo,  bắp, anh ráng cõng thật nhiều để giành suất gạo ăn tăng đem cho chúng tôi. Lâu lâu anh gửi cho chúng tôi vài lon bắp, mấy phong bánh lương khô mà anh giành dụm được.

Thu Bồn có chút tiền là rủ bạn bè nhậu nhẹt. Hồi đi chiến dịch giải phóng Campuchia, tôi cùng Nguyễn Chí Trung, anh và Nguyễn Bảo đi chung trên chiếc xe cơ quan. Thu Bồn vừa lĩnh nhuận bút, tới Tây Ninh hay ở Trảng Bàng anh đều mua rượu thịt đãi chúng tôi. Có lúc, anh mua vài lít rượu, qua bên Campuchia, đêm rủ tụi tôi và anh em bộ đội cùng uống. Một lần, Nguyễn Chí Trung bắt được đã bảo anh sử hư lính và đem ra kiểm điểm. Thu Bồn khóc, hứa sửa chữa rồi tính nào vẫn tật nấy. Có lần ở tạp chí Văn nghệ quân đội, một bạn thơ đến chơi, không có tiền, Thu Bồn đẩy luôn cái phích và đôi giày mới phát mua rượu và thịt chó đãi bạn. Một lần khác là cái áo mưa lính, một lần nữa là bộ quần áo…Anh thường mua thức ăn về, vừa làm vừa bưng dọn, khuôn mặt hỷ hả lắm:

- Đã, đã lắm, nhậu đi mấy cậu…

 

*

*    *

 

Có một điều thú vị rằng: Thu Bồn sinh ra ở cùng làng với người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi - Làng Thanh Quít, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh QuảngNam. Trong nhiều năm, tôi vẫn thường đi qua lại làng này. Nó tiêu biểu cho một cái làng miền Trung trù phú: có đồng lúa, có nhiều nghề thủ công, buôn bán, có nhiều người học hành đỗ đạt. Mới 12 tuổi - vào năm 1947-Thu Bồn trốn nhà, trốn người mẹ yêu dấu đi làm liên lạc cho bộ đội, biền biệt 30 năm sau mới trở về, quỳ dưới chân mẹ xin mẹ tha lỗi, xin mẹ mừng con đã trở thành một nhà thơ biết hát lên những lời ca ngợi quê hương và mẹ.

Vốn yêu thơ từ nhỏ, những năm mới tập kết ra Bắc, Thu Bồn đã làm thơ với bút danh Hà Đức Trọng (tên thật của anh) in trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Những bài viết về đấu tranh thống nhất, về sinh hoạt trong bộ đội của người lính ấy bị lu mờ giữa bao tên tuổi khác, ngày nay ít người còn nhớ. Năm 1961, Thu Bồn trở về quê hương chiến đấu. Cuộc kháng chiến của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là nhân dân các dân tộc miền núi đã làm rung động trái tim thi sĩ. Như bao cán bộ, chiến sĩ ở chiến trường lúc ấy, ban ngày, nhà thơ của chúng ta phải dành cho những nhiệm vụ của cuộc chiến đấu-tồn tại để chiến đấu-bằng cách sản xuất để nuôi mình và đồng đội. Vẫn biết thơ cũng là vũ khí quan trọng, song lúc này phải dành nó vào thời gian rỗi, vào ban đêm. Lúc ấy, một cô bé Tây Nguyên dễ thương có tên là Hơtó ở làng Đepapơlếch, nằm sát căn cứ giặc ở Plâyme đã thức suốt nhiều đêm cầm ngọn đuốc lồ ô soi cho nhà thơ viết từng trang bản thảo trường ca Bài ca chim Chơrao bất hủ. Bản trường ca viết về sự hy sinh anh dũng của hai người con Kinh, Thượng, thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở. Bản trường ca cùng lúc vang vọng âm hưởng rực rỡ, bi tráng của các khan Tây Nguyên và sự mềm mại tha thiết của những điệu hò khoan, hát ru trữ tình dọc những làng biển miền Trung yêu dấu. Bài ca chim Chơrao thấm đẫm bút pháp lãng mạn cách mạng. Một trí tưởng tượng mãnh liệt tạo nên những hình tượng chói sáng, kỳ vĩ. Một hơi thở liền mạch, cuồn cuộn, cuốn người đọc đi trong môi trường cảm xúc có lẽ chỉ riêng Thu Bồn tạo dựng được. Một ngôn ngữ sinh động, cụ thể, giàu chất hội họa, mang theo sức khái quát sắc sảo, độc đáo:

Tiếng chinh chiêng đảo trời ngây ngất

Mỗi tiếng chiêng lóe lửa trời

Ơi ới tiếng người tiếng cồng gào thét

Những hòn đá nhọn nắng lên hơi.

Lửa rực hai khuôn mặt gầy rạng rỡ

Hai vòng tay lửa siết vào nhau

Người anh em ơi, đây là lời đất nước

Gắn bó đến cùng những lúc thương đau

 

Quân thù kia ơi! Một bầy man rợ

Bay đừng hòng khuất phục đời ta

Bay định đốt ta thành hai hòn than quỳ lạy

Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa…

 

Chuyện kể rằng: Khi viết xong trường ca này, Thu Bồn nghe tin nhà thơ Thanh Hải sẽ đi qua chỗ anh sản xuất để ra Bắc, đi nước ngoài. Thu Bồn chờ hết ngày này sang ngày khác, may mắn gặp được Thanh Hải. Anh gửi Trường ca ra Bắc. Ở miền Nam, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Thu Bồn biết Thanh Hải đã ra tới miền Bắc, đã đi nước ngoài, song không biết số phận Trường ca của mình ra sao.

Vào cuối năm 1965, Thu Bồn đang đi công tác ở đường dây thì gặp một đoàn cán bộ từ Bắc vào Nam, trong đó có nhà thơ Ca Lê Hiến, tức Lê Anh Xuân sau này. Ca Lê Hiến bắt tay Thu Bồn, báo tin trường ca Bài ca chim Chơrao đã được in báo Văn nghệ rồi in thành sách. Trong đoàn có nhà báo Đinh Phong có mang theo tờ báo Văn nghệ in trường ca Bài ca chim Chơrao, lập tức lật tận đáy ba lô lấy tờ báo ra tặng Thu Bồn. Thu Bồn ôm tờ báo vào ngực rơm rớm nước mắt. Sau đó Thu Bồn đi suốt 15 ngày đường, vượt qua cung đường nguy hiểm xuyên Plâyme để đến với làng nhỏ Đepapơlếch. Có báo động máy bay B52 của địch, làng ra hết ngoài rẫy. Thu Bồn đứng giữa nhà rông vắng teo hú từng hồi dài:

- Cái tờ giấy có miệng nói cho cả nước nghe bài ca của làng mình đây.

Ngay sau đấy ông già Siuken và cháu Hơtó về nhà. Cả làng cũng về theo. Thu Bồn đem tờ báo Văn nghệ trải ra trên chiếc nóp cho cả làng xem. Ông già Siuken nhìn cái tranh minh họa vẽ ché rượu gật gù, cháu Hơtó sờ mấy con chim lạc đang bay, cánh sãi bằng trên bầu trời mỉm cười. Ông già nói:

- Làng biết rồi, mày làm trường ca được. Bây giờ mày xé tờ báo này chia cho người làng, mỗi người một miếng.

Niềm vui ngắn ấy chợt tan biến. Lũ B52 ầm ì bay đến. Nhà rông rung lên với những tiếng thét gào. Thu Bồn nghe lạnh nhói sau lưng. Nhà rông tan biến. Tờ báo văn nghệ tan biến. Máu đổ. Ông già Siuken người vẫn thổi kèn đingnam cho nhà thơ nghe, bé Hơtó cầm đuốc soi cho nhà thơ viết trường ca đều bị thương…

Ngày Thu Bồn mất, ông già Siuken nức nở:

- Ái dà, Thu Bồn ơi, dao gãy ta sửa lại được, rìu mẻ ta mài lại được. Chết voi đực, chết voi cái ta mua con khác. Mày chết không lấy gì thay được.

Còn em gái Hơtó, giờ đã lớn thành cô gái váy tới bắp chân, mặc áo ngắn quá khuỷu tay, chống cằm thương nhớ:

- Chôn nó ở suối Lồ ồ à, sao không mang về đây, chôn trong vách rừng Palơkhơn để nhà mồ nó với nhà mồ của làng cùng chịu ướt một giọt sương?

Bài ca chim Chơrao như một sự mở đầu ngoạn mục, tiếp theo hàng chục trường ca của Thu Bồn ra đời: Vách đá Hồ Chí Minh, Chim vàng chốt lửa, Quê hương mặt trời vàng, Tiếng hú người Di ôloa, Badan khát, Ôran 76 ngọn, Campuchia hy vọng, Người gồng gánh phương nam, Hà Nội ngày nào…Mỗi trường ca viết sau có một bước tiến hơn so với trước, hoặc có những bước phát triển khác trước. Nếu Bài ca chim ChơraoVách đá Hồ Chí Minh được kết cấu theo cốt truyện, nhân vật xuất hiện và phát triển trên sợi dây sự kiện, trên một môi trường, một hoàn cảnh cụ thể thì tới Badan khát, tác giả kết cấu theo phương thức một nửa cốt truyện, một nửa chủ thể giãi bày, là một bước tiến đáng kể của Thu Bồn, từ đề tài chiến đấu sang đề tài xây dựng cuộc sống mới. Nhà thơ đã tìm ra cách bố cục có hiệu quả phản ánh vấn đề xây dựng xã hội chủ nghĩa trong thời bình. Đến Campuchia hy vọng, Thu Bồn tỏ ra chủ động, tự tin, táo bạo trong xử lý đề tài, xây dựng cốt truyện và nhân vật. Nội dung tác phẩm gắn với những vấn đề có ý nghĩa thời sự mà vẫn mang tính nhân văn sâu sắc. Còn hai trường ca Chim vàng chốt lửaQuê hương mặt trời vàng đi theo một vệt riêng. Ở đây Thu Bồn sử dụng bút pháp trữ tình, chủ yếu là tự thể hiện để nói về quê hương, đất nước và người lính. Ở các trường ca khác, hơi thơ khỏe mạnh, sôi nổi, phóng túng thì hai trường ca này, hơi thơ anh đằm xuống như lời tâm sự, một niềm khắc khoải nội tâm. Có thể nói Chim vàng chốt lửaQuê hương mặt trời vàng là thể nghiệm mới của nhà thơ, chứng tỏ sự năng động, biến hóa trong bút pháp của anh.

Tất cả các trường ca đó đều mang hơi thở mạnh mẽ của sử thi. Những tác phẩm ấy đã đưa Thu Bồn lên vai trò người dẫn đầu trong thể loại trường ca-thể loại kiến trúc tổng hợp của thi ca, thể hiện được những tư tưởng chủ đề lớn, bao trùm nhiều tuyến nhân vật phức tạp, những ngôn ngữ phong phú. Và điều quan trọng hơn là Thu Bồn đã mở đầu cho giai đoạn phát triển có tính chất quyết định cho thể loại trường ca trong quá trình phát triển của thơ Việt Nam. Các trường ca Bài ca chim Chơrao, Badan khát, Campuchia hy vọng là những trường ca chủ chốt của Thu Bồn, cũng là những trường ca quan trọng của thơ ViệtNam.

 

 

*

*   *

 

Bên cạnh trường ca, thơ trữ tình của Thu Bồn cũng mang đậm phong cách của tác giả: phóng khoáng, say đắm, hoang dã. Hai chủ đề chính trong thơ trữ tình của anh là quê hương chiến đấu và thơ tình yêu. Trong thơ trữ tình Thu Bồn cũng luôn trăn trở, tự đổi mới mình. Nếu tập Tre xanh anh chú ý đến chi tiết, sự việc mà anh trực tiếp chứng kiến với cảm xúc dạt dào, phóng khoáng thì đến Mặt đất không quên, tác giả đã tạo cho mình một khoảng cách cần thiết để quan sát, suy ngẫm, tiến gần đến một cách nói có sức khái quát về tư tưởng.

Cũng về một chiếc hầm bí mật, ở Tre xanh anh viết:

Giữ hầm mẹ đã hy sinh

Từng tia máu nhuộm bình minh chân trời

Trong Mặt đất không quên, anh viết những câu thơ thâm trầm hơn, khái quát hơn:

Đây chiếc hầm như một cuộc đời riêng

Tôi đánh đổi tháng năm và ánh sáng

Cho mặt đất không bao giờ quên lãng

Dưới chân cuộc đời còn có một trái tim

Thu Bồn là một trong những nhà thơ đương đại có nhiều bài thơ tình say đắm nhất. Anh có tập thơ có cái tên rất hay: 100 bài thơ tình nhờ em đặt tên. Anh nhờ ai, anh nhờ những người phụ nữ. Thu Bồn yêu nhiều phụ nữ, và cũng có nhiều phụ nữ yêu anh. Trong công việc, trong tình yêu anh là người dâng tặng hết mình…nhưng “cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu”. Nhà thơ cuồng nhiệt này luôn phải vội vàng trong tình yêu như sợ lúc nào cũng không kịp, không đủ, không “đã khát”:

Đến bây giờ trái tim anh khát

Ngàn năm xin uống cạn mặt trời

Anh là kẻ tự thiêu…

Thu Bồn, như nhà thơ NaDimHít Mét viết, sẽ là “một người khổng lồ yêu một cách khổng lồ”. Anh say đắm, khát khao đầy bản năng hoang dã, đầy dằn vặt và đau đớn tan vỡ:

Lấy khăn mà gói bơ vơ

Tay cầm nước mắt bao giờ sang sông.

Trong thơ trữ tình cũng như trong trường ca, Thu Bồn là người có nhiều câu thơ bất ngờ, đầy vô thức:

Lòng anh rúc tiếng tù và

Gọi đò mãi…bỗng nhớ ra gọi mình

Hay:

Qua quê mẹ chẳng ghé về thăm mẹ

Sông chảy vòng quanh sông bỗng hóa sông Hàn

Hay:

Anh như ngọn gió làm sao bắt…

Tuy vậy, thơ trữ tình của Thu Bồn vẫn còn bị dàn trải, nhiều câu thừa, cứ trùi theo cảm xúc lan man. Có lẽ anh hợp với thể loại trường ca hơn.

 

 

*

*      *

 

Có một lần bên cốc rượu với bạn bè, Thu Bồn vui vẻ nói:

- Tao sẽ viết nhiều tác phẩm, chất cao tới đầu tao mới thôi.

Ai cũng biết Thu Bồn cao to và việc làm như vậy rất khó, nhưng nhờ rượu cũng vơ vào:

- Được quá đi chứ, anh viết như sông Thu Bồn mùa lũ mà.

Bên cạnh thơ, trường ca, Thu Bồn còn là một tác giả văn xuôi cũng vạm vỡ, đầy sức vóc như trường ca. Các tiểu thuyết: Đánh đu cùng dâu bể, Dưới đám mây màu cánh vạc, Hòn đảo chân ren, Dòng sông tuổi thơ, Đỉnh núi, Mắt bồ câu và rừng phi tiễn, Vùng pháo sáng, Cửa ngõ miền tây, Em bé vào hang cọp, Em bé trong rừng thốt nốt và tập truyện ngắn Dưới tro.

Thu Bồn viết nhiều đề tài, từ chiến đấu đến sản xuất, xây dựng, từ truyện cho người lớn đến truyện viết cho các em.

Người đọc dễ nhận ra bút pháp mạnh mẽ, dữ dội của Thu Bồn. Nhân vật của anh thường được đặt trong những thử thách ghê gớm, những tình huống ngặt nghèo. Nhưng khác với một số nhà văn khác cùng viết theo lối này, truyện của Thu Bồn thấm đẫm chất thơ. Có những câu văn như câu thơ:  “Lửa rất đỏ mà sữa mẹ thì rất trắng” (Lửa và mẹ). Anh có lối viết tạo hình, miêu tả cảnh sắc vừa cụ thể vừa tượng trưng, những trang viết của anh gây xúc động cho người đọc: “Cái hàng rào Măcnamara kéo dài chắn ngang vĩ tuyến 17 ở sông Hiền Lương ta đã tháo sạch mìn, cọc đã rỉ mục nhưng nó vẫn còn cắm sâu trước sân nhà tôi, cắm vào tận tim tôi”.

Phẩm chất nhà thơ ảnh hưởng khá đậm đến văn xuôi Thu Bồn, đó vừa là đặc điểm cũng đồng thời là nhược điểm. Hình tượng nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết Thu Bồn thường đem đến cho người đọc những xúc động về tình cảm hơn là những trăn trở, day dứt trong nhận thức của họ về những vấn đề mà anh phản ánh miêu tả. Vì vậy trong ý tưởng người đọc, Thu Bồn vẫn là nhà thơ hơn một tác giả văn xuôi

Quả vậy, Thu Bồn vẫn sống trong lòng bạn đọc như một nhà thơ với những dòng thơ ào ạt dữ dội như con sông Thu Bồn mùa nước lớn quê anh.

 

                                                                                                                                                                                                                T.Q

Bài viết khác cùng số

Hoa phượng tháng ba - Tôn Nữ Ngọc HoaĐêm - Nguyễn Phương NgânNước mắt chảy ngược - Sử Hà Hạnh NhiCô gia sư nhỏ - Nguyễn Thị Cẩm GiangChuột và Sóc - Hồng ChiếnNgười mang tên dòng sông - Thanh QuếChúng tôi làm báo Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ - Đông San VĩNếu có lúc - Như NgọcAnh về xanh cùng hoa lá - Võ Kim Ngân Giấc mơ - Nguyễn Ngọc HạnhDọc mù sương - Trần TuấnBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..); nét vượt - Trần Phương KỳNét vượt - Trần Phương KỳBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..) - Trần Phương KỳChiều quê nhớ nội - Thanh VânÁo trắng - Vạn LộcTìm lại tuổi thơ - Phùng HiếuCâu thơ bỏ sót - Mai Mộng TưởngVườn mẹ - Nguyễn Nho Thùy DươngQuệ nội - Trần Trúc TâmBạn trà - Phạm PhátBờ thực - Nguyễn Thị Anh ĐàoKhắc khoải - Nguyễn Đức NamGiải mã nghệ thuật cổ Champa - James Blake Wiener-Hà Duy dịchBộ Châu làng Tân Thái- mấy suy nghĩ về văn bản - Đinh Thị ToanNhà văn và nỗi sợ - InrasaraBác sống trong ta, Bác ở giữa đời - Huỳnh Văn HoaĐóng góp của một gia tộc xứ Nghệ vào văn hóa xứ Quảng: Võ phái Hồ Công - Châu Yến LoanNguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu nhi - Thái Phan Vàng AnhNhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại - Bùi Như Hải