Cụ bà, cô gái và mấy gã Grab

16.11.2022
Trần Trung Sáng

Cụ bà, cô gái và mấy gã Grab

Minh họa: Hồ Đình Nam Kha

Dịch bệnh mấy tuần nay xem ra đã đỡ nhiều. Thành phố đang nới lỏng các hoạt động cần thiết như chợ búa, các dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ…, dù vậy mọi người dân ra đường vẫn khá thận trọng, thường xuyên thực hiện 5K trong mọi tình huống. Phía bên kia đường, quán bún bình dân nằm trên vỉa hè, đối diện cận kề khu văn phòng nơi tôi làm việc vẫn còn thưa khách. Tôi ghé qua, dùng xong tô bún, không vội trả tiền, mà ngồi nhẩn nha hỏi chuyện vu vơ với chủ quán - một cụ bà đã ngoài 80 tuổi.

- Bác đã bán lại được bao lâu rồi? Khách hàng trở lại nhiều chưa bác?

Cụ bà cười hiền hòa trả lời:

- Cũng được ba bốn bữa ni. Khách chưa nhiều… Mà bình thường, khách tui cũng đâu có nhiều. Quán bình dân mà. Tui già cả rồi, khách đông tui làm chi nổi.

Bà nói thêm:

- Mấy anh em nhân viên đưa báo bên anh chắc làm lại thường rồi chớ? Mỗi ngày, mấy chú ghé qua bên tui sớm bửng. Ăn xong là chở đống báo chạy đi liền. Hôm nào tới trễ chút, là mấy chú rầy lắm…

Tôi hơi bất ngờ, cụ bà có quan tâm và chú ý đến công việc của anh em mình. Tiện thể, tôi thổ lộ:

- Bọn cháu cũng mới làm đều đặn vài tuần nay. Mấy tháng trước, thành phố rào chắn khắp mọi ngã đường, đi lại phải thủ tục giấy tờ, anh em khó khăn lắm bác ạ…

- Ủa, chứ nghe nói báo chí là được ưu tiên mà anh…

Một cô gái trẻ mặc váy ngắn, có dáng dấp khá bắt mắt, ngồi ở góc quán bất ngờ xen vào góp chuyện, khiến tôi thêm hào hứng.

- Dịch bệnh thì ai cũng như ai, phải chấp hành luật lệ chớ… Mà người ta cũng ưu tiên cho người viết báo, làm báo chứ có ưu tiên cho người bán báo, đưa báo đâu!

- Em có đặt mua bên anh mấy quyển báo Thời Trang. Cả tháng rồi chưa thấy giao đó!

- Ui trời, té ra tôi đang gặp được bạn đọc khách hàng Thời Trang đây à! Vậy thường khi em nhận báo tại nhà hay ở đâu?

- Giao ở vũ trường Phương Đông. Kề sát bên trụ sở anh kìa. Em đã đặt báo dài hạn ở văn phòng anh từ hơn năm nay, bởi dạo này đâu dễ tìm ra sạp báo bán lẻ.

- À, thì ra…

- Em làm bên đó. Cả mùa dịch này thất nghiệp. Tới chừ vũ trường vẫn chưa được mở lại. Sáng nay rảnh quá, em tạt tới đây ăn bún, nhìn qua vũ trường chút cho đỡ nhớ…

Câu chuyện của chúng tôi tiếp tục loanh quanh với đủ mọi chuyện từ dịch bệnh đến nắng mưa. Cụ bà mong mỏi, cuộc sống sớm an lành bình yên, dịch bệnh đừng tái đi tái lại, chứ ở nhà hoài, bà vừa thiếu thốn, vừa rầu dễ sinh bệnh… Cô gái thì nhớ tiếc cái thời du lịch sôi động của phố thị, cô kiếm tiền khá dễ dàng, từng đón đợi các mốt hot trên báo Thời Trang để đi may mặc… cho đến khi có mấy gã Grab dắt xe lên lề đường, cười nói xôn xao bước vào quán.

 Cụ bà vui vẻ chào đón: “Lâu ngày quá mấy chú Grab hí! Bán mấy bữa rồi chừ mấy chú mới tới đó!”. “Dạ, gặp lại bà vui rồi! Qua mùa dịch rồi, mà bà vẫn khỏe ri, chắc bà phải sống lâu 100 tuổi đó. Mỗi sáng bà cứ mở hàng bán là có mặt tụi tui thôi”.

Quán bún trở nên rộn rã. Trước khi tạm biệt, tôi cầu chúc cho cụ bà chủ quán sức khỏe và vui sống với công việc buôn bán ổn định. Với cô gái bạn đọc Thời Trang mới quen, tôi xin phép được trả tiền bún, như một nghĩa cử tri ân khách hàng mua báo dài hạn và không quên dặn: “Đã không biết thì thôi, biết rồi, lúc nào thấy chậm trễ, nếu rảnh em cứ ghé qua trụ sở bên anh nhận báo trò chuyện cho vui”.

Cô gái vui vẻ trả lời: “Em cũng định nói như vậy. Chắc cũng sắp hết dịch rồi. Hôm nào chuẩn bị đi làm, em sẽ ghé đến anh mời sang đây ăn bún đó”.

 

Những ngày này, sau thời gian dài đối mặt với dịch bệnh, nhịp điệu cuộc sống gần như đang trở lại trạng thái bình thường. Người ta cho rằng, những cách thức phòng chống dịch trong giai đoạn vừa qua quá cực đoan dẫn đến nhiều sai lầm, cần phải sửa chữa, hay nói đúng hơn, cần phải thay đổi tư duy về cách đối phó với đại dịch, học cách sống chung với nó, thích ứng linh hoạt với nó. Và do đó, mọi người dân khắp nơi gần như khá tự tin, từng bước chuẩn bị quay về công việc quen thuộc của mình. Học trò đã trở lại nhà trường và hoạt động du lịch cũng đang rộ lên nhiều sắc màu nhộn nhịp…

Một buổi sáng, vừa bước chân đến trụ sở làm việc, tôi chạm mặt ngay cô gái bạn đọc Thời trang đã quen ở quán bún hôm nọ đang từ hướng cửa vũ trường Phương Đông vui vẻ bước đến. Cô nói:

- May quá, gặp anh đây rồi. Em ghé qua hỏi tờ Thời Trang số mới ra chưa? Tiện thể, xin nhận luôn mấy tờ báo dồn lại từ bữa trước chưa lấy chừ về xem luôn, bởi từ tối nay đi làm rồi, không rảnh nữa đâu.

- Vũ trường khai trương lại rồi sao? Vậy là vui. Chúc mừng em nhé!

- Tối nay, đến chơi với tụi em đi.

- Anh có biết nhảy nhót chi đâu!

- Sao lại không? Cứ đến, em bày vài bữa là biết liền!

- (…)

Để tránh đi những thoáng giây lúng túng ngượng ngùng, tôi nói:

- Em chờ tí xíu, anh vào lấy mấy tập báo của em giao luôn đây...

Tôi bước vội vào căn phòng bên trong, thì nghe cô gái nói theo:

 - À, em sẽ qua bên quán bún đợi anh luôn. Sáng nay em khao anh nghe!

Tôi vào phòng cầm xấp báo, tiện thể rút một cành hoa đang trang trí trên chiếc lọ ở bàn sách, để chúc mừng cô gái trở lại công việc vũ trường. Thế nhưng, khi ra cửa, tôi nhìn thấy cô vẫn đứng nguyên vị trí cũ. Tôi nói:

- Thời Trang của em đây. Không định qua ăn bún sao?

Cô gái khoát hai tay trả lời:

- Sáng nay không hiểu sao không thấy cụ bà ấy bán!

 Tôi nhìn qua phía khoảng sân đất trống vắng bên kia đường. Tấm bạt ni lông phai màu mưa nắng móc dính trên bờ rào. Mấy bộ bàn ghế đơn sơ, nhếch nhác xếp chồng dồn về một góc. Tôi cũng chợt nhớ ra, dường như mấy ngày gần đây, cụ bà không dọn quán… Đang lúc băn khoăn, đột nhiên, anh nhân viên viên bảo vệ trụ sở bước đến gần chúng tôi nói:

- Quán bún nghỉ rồi. Bà già ấy đã mất hơn một tuần nay.

Cả tôi và cô gái đều sửng sốt, bàng hoàng. Tôi nói:

- Trời đất! Sao vậy? Mới thấy đó, bả khỏe ru mà. Anh biết vì sao bả mất không?

Anh bảo vệ thở dài:

- Thì người già mà. Tôi cũng không nghe rõ, nhưng nghe nói bả chỉ đau một vài bữa, rồi mất. Không biết có phải dính Covid hay không?

- Chắc không phải đâu. Bữa nay không ai chết vì Covid cả. Tội nghiệp bà quá!

Cô gái vừa lật vội, lướt qua xấp báo Thời Trang trên tay, vừa nói với tôi:

- Anh với em đi tới một quãng nữa, dường như có một quán bún giống vậy. Dù sao, đã nói hết dịch là em khao anh mà.

 Ngay lúc ấy, trước mắt chúng tôi, mấy gã chạy Grab chừng đang dừng xe trước quán bún trống vắng của cụ bà, phân vân, bàn tán xì xào… rồi í ới gọi nhau chạy vội, hòa theo dòng xe cộ nhộn nhịp xuôi ngược trên đường.

Buổi sáng mùa hạ nắng lên nhanh.

T.T.S