Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh “Người lái đò” trên dòng sông tuổi thơ
Một ngày đầu thu tháng Tám, tôi nhận được món quà khá bất ngờ từ nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh: hai tập sách mới do ông sưu tầm và biên soạn, gồm 219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non và 70 trò chơi âm nhạc dành cho trẻ em được nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành đầu năm 2022. Cùng lúc là tin vui trên các trang báo về Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 4 (2015-2020) được UBND TP Đà Nẵng trao cho các tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình và vai diễn xuất sắc nhất, nhằm ghi nhận sự nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ đã có sự đóng góp tích cực vào thành tựu chung của thành phố. Một trong những nghệ sĩ nhận được vinh dự ấy là nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh với tác phẩm sưu tầm và biên khảo 119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em (đạt giải B) và ca khúc thiếu nhi Chim công kể chuyện (đạt giải C).
Cầm trên tay hai tập sách khá dày dặn với lời đề tặng trân trọng của người anh, cựu trưởng phòng cùng gắn bó hơn 20 năm công tác tại Phòng Văn nghệ - Thể thao, VTV Đà Nẵng (nay là VTV8), ấn tượng trong tôi là sự thán phục trước sức làm việc bền bỉ của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh ở tuổi xấp xỉ ngưỡng bảy mươi. Từ cuốn sách đầu tiên gồm 119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em ra đời cách đây hơn hai năm đến hai tập sách này là kết quả của quá trình ấp ủ, điền dã, tập hợp, biên soạn, giới thiệu với mong ước của một nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian trót mang trong tim tình yêu đặc biệt đối với loại hình âm nhạc, trò chơi dân gian dành cho trẻ em. Như tâm niệm của tác giả ở lời mở đầu cuốn sách “…Việc sưu tầm, gìn giữ, quảng bá, truyền dạy các trò chơi dân gian, đồng dao Việt Nam cho các thế hệ sau là rất cần thiết, góp phần gìn giữ những tinh hoa của cha ông để lại…”. Có thể nói, ba tập sách là ba “bộ sưu tập” vô cùng phong phú bao gồm các trò chơi âm nhạc dân gian, ca khúc đồng dao Việt Nam được tác giả biên soạn, giới thiệu dựa trên nguồn tài liệu giá trị của những người đi trước; sự am tường tâm sinh lý trẻ em và kinh nghiệm sư phạm “thâm niên” của một nhà giáo. Trong đó, ngoài những ca khúc chọn lọc của các nhạc sĩ mà tên tuổi đã quen thuộc với các em, có rất nhiều ca khúc do nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh sáng tác phỏng theo lời đồng dao đã được dàn dựng, phát sóng trên kênh truyền hình Quốc gia và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, được khán giả nhỏ tuổi yêu thích. Những kỷ niệm khó quên một thời cùng thực hiện các chương trình ca nhạc, trò chơi đồng dao và dạy hát dân ca 8 năm liền cho trẻ em trên sóng truyền hình…mà nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh là “người đầu tàu” tích cực dẫn dắt, hỗ trợ các “BTV thiếu nhi” chúng tôi trở về sống động, nhắc nhớ những tháng năm đầy ý nghĩa. Một thôi thúc tự nhiên, tôi nghĩ đến “mối duyên lành” không phải ai cũng có cơ may gặp gỡ trong đời như nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh khi ông chọn cho mình con đường âm nhạc riêng đến với thế giới tâm hồn của trẻ thơ.
Sinh ra, lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Hà Nam, nơi đồng chiêm trũng, vùng châu thổ sông Hồng, tuổi thơ nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh gắn liền với các trò chơi dân gian, đồng dao ngộ nghĩnh của trẻ mục đồng, được gần gũi với thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống mộc mạc của người dân quê hiền hòa, chất phác. Như thổ lộ của nhạc sĩ, đó là nguồn suối mát lành, trong trẻo tưới tắm, dưỡng nuôi tâm hồn ông từ thuở bé đến khi lớn lên, gắn bó máu thịt đến nỗi lúc nào, ở đâu, ông cũng đau đáu hướng về. Những ký ức tươi đẹp cùng niềm đam mê âm nhạc đã níu vọng tâm hồn, hòa quyện trong từng hơi thở, từng chặng đường ông đã đi qua trong cuộc đời, từ khi là một sinh viên tràn trề nhiệt huyết của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đến lúc trở thành người thầy giảng dạy bộ môn âm nhạc cho các cô giáo mầm non, tiểu học tương lai ở trường Trung học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Đại học Sư phạm Đà Nẵng) suốt gần 20 năm. Khi rời bục giảng, chuyển công tác về VTV Đà Nẵng làm biên tập chương trình ca nhạc, sau đó giữ chức Trưởng Phòng Văn nghệ - Thể thao tới lúc nghỉ hưu, “mối duyên” ấy chẳng những không nhạt phai mà ngày càng thắm đượm trong tâm hồn nhạc sĩ.
Những năm tháng được gần gũi, theo chân các vị “cao niên”, “đàn anh” trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian như giáo sư tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh; cố NSND, biên đạo múa Ybrom; nhạc sĩ lão thành Trương Đình Quang, nhạc sĩ Trần Hồng, NSND Huỳnh Hùng, NSƯT Thiện Tâm… thâm nhập thực tế, đi điền dã khắp dải đất miền Trung - Tây Nguyên để tìm hiểu, giới thiệu các làn điệu, trò chơi, chân dung nghệ sĩ dân gian, tổ chức Liên hoan “Dân ca dân vũ”, “Giai điệu miền Trung”… giúp nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh tích lũy một bề dày hiểu biết khá sâu rộng và hình thành trong ông nguyện vọng tha thiết được “kế thừa” những người đi trước tiếp tục ghi chép, sưu tầm, hướng dẫn, quảng bá các trò chơi dân gian, đồng dao cho trẻ em. Qua mỗi chuyến đi về các vùng quê, miền rừng núi xa xôi, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh như con ong cần mẫn, chắt chiu tích góp từng trò chơi, bài hát đồng dao dân dã, những giá trị tinh thần thuần túy bị lẩn khuất trước sự xô đẩy của dòng chảy cuộc sống hiện đại, cả sự thờ ơ của con người với những gì “thuộc về xưa cũ”: “… Trò chơi dân gian từng là một phần ký ức không thể phai mờ đối với thiếu nhi trong hành trang khôn lớn, thì giờ đây đang ngày một xa dần và có nguy cơ mất đi trong sự hờ hững của chính các em. Thực tế xã hội đã phần nào phản ánh được xu thế vui chơi của trẻ hiện nay, khi mà những đồ chơi hiện đại đang thắng thế và làm cho trò chơi dân gian xưa bị lãng quên dần. Thật đáng lo ngại khi cả một thế hệ tương lai của quốc gia đang quên đi bản sắc văn hóa dân tộc, quên đi những tinh hoa mà tổ tiên ta đã vun đắp, xây dựng từ hàng ngàn năm.” (Trích lời mở đầu tác phẩm 219 Trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non).
Từ niềm trăn trở ấy, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, “người lái đò” miệt mài trên dòng sông tuổi thơ luôn dành một vị trí đặc biệt trong tình yêu âm nhạc cho những ca khúc thiếu nhi, đồng dao ngộ nghĩnh. Tuyển tập ca khúc Lạc vào thế giới tuổi thơ của ông gồm 50 bản đồng dao và ca khúc thiếu nhi do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2006, tái bản năm 2010 cùng nhiều CD bài hát thiếu nhi được phổ biến rộng rãi trên sóng truyền hình cho thấy tâm huyết của nhạc sĩ dành cho trẻ thơ. Ngoài sự ghi nhận của giới chuyên môn qua các cuộc thi, điều nhạc sĩ hạnh phúc hơn cả là sự yêu thích đón nhận của các em với những ca khúc gói trọn tấm lòng yêu trẻ của ông. Tiêu biểu như Hợp xướng thiếu nhi Cánh diều mơ ước (phổ thơ Nguyễn Thị Hiền), Chim công kể chuyện (Giải A Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Chú ếch siêng năng (Giải B Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Bốn mùa nhớ Bác (Giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương), Đến với Điện Biên (Giải thưởng Hội âm nhạc TP Hồ Chí Minh), các bài hát đồng dao Ông Giẳng ông Giăng, Thìa la thìa lẩy, Điểm hẹn tuổi thơ (được dàn dựng trong chương trình thiếu nhi đạt huy chương Vàng qua các kỳ Liên hoan phim truyền hình toàn quốc)… cùng nhiều giải thưởng âm nhạc về ca khúc dành cho người lớn, thiếu nhi các cấp TW và địa phương.
Ngỡ như với nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, những gì tâm đắc nhất đã được ông “rút ruột nhả tơ” qua những ca khúc của mình, để rồi an hưởng thanh nhàn bên con cháu. Song cảm giác còn “mắc nợ” với cuộc đời, với trẻ thơ khiến ông chưa muốn dừng chân. Hiện nay, ngoài việc sáng tác ca khúc và biên soạn sách, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh vẫn tích cực dành thời gian tham gia các hoạt động ở các Hội chuyên ngành, vừa đảm nhiệm vị trí Chi hội phó của Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng và Chi hội văn nghệ dân gian tại Đà Nẵng, vừa là Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng, hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Như lời thổ lộ của ông “...Lớn tuổi rồi, nhưng niềm đam mê với “sự nghiệp trồng người” vẫn luôn thường trực trong tôi”, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh đã “hiện thực hóa” niềm đam mê ấy bằng những cuốn sách mà mọi trẻ thơ, mọi gia đình đều cần đến. Ông còn chia sẻ hiện nay đang sưu tầm và biên soạn tập sách 219 trò chơi dân gian dành cho người lớn cùng nhiều dự định khác dành cho trẻ em.
Dành thời gian đọc kỹ từng tập sách ông đã cho ra mắt bạn đọc, mới thấy tác giả thật “dụng công” trong việc biên soạn từng loại trò chơi phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi trẻ em. Mỗi tập sách giới thiệu những trò chơi mang nét đặc thù riêng được truyền tải đến bạn đọc một cách cặn kẽ, hợp lý mà gần gũi, dễ hiểu. Ở mỗi trò chơi, đều có hướng dẫn cụ thể về địa điểm, đối tượng, luật chơi, cách chơi, kèm theo những bài đồng dao, ca khúc được hát trong hoặc sau khi chơi. Nếu tập sách đầu tiên tập hợp 119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em với các trò chơi đi kèm ca khúc đồng dao được phân thành ba loại trò chơi thiên về vận động, khéo léo và trí tuệ thì cuốn sách 219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non được xem như một “cẩm nang” dành cho các cô giáo và phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non. Hai tập sách này đã được nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Tập sách thứ ba 70 trò chơi âm nhạc dành cho trẻ em gồm 35 trò chơi âm nhạc đơn giản dành cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông và 35 trò chơi âm nhạc nâng cao dành cho trẻ có năng khiếu và yêu mến âm nhạc, với mục đích không chỉ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng phản xạ với âm nhạc, tăng cường trí nhớ, tố chất nhanh nhạy, sự khéo léo, tự tin, sáng tạo trong hoạt động…mà còn mong muốn dẫn dắt trẻ đi vào thế giới âm nhạc phong phú, kỳ diệu để làm đẹp thêm tâm hồn. Giáo sư, nhạc sĩ Thế Bảo đã viết lời giới thiệu cuốn sách với sự ghi nhận tốt đẹp: “Tập sách là cẩm nang về các bài hát hay dành cho giáo viên âm nhạc và trẻ em với những ví dụ, minh họa, trò chơi thú vị về đề tài, giai điệu, tiết tấu và hình tượng đặc trưng… Cuốn sách sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong giảng dạy âm nhạc hoạt động ngoại khóa cho các trường mầm non và học sinh phổ thông các cấp”.
Trong cuộc sống hiện đại, khi các phương tiện công nghệ, trò chơi điện tử ngày càng phổ biến với những mặt trái dễ tạo nên ảnh hưởng không lành mạnh đến sự phát triển của trẻ, sự ra đời của những cuốn sách nói trên không chỉ có ý nghĩa đối với trẻ thơ và các thầy cô giáo mầm non, tiểu học mà thật sự cần thiết đối với các bậc ông bà, cha mẹ và những ai quan tâm đến sự phát triển hoàn thiện về thể chất cũng như tâm hồn của trẻ. Ngay khi tác giả cho ra mắt cuốn sách đầu tiên 119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em, Nhà nghiên cứu, Ths Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng đã có sự đánh giá tích cực về những đóng góp đáng trân trọng của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh: “Là người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, đồng thời là một nhạc sĩ và là thầy giáo dạy âm nhạc, khi biên soạn tập sách này, Trịnh Tuấn Khanh có nhiều thuận lợi hơn những người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian không am hiểu nhạc lý… Hiểu biết về trò chơi đồng dao của Trịnh Tuấn Khanh còn là sản phẩm của quá trình tự trải nghiệm. Đó là chưa kể lợi thế của một người làm văn nghệ truyền hình cũng giúp Trịnh Tuấn Khanh có điều kiện thâm nhập thực tế trò chơi dân gian nói chung, trò chơi đồng dao nói riêng, nhất là có điều kiện gần gũi, học hỏi với nhiều chuyên gia trên lĩnh vực này”. Cũng với sự trân trọng ấy, khi đón đọc cuốn sách thứ hai ,“món quà” của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh dành tặng những cô giáo mầm non đang âm thầm, cặm cụi làm công việc trồng người, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng đã có những liên tưởng dí dỏm mà sâu sắc “Chắc là Trịnh Tuấn Khanh có thể đưa vào cuốn sách - tấm lòng này một số lượng trò chơi ít hoặc nhiều hơn con số 219 kia, những dường như anh đang cố tình tạo nên sự kết nối giữa hai cuốn sách cùng thấm đẫm hồn dân tộc và mang đậm dấu ấn trò chơi dân gian - đương nhiên cuốn thứ nhất vừa chơi vừa hát, còn cuốn thứ hai lấy chơi làm chính, cùng hướng đến đối tượng chủ yếu là lứa tuổi “như búp trên cành/ biết ăn ngủ biết học hành là ngoan” (theo cách nói của Bác Hồ) và cùng thể hiện rõ nét lương tâm chức nghiệp của một nhà giáo yêu nghề mến trẻ.”
Có lẽ, không lời đúc kết nào đầy đủ, thuyết phục hơn nhận định trên về chân dung một nhạc sĩ - thầy giáo mà mỗi ca khúc, mỗi tác phẩm đều thắm đượm tấm lòng yêu trẻ. Nhà sư phạm nổi tiếng Sukhomlynsky từng viết rằng: “Tuổi thơ không thể thiếu âm nhạc cũng như không thể thiếu trò chơi và chuyện cổ tích, thiếu những cái đó, trẻ em chỉ còn là những bông hoa khô héo…”. Mong sao những “món quà” quý của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh sẽ không lặng lẽ nằm yên, phủ bụi thời gian trên những kệ sách mà ngày càng được lan tỏa sức sống qua những ca khúc, trò chơi dân gian, đồng dao lành mạnh rộn vang trong sân trường và dưới những mái nhà đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Những bông hoa được tưới tắm mỗi ngày bằng tấm lòng yêu trẻ sẽ luôn tươi thắm rực rỡ như chính vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của các em. Đó là điều mà mọi trẻ thơ xứng đáng được nhận hưởng, cũng là niềm hạnh phúc của những nghệ sĩ luôn sống trọn vẹn cùng đam mê và tình yêu đối với trẻ thơ.
T.H