Giá trị nhân văn trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Trọng Tân

16.11.2022
Nguyễn Thị Anh Đào

Giá trị nhân văn trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Trọng Tân

Một số tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Trọng Tân. Ảnh: Anh Đào.

Giá trị hiện sinh trong từng tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Trọng Tân là những lát cắt mang tính định mệnh, bằng những con người, nhân vật lịch sử có tầm ảnh hướng lớn trong lịch sử Việt Nam. Cách tiếp cận các nhân vật lịch sử khoa bảng một thời và những vị tướng lĩnh anh hùng trong lịch sử dân tộc không chỉ đơn thuần là cách chép sử bằng văn học, mà phải buộc nhân vật sống lại với hiện tại. Nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã chứng minh và mang đến cho độc giả nhiều giá trị, nhiều bài học trong lịch sử mà tưởng chừng đang hiện hữu trong đời sống hiện tại hôm nay. Với mỗi cuộc đời nhân vật trong tiểu thuyết là một số phận gắn với một giai đoạn lịch sử đất Việt, có đủ đầy cung bậc hạnh phúc và khổ đau đến tận cùng.

Phải là người nghiên cứu sâu và am tường lịch sử, mới có thể xây dựng lại hình ảnh nhân vật lịch sử trong màu áo của sáng tạo văn chương. Chữ nghĩa nhiều khi không phải muốn viết, muốn thể hiện đều có thể dễ dàng buông bút. Nhưng, đọc kỹ và kết nối cả mạch chảy của ba cuốn tiểu thuyết Thư về quá khứ (NXB Hội Nhà văn in năm 2016, tái bản năm 2022); Thiên mệnh (NXB Hội Nhà văn in 2021) và Thiên thu huyết lệ (NXB Hội Nhà văn in năm 2022), có thể cảm nhận được mạch viết của tác giả. Những câu chuyện có thể/ hoặc đôi khi không cùng chung bối cảnh, nhưng lại được chuyển tải liền mạch. Chừng như ông đã dành rất nhiều tâm huyết và vắt cạn sức lực để xử lý một cách khoa học, khôn khéo nhất những cứ liệu lịch sử, kể cả những nguồn tài liệu “ngoài sách sử ghi”, là cách góp nhặt từ là những mẫu chuyện truyền tụng ngoài dân gian để gợi mở nhiều điều, vén bức mành phủ dày sương gió thời gian, tìm tận cùng chân thật. Để đến khi tác phẩm hoàn tất và đến tay người đọc, mọi cảm xúc vẫn như vẹn nguyên, tác giả - độc giả sẽ bắt được một mạch chung để cùng thưởng thức tác phẩm qua những mẩu chuyện hằng ngày thấm đẫm giá trị nhân văn trong đời sống thực, kết tinh sau từng vỉa từ của một vùng đất, con người, làng mạc…xưa - nay. Lời giải đáp muốn đặt ra, như trong lời bạt ngắn mà nhà văn Ma Văn Kháng đã dành cho tiểu thuyết Thư về quá khứ, rằng “Một tư duy có hệ thống, một vốn sống kỹ càng để có được khối lượng chất liệu thẩm mỹ đáng kể và một khả năng kể lại câu chuyện bằng một giọng điệu trẻ trung hoạt bát”.

Người đọc, sẽ nhận ra, nhà văn muốn ngược về quá khứ để tìm lại những mảng ký ức đã đông đặc bởi tro bụi thời gian. Cũng là cách nhà văn tìm lại chính mình trên từng trang viết.

Giải mã nỗi oan cho Thái sư Lê Văn Thịnh?

Thiên thu huyết lệ là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Trọng Tân được chắp bút và hoàn tất trong vòng 5 tháng, từ tháng 1-5/2022. Khi tôi nhận được cuốn sách, cũng là lúc nhà văn vừa trải qua một cuộc phẫu thuật mắt kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Ông nhắn rằng, do tập trung và dồn sức viết trong thời gian ngắn nên đầu óc làm việc quá nhiều, mắt mờ và đau. Có lẽ, ở tuổi ông, không ai nghĩ rằng sự trở lại có thể xóa bỏ mọi rào cản để tìm thấy một nguồn năng lượng khởi tạo đầy ắp sức sống hiện tại như thế. Không dễ để trang trải lòng mình trên những con chữ khi tái hiện lại lịch sử bằng những áng văn chương. Mà thói đời người ta vẫn mặc định văn chương chỉ là hư cấu. Nhưng để hư cấu được văn chương, người cầm bút đã phải đau cũng nỗi đau thế cuộc, đi tìm tận cùng nỗi đau, niềm hạnh phúc của nhân vật để có thể thổi vào nhân vật một sức sống đủ mạnh, một linh hồn đủ để sáng soi vào hậu thế. Trước hết, để chiến đấu với chính bản ngã của mình. Nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã đóng lại nỗi hàm oan của Thái sư Lê Văn Thịnh “Mỗi khi nhớ đến Thái sư, trạng nguyên Lê Văn Thịnh, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác chua xót, bất nhẫn. Hình ảnh cụ rồng cắn xé thân mình, nước mắt ầng ậc thiên thu, lại hối thúc như phải làm điều gì đó, dù nhỏ bé, xoa dịu “nỗi oan thác xuống tuyền đài chưa tan” ấy. Nhưng sử liệu về bậc vĩ nhân này quá ít ỏi và không ít sai lạc. Tiểu thuyết Thiên thu huyết lệ mượn “cái đinh” sử liệu, treo vào đó tấm gương phản chiếu theo góc nhìn và quyền năng văn học cùng tấm lòng kẻ hậu sinh”.  Với một người cầm bút, với một độc giả yêu văn học và sử học nước nhà, tôi đã nghẹn lại nhiều lần trên từng trang viết của nhà văn Nguyễn Trọng Tân. Nước mắt rơi xuống cùng nỗi hàm oan, những dằn vặt, sự sám hối của những nhân vật trong tiểu thuyết mà ngỡ như chuyện đang bày ra trong hiện tại.

Cốt cách nhà văn trong tác phẩm như máu, chảy cùng trang văn để rồi giữa hư và thực, giữa quá khứ và hiện tại, huyền thoại và lịch sử, cứ thế đan cài, khóa - mở cảm xúc người đọc như một sứ mệnh dẫn dắt đến SỰ THẬT cuối cùng. Gấp cuốn sách lại, hàng loạt câu hỏi, sự giằng xé hiện lên, rõ mồm một!

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân muốn đẩy sự day dứt về nỗi oan khuất của Thái sư Lê Văn Thịnh đến đỉnh điểm và muốn nhân vật kiệt xuất trong lịch sử này bước ra đời sống thật. Nhìn lại những NỖI HÀM OAN đau thấu tận mấy trăm năm mà chôn kín đáy mồ hoang lạnh?

Hay xây dựng lại hình ảnh của Thái sư Lê Văn Thịnh và dùng sức mạnh “mềm” của văn chương làm đòn bẩy để thức tỉnh lương tri nhân loại? Và chợt sực tỉnh khi đọc lại thật kỹ bốn câu thơ bất hủ của danh tướng Lý Thường Kiệt - được mệnh danh là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất Việt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Đó là tiếng nói của Thái sư Lê Văn Thịnh vọng về trong buổi tao đàm với danh tướng Lý Thường Kiệt năm nào? Hay tiếng gọi của Thái sư từ vạn dặm xa, cách hàng ngàn năm ánh sáng khi người thác về đất mà máu đào còn đỏ au dòng sông lịch sử?

Thái sư Lê Văn Thịnh đã không ít lần day rứt: tại sao bất hạnh cứ theo ông mãi đến cuối đời. Đời cô độc, đau tận cùng đau khi bản thân, vợ, và đứa con chưa hình hài đều nhận một kết cục thảm hại, với cái chết tức tưởi, cái chết hoang lạnh và thực-ảo khôn lường?

Bản Thu Cúc của người Mường, dòng sông Dâu, hình ảnh “dị nhân” mà Thái sư Lê Văn Thịnh gặp ở quán quạnh vắng bên đường đê. Với mùa đông u uất, với gió và rét cắt thịt da. Và chính những lời di huấn dành cho Thái sư Lê Văn Thịnh khi Lê Văn Thịnh hỏi “dị nhân” rằng “do đâu trong cùng đồng loại mà có người tốt kẻ xấu. Người thiện ác?. Dị nhân đáp rằng “Phật dạy giống người chìm đắm trong “Vô minh”: không biết đúng sai; điên đảo hư vọng chấp ngã, chấp pháp, phân biệt mình với người; mê hoặc mà tạo ra nghiệp hoặc thiện hoặc ác. “Vô minh thuộc về “Nghiệp”. Đó là “Nhân” trong quá khứ. Nó làm nên “Quả” của hiện tại. Rồi “Quả” hiện tại lại là “Nhân” của vị lai”. Và văn nguyên của  nguồn gốc thiện, ác chính là lòng tham thì không giới hạn. Những kẻ tham vọng lớn, đạt được cái này lại muốn cái khác. Không khác gì đang khát mà uống nước muối vậy.

Chính thời khắc đó, thời khắc chóng vánh trên quán chợ bên dòng sông Dâu, vị “dị nhân” đã khai mở cho Lê Văn Thịnh ngộ ra rằng: “Tôi hiểu ra rồi. Những kẻ chìm đắm trong vô minh thì lửa than cháy rực. Nó đốt nóng lòng đố kỵ, tham lam từ đó mà làm hại người khác để mình vinh thân”.

Và chính “dị nhân” đã nói câu cuối cùng như kết thúc lại mọi nỗi hàm oan, đau khổ của Lê Văn Thịnh “Cụ ngộ tới cái lõi của bể khổ rồi đấy”.

Và Lê Văn Thịnh chìm vào cõi vĩnh hằng khi ăn xong bát cháo với món cá nướng mà ông ao ước, với những dòng nước mắt thấm ngược tới hậu thế hôm nay?

Hình ảnh ám ảnh nhất trong tiểu thuyết Thiên thu huyết lệ chính là bức tượng hình Rồng chất liệu đá xanh với hình thù khác biệt: Rồng pha rắn, thân nhỏ, dài, mắt lồi. Và đây là bức tượng Rồng không có râu, một bên tai có lỗ, một bên tai kín đặc. Đây là bức tượng được tìm thấy trong quá trình người dân thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh tìm khi cải tạo lại con đường lên đến đền thờ Thái Sư Lê Văn Thịnh! Đây cũng là bức tượng đã được công nhận là bảo vật Quốc gia! Đây là chi tiết đắt giá nhất và cũng là hình ảnh mang tính biểu trưng, hiện sinh cho cả cuộc đời Thái sư Lê Văn Thịnh như buộc phải VẬN vào mình nỗi hàm oan khi quân, âm mưu giết Vua. Người hoá hổ giết Vua trong nỗi đau oan khuất đó, cũng là biểu trưng xằng xé của quân thần với nhà vua, trong mọi khía cạnh cuộc tồn vong lịch sử đất Việt.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã thành công khi phân tích diễn biến tâm lý nhân vật một cách tài hoa và đắt. Cung bậc cảm xúc của những nhân vật trong tiểu thuyết Thiên thu huyết lệ từ vua Lý Nhân Tông, danh tướng Lý Thường Kiệt, hay hình ảnh người vợ ngoan hiền Doãn Hoàn Doãn của Lê Văn Thịnh, đều chuyển biến và tạo thành con sóng lớn, đẩy số phận của Thái sư tận cùng vinh danh và tận đáy bùn khi rời bỏ một đời trên quán lạnh bờ đê trong đêm buốt giá mùa đông.

Đạo - Đời. Cuộc đời - số phận, tất cả đều song hành. Không có bất cứ một triết lí nào trên đời này bất biến. Người, muốn tồn tại buộc phải lọc, lấy đạo Phật để thức tỉnh nhưng phải dùng đạo Nho để giữ được khí tiết thanh cao. Đời sống là vô cùng và có thể những nỗi hàm oan của Thái sư sẽ được giải oan. Như cách mà lịch sử sẽ phải có sự điều chỉnh. Không phải chỉ dừng lại ở những thiên truyện sử lược huyền thoại mà những người có trọng trách trong hôm nay, phải tự giải được ẩn số nghìn năm đó. Hiện thực cuộc sống hôm nay rọi ngược lại vào lịch sử, CÔNG - TỘI cần công bằng. Cần phải ghi nhận những cống hiến của Thái sư đã vì dân vì nước!

Và cuộc đời của Vua Lý Nhân Tông, danh tướng Lý Thường Kiệt, Thái sư Lê Văn Thịnh, không cùng chung nơi điểm bắt đầu nhưng có một điểm chung kết thúc - Họ đều không có người nối dõi tông đường. Đây, chẳng phải là một sự CHUNG khéo lựa chọn khi nhà văn xây dựng tác phẩm? Hay chính sự vô tình này, làm cho người đọc thấm hơn, đau hơn và hiểu hơn về thế cuộc lúc bấy giờ?

Soi chiếu?

Trở lại với hình ảnh hiền minh khác trong tiểu thuyết Thiên mệnh, đó lại là một câu chuyện lịch sử khác. Nhưng, bao trùm, vẫn là linh khí hội tụ về đất Thăng Long. Hoa đào, biểu trưng cho mùa xuân, cho hạnh phúc, cho những khát vọng, đã đi vào nhiều ánh văn chương xưa nay, nhưng khi đọc Thiên mệnh, người đọc được minh chứng ngược lại về giá trị của hạnh phúc. Trái ngược với việc minh oan cho Thái sư Lê Văn Thịnh thì trong cuốn Thiên mệnh, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã cố gắng đi đến đích cuối cùng là giải mã một phần giai đoạn lịch sử đặc biệt thời hậu Lê với cuộc đời Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ - như một chấm đỏ xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó cũng là cách nhà văn gửi lại vẻ đẹp của hạnh phúc.

Những trang viết thấm đẫm nhân văn. Không phải bằng những từ hoa mỹ, mà nhân văn thể hiện qua từng nỗi buồn vui của nhân vật. Có khi, như chính tác giả đang tự truyện, tự kể, tự lội ngược dòng để làm rõ thêm những khoảng cách dài rộng ngoài kia. Bên vòng tuần hoàn của những hư-danh được mất.

Nhìn đời, ngẫm đời bằng đôi mắt ái nhân, trọng nghĩa. Cái đau đáu trên từng trang viết cũng tựa như nhà văn đang mài dũa thêm khả năng nhạy bén trước thời cuộc, để bắt kịp mọi thứ. Dẫu văn học sử hay tiểu thuyết hư cấu từ cứ liệu lịch sử, tất cả đều cần bắt đầu bằng chữ TÂM. Không có áng văn nào đọng lại được với người đọc, mà không được viết nên từ khát vọng hướng thiện. Nguyễn Trọng Tân sẽ không chắc mình đuổi theo khát vọng ngược dòng lịch sử. Nghiệp viết buộc phải viết, đôi khi đó cũng là căn duyên mà nhà văn phải hoàn tất sứ mệnh. Sứ mệnh xây dựng cái đẹp hướng thiện, đi vào chân tâm trong mỗi con người.

Việc thuật lại cuộc đối thoại độc nhất vô nhị có một không hai giữa Thái sư Lê Văn Thịnh và Vua Lý Nhân Tông về chuẩn mực của người tướng lãnh, lại là cuộc tung hứng cao trào mà đọc đi đọc lại, người đọc nhận ra, giá trị còn mãi, soi vào hiện tại. Đó là cuộc đối thoại trong ngày nhà Vua Lý Nhân Tông - trong vai HỌC TRÒ của Thái sư Lê Văn Thịnh. Đọc kỹ, nhận thấy sự tinh ý của nhà văn Nguyễn Trọng Tân, khi trao gửi lại hậu thế bài học về nhân xưng, đối nhân xử thế, về các phẩm hạnh cần có của một người lãnh đạo hay bất cứ một tha nhân nào được phép/đã có mặt trên nhân gian này. Đó là Minh nghĩa là biết phải trái. Cẩn tín là gốc rễ của muôn việc. Trí tuệ là thông tỏ việc thiên hạ. Minh triết là giữ lòng mình sáng trong không mờ tối. Tài năng là thứ khó kiếm. Cương dũng là không vụ lợi. Uy nghiêm là điều cốt tử của việc binh.

Các khái niệm này, đem đặt trong bất cứ bối cảnh nào của xã hội hiện đại vẫn còn nguyên giá trị. Bài học tìm người và dùng người. Đã dùng thì phải tin mà đã tin buộc phải không nghi ngại. Nhưng trong cuộc đời của Vua Lý Nhân Tông, dù ông trọng dụng Thái sư, nhưng đã không thể tin Thái sư vẹn nghĩa. Sự “tha bổng” không buộc tội tru di tam tộc gia đình Thái sư sau cái ngày Thái sư bị hàm oan hóa hổ giết Vua trên hồ Dâm Đàm thuở ấy, phải chăng là cái cách mà người đời nay vẫn hay dùng trong nhiều việc đang giăng mắc, rối rắm hôm nay?

Tiếng thở dài của lịch sử, luôn là lực hút, để mỗi người buộc phải tự giải mã, mở khóa cho vô vàn nỗi oan sai trong cuộc sống này.

N.T.A.Đ