Con số 4 trong đời sống tinh thần của người Việt xưa
Các nguồn tư tưởng, triết học phương Đông đều đề cập tới chữ Tứ, tức là nói về con số 4, con số có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của chúng ta.
Phật giáo nói đến Tứ diệu đế, tức nói đến 4 lẽ mầu nhiệm: Sinh, Khổ, Diệt, Đạo; đồng thời, nói đến Tứ khổ là: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Từ đó, đưa ra 4 giải pháp.
Thứ nhất là: Tứ pháp niệm Phật, tức 4 phép niệm Phật: Thật tướng niệm Phật, Pháp quán tướng niệm Phật, Quán tướng niệm Phật, Từ danh niệm Phật.
Thứ hai là: Tứ niệm xứ, tức là 4 nơi con người phải hằng nghĩ là: Quán thân bất tịnh, Quán tâm vô thường, Quán pháp vô ngã, Quán thọ thị khổ.
Thứ ba là: Tứ thần túc (thần là thần thông, túc là chân của thân). Thân đứng vững là nhờ có hai chân, chân ví như phép Thiền định, nên thần thông được sinh ra nhờ Thiền định. Tứ thần túc là 4 phép Thiền định: Dục thần túc, Tinh tấn thần túc, Nhất tâm thần túc, Quán thần túc.
Và thứ tư là: Tứ như ý túc, tức là 4 phép làm nơi nương tựa cho các công đức Thiền định, thần thông được thành tựu mỹ mãn như ý muốn. Tứ như ý túc là: Dục như ý túc, Tinh tấn như ý túc, Nhất tâm như ý túc, Quán như ý túc.
Triết học Trung Quốc, về vũ trụ quan, cho rằng bản căn của vũ trụ vạn vật là Thái cực. Thái cực là một cái khí tiên thiên, một thứ linh căn bất sinh, bất diệt và rất huyền diệu, trong đó tiềm phục hai nguyên tố ngược nhau về tính chất, hai nguyên tố đó về sau phân lập mà thành hai khí Âm và Dương. Như vậy, cái đại lịch trình biến hóa trong vũ trụ có khởi điểm là Thái cực. Từ nơi Thái cực sinh ra Lưỡng nghi (tức là Âm và Dương). Từ nơi Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng (tức là 4 mùa). Từ nơi Tứ tượng mới sinh ra Bát quái (Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Khảm, Ly, Cấn, Đoài).
Do đó, có thể hiểu rằng, vạn vật luôn luôn chuyển động, biến hóa, nhưng sự chuyển động, biến hóa đó không bao giờ lâm vào trạng thái rối loạn, mà trái lại luôn luôn diễn ra trong vòng trật tự. Sở dĩ như vậy, là do có một quy luật chi phối một cách thường hằng. Quy luật thường hằng đó là quy luật Phản phục: Vạn vật chuyển biến cứ hết thịnh lại suy, suy rồi lại thịnh. Từ cực thịnh qua suy vi tới hủy diệt là Phản. Từ hủy diệt lại sinh thành để rồi lại phát triển tới cực thịnh là Phục.
“Quá trình biến hóa của sự vật từ lúc “bắt đầu” tới lúc “hình thành” (gọi là “Đại hóa lưu hành”) phải trải qua 4 nấc là: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.
Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh là 4 hiện tượng, 4 trạng thái trong quá trình diễn biến của sự vật, hay là cái động lực vận hành tạo nên sinh mệnh.
Nguyên là đầu, chỉ cái khởi đoan phát động của sinh mệnh; nghĩa là cái trạng thái của vật khi bắt đầu vào cuộc sống.
Hanh là hanh thông, là thông đồng. Khi sinh mệnh của vật đã hiển hiện trong thực tế, tương thông với ngoại giới, thì trạng thái của nó lúc đó là “hanh”.
Lợi là thuận lợi, là trạng thái của sinh vật khi tương thông với ngoại giới, nó đã thích ứng được với hoàn cảnh.
Trinh là thành tựu hẳn hoi, tức là trạng thái của sinh vật vì thích ứng được với hoàn cảnh một cách thuận lợi mà đã hình thành tốt đẹp”1.
Quá trình diễn biến từ lúc vật “bắt đầu” đến lúc vật “hình thành”, triết học ngày nay gọi là “quá trình biện chứng” (processus dialectique).
Sau đó, cuộc biến hóa vẫn tiếp diễn nơi sự vật, nhưng bây giờ lại kinh qua một con số 4 khác; đó là 4 giai đoạn: Thành, Thịnh, Suy, Hủy.
Cuộc biến hóa của sự vật, như thế, cứ tiếp diễn mãi mãi không ngừng. Sở dĩ như vậy là vì Âm - Dương đắp đổi xoay vần, theo cái quy luật “tuần hoàn tiêu tức”, nghĩa là thịnh - suy đắp đổi, cứ nẩy nở đến cực độ thì hao mòn dần, hao mòn đến cực độ thì lại bắt đầu nẩy nở. Âm thịnh thì Dương suy, Dương thịnh thì Âm suy, lần lượt theo hình vòng tròn không có chỗ tận cùng. Cần chú ý, đây là vòng tuần hoàn “nguyên thủy phản chung” (bước đầu lại quay về chỗ cuối); mới biết tưởng là một vòng tròn luẩn quẩn, nhắc đi nhắc lại, không có sinh thành sáng tạo, nhưng thực ra, tuần hoàn vòng tròn chỉ là nói về cái toàn thể tuyệt đối, còn về mặt bộ phận tương đối thì luôn luôn có sự sinh thành, đổi mới. Nói cụ thể hơn, đó là vòng tuần hoàn xoáy ốc, chứ không phải là một thứ vòng tròn khép kín. Đối với dân tộc ta, chính niềm tin vào vòng tuần hoàn xoáy ốc ấy đã bao trùm một ý nghĩa thấm nhuần, hài hòa về triết lý nhân sinh của văn hóa dân gian Việt Nam, của tâm thức Việt Nam, là thế giới luôn luôn động, luôn luôn có biến hóa về lượng tính.
Như vậy, vạn vật, con người thịnh phát, an vui đều trong Tứ tượng (4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông), dân gian thường gọi là Tứ thời (4 mùa, chỉ cả năm; như Truyện Cúc Hoa có câu: "Có cây cổ thụ, có hoa tứ thời", hay tên một tập thơ chữ Nôm của Hoàng Sĩ Khải, danh sĩ đời Mạc, là Tứ thời khúc). Rồi chính từ Tứ thời mà nảy sinh Tứ quý (quý xuân, quý hạ, quý thu, quý đông). Hai mùa xuân - hạ tượng Dương; thu - đông tượng Âm. Mà Âm - Dương hòa hợp thì phát sinh muôn vật, biến ra ngàn cảnh.
Về mặt tinh thần, dân gian Việt Nam thường nói đến "Tứ bất tử", tức là nói về 4 nhân vật linh thiêng, được tôn thờ. Đó là, Tản Viên Sơn Thánh (tức Sơn Tinh); Thánh Gióng (tức Phù Đổng Thiên vương); Liễu Hạnh thánh mẫu và Chử Đồng Tử. Tín ngưỡng thờ "Tứ bất tử" là một nét tâm linh độc đáo trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Về quan niệm nhân sinh, Nho giáo chủ trương phải đọc và học Tứ thư, tức 4 bộ sách quan trọng là: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử. Và học Tứ thuật, tức là 4 thứ học thuật: Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Học Tứ thư, Tứ thuật là để noi gương thánh hiền mà dọn mình cho trong sạch hầu có thể xử thế, lập thân. Nhờ thế mà đã là nam nhi thì phải nuôi chí Tứ phương hồ thỉ, tức là cái chí tung hoành của kẻ trượng phu (Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương - Nguyễn Du). Còn phụ nữ thì trau dồi Tứ đức, tức 4 đức hạnh: phụ đức (sự trinh thuần), phụ ngôn (lời nói tốt lành), phụ dung (nét mặt, hình dáng dịu dàng), phụ công (sự chăm chỉ, khéo léo trong công việc). Tứ đức ấy thường được các bà mẹ của chúng ta đem dạy con gái một cách dễ hiểu, dễ nhớ là: công, dung, ngôn, hạnh. (Truyện Hoàng Trừu: "Tam tòng tứ đức dưới trên thuận hòa").
Như thế, Nho giáo lấy đạo đức tu thân, lấy lễ nghi xử thế, nam cũng như nữ, để phục vụ nhân quần xã hội, thực hiện được Tứ ích là: học để trị nước, cày ruộng để có lúa gạo mà ăn, dệt vải để có áo mặc, buôn bán để có tiền bạc, giàu có. Nếu Tứ dân (sĩ, nông, công, thương) mà đều làm được như vậy thì dân giàu, nước mạnh, xã hội thịnh vượng, văn minh.
Riêng kẻ sĩ, ngoài việc coi Tứ hải là nhà, bốn bể đều là anh em (tứ hải giai huynh đệ), còn phải là người luôn luôn biết quý Tứ bảo (giấy, bút, mực, nghiên), vì đó chính là Tứ hữu, tức 4 người bạn tốt của kẻ sĩ, văn nhân: "Thú vui bốn bạn thêm vui/ Khắp trong bể thánh, đủ ngoài rừng tao" - Bích câu kỳ ngộ).
Đồng thời, kẻ sĩ phải biết Tứ tri, tức 4 kẻ hay, biết.
Theo Hậu Hán thư, khi Vương Mật, đời Hậu Hán, đang đêm mang mười cân vàng đến đút lót Dương Chấn, và bảo rằng sẽ không ai biết, khỏi lo, Dương Chấn đã hỏi lại: “Thiên tri, thần tri, ngã tri, tử tri, hà vị vô tri?” (Trời biết, thần biết, ta biết, ông biết, sao lại bảo không ai biết?). Ý nói, làm việc gì ám muội, thì sẽ không giấu được ai, mà còn thẹn cả với lương tâm nữa:
"Dương Quan Tây còn sợ có bốn hay,
Khổng Phu Tử những dạy ba điều sợ"
(Nguyễn Cư Trinh)
Dương Quan Tây (Dương Chấn) còn sợ Tứ tri, còn ba điều sợ (Tam úy) mà Khổng Tử dạy, như sách Luận ngữ viết: “Quân tử hữu tam úy, úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn” (Người quân tử có ba điều sợ: sợ mệnh trời; sợ bậc đại nhân; sợ lời nói của bậc thánh nhân).
Nho gia ngày xưa thường lấy ba điều sợ ấy để răn mình trong cuộc sống. Nghĩ cho kỹ, ngay cả ngày nay cũng vậy thôi. Những ai không biết sợ dư luận, không biết xấu hổ thì dễ làm điều càn bậy, dễ chuốc họa vào thân. Còn câu chuyện thời sự của chúng ta, thì rõ ràng là, nếu không biết nhục vì dân tộc đói nghèo, lạc hậu thì không có sức phấn đấu để theo kịp thế giới!
Người xưa cũng dạy, khi không thể đem tài đức ra giúp đời, không thể trở thành Tứ trụ (4 cây cột, chỉ 4 vị quan đại thần chống đỡ triều đình, gồm 4 chức vị: Đại học sĩ: Đông Các, Võ Hiển, Văn Minh và Cần Chánh), thì nên chọn theo Tứ thú, tức là làm một trong 4 kẻ: Ngư, Tiều, Canh, Mục; quanh năm suốt tháng giong một chiếc thuyền con trên mặt nước, qua lại đường dê dặm thỏ, giữa đồng ruộng hát ca, trên lưng trâu thổi sáo. Đó chính là cuộc sống ung dung tự tại, giữ mình trong sạch “an bần lạc đạo” giữa khi thói đời vẫn quen chen chân vào chốn lợi danh phiền trược. Đó không phải là cách sống yếm thế, mà chỉ là một quan niệm đạo đức, nhưng đã dễ có mấy ai theo được?
Cũng cần nói thêm là, 4 nhân vật Ngư, Tiều, Canh, Mục, cùng với Mai, Lan, Cúc, Trúc và Mai, Điểu, Tùng, Lộc đã đi vào nghệ thuật hội họa xưa, trở thành đề tài ưa thích của các hoạ sĩ, tạo thành những bộ tranh gồm 4 bức, gọi là Tứ bình. Trong đó, Mai đứng đầu bộ Tứ quý (chỉ thực vật), tương xứng với Tứ linh (chỉ 4 động vật linh thiêng) là Long, Lân, Quy, Phụng.
Xem thế, con số 4 quả là quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt chúng ta ngày trước.
Về phía mặt trái, tức mặt tiêu cực của con số 4, người xưa khuyên ta chớ nên theo Tứ ác, Tứ hung, vì sách Tả truyện kể: Bốn kẻ ác, bốn kẻ hung bạo là Hầu Đôn, Cùng Kỷ, Đạo Ngột, Thao Thiết, đều bị vua Nghiêu đày đi xa.
Còn ở xã hội ta ngày nay, hại thay, lại phát sinh "Bốn chuẩn". Đó là:
- Chuẩn thứ nhất: Cố “chạy” cho được một “cái ghế” tương đối, để có thể ngoài lương ra còn có nhiều “lậu”, nhiều “bổng”...
- Chuẩn thứ hai: Muốn “sành điệu” thì phải có hai người đàn bà; một bà vợ "hợp pháp" ở nhà (thường là già rồi) và một “chân dài” ở bên ngoài, để giúp “đại gia” thư giãn, yêu đời, đỡ stress vì việc “cơ quan” trăm nỗi đa đoan.
- Chuẩn thứ ba: Phải ở ngôi nhà ba tấm, có vườn, có hồ bơi càng tốt.
Và, cuối cùng,
- Chuẩn thứ tư: Phải đi xe bốn bánh mới là "sành điệu"...
Đã “phấn đấu” để có "bốn chuẩn" đó, khi đang là quan chức, thì chắc chắn là sẽ mắc vào cái tội hối lộ, tham nhũng; còn không thì sa vào Tứ đổ tường, tức 4 thứ ăn chơi: Tửu, Sắc, Yên, Đổ (tửu: rượu chè; sắc: đàn bà, tình dục bừa bãi; yên: khói, xưa là hút thuốc phiện, nay là hít, tiêm ma túy, xì -ke; đổ: cờ bạc, số đề); mà trước sau gì nó cũng làm “thân bại danh liệt”, đưa tới “tan cửa nát nhà” (thật là ngẫu nhiên trùng hợp, cũng đều "4 chữ"). Cái họa ấy, lạ thay, lại có lắm người hiện nay đang thích thú lao vào!
Mà chuyện ấy chẳng mới lạ gì cả. Sách “Liệt tử” thiên “Dương Chu” (theo thuyết Túng dục), ngay từ xưa đã cho rằng: “Người ta mà không được nghỉ ngơi, là vì cứ lo lắng, chạy đuổi theo 4 thứ này: thứ nhất là Thọ; thứ hai là Danh; thứ ba là Địa vị; thứ tư là Tiền của. Để có được 4 thứ đó, lo chạy theo 4 thứ đó thường thì phải sợ quỷ, sợ người, sợ uy quyền, sợ hình phạt; như vậy là suốt đời làm kẻ sợ sệt. Mà theo ta hiểu, người sợ sệt thì chẳng thể nào hạnh phúc được, nên, nếu từ bỏ bớt ham muốn thì sẽ bớt sợ; nhờ đó mà có thể hưởng hạnh phúc được2.
Khi tôi vừa hoàn thành bài viết này, thật tình cờ, cũng là lúc một người bạn thân thiết của chúng tôi, đã gửi tặng tôi cuốn Tưởng nhớ Nhân Tử - Nguyễn Văn Thọ” (Nxb Tôn giáo, HN, 2014); trong đó, vị Bác sĩ thông thái Nguyễn Văn Thọ, (đã qua đời năm 2014 tại Mỹ), từng có một kiến giải rất hay, mà tôi thấy thực sự cần học hỏi, và tôi xin trích dẫn ngay đây, để ta thấy bể học quả thật mênh mông và ta may mắn được biết thêm một điều thâm thuý. BS Nguyễn Văn Thọ viết: "Khoảng năm 1960, một hôm tôi sực nhớ đến câu chuyện Vườn Địa Đàng (the Garden of Eden) trong Cựu ước... mô tả rằng nơi đó (Vườn Địa Đàng) có 4 con sông chảy vào từ 4 hướng... Và tôi suy luận, nếu bên ngoài (đời thực - THDV) không đâu có khu vườn có 4 con sông từ 4 hướng chảy vào thì tại sao không đi tìm trong đầu não của con người, vì chính nơi trung tâm đầu não của con người có BỐN ĐỘNG MẠCH như 4 con sông chảy vào, rồi lại còn bao quanh thành một vòng động mạch Willis. Vậy thì đó là Vườn Địa đàng Trời đã dành cho mọi người. Và nơi đó, chúng ta thường xuyên vẫn còn được đối thoại với Thượng đế qua tiếng nói thầm lặng của lương tâm mà chúng ta nào có biết có hay"3.
Còn con trai tôi, một bác sĩ, lại nhắc tôi một sự thật quá hiển nhiên: Trái tim con người có 4 phần: tâm thất trái và tâm thất phải; tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Với 4 phần đó, trái tim đã cho con người chẳng những là nhịp đập cuộc sống, mà còn cho biết bao yêu thương phong phú, để con người luôn sống trong tâm thức vượt thoát, muốn vươn lên và muốn tận hiến cái phần tốt đẹp nhất, trước hết là cho người mình yêu thương, và sau đó là dâng tặng cho nhân quần, xã hội, tức là dâng tặng cho đời... Cao đẹp biết bao!
Nhân lúc “Ngày xuân em hãy còn dài, Xót tình máu mủ thay lời nước non” (Truyện Kiều), nghĩ về chữ Tứ, con số 4 trong đời sống tinh thần của người Việt ngày xưa, và một phần nào đó cũng là của chúng ta hôm nay, chính là để mong ước xã hội không ngừng tiến bộ, phồn vinh, để “có cây trăm thước, có hoa bốn mùa” (Truyện Kiều); nhờ đó, chất lượng sống của con người ngày một cao hơn, tốt hơn, trong một xã hội công bằng, thấm đượm tính nhân văn và trong một môi trường trong sạch hơn, đáng sống hơn.
T.H.D.V