Hai người đàn bà

16.11.2022
Thanh Vinh

Hai người đàn bà

Ông Thành người con quê ở làng Đông Nhiêu, xã Duy Phong, huyện Duy Xuyên nhớ lại ngày xưa như một cuộn phim dài trôi qua trước mắt. Cái ngày toàn quốc kháng chiến sôi nổi ấy, ông cùng các bạn nam nữ trong làng cũng sôi sục tham gia các phong trào do Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã kêu gọi xuống Quốc lộ 1 phá đường không cho xe giặc Pháp đi qua, xây dựng các phong trào thanh niên, thiếu nhi và ra sức chống giặc bằng nhiều cách để giữ quê hương làng xóm.

Khi cuộc kháng chiến bùng lên mạnh mẽ, ông và các bạn thi nhau lên đường vào Vệ Quốc Quân. Sự ra đi ngày ấy như một sự thôi thúc kỳ lạ, nói chung không chỉ làng Đông Nhiêu mà cả khu vực đều sục sôi như vậy, ai cũng muốn đem sức mình góp phần vào cuộc kháng chiến cứu quốc theo lời Bác Hồ và Mặt trận Việt Minh kêu gọi.

Cũng như ông, bao chàng trai khác, khi ra đi đều nhìn về và lưu luyến nơi mình sinh ra, đó là dòng sông, con đò, đình làng, miếu xóm. Đối với ông Thành còn nhiều thứ để nhớ hơn nữa, đó là mối tình đầu trong trắng của ông cùng cô Hiên con gái ông Hương Cẩm ở làng trên. Ông Hương Cẩm trước cách mạng là một hương chức nhỏ, có nhiều ruộng rẫy nên rất giàu có. Vì thế, cô Hiên đã được ông Hương Cẩm dạm gả cho một người môn đăng hộ đối đang học trên tỉnh, còn ông Thành thì chỉ là con của một quả phụ, cha ông mất từ những năm ba mươi do tham gia vào tổ chức cách mạng. Tình yêu của ông và cô Hiên gặp trắc trở từ đó. May có cuộc kháng chiến bùng lên ông và Hiên đều là những người tham gia tích cực. Cô Hiên có lần nói với ông:

- Em biết cha em không để cho anh lấy em, nhưng em sẽ thuyết phục cha.
- Ông Thành bảo:

- Bây giờ có đoàn thể rồi, anh nghĩ sẽ thuận lợi hơn, anh tin là chúng ta sẽ sống với nhau.

Thế nhưng ông Thành không chờ được cái ngày vui đó mà lên đường vào Vệ Quốc Đoàn. Từ khi vào Vệ Quốc Đoàn, ông mãi lo đi học quân sự trong khi trình độ văn hóa chỉ mới cấp hai, nhưng nhờ sáng dạ, ông đã học tập khá hơn nhiều người, ra trường với chức vụ trung đội trưởng, rồi tham gia nhiều trận đánh chống giặc Pháp. Ông Thành nhớ nhất là trận đánh đầu tiên ở đường 104 thuộc tỉnh lộ, quân ta đã diệt gọn đoàn xe chở quân Pháp lên Trà Kiệu và diệt hơn trăm tên địch cùng tất cả xe cơ giới. Nhiều trận đánh làm nức lòng nhân dân vùng Duy Xuyên và các vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú. Khi ông tranh thủ về thăm mẹ và cô Hiên ở làng Đông Nhiêu, mẹ ông mừng lắm và thông báo rằng cô Hiên vẫn công tác ở xã rất siêng năng được nhiều người quý mến. Còn gia đình ông Hương Cẩm bỏ làng ra Đà Nẵng và giục cô cùng ra với gia đình nhưng cô quyết không đi. Ông Thành nghe vậy thấy thương cô Hiên vô cùng, ông tìm đến gặp Hiên và nói:

  - Em có quyết định ở đây như vậy thật sao? - Hiên nhìn ông cười bảo:

  - Em chờ anh về cùng đi với anh, anh có cho em theo với không?

Hiên biết từ khi yêu ông cô đã chọn con đường theo chồng dù gia đình ông còn khó khăn, ông đã có một chính nghĩa để tôn thờ. Và họ đã yêu nhau thật sự, cho nên ông luôn về nhà khi có công tác. Cho đến một ngày ông trở về làng Đông Nhiêu thì Hiên bảo đã có thai với mình, đoàn thể ở làng cũng chấp nhận cho mối tình và cuộc hôn nhân ấy. Trước khi trở lại đơn vị ông Thành nói với cô:

 - Thôi em và mẹ giữ gìn sức khỏe và cố gắng sống tốt ở địa phương. Chiến trường đang vào các chiến dịch lớn anh phải đi đây.

Hiên thấy ông vội vàng như thế nên hỏi:

- Con chúng ta nên đặt tên gì? - Ông sực nhớ vội quay về ôm vợ và hôn vào cái bụng bầu của cô rồi cười nói:

- Tùy em, anh giao cho em đặt tên đó, em chọn đi.

- Nếu là con trai, anh tên là Thành em sẽ đặt tên cho con là Công vậy nhé!

Vậy là ông Thành ra đi, cùng lúc quân ta đánh thắng khắp nơi trên các vùng miền, còn chiến dịch Điện Biên Phủ đã hình thành trên đà thắng lợi. Cuối cùng ta đã đánh thắng quân Pháp ở Điện Biên Phủ rồi hòa bình đã về chờ hai năm tổng tuyển cử. Nhưng việc ấy không thành, ông Thành bây giờ còn trong quân ngũ và sau đó được lệnh tập kết ra Bắc theo Hiệp định Pari. Chuyến tàu cuối cùng từ Quy Nhơn làm cho ông vừa lo vừa buồn bởi mẹ và Hiên - hai người đàn bà với ông là một nỗi tha thiết yêu thương. Hiên lại có với ông một đứa con, cô ấy có vượt qua và lo cho mẹ, cho con của ông nữa hay không, nhưng nghĩ ông chỉ đi có hai năm là lại về thôi, hơn nữa, hôm tiễn ông đi Hiên bồng con ra tận đầu làng nói với ông:

- Mình cứ yên lòng, em còn có con và em sẽ lo cho mẹ, chỉ hai năm thôi mà!

Ra đến miền Bắc đâu đâu cũng như một công trường vừa mới xây dựng, bọn Pháp vừa rút hết thì các nhà máy, xí nghiệp, đồng ruộng coi như phải dựng xây trở lại tất cả. Ông Thành và các đồng đội cũng như nhân dân miền Bắc lại bắt tay vào công cuộc tái thiết mảnh đất anh hùng và huyền thoại. Vừa hào hứng sau thắng lợi, vừa quyết tâm xây dựng lại miền Bắc và thủ đô, nơi có Bác Hồ cùng đoàn quân chiến thắng vừa trở về. Ông Thành và mọi người say sưa với nhiệm vụ quan trọng đó, ông cũng không biết được tại quê nhà chính quyền do Mỹ dựng lên đã xảy ra những chuyện gì.

Từ năm 1954 đến 1956 và những năm tiếp theo là thời kỳ đen tối nhất của cách mạng miền Nam, bọn tay sai bù nhìn thời Bảo Đại và thực dân Pháp nuôi dưỡng đã được đế quốc Mỹ hà hơi tiếp sức đang ngóc đầu dậy mạnh mẽ. Các làng mạc thôn xóm đều có chính quyền gọi là Quốc Gia được dựng lên, Hiệp định Pari không nghe nhắc đến nữa, và các hình thức trả thù bắt những người thân Việt Minh cũng như tham gia kháng chiến mà không đi tập kết bắt đầu một cách quy mô tàn khốc! Làng Đông Nhiêu có mẹ con cô Hiên và mẹ của ông Thành cũng không nằm ngoài số phận ấy, may mà có ông Hương Cẩm cha của cô Hiên dù chưa về làng do con ông đang theo quân đội Pháp nhắn lời rằng con ông sẽ giao con lại cho bên nội và ra Đà Nẵng cùng ông… Dù vậy cô Hiên cũng được mời lên xã nhiều lần do có chồng tham gia kháng chiến. Mẹ ông Thành càng khốn khổ hơn vì trước đây là thành phần bần nông nên được chính quyền nhân dân ưu tiên cấp đất, bây giờ thêm cái tội có con trai đi kháng chiến và tập kết ra Bắc cho nên bà bị phơi nắng nhiều ngày thành ra người bất bình thường, cứ gọi tên ông Thành mà khóc. Còn phần cô Hiên, vốn là con gia đình khá giả, có học, cô biết được thời cuộc và sự nghèo khó của gia đình chồng và xu thế tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, nên cô hết sức lo cho gia đình chồng, tham gia vào công cuộc kháng chiến và nuôi dạy thằng Công nên người. Mẹ ông Thành do bị bắt bớ tra tấn và thiếu thốn về vật chất nên đau ốm liên miên.

Thời cuộc đang trôi theo dòng lịch sử, mà hai thế lực đang tìm mọi cách để tồn tại và phát triển. Tại miền Nam chính quyền bù nhìn bắt đầu đàn áp đẫm máu hơn, luật số 10/59 ra đời, các vụ đấu tranh của quần chúng tự phát như ở chợ Được, Cây Cốc… nổ ra làm chết nhiều người. Nhiều vụ bắt bớ thủ tiêu người tham gia kháng chiến và thân kháng chiến diễn ra kinh hoàng, trong đó điển hình như tại đập Vĩnh Trinh, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên gần 20 cán bộ đảng viên bị bọn ngụy quyền Diệm Nhu cho vào bao bố và thả xuống cái đập nhỏ ven làng, nhiều người còn để dành những trái ớt xanh, miếng đường phèn mà gia đình vừa thăm nuôi! Có thể nói đây là thời điểm đen tối nhất của cách mạng miền Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Không nao núng trước sự tàn bạo của kẻ thù, nhân dân ta ở các vùng trong huyện Duy Xuyên nói riêng và trong tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung vẫn tự  đấu tranh bằng nhiều cách, cán bộ kháng chiến tại chỗ phải chuyển vùng hoạt động để che mắt quân thù và chờ thời cơ tập hợp.

Ông Thành lúc này như đang xoáy vào với công việc, ngành của ông là phục dựng lại giao thông đường bộ, vừa học vừa làm, ông không quên nhớ về làng Đông Nhiêu, xã Duy Phong - nơi có mẹ và vợ của ông cùng cậu con trai mà ông nhìn chưa thấu mặt. Có điều ông vẫn tin tưởng Hiên sẽ thay ông lo cho mẹ và nuôi dạy thằng Công nên người.

Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra tận miền Bắc, ông không được may mắn vào Nam chiến đấu mà phải tiếp tục làm công việc phá núi mở đường để cho đường xe thông, vận chuyển hàng hóa và đạn dược nhanh chóng từ hậu phương cho đến tiền phương. Và rồi một hôm khi ông đang cùng đồng đội sửa lại chiếc cầu bắc qua con sông Nhuệ thì từ Hạm Đội 7, Mỹ cho một tốp máy bay vào đánh phá vùng Ứng Hòa, Thạch Thất ngoại ô thủ đô Hà Nội, ông bị trúng một quả bom thả xuống gần đó rồi bị thương rất nặng. Ba ngày sau khi tỉnh dậy ông thấy cô Na - một nữ thanh niên xung phong huyện Ứng Hòa người cùng tham gia làm đường với ông ngồi bên và cô ấy khóc! Hỏi ra mới biết cô Na đã cho ông những giọt máu quý hiếm nên ông mới tỉnh lại. Cô nói:

- Bác sĩ bảo anh khó mà tỉnh lại cho nên em thấy anh mở mắt ra là em mừng lắm!

- Vậy em ở đây từ khi anh bị thương sao?

- Dạ em sợ anh… Na không nói nữa mà nước mắt lại trào ra.

Đế quốc Mỹ chưa đánh mạnh vào Hà Nội là do phòng không của ta quanh vùng ngoại ô ở đây rất mạnh. Thỉnh thoảng chúng mới mò vào như hôm nay thôi. Ông Thành quen biết Na trong một đêm giao lưu văn nghệ với lực lượng thanh niên xung phong của huyện, sau đó nhân được nghỉ Na dẫn ông Thành về nhà giới thiệu rằng có bạn mới là dân miền Nam đến nhà chơi. Cô Nết chị của Na nhìn ông như thấy một lực sĩ, người cao to còn đẹp trai và có cảm tình ngay. Nết nghĩ ngay đến hôn nhân của em mình. Nết hơn Na hai tuổi có người yêu đang chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Chị của Na ân cần với ông bao nhiêu thì ông càng ái ngại, ông nghĩ nếu chẳng may họ đặt vấn đề hôn nhân với ông thì hơi khó vì hiện tại ông đã có vợ con ở quê nhà. Chiến tranh chưa biết bao giờ mới kết thúc, cho nên đa số bộ đội tập kết ra Bắc đều có vợ. Tuy chưa nói ra, nhưng ông biết Na có cảm tình với ông. Những lần gặp nhau như thế lâu dần Na đã yêu ông thật sự nhưng chưa có cơ hội để cô thổ lộ với ông. Và hôm nay tình yêu của Na thật sự bộc lộ khi nghe bệnh viện cần máu hiếm để cứu ông Thành và cô đã xin hiến máu như một người thân tình. Mấy ngày ông Thành chưa tỉnh khiến cô hết sức lo lắng, trong khi bác sĩ cho cô biết một cái chân của ông sẽ bị liệt nếu không điều trị và tập đi sau khi tỉnh dậy.

Ông Thành tỉnh dậy nằm đây mà lòng ông rối mù cho số phận. Việc mất liên lạc với gia đình đã lâu không biết mẹ và mẹ con Hiên ra sao, nay còn bị thương nặng như vậy nếu không có Na giúp thì biết làm sao đây! Na xin phép đơn vị cho cô giúp đỡ ông sau khi ra viện, và chị của Na cũng đồng ý cho em mình làm công việc nhân đạo ấy. Khi ra viện, ông được Na đưa về ngôi nhà nhỏ mà hai chị em ở huyện Ứng Hòa chăm sóc như một người vợ thật sự khiến ông rất cảm động. Một hôm ông nói:

- Na ơi! Anh nợ với em nhiều như vậy làm sao anh trả hết cho em?

-  Vì yêu anh, em mong anh mau lành và trở về đơn vị.

- Nhưng anh có vợ con ở quê nhà em biết không? - Na nghe vậy cô hơi buồn nhưng vẫn cười nói với ông:

  - Em yêu anh, khi nào anh trở về Nam thì em trả anh cho chị ấy được chưa? - Ông nghe mà lòng đầy cảm động, chị của Na cũng bảo:

- Cuộc chiến đang quyết liệt và dai dẳng mà bây giờ em đang bị thương rất nặng, chị nghĩ em nên có vợ, Na nó yêu em, em biết mà, thôi như thế đi, sau này hãy tính!

Ông Thành không nỡ phụ cô Hiên dù không biết hiện nay mẹ con cô ra sao, còn ân tình với chị em Na cũng khá sâu nặng chưa biết tính sao, vả lại bây giờ ngoài gia đình Na ra ông không còn ai để nhờ vả trong lúc thương tích thế này. Sau những ngày dưỡng thương, hai chị em của Na và mẹ của hai cô coi ông như người nhà, sau đó Na tập cho ông đi khỏi bị bại liệt và trở về đơn vị. Ông Thành và Na cũng đã thành vợ chồng…

Trong khi ấy làng Đông Nhiêu được giải phóng, Hiên rất vui vì nghĩ sẽ có tin tức của chồng. Thằng Công bây giờ đã mười tám tuổi, nó đòi đi bộ đội mãi, cuối cùng Hiên cũng nghe theo con, cho con lên đường tham gia chiến đấu.

Vào năm 1972, chồng của Nết là anh Trọng vào Nam chiến đấu về phép và họ hội ngộ chung trong ngôi nhà của Na. Ông Thành bây giờ là Phó Giám đốc Công ty xây dựng số 9 Hà Tây. Hôm chia tay anh Trọng trở vào Nam, ông đưa địa chỉ quê nhà làng Đông Nhiêu, xã Duy Phong, huyện Duy Xuyên cho Trọng, bảo có dịp ghé qua làng dò hỏi giùm tin tức của mẹ và Hiên cho mình. Chim trời cá nước biết đâu mà tìm! Đã gần hai mươi năm rồi còn gì, dù sao vẫn còn hy vọng. Vậy mà Trọng đã tìm được địa chỉ làng Đông Nhiêu và gặp Hiên tại ngôi nhà ven sông Thu Bồn. Hiên rất vui và khoe rằng thằng Công hiện đang là một giải phóng quân rất gan dạ. Hiên bây giờ là một người đàn bà luống tuổi, tóc đã bạc muối tiêu. Trọng ái ngại nhưng phải nói cho Hiên biết rằng ông Thành đã có gia đình để cho Hiên không bị bất ngờ. Việc Trọng nói ông Thành đã có gia đình ở ngoài Bắc và có một cô con gái hơn mười bảy tuổi. Rồi Trọng kể việc ông Thành bị thương nặng được gia đình Na cứu giúp ra sao, rồi họ đã nên vợ chồng ra sao. Hiên nghe xong, hai hàng nước mắt lệ ngấn đầy, rồi thừ ra một lúc nói:

- Như vậy cũng được, chiến tranh lâu quá mà. Hiên nhìn anh Trọng rồi hỏi:

- Họ sống ra sao, anh ấy vẫn còn công tác chứ?

- Anh Thành bây giờ là phó giám đốc một công ty cầu đường, mà chị biết đế quốc Mỹ đang đánh phá ác liệt, anh Thành rất cần cho công việc nên không vào Nam như chúng tôi. - Hiên quẹt nước mắt đang trào ra rồi nói:

- Nếu có dịp trở ra ngoài ấy anh nói giúp rằng tôi vẫn sống trong vùng giải phóng, đứa con trai của chúng tôi đang tham gia lực lượng vũ trang của huyện, thằng nhỏ thường ghé thăm tôi. Mẹ anh ấy mất hơn năm năm, tôi và làng xóm lo cho mẹ rất chu toàn.

- Trọng thấy Hiên rất yêu thương chồng, và chờ đợi. Trọng ra về khi đã nhận vài thứ quà nhỏ trong đó có mấy tấm hình của hai mẹ con và bà nội.

Chiến tranh rồi cũng kết thúc. Sau năm 1975, miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Những cuộc chia ly bắt đầu lần lượt được hàn gắng, bao nhiêu cặp vợ chồng từ miền Bắc trở về với vợ con, và không thiếu những cặp đã có vợ ở miền Nam đang chờ họ.

Hiên bây giờ biết rằng chồng mình đã có vợ con, nhưng cô vẫn cứ trông người chồng trở về. Tâm lý của người phụ nữ rất lạ, nhất là những người sống mẫu mực, họ rất yêu chồng con dù chồng con có đối xử với họ ra sao. Họ nén đau khổ vào trong và âm thầm chịu đựng. Tuy Hiên có hụt hẫng nhưng hiểu rằng chồng mình do hoàn cảnh như vậy nên cô chỉ thở dài và chờ đợi, chờ đợi nhưng không biết để làm gì.

Ở ngoài Bắc, gia đình bé nhỏ của ông Thành cũng có nhiều cảm xúc. Sự mừng vui cho ngày toàn thắng lắng xuống cũng là lúc Na thấy lo ngại, Na biết rằng thế nào ông Thành cũng phải về Nam, và về như thế nào thì Na chưa hình dung ra được. Na thấy mấy ngày nay ông cứ ra vào không yên mà Na thì không dám hỏi. Phương Nam con gái của Na và ông tỏ ra vui lắm, nó về nhà hỏi bố:

- Bố ơi, chỗ con học có mấy chú người miền Nam chuẩn bị về Nam còn bố thì sao? - Ông Thành ậm ờ:

-  Cũng chưa biết sao, bố còn công việc ở đây nhiều lắm.

- Nhưng bố có về chứ, có về thì cho con đi với! Con muốn vào miền Nam, vào Sài Gòn lắm cơ!

Na nghe thế thì thêm rối. Cả con nhỏ mà còn muốn về thì anh ấy hẳn phải đi thôi! Khi đã yêu nhau chân thật rồi thì ai cũng muốn giữ, Na nhìn thấy mấy tấm ảnh mà Trọng đưa về, Na biết vợ ông Thành rất đẹp và hiền, chắc rằng họ vẫn yêu nhau và chờ đợi ngày về của chồng, nghĩ thế Na thở dài nhìn chồng con rồi lặng lẽ quay đi. Ông Thành biết tâm ý của Na nên thấy thương cho Na lắm, và ông cũng chưa biết nói thế nào. Ông cũng khó nghĩ lắm, suốt hơn hai mươi năm xa quê ai không muốn quay về, mà quay về lúc này thật không dễ chút nào, ông tưởng tượng, cái vòng tay ôm của Hiên khi gặp ông chắc không xảy ra, còn ông sẽ nói gì với vợ câu đầu tiên sau ngần ấy năm xa cách? Còn với Na nữa, cô ấy vì mình mà sống yên vui với con, một tổ ấm gia đình từ khi còn trong bom đạn sống chết có nhau. Na là một người đàn bà yêu chồng thương con vô hạn. Những năm ông bị thương gần như tuyệt vọng cô vẫn lo cho ông với tất cả chân tình, cô từng bảo: “Nếu anh thành người bất toại em sẽ ở bên anh suốt đời”. Khi có con, Na còn tuyệt vời hơn nữa, vừa tham gia công tác phụ nữ vừa lo cho con ăn học, để cho ông yên tâm công tác. Ông có nên về Nam để Na ở lại hay không? Tất cả những nỗi lòng đó bây giờ chưa có lời giải. Na biết ông đang khó khăn nên bảo:

- Hay là anh cứ về cho chị ấy mừng, còn em và con vẫn ở đây có sao đâu?

Na nói là nói như vậy nhưng thật ra cô đang lo lắng chuyện chia tay. Trong lòng ông bây giờ hai người đàn bà đều đáng thương cho nên ông thật sự khó xử. Và cuối cùng ông quyết định đưa Na với con gái Phương Nam cùng về Nam như một chuyến thăm quê sau hơn hai mươi năm xa cách. Ông Thành nghĩ, ông và hai người đàn bà của ông không có lỗi trong chuyện này. Nếu có những lỗi lầm nào đó làm cho cả ba người cùng khó xử, đó là bọn đế quốc thực dân gây ra cho đất nước này mà thôi.

Làng Đông Nhiêu của ông bên con sông Thu Bồn ngày xưa yên bình là thế, bà con dù nghèo vẫn lam lũ làm ăn đó sao? Cái tham vọng cướp nước để bóc lột của các thế lực đế quốc thực dân núp dưới nhiều danh nghĩa, làm cho lịch sử thế giới phải phát triển thêm một chủ nghĩa mới, đó là chủ nghĩa yêu nước, mà sau này thành một lý tưởng cho những người Cộng sản đấu tranh chống lại bất công, đó là cái mà ông Thành và bao người yêu nước yêu tự do phải xoáy vào cho đến hôm nay. Ông Thành nhìn Na, nhìn đứa con gái 17 tuổi mà thấy thương cho họ. Hòa bình rồi, đáng ra phải vui hơn, thế mà bây giờ ông và hai người đàn bà đang lâm vào một tình thế không vui, ông nghĩ cũng do bọn xâm lược.

Trước ngày họ lên xe, đêm ấy ông Thành không tài nào ngủ được… và rồi chiếc xe cũng chạy vội vàng để đưa ông Thành và gia đình nhỏ của mình về quê. Ông nhìn ngôi nhà xưa không còn nữa, lạ quá, nhìn mái tranh xiêu vẹo mà Hiên đang ở trong ngôi nhà ấy sao mà thân thương đến vậy. Ông cảm động biết bao khi thấy người vợ ngày xưa của ông ôm lấy Na làm cho cô vợ miền Bắc của ông rưng rưng nước mắt, làm cho ông và Phương Nam, đứa con gái ông cùng đứa con trai là Công cũng muốn khóc! Bỗng có tiếng còi xe đâu đó vang lên làm cho ông Thành bừng tỉnh. Thì ra đây là một giấc mơ. Giấc mơ dù ngắn ấy cũng làm cho ông bâng khuâng và có chút ít hy vọng của một chuyến về quê. Ông Thành nghĩ rằng, có lẽ khi về đến quê nhà, rồi mới biết mọi việc của hai người đàn bà mà với ông đều là đáng thương hơn tất cả.

T.V