Bác sống trong ta, Bác ở giữa đời - Huỳnh Văn Hoa

19.06.2013

Bác sống trong ta, Bác ở giữa đời - Huỳnh Văn Hoa

Bác sống trong ta, Bác ở giữa đời

(Về những bài thơ Chế Lan Viên viết về Bác)

 

            Bên cạnh một Tố Hữu thành công trong việc thể hiện hình tượng Bác trong thơ, còn phải kể đến Chế Lan Viên. Với ngòi bút tài hoa, tinh tế nhưng đằm sâu, trữ tình, nhà thơ tìm đến với Bác vừa là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại vừa là một triết nhân buông cần câu trên dòng suối thời gian. Bác trong thơ Chế Lan Viên là người ông (Trung Thu 69), người lính (Thế trận Bác Hồ), người trồng cây (Lộc của đời), một vị tướng, nhà lãnh đạo (Cách mạng, chương đầu), người thuỷ thủ (Ném thừng, Bể và Người), nhà tiên tri (Thấy từ lúc ấy), nhà nghệ sĩ (Đọc văn Người), một tấm lòng nhân ái bao la (Trận đánh của tình thương, Người chẳng có gì riêng).

 

            Khác với những nhà thơ cùng thời, với Chế Lan Viên, ông có độ khao khát đến cháy bỏng là qua thể hiện Bác, đi tìm một lời giải đáp :

 

            Với đất nước sinh ra mình, Bác vẫn là điều bí mật

            Một thế hệ, vài thế hệ, chúng ta chưa đủ hiểu hết Người

            Cứ mỗi bước đi lên, dân tộc lại định nghĩa về Người từ bản chất.

 

                                                                        (Thời sự hè 72, bình luận)

 

            Tiếp cận Bác là tiếp cận chân lý, mà chân lý thì bao giờ cũng giản dị và thanh tao. Phong thái, đức độ của Người là chung đúc những gì tinh hoa nhất của nhân dân và thời đại. Hiểu Bác là hiểu thêm về dân tộc : Ta ra đi từ nền văn minh trên lưu vực sông Hồng. Cả dân tộc bay theo hình chim lạc. Do vậy, điều quan trọng đối với Chế Lan Viên không phải là xây dựng hình tượng Bác như vốn có trong đời. Cái chính là ông nghĩ về Bác, nói về Bác, rồi từ Bác nghĩ về cuộc đời, dân tộc, thời đại. Tư duy nghệ thuật đó xuyên suốt trong nhiều bài thơ, câu thơ viết về Bác. Và đây cũng là tư tưởng - thơ (idée-poétique) của Chế Lan Viên.

 

            Không gian nghệ thuật dễ bắt gặp trong thơ ông là vầng trăng. Hình ảnh này gói ghém tất cả những phẩm chất cao đẹp, hòa bình, nhân ái và độ lượng của Bác. Không gian này được lặp lại nhiều lần, có lúc là vầng trăng thơ suy tưởng, vầng trăng chiến dịch, có khi là vầng trăng sáng cho triệu cháu mồ côi, vầng trăng chia đều cho cháu nhỏ, những tứ tuyệt có vầng trăng soi tỏ... thơ  vừa xong đời sắp sửa rằm, lại có khi day dứt :

 

                        Thôi từ nay các em lớn trong đời không gặp Bác

                        Chỉ còn có vầng trăng và điệu hát kết đoàn ...

 

            Điểm xuất phát hình ảnh này bắt nguồn từ những vầng trăng trong thơ Bác. Đó là những Vọng nguyệt, Nguyên tiêu, Báo tiệp, Đối nguyệt. Xoay quanh hình tượng này là lấp lánh ánh sáng một sắc trăng ngời của tâm hồn Bác.

 

            Một hình tượng khác cũng gợi nhiều mỹ cảm và suy tưởng là hình ảnh Bể Sóng. Trong thơ, Chế Lan Viên có một chuỗi những thủy - triều - người, nhân - loại - bể, bể loài người, nhịp bể, bể oai hùng, bể đau thương, sóng, sóng nào rách châu Phi, sóng nào đau châu Á và đại dương,...

 

            Không phải ngẫu nhiên những hình ảnh này lại xuất hiện đậm đặc ở nhiều bài thơ của Chế Lan Viên, nếu không có người thủy thủ năm xưa lênh đênh trên những trùng dương đi tìm con đường cứu nước :

 

                        Ai nói hết những đại dương trong đời của Bác

                        Những bể cuồng, tàu đến buông neo

                        Những bể lặng, đón vầng dương mọc

                        Tuổi thanh xuân, Người nghe những thủy triều

                                                                        (Bể và Người)

 

            Song, có điều là, từ hiện thực đó, nhà thơ nói lên được cuộc đấu tranh của Bác và dân tộc. Cuộc đời là một bể lớn, cũng lắm những ngọn sóng đau thương, những bể ngầm dữ dội, lặng im nuôi giông bão bất thần, nhưng cũng có khi hiền hoà, thanh tân. Trong cái mênh mông trầm tư của bể, qua thể hiện của Chế Lan Viên, người đọc nhận ra cái vi diệu vừa của tự nhiên vừa của đời Bác :

 

                        - Bể làm Bác ít lời và bình dị các câu thơ

                        - Bác nghe bể và tìm ra quy luật

 

                        - Mỗi con sóng đau thương trên bể loài người

                        Đều chấn động trái tim Người thuỷ thủ

 

                        - Cái nhà sàn ở lẫn trong hoa

                        Vẫn không ngớt lắng triều, nghe nhịp bể

 

                        - Rừng thẳm. Non xa. Bể rộng. Sông dài

                        Một chút làng Sen đau ở cuối trời...

 

            Từ những hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ, đầy đường nét và đa nghĩa đó, Chế Lan Viên đã góp phần giới thiệu trọn vẹn hơn về cuộc đời của Bác : Đi khắp năm châu về đậu bên sông Hồng... Tự nơi đây, mắt Bác dõi vô cùng. Với bốn bể của đời, không cách trở... Khi vầng trán vĩ nhân soi bể biếc.

 

            Chính từ thấy bể để hiểu sông, núi, nắm đất quê hương, do vậy, cái giản dị trở thành một cốt cách. Nhưng cần hiểu rằng, đây là cái giản dị của một người từng đi qua bao bão táp, phong ba dữ dội trong đời để đến bây giờ, lắng lại và bình tâm :

 

            Những trang văn lỗi lạc tung hoành Bác viết ở châu Âu

            Khi cầm đến nắm đất quê hương, Người xếp lại

            Với dân tộc ít lời, Người ít nói

            Thấy nhiều trời bể non sông, giờ phải nói chi nhiều !

            Giàu từ ngữ văn chương mà chi, khi Tổ quốc nghèo

            Bác viết cho người mù chữ nghe và hiểu được ...

                                                            (Đọc văn Người )

 

            Một khía cạnh khác mà Chế Lan Viên cũng thường nói đến, đấy là Bác, Người trồng cây cho Tổ quốc. Ở đây, màu xanh của lộc, của chồi được chia đều cho tất cả chúng ta : Lộc của đời chia đến mỗi người dân.

 

                        Mùa Xuân là Tết trồng cây ....

                                                            (Hồ Chí Minh)

 

            Vì thế, mỗi mùa xuân về, thấy lộc non chớm nở, nhà thơ lại rưng rưng nước mắt nhớ cái xứ thiên nhiên xanh xanh mà Bác đã để lại cho đời, cho nhân loại :

 

                        Người trồng cây suốt một đời trồng

                        Chỗ Người khổ công gieo, ta gặt hái

                        Nhân loại biếc màu xanh Người để lại

                        Trong thế giới bạo tàn này, Người là những bóng cây xanh.

                                                (Ta nhận vào ta phẩm chất của Người)

 

            Nói về cây, về hoa, về màu xanh, bên cạnh phản ánh cái trầm tư, yên tĩnh, Chế Lan Viên còn dành để nói tấm lòng của Bác :

           

                        Thay vì nghìn trang giấy bao la, Bác để tấm lòng

                        Một màu lộc, màu cây xanh mát mắt ...

                        Ta lẫn Bác với màu trời và giọt lệ

                        Với hương mộc trong đêm và lộc nõn trên cành

                                                            (Đọc văn Người )

 

            Trên tất cả và những gì tha thiết nhất, đó là tình cảm của Bác đối với miền Nam. Có thể nói, khi Tổ quốc chưa đoàn viên, trong bao nhiêu năm ấy, phút giây nào Bác không nghĩ đến miền Nam! Miền Nam " máu của máu " và " thịt trong thịt " Bác. Cho đến những ngày cuối cùng trước lúc đi xa :

 

                        - Bác vẫn nhìn đau đáu mũi Cà Mau giờ nhắm mắt

                                                                        (Bác vẫn còn đây)         

 

                        - Người sắp xa nhân dân từng yêu suốt một đời

                        Xa miền Nam  nửa thế kỉ rồi chẳng gặp

                                                                        (Di chúc của Người)

 

            Canh cánh bên lòng là nỗi đau của một đất nước chia cắt. Những địa danh ở miền Nam không còn là những tên địa dư thuần tuý mà là nỗi niềm da diết nhớ thương, là uất nghẹn đến cồn cào bi tráng, Chế Lan Viên đã diễn tả đến tận cùng cái xót xa, đau đớn của Người :

 

                        Những ngày giấc ngủ Bác bị cắt nửa chừng vì cơn gió

 xiết ngang sông Bến Hải

                        Máu lòng Người đau tận chót Cà Mau

                        Miệng Người đắng vì bát cơm Phú Lợi

                        Tóc bạc phơ nhanh từng sợi trên đầu ...

                                                            (1975 : Năm vĩ đại và Ngày vĩ đại)

 

            Năm 1968, trong bài thơ Nghĩ suy 68, Chế Lan Viên ước một ngày mai Người sẽ cùng ta hôn nắm đất chỗ Cà Mau. Nhưng không, mùa thu 1969, nơi Ba Đình khai sáng nước, Người nghỉ yên nơi Người đã bắt đầu. Dầu vậy :

 

                        Bác có đi đâu, Bác vẫn còn đây ...

                        Trong hoa sen Tháp Mười hay mây trắng núi Chư-lây.

                        Trong gió động mỗi ngọn dừa phương Nam đều có Bác

                                                                        (Bác vẫn còn đây)

                                                                                                      H. V. H

Bài viết khác cùng số

Hoa phượng tháng ba - Tôn Nữ Ngọc HoaĐêm - Nguyễn Phương NgânNước mắt chảy ngược - Sử Hà Hạnh NhiCô gia sư nhỏ - Nguyễn Thị Cẩm GiangChuột và Sóc - Hồng ChiếnNgười mang tên dòng sông - Thanh QuếChúng tôi làm báo Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ - Đông San VĩNếu có lúc - Như NgọcAnh về xanh cùng hoa lá - Võ Kim Ngân Giấc mơ - Nguyễn Ngọc HạnhDọc mù sương - Trần TuấnBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..); nét vượt - Trần Phương KỳNét vượt - Trần Phương KỳBóng tối/máu/ ánh sang (elegy to..) - Trần Phương KỳChiều quê nhớ nội - Thanh VânÁo trắng - Vạn LộcTìm lại tuổi thơ - Phùng HiếuCâu thơ bỏ sót - Mai Mộng TưởngVườn mẹ - Nguyễn Nho Thùy DươngQuệ nội - Trần Trúc TâmBạn trà - Phạm PhátBờ thực - Nguyễn Thị Anh ĐàoKhắc khoải - Nguyễn Đức NamGiải mã nghệ thuật cổ Champa - James Blake Wiener-Hà Duy dịchBộ Châu làng Tân Thái- mấy suy nghĩ về văn bản - Đinh Thị ToanNhà văn và nỗi sợ - InrasaraBác sống trong ta, Bác ở giữa đời - Huỳnh Văn HoaĐóng góp của một gia tộc xứ Nghệ vào văn hóa xứ Quảng: Võ phái Hồ Công - Châu Yến LoanNguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu nhi - Thái Phan Vàng AnhNhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại - Bùi Như Hải