Đi tìm trong TÌM HƯƠNG của Nguyễn Minh Hùng
Tập thơ Thiên di của Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng.
Đã nhiều lần lặn lội tìm mùi hương ấy...
Về quê những ngày giáp Tết, tần ngần góc sân, hít căng lồng ngực mùi hoa cải thơm nồng. Bốn mươi năm vẫn mùi hoa cải ấy nhưng không phải hương mình tìm...
Đêm tháng Ba, đường làng ngạt ngào hoa cau sóng sánh trăng vàng. Hoa cau hương cũ thơm không giống đêm này. Bất chợt ngõ khuya mấy cánh hoa giằng nhỏ xíu trắng ngời ngời giăng mắc bờ tre tỏa hương dịu nhẹ. Hoa cứ là hoa mình cứ là mình. Biết là hương đó nhưng phần ai nấy biết.
Dưới cơn mưa giông đột ngột chiều hè, mùi đồng đất, mùi rơm rạ, mùi phân ải... Vẫn muốn hít vào tận thương yêu lòng mình mà sao sống mũi vẫn không nhận được nguyên vẹn dư vị cố hương... Dư vị chỉ là dư vị.
Mẹ gần chín mươi, y nguyên thói quen nhai trầu trong dáng ngồi tĩnh vật giữa hoàng hôn buông tím khung cửa hẹp. Thử úp mặt vào lòng, mùi trầu cau ấy - mùi mẹ đó - không khác. Nhưng rồi cảm giác vẫn không thật, cảm - giác - thử vẫn hiện ra thật nhất.
Có một lần - hình như sự lặp lại duy nhất - khi gần người yêu - tôi buột miệng: "Giống mùi mẹ quá !...". Cô ấy đùa: "Vậy là em già rồi!...". Nhưng đó là giống, em một người mẹ một người.
Đăm đắm cô đơn mùi hương xưa cũ. Càng đi tìm càng không gặp. Tưởng gặp được rồi mới biết chưa gặp lại bao giờ. Có làn hương nào còn nghĩ đến tôi chăng hay ngay sau khoảnh khắc tao ngộ đã thản nhiên tan biến vào trời đất muôn trùng.
Đó là hương tháng năm, hương thơ ấu, hương quê nhà, hương yêu dấu, hương của hương, hương đến chỉ một lần là vĩnh quyết?!...
"Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản”. Thảng thốt kẻ tìm hương cũ. Thảng thốt nếu không từng một lần sống và không từng một lần tìm lại nỗi hương xưa!...
(Trích Thiên Di, tập thơ Nguyễn Minh Hùng, Nxb Hội Nhà văn 2014)
Đã nhiều lần lặn lội tìm mùi hương ấy… Câu mở đầu bài thơ Tìm hương để hẹn đến khổ thơ cận cuối một đáp án: Đó là hương tháng năm, hương thơ ấu, hương quê nhà, hương yêu dấu, hương của hương, hương đến chỉ một lần là vĩnh quyết?!... Không phải đáp án kết thúc sự tìm kiếm. Ở đây, đáp án lại mở ra những nghi án.
Từ những ngày giáp Tết… tần ngần góc sân, hít căng lồng ngực mùi hoa cải thơm nồng đến Đêm tháng Ba, đường làng ngạt ngào hương cau và sóng sánh trăng vàng, rồi Dưới cơn mưa giông đột ngột chiều hè, mùi đồng đất, mùi rơm rạ, mùi phân ải… là những thử nghiệm theo trình tự thời gian hòng trải nghiệm cảm xúc chân thật, đẹp đẽ thời thơ trẻ đã qua. Nhưng Bốn mươi năm vẫn mùi hoa cải ấy nhưng không phải hương mình tìm…, Hoa cứ là hoa, mình cứ là mình. Biết là hương đó nhưng phần ai nấy biết, vẫn muốn hít vào tận thương yêu lòng mình mà sao sống mũi vẫn không nhận được nguyên vẹn dư vị cố hương… Dư vị chỉ là dư vị… Không thể nào hợp nhất chủ thể quan sát và đối tượng được quan sát, là nỗi trăn trở khắc khoải của tác giả. Đó là một nan đề, một vấn nạn của con người trong mọi thời đại, trừ “thời đại trẻ thơ” của một ít người diễm phúc.
Có lẽ còn vô vàn thử nghiệm khác mà tác giả không cần thiết viết ra, để nhường chỗ cho hình ảnh hai - người - đàn - bà nối tiếp nhau xuất hiện như hai gam màu tương phản chỗ đứng và tuổi tác trong bức tranh làng: “Mẹ” và “Người tình”.
Mẹ gần chín mươi, y nguyên thói quen nhai trầu trong dáng ngồi tĩnh vật giữa hoàng hôn buông tím khung cửa hẹp. Thử úp mặt vào lòng, mùi trầu cau ấy - mùi mẹ đó - không khác. Nhưng rồi cảm giác vẫn không thật mà chính cảm - giác - thử vẫn hiện ra thật nhất. Trớ trêu thay!...
Nếu nói Tìm hương là một bài thơ thiền thì hẳn nhiều người bất đồng. Có thể họ sẽ mang bài Ngư nhàn hoặc Ngôn hoài của Không Lộ để đối chứng. Nhưng với tôi Tìm hương là bài thơ thiền hiện đại được viết theo thể “Thơ văn xuôi”. Bài thơ phản ánh quá sinh động khoảnh khắc trạng thái hướng nội, giác tĩnh, kết nối cội nguồn tâm thức. Ở đây, tác giả không biểu đạt tâm thế nội tĩnh như thơ thiền truyền thống mà chính là quán chiếu ngoại cảnh và từng cử động tâm thức như nó đang là. Tuy không bộc bạch ai là người đang quan sát nhưng dường như ta thấy sự có mặt của người - im - lặng đứng đằng sau sáu giác quan ấy. “Người - im - lặng đứng đằng sau” chính là đối tượng phi đối tượng thuộc bản thể thiền mà chỉ những ai đã từng thể nghiệm mới nhận diện mà thôi, còn không thì nó muôn đời bí hiểm.
Điều bất ngờ là người đàn bà trẻ trung đột nhiên xuất hiện sau hình ảnh bà mẹ già nua: Có một lần - hình như sự lặp lại duy nhất - khi gần người yêu - tôi buột miệng: “Giống mùi mẹ quá!...”. Đến đây tác giả “ngộ” ra rằng, chính tình yêu đã khiến bản ngã ngưng đọng, thế giới chỉ còn hai người, hai mà một, khi niềm đam mê cháy rực. Sự hợp nhất khiến mùi hương ký ức về mẹ đã hoài công lặn lội lâu nay bỗng nhiên sống dậy mà không cần tìm kiếm. Em không chỉ là tác nhân để âm dương hòa điệu mà hợp nhất anh với làn hương cũ vốn lúc nào cũng phảng phất hay ẩn mình đâu đó. Nói như thiền sư Osho, tình yêu nam nữ không hề tội lỗi. (phải chăng các thánh nhân đã sai cả rồi?). Tình yêu nam nữ của Osho là tiến trình từ dục đến siêu tâm thức. Đó là lý do Osho bị thế giới tôn giáo thủ cựu tẩy chay và ám hại. Họ giết chết một thân xác mang tâm hồn và tuệ giác cực kỳ độc đáo. Nhưng lý thuyết của ông khiến hành giả ngày càng thấy tương hợp thời đại và thực tiễn, không như quan điểm truyền thống khắc kỷ. Sinh ra trước ông gần bốn thập niên, cùng là người xứ Ấn, Đại sư Krishnamurti từng quả quyết: “Không có tình yêu thì thiền định vô nghĩa”. Tất nhiên, ý nghĩa tình yêu mà ngài đề cập nội hàm lớn lao siêu việt và dung chứa trong đó cả cảm thức yêu đương nam nữ ở trạng thái đích thực dù ngắn ngủi khiến bản ngã hốt nhiên vắng bóng.
Nhớ một lần trên đường đạp xe qua cầu Đen - nay là cầu Gò Nổi - thuở học trò Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, tôi chợt nhận ra những con sóng lao xao mặt nước Thu Bồn bằng cảm thức tinh khôi nhưng cũng thật xưa cũ. Tinh khôi mà xưa cũ là vì nó mang vẻ đẹp kỳ diệu của thuở bé thơ thường trực nghiệm. Lúc ấy tôi buột miệng thốt ra: Sông cũng có hồn. Vì dễ đâu thấy được vẻ đẹp nguyên thủy của dòng sông như ngày thơ dại đã từng… Tuổi thơ trực nghiệm vô ngôn mà không bị ý thức chen ngang, phá bĩnh.
Chính trực nghiệm mỏng manh vụt hiện là lý do mà tác giả bật ra một cách vô thức: Giống mùi mẹ quá!... Lúc này nàng cũng tế nhị khỏa lấp bằng nửa đùa nửa thật: Vậy là em già rồi!... (nghĩa là em vẫn trẻ). Chàng lanh trí bào chữa sự sơ suất chân thật mà chắc hẳn người tình không tài nào thấu cảm một góc khuất tại thời khắc chớp nhoáng ấy (không thấu cảm cũng thường thôi, vì lẽ!…): Nhưng đó là giống, em một người mẹ một người… Đúng hơn em là nhịp cầu tâm thức để anh bước sang làn hương của mẹ bằng mối tương quan của hai người đàn bà. Làn hương bí hiểm từ lâu lắm anh không thể tìm thấy, không thể chạm đến… Nên Đăm đắm cô đơn mùi hương xưa cũ. Càng đi tìm càng không gặp. Tưởng gặp được rồi mới biết chưa gặp lại bao giờ... Đến đây tác giả tiến sâu hơn vào vùng thiên tính. Có làn hương nào còn nghĩ đến tôi chăng hay sau khoảnh khắc tao ngộ đã thản nhiên tan biến vào trời đất muôn trùng. Chỉ có con người đau đáu nỗi nhớ làn hương kỳ diệu đã phải lòng, chứ hương nào có tư ý nhớ đến tri âm? Hương cứ thế mà lan tỏa, đạo cứ thế mà vĩnh hằng. Như Krishnamurti: “Chân lý là quà tặng, bạn không thể tìm kiếm nó. Nó tìm đến bạn…”, hay “Chân lý không lối vào” (Nói tìm mà không tìm, nói không có lối vào mà từ cổ sơ đến nay vẫn có người vào được). Phải chăng trực nghiệm mùi hương cũng cùng bản thể trực nghiệm sự thật?
Trong hai tập thơ đã xuất bản (Chân Trời, Nxb Đà Nẵng, 2002 và Thiên Di, Nxb Hội Nhà văn, 2014), ở đây đó vẫn bắt gặp cái sự đi - tìm - thảng - thốt ấy; không phải đi tìm để gặp mà để thấy đâu mất và đâu còn, đâu vĩnh hằng và đâu tan biến, nghĩa là buông lửng trong cảm thức không thời gian vô thỉ vô chung không mong cầu lời đáp. Trong bài Hương của tập Chân Trời (có phải vẫn là hương ấy?), tác giả muốn cắt nghĩa trạng thái lạ lùng đó: Chắt từ ánh ngày lọc từ sương đêm/ từ mãi một chốn lúc nào/ trong vô ngần tự dưng ứa trào/ cầm thì tan/ Tựa như nước mắt không phải nước mắt/ thiệt là trong veo lơ mơ vẩn đục/ thuở còn mang theo ước gì gửi lại/ ngày loay hoay tìm đã bàn tay khô... Cũng nỗ lực tìm: cầm một mầm một ban mai lao đi trong chiều lốc/ tìm ra đất màu hoa nở tím lòng tay... Cố tìm thì có thể sẽ có nhưng không phải hương mình tìm: Hương nôn nóng tỏa một làn rất vội/ kịp là gì/ kịp cho ai?!... Việc “tìm” trong thơ Nguyễn Minh Hùng là câu chuyện không thể lí giải tường minh. Trong Thiên Di, “nỗi hương” của “Mùa Vàng” quê cũ có khi được cắt nghĩa nhẹ nhàng, dễ hiểu: Mùa Vàng thực sự ra đi ngày tháng đó/ khi chúng ta/ giã biệt cánh đồng… Nguyên do “hương tan biến” đôi khi chỉ là những vô tình: áo quần ướt ẩm tôi đi từ nước lên/ những đứa trẻ vô tư nô đùa trên ký ức mai này/ những cô gái vô tình gánh lên từng gánh kỷ niệm/ tiếng cười vang vang... (Chia tay dòng sông); có khi là một quy luật khắc nghiệt: cô gái ấy đi lấy chồng cầu tre không ai ngồi giặt áo/ đứa trẻ lớn vội vàng còn tắm bến ấy nữa hay không?!... (Bên khung cửa - Chân trời). Và căn nguyên còn là, có phải là: Đi tới nơi hương không tới/ người che khuất lấp mặt người/ không gặp lại không gặp gỡ/ thương ai ngóng phía chân trời (Ngày vắng)…; hay do những lỡ làng bất định như một “gương mặt thân quen” của đời người: Rồi bay đi lỡ bay mãi/ trời cao lỡ đã vô biên/ lỡ khi nào quay trở lại/ ngày xưa đã lỡ hư huyền (Cánh thiên di)… Một chữ là mệt rồi huống chi có đến năm chữ “lỡ”!
Trở lại với Tìm hương, tác giả tỉnh thức để nhận ra tiến trình tâm trí trong vòng cương tỏa của thời gian - thời gian quá khứ. Tâm trí không bao giờ bước vào cái phi thời gian của trực nghiệm nội tâm nên khổ thơ cuối của Tìm hương là lời thảng thốt. Mà không thảng thốt sao đặng:
“Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”. Thảng thốt kẻ tìm hương cũ. Thảng thốt nếu không từng một lần sống và không từng một lần tìm lại nỗi hương xưa!...
Thảng thốt hay đúng hơn là bất lực. Bất lực đến tuyệt vọng vì sự hợp nhất chỉ thoáng qua rồi vĩnh quyết. Còn nỗi tuyệt vọng nào lớn hơn khi ta trực nghiệm mà không bao giờ được bày tỏ. Càng bày tỏ càng lạc lối, càng bày tỏ càng xa rời sự thật. Đó là nỗi đớn đau muôn thuở!
Con người mấy khi được sống đúng nghĩa sống. Ở đây, tác giả chẳng nói điều to tát - chỉ là “nỗi hương” thôi mà! Sống đúng nghĩa với một làn hương đã là thiền, là khởi đầu khám phá những bí mật nội tại. Chẳng dễ chút nào! Theo thời gian, tôi thấy mình tụt mất gia tài đồ sộ tuổi thơ. Một gia tài mà cổ kim đông tây hoài công tìm kiếm, thiên kinh vạn quyển chẳng thể nghị bàn…
Thiết tưởng, trong quá khứ nếu tâm hồn tác giả không từng SỐNG bằng thể nghiệm, nghĩa là hợp nhất cùng cái ĐẸP, cái kỳ vĩ của Chân - Thiện - Mỹ dù chỉ một lần thoáng qua thì mọi ngôn từ cách tân, mọi hình thức biểu đạt hòng tìm kiếm cái mới mẻ trong sáng tạo nghệ thuật cũng chỉ hoài công, thậm chí có lúc tự thừa nhận sự cay đắng khi “tầm thường hóa” và “phi lý hóa” mọi hiện hữu để lạc vào hố thẳm của chủ nghĩa hậu hiện đại. Điều ấy bộc lộ lỗ hỗng lớn tự bản thể, đánh mất một chân giá trị thực thụ là cái đẹp bản nguyên. Cứ mặc cổ vũ hướng ngoại, truy tìm, bắt chước, phủ nhận, đập phá bằng đủ mọi hình thức biểu đạt trong thơ để tìm cho ra cái mới; trong khi thế giới nội tâm vẫn còn là vùng bí hiểm không thể giãi bày...
Thật thi vị và thú vị khi đọc một áng thơ như Tìm hương của nhà thơ Nguyễn Minh Hùng bằng lối thơ văn xuôi mang màu sắc “Tân hình thức”. Tìm hương là thơ hiện đại, thơ trong hiện tại tiếp cận cõi giới tâm thức còn đầy bí ẩn mà ngôn ngữ mãi bất lực. Một áng thơ ghi dấu ấn tác giả ở tính triết lý qua hình thức thơ văn xuôi khúc chiết, tròn trĩnh, giàu thi ảnh, thi điệu, phong phú thi tứ, thi ngôn mà lại giản dị; bí hiểm mà không bí hiểm, không bí hiểm mà vô cùng bí hiểm… Tìm hương man mác như gió thoảng mà tự vấn tựa sóng ngầm.
Tìm hương cũng chính là cuộc thiên di tâm hồn từ thuở bé thơ với những trực nghiệm bản nguyên qua tuổi trưởng thành rồi già chết, để lại bắt đầu một cuộc hành trình như thế ở những - những kiếp sinh. Đó là cuộc thiên di bất tận của mọi thân phận con người trên hành trình thiên di nơi - chốn…
Thơ Nguyễn Minh Hùng hầu như không mô tả, không cắt nghĩa, không ngợi ca, không phê phán, không cố triết lý… mà tự vấn, kiếm tìm ở những đường Chân Trời không giới hạn, trên đôi cánh bay không mỏi của kiếp Thiên Di… Điều đó làm nên giọng thơ riêng khó lẩn của ông và cũng khiến cho giọng thơ ấy nếu đọc qua sẽ thấy khó tiếp cận.
Tôi hiểu rằng lặng lẽ và cô đơn là điều khó tránh khỏi của những nghệ sĩ sáng tạo cũng như những người theo đuổi nghệ - thuật - sống. Cô đơn nhất khi người ta chạm tới một cái gì đó vượt ngoài hình thức biểu đạt. Có lẽ vì thế mà đôi lần tác giả nói với tôi bằng giọng suy tư: “Nghệ thuật là cuộc đi tìm lặng lẽ…”.
T.T