Nguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu nhi - Thái Phan Vàng Anh
Với hơn 100 tác phẩm, trong đó có một số tác phẩm được giải thưởng, được dịch sang tiếng nước ngoài, Nguyễn Nhật Ánh trở thành một hiện tượng độc đáo. Cùng với một số tác giả tài năng của xứ Quảng (viết cho thiếu nhi) như Võ Quảng, Bùi Minh Quốc, Đông Trình, Quế Hương, Thanh Quế, Bùi Tự Lực, Trần Trung Sáng…, Nguyễn Nhật Ánh đã đóng góp không nhỏ cho nền văn học thiếu nhi sau 1975 nói chung và văn học Đất Quảng nói riêng. Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng văn học đặc biệt bởi nhiều thế hệ độc giả đều yêu thích tác phẩm của anh - trẻ em tìm thấy tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình; còn người lớn thì nhận được những “tấm vé” về lại tuổi thơ. Với giọng điệu dí dỏm, với tài năng quan sát tinh tế, mỗi truyện Nguyễn Nhật Ánh đều làm lạ hóa cái thế giới hằng ngày quen thuộc. Đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, ai cũng thấy mình trong đó. Phải chăng đó là điểm thành công lớn của anh - nó tạo thành một “thương hiệu” đầy uy tín. Cái tên Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của Bàn có năm chỗ ngồi, Thằng quỷ nhỏ, Chú bé rắc rối, Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang, Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Lá nằm trong lá… trở nên quen thuộc với mọi người. Hơn cả thế, cái tên ấy, nhà văn mang tên ấy, còn trở thành bạn của trẻ em ở mọi miền đất nước. Nếu thử điểm danh sẽ thấy không quá khó để chỉ ra những cây bút đã và đang viết cho thiếu nhi ở Việt Nam; nhưng để chọn một người lớn thật sự biết kể “chuyện của trẻ em” theo nhiều điểm nhìn, có lẽ ít ai vượt qua Nguyễn Nhật Ánh. Nguyễn Nhật Ánh từng được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995). Nếu khảo sát thêm 20 mươi năm nữa (từ 1995 đến 2015) có thể Nguyễn Nhật Ánh vẫn là một trong những nhà văn được yêu thích nhất chăng?
Trẻ em thường thích nghe kể chuyện, nhưng, với trẻ, thích nhất vẫn là tự kể những câu chuyện về chính mình, về bè bạn hoặc được nghe kể những câu chuyện liên quan đến lứa tuổi của mình. Trẻ em có một thế giới riêng mà người lớn không phải ai cũng biết và hiểu được. Viết truyện cho trẻ vì vậy không đơn giản. Nhà văn nếu không giữ tâm hồn trong trẻo, không nhìn cuộc sống bằng “đôi mắt xanh non”, không hoá thân thành trẻ nhỏ chắc chắn không thể thành người kể chuyện của thiếu nhi. Điều đáng nói là, phần thưởng dành cho Nguyễn Nhật Ánh không ở danh hiệu mà ở sự “chấp nhận” của trẻ. Thiếu nhi Việt Nam chấp nhận, yêu mến Nguyễn Nhật Ánh vì anh hiểu chúng, anh kể về chúng chứ không chỉ kể chuyện cho chúng nghe. Có sự khác biệt lớn giữa việc kể chuyện cho thiếu nhi và kể chuyện về thiếu nhi. Nguyễn Nhật Ánh không chỉ kể chuyện cho thiếu nhi, kể chuyện về thiếu nhi mà anh còn là người - kể - chuyện - của - thiếu - nhi.
Ở truyện kể thiếu nhi, đối tượng tiếp nhận là thiếu nhi và đối tượng phản ánh thường cũng là thiếu nhi. Như vậy, giữa nhà văn và độc giả (thiếu nhi) đã thiết lập một mối quan hệ. Mối quan hệ đó không trực tiếp thông qua ngôn ngữ giao tiếp mà thông qua ý tưởng của nhà văn được gửi gắm qua nhân vật người kể chuyện. Người đọc (trẻ em) cảm nhận câu chuyện qua vai trò trung gian của người kể chuyện. Chúng tôi gọi Nguyễn Nhật Ánh là người kể chuyện của thiếu nhi với hàm ý rằng Nguyễn Nhật Ánh là tác giả của những câu chuyện về thiếu nhi, dành cho thiếu nhi, khi anh đóng vai người kể chuyện toàn tri, hay thậm chí khi anh hóa thân thành những vai kể khác. Bởi với thiếu nhi, việc ai thực sự là chủ thể trần thuật trong truyện kể không quan trọng bằng ai mới là người đem lại những chuyện kể ấy. Với thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh như là nàng Scheherazade trong Nghìn lẻ một đêm cùng những câu chuyện bất tận.
Truyện Nguyễn Nhật Ánh không có cấu trúc tự sự phức tạp. Do viết cho thiếu nhi nên nội dung kể được chú ý hơn cách kể. Nguyễn Nhật Ánh cũng hiếm khi tạo ra những vai kể khác thường mang đậm tính ẩn dụ (kiểu như bào thai, người điên, con người tí hon… đóng vai trò kể chuyện trong nhiều tiểu thuyết dành cho người lớn) (1). Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện hoặc là tác giả ẩn tàng (kể chuyện từ ngôi thứ ba), hoặc là tác giả hiển thị (một người kể chuyện trong vai nhà văn, xưng tôi) – đều là hình tượng của chính tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Đặc biệt, nhà văn thường chọn cách kể từ ngôi thứ nhất- người kể chuyện “tôi”, khiến cho truyện Nguyễn Nhật Ánh có tính chất hồi ức. Ngay cả khi người kể là một nhân vật “tôi” được trao quyền kể chuyện (tôi có khi là các em nhỏ, các cô bé cậu bé tuổi mới lớn như thằng Thiều trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, thi sĩ Cỏ Phong Sương trong Lá nằm trong lá; có khi là chú chó Bêtô kể về thế giới ngộ nghĩnh của các chú cún trong Tôi là Bêtô …) thì thấp thoáng đằng sau những cái “tôi” ấy vẫn là bóng dáng của nhà văn. Tác giả như đã hóa thân vào thế giới trẻ thơ, nhìn vạn vật bằng cái nhìn của trẻ thơ, thậm chí như sống cùng với các em nhỏ để rồi kể chuyện về thiếu nhi cho chính thiếu nhi. Nguyễn Nhật Ánh được coi như là người kể chuyện mang điểm nhìn trẻ thơ, và trở thành người kể chuyện của thiếu nhi chính bởi sự hóa thân, nhập vai khéo léo này.
Dẫu không quá chú ý đến cách kể, đến kĩ thuật dựng truyện, Nguyễn Nhật Ánh vẫn có một “nghệ thuật” kể chuyện riêng. Cái hấp dẫn, cái “duyên” của truyện Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu nhờ vào sự hồn nhiên, tươi tắn ở ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật. Thông qua những trang văn dí dỏm với những chi tiết, tình huống bất ngờ, thú vị, Nguyễn Nhật Ánh đã làm sống dậy một “miền tuổi thơ” đáng yêu, đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi người. Đây là lí do khiến không chỉ thiếu nhi mà người lớn cũng yêu thích truyện Nguyễn Nhật Ánh.
Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, sắc màu trẻ thơ thể hiện ngay ở nhan đề, ở cách nhà văn đặt tên các chương mục. Trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tên 12 chương truyện thật gợi, đủ để làm thành thế giới tuổi thơ: Tóm lại là đã hết một ngày; Bố mẹ tuyệt vời; Đặt tên cho thế giới; Buồn ơi là sầu; Khi người ta lớn; Tôi là thằng cu Mùi; Tôi ngoan trong bao lâu; Chúng tôi trở thành lũ giết người như thế nào; Ai có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?; Và tôi đã chìm; Trang trại chó hoang; Cuối cùng là chuyến tàu không có người soát vé… Nhưng đấy mới chỉ là bề mặt văn bản; cái hồn của truyện Nguyễn Nhật Ánh nằm ở cái nhìn trẻ thơ của tác giả. Hay nói cách khác, Nguyễn Nhật Ánh nhìn mọi chuyện bằng nụ cười trẻ thơ. Đó là trường nhìn thuận lợi để nhà văn khơi sâu vào tâm lí tuổi thơ với những trạng thái cảm xúc “cắc cớ” (nhất là lứa tuổi mới lớn). Dù kể chuyện từ ngôi thứ ba khách quan, trung tính (Thằng quỷ nhỏ, Nữ sinh, Bồ câu không đưa thư, Trước vòng chung kết…) hay hóa thân thành một cậu bé, cô bé “tuổi teen” để “nhìn ngắm” thế giới (Chú bé rắc rối, Trại hoa vàng, Bàn có năm chỗ ngồi, Đi qua hoa cúc…), người kể chuyện trong truyện Nguyễn Nhật Ánh luôn tường thuật sự việc, sự kiện từ cái nhìn của thiếu nhi/thiếu niên. Trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, bằng việc di chuyển điểm nhìn từ cái tôi tác giả - người kể chuyện ở hiện tại, về cái tôi – cu Mùi tám tuổi những ngày thơ ấu, Nguyễn Nhật Ánh đã làm một phép liên tưởng bất ngờ, thú vị. Nhà văn đã tạo nên một vùng thẩm mỹ- thế giới thật sự của thiếu nhi - trong những tác phẩm của ông. Đó là gia đình, trường lớp, làng quê; là những giấc mơ tuổi nhỏ, là những miền tưởng tượng ngay trong thế giới quen thuộc xung quanh nhưng chỉ riêng trẻ nhỏ mới “thấy” (Đảo mộng mơ; Chuyện xứ Langbiang)… Được kể, tả từ cái nhìn thơ trẻ, không gian trong truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa thơ mộng vừa ngộ nghĩnh, và là “cả một thế giới lộng lẫy và bí ẩn”.
Sức hút của truyện Nguyễn Nhật Ánh còn nằm ở ngôn ngữ, giọng điệu trẻ thơ. Trong nhiều tác phẩm, ngôn ngữ truyện kể là thứ ngôn ngữ của trẻ con, mà “đối với người lớn thì ngôn ngữ trẻ con cũng giống như một thứ ngoại ngữ”. Các chú chó Binô và Bêtô trong Tôi là Bêtô đã tìm cách cắt nghĩa cách nói lạ lùng của cô bé Ni: “Mẹ ơi, con nhức đầu. (có nghĩa) Mẹ ơi, con muốn nghỉ học sáng nay; Mẹ ơi, hôm nay tháng mấy rồi?(có nghĩa) Mẹ ơi, sắp đến sinh nhật con rồi đó; Mẹ ơi, ngày mai trời có mưa không hở mẹ?(có nghĩa) Mẹ ơi, mai mẹ dẫn con đi siêu thị nha mẹ.”… Nguyễn Nhật Ánh hiểu và kể chuyện bằng thứ ngoại ngữ dành cho người lớn ấy nên hiển nhiên truyện Nguyễn Nhật Ánh là tiếng nói của thiếu nhi. Cũng chỉ Nguyễn Nhật Ánh mới “bênh vực” cho những hành động ngược đời, ngổ ngáo, trở chứng của trẻ (như ăn cơm trong thau, uống nước bằng chai, gọi cái nón là cuốn tập, tivi là quạt máy, đi ngủ là đi chợ hay tìm kho báu trong vườn nhà…) và xem nó như là “những cuộc cách tân táo bạo” hay những “sáng tạo” gắn liền với tâm lí, óc tưởng tượng phong phú và nhu cầu làm cho cuộc sống của trẻ thú vị, mới mẻ hơn (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ). Có thể nói, truyện Nguyễn Nhật Ánh là những câu chuyện được kể với thứ ngôn ngữ lạ kì, dí dỏm nhưng không hề xa lạ, khó hiểu. Truyện Nguyễn Nhật Ánh thu hút tất cả mọi người một phần do “ngôn ngữ trẻ thơ” tươi tắn đó.
Điểm hấp dẫn trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Nhật Ánh còn ở giọng điệu. Giữa rất nhiều cây bút tài năng trong văn học thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh có một giọng riêng làm nên phong cách. Đó là giọng dí dỏm, hài hước. Ở bất cứ truyện nào, người đọc cũng dễ nhận ra chất humour-trẻ-con mà nếu không hoá thân, không một người lớn nào có thể “nhại giọng”. Thông qua các màn hội thoại, chất hài hước, dí dỏm của truyện Nguyễn Nhật Ánh cũng được thể hiện rõ nét. Lời thoại trong truyện Nguyễn Nhật Ánh rất tự nhiên (đến mức hiển nhiên phải thế chứ không thể khác), nhưng lại không thể đoán trước. Tính chất bất ngờ từ tình huống truyện, đến ngôn ngữ, hành động của nhân vật thường là nguyên nhân khiến độc giả lớn/nhỏ đọc Nguyễn Nhật Ánh một cách say mê. Ở nhiều đoạn hội thoại tính chất hài hước được bật ra qua sự kết hợp “tung hứng” giữa lời kể, lời bình luận và đối thoại nhân vật. Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, những liên tưởng, suy diễn, tưởng tượng phong phú của trẻ em thường làm nên tính chất bất ngờ của những đối đáp (giữa bọn trẻ với nhau hay giữa trẻ em và người lớn). Trong nhiều tác phẩm, không hiếm những màn hội thoại “trật khớp” (do sự “vênh lệch’ trong ý nghĩ của những người tham gia giao tiếp). Độ chênh giữa tư duy của người lớn và tư duy của trẻ con được Nguyễn Nhật Ánh thể hiện khéo léo (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lá nằm trong lá, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ…). Làm lạ hoá thế giới hiện thực từ trường nhìn trẻ thơ là điểm thành công trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Nhật Ánh.
Gia tăng lời thoại, giảm thiểu kể, tả, bình luận (hay lời thoại đã bao hàm luôn chức năng kể, tả, bình luận) là một trong những điểm nổi bật ở nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Ở nhiều truyện, đối thoại chiếm tỉ lệ lớn, lời người kể chuyện chỉ mang tính chất dẫn chuyện. Nhân vật vừa kể chuyện vừa tham gia vào hội thoại (Mắt biếc, Buổi chiều Windows, Chú bé rắc rối…). Ý nghĩa của các đoạn hội thoại trong việc phát triển “cốt truyện”, chi phối diễn biến của “chuyện” càng rõ. Ở nhiều truyện, người kể chuyện chủ yếu đóng vai trò tổ chức truyện kể nhờ vào các mẩu hội thoại – hay nói cách khác là kể bằng lời thoại. Tiêu biểu cho kiểu trần thuật đối thoại này có thể kể đến bộ truyện Kính vạn hoa (gồm 54 tập). Những đoạn đối thoại (trò chuyện, bàn bạc, cãi cọ… ) của các cô cậu học trò hồn nhiên đã góp phần làm nên sức hấp dẫn, hài hước của truyện Nguyễn Nhật Ánh. Dí dỏm, cười cợt nhưng truyện Nguyễn Nhật Ánh không hề suy giảm tính giáo dục, một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị thật sự của truyện thiếu nhi. Bằng những nụ cười, ý nghĩa, “bài học” dành cho trẻ vẫn được thể hiện sáng rõ qua những màn đối đáp của nhân vật, chẳng cần người kể chuyện phải bình luận thêm.
Có thể xem Nguyễn Nhật Ánh là người kể chuyện của thiếu nhi, nhưng là một người lớn ngoái nhìn về tuổi thơ, dùng con mắt của tuổi thơ để kể chuyện. Điều này khiến một số truyện của Nguyễn Nhật Ánh khó xếp vào văn học thiếu nhi (chẳng hạn như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Lá nằm trong lá?). Sự mở rộng biên độ này (trẻ em và người lớn đều có thể đọc và đều thấy phù hợp với tầm đón nhận của mình) là bởi Nguyễn Nhật Ánh không có ý định giấu giọng tác giả, “giọng người lớn” (ngay cả trong các truyện kể chỉ dành riêng cho thiếu nhi). Xen giữa những lời kể mang cái nhìn trẻ thơ là những ngẫm nghĩ mang đậm chất triết lí. Nhiều triết lí trong truyện là những nhắn nhủ của tác giả với thiếu nhi, và với cả người lớn: “Nhìn thấy nắng sau những ngày mưa là một điều thú vị. Nhưng ngay cả trong những ngày mưa, nếu ta chịu mở ra mọi giác quan như một ngôi nhà mở tung các cửa sổ, ta cũng sẽ đón nhận được những cảm xúc tuyệt vời”; “Nếu chúng ta vẫn luôn sống trong ký ức của một ai đó, chúng ta sẽ không bao giờ chết”; hay “Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của giấc mơ không phải ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn…” (Tôi là Bêtô). Đôi khi những triết lí “sặc mùi của lí thuyết” của các cô bé, cậu bé không che giấu hết quan niệm của nhà văn (và Nguyễn Nhật Ánh cũng không có ý che giấu); nhưng những thông điệp được gửi gắm (nếu có) cũng chỉ mang tính chất gợi ý, nhắc nhở chứ không trở thành những lời rao giảng, những luận đề. Chất hài hước, dí dỏm khiến cái nhìn, giọng điệu người lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không bị “vênh lệch” với ý nghĩ, lời nói của trẻ em. Phải chăng nhờ vậy mà truyện Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một hiện tượng văn học nói chung chứ không bị giới hạn bởi ranh giới của văn học thiếu nhi (mà lằn ranh nhiều khi vẫn khó xác định rõ)?
T.P.V.A