Cuộc săn ngoài bìa rừng

16.11.2022
Văn Luân

Cuộc săn ngoài bìa rừng

Minh họa: Hồ Đình Nam Kha

Nàng ngồi trước đàn kiến chậm rãi loại từng con, sự chăm chỉ của một người cần mẫn. Nền nhà trơn bóng, sạch không một hạt bụi, nhưng lũ kiến như một đoàn quân chinh phạt cứ kéo nhau đi ngay hàng thẳng lối, một thứ kỷ luật không thể phá vỡ kể cả cái chết! May mắn hơn nhiều người, cuộc sống không phải lo toan. Ngoài công việc vặt vãnh trong nhà, thời gian còn lại nàng ngồi đọ sức kiên nhẫn cùng lũ kiến. Nàng không chịu được đàn kiến lì lợm băng qua cánh cửa, bò lên bức tường rờn rợn như bò lên thân thể mình, và đàn kiến thì chẳng bao giờ ngơi nghỉ.

Nàng sạch sẽ đến độ tôi không ngửi được mùi “người” trên thân thể, áo quần. Tắm giặt, lau nhà và cố tiêu diệt đàn kiến ở bất cứ ngóc ngách nào, chừng ấy công việc nàng bận bịu từ sáng sớm cho đến lúc lên giường.

Chính tôi nàng cũng chăm sóc ăn ngủ, nhắc nhở vệ sinh như đứa bé và tôi thường tránh sự quan tâm không bình thường ấy bằng cách nán lại cơ quan, tụ tập bạn bè mỗi buổi chiều tan tầm. Về mái ấm của mình chỉ mong tìm được giấc ngủ yên ổn. Nàng không trách móc, càu nhàu như những người vợ khác. Có lẽ đó là cách gìn giữ trật tự mà nàng muốn có.

Chúng tôi có nhà trước khi cưới nên nàng chỉ về làm dâu có ba ngày. Ba ngày thủ tục đối với nàng là một cực hình, đồng hồ sinh học, giác quan của nàng bị xúc phạm, nàng thèm giết kiến đến độ hốc hác. Về nhà riêng nàng đem áo quần ra giặt mấy ngày liền. Khi nghe nhà mẹ chồng có rệp, nàng đem tất cả lên tầng thượng đốt không chừa cả chiếc áo cưới màu đỏ, loại gấm Thượng Hải đắt tiền. Không khoan nhượng là bản chất và đấu tranh triệt để với loài kiến cứ như là nhiệm vụ của nàng vậy.

Dửng dưng, khó tìm thấy sự nhiệt tình, khách đến nhà nàng thường phủi cái nệm, sửa lại tấm thảm chùi chân, nhìn con muỗi vo ve góc nhà, miễn cưỡng mời ly nước suối trong suốt. Những chiếc ly ấy được cất riêng, môi nàng không bao giờ đụng đến. Nàng không thích người khác nhìn mình, nhưng lại hay quan sát đối phương bằng đôi mắt nghi kỵ, thiếu thân thiện. Người thân hay bạn bè đến thăm, uống chưa xong ly nước là nàng tìm cách đưa tiễn. Nào là trời sắp mưa, nhà xa trời tối rồi, nhà bẩn quá, cứ mở cửa là bụi đầy nhà…

Lũ kiến cứ sinh sôi và nàng hằng ngày cân bằng sinh thái. Những lúc tiết trời thay đổi, lòng đất bất ổn, lũ kiến bứt rứt bò lên nhà nhiều đến nỗi như nghe được tiếng bước chân rầm rập một hai. Chúng bò lên tủ, vào bếp, vào tận giường ngủ… Ngón tay trỏ của nàng làm việc hết công suất, giờ thì nó chai cứng, to lên kỳ dị. Tôi mua bình thuốc xịt côn trùng nhưng nàng không dùng đến, có lẽ nàng muốn có cái cảm giác được chà xát lên những thân thể bé mọn kia? Ngớ ngẩn vì nhiều lỗi việt vị như thế bên người bạn đời. Tôi, thằng đàn ông bước vào quỹ đạo của nàng với lực hấp dẫn trái với nguyên tắc vật lý, nghi ngờ cả sự vận hành con tim.

Tổ ấm của tôi thiếu lửa, cũng không thường xuyên có ngọn gió mùa Đông Bắc thổi vào. Nhớ tôi, mười ngày nửa tháng mẹ đến thăm nhưng không lúc nào ở lại. Bà không muốn nhìn tôi lắc đầu, nháy mắt ngầm nói: “Thôi mẹ về đi!”. Thật tình tôi không muốn mẹ phải chia sẻ một tổ ấm khật khừ, vô cảm mà con mình đang bám víu. Biển bao la, hiền hòa lòng mẹ lại luôn thấp thỏm sợ những con sóng ngầm không biết lúc nào bão tố nổi lên.

Tôi là thằng đàn ông cầu toàn, không can đảm thay đổi cái thực tại chông chênh, dễ vỡ. Tôi đồng lõa, tiêu cực lấy bình yên vỗ về. Tôi biết mình sẽ không có khả năng ứng phó linh hoạt với mọi hoàn cảnh, suy nhược bản năng thành nề nếp, do đó nàng rảnh tay lập ra trật tự mang màu sắc độc đoán, tạo ra nền móng không rường cột.

Tôi không có nỗi lo cơm áo, có tự do của kẻ không bị trói buộc bởi trách nhiệm, ngoài việc phải về nhà khi đêm đến sớm hay trễ cũng không quan trọng, miễn là cứ bàng quan ở trọ trong im lặng như con kiến lặng lẽ bò trên con đường đồng loại vạch ra.

Đối diện bên kia đường, ông Tý sửa nhà, cái đòn đông đâm ngay giữa cửa. Nàng nóng mặt đi xem bói, người ta bảo mua con vật tầm tinh tuổi gia chủ, gắn lên sân thượng. Nàng mua con hổ bằng sứ nhe răng nhìn qua. Tôi tuổi Dần! Từ ngày có con hổ, ngày nào nàng cũng mua miếng thịt tươi bỏ vào cái đĩa sứ men xanh đặt lên cúng và đàn kiến có bữa tiệc ngoài trời thịnh soạn, nàng được giải cơn khát miết ngón tay trên nền xi măng, một nhu cầu không thể nhịn. Tôi cũng không quan tâm đến việc cúng tế kỳ cục đó, thôi cứ cho là liệu pháp tâm lý đáp ứng cá tính của người chung chăn gối. Chúng tôi như hai hành tinh khác nhau phải quay quanh số phận.

Mẹ nàng kể lúc còn nhỏ nàng thích ăn kiến. Số đông ai cũng có thích cái gì đó ở tuổi ấu thơ. Tôi thích ăn gạo, chị tôi lại thèm than củi, anh tôi thích ăn đất… Và tự bỏ sau khi khôn lớn. Nàng thích kiến giờ thèm giết kiến cũng không lạ, một kiểu đoạn tuyệt với quá khứ chăng?

Nàng sợ tiếng ồn, ở thành phố mà nghe tiếng còi xe là nàng cũng giật mình. Từ khi ông Tý sửa nhà, nàng hầu như ở trên sân thượng với con hổ, miếng thịt sống và đàn kiến. Nàng càng lúc càng xa lạ với con người kể cả tôi. Tôi hỏi tại sao? Nàng nói chẳng sao cả tại không thích thế thôi!

Đêm dài ra vì nàng ít ngủ, tôi cũng mất ngủ theo, trên sân thượng có thêm con mèo hoang mò đến. Nàng và con mèo rình mò nhau, miếng thịt sống bị con tiểu hổ tha đi nhiều lần, nàng mua cái bẫy bỏ miếng thịt vào. Miếng thịt bị bỏ tù trong cái lồng sắt không biết ông hổ có ăn được không? Tôi hoang mang tự hỏi.

Ông Tý sắp hoàn thiện ngôi nhà có đòn đông đâm qua nhà tôi, tình hình nói chung hữu hảo, tôi ít quan tâm đến mê tín, phong thủy linh tinh. Hàng xóm thông cảm với nhau, thật ra đó là quyền của họ. Chỉ có đôi mắt vợ tôi cứ đâm vào trán tôi mỗi ngày, cái đòn đông hay đôi mắt làm tôi bị cao huyết áp cũng không biết nữa!

Nhà có thêm con hổ trên sân thượng và tôi chuẩn bị làm cha, có thể nói đó là phúc theo quan niệm thường tình. Chỉ có nàng, nhiều phản ứng khác thường không lý giải… Bụng nàng hiện rõ dưới lớp áo mỏng nhiều lúc tôi muốn đụng nhẹ vào như cảm thông nhưng nàng gạt tay lạnh lùng quay lưng. Tôi cất bàn tay vào túi quần cào cào vào bắp vế ngượng ngịu.

Ông Tý làm tiệc mừng nhà mới, ngôi nhà cấp bốn giờ đã là nhà ba tầng, tường nhà màu vàng ố thay màu khói hương thịnh hành, cái đòn đông được giấu sau bức tường giả mái bằng, trên có gắn bức phù điêu con gì đó như chim Đại Bàng không còn đâm vào mắt nàng mỗi ngày.

Tiệc mời năm giờ chiều mà mới qua trưa đã nghe chiếc loa kẹo kéo hú lên, bụp xuống thử mấy con “Ễnh Ương” hát đến mấy lần “Đắp mộ cuộc tình”. Dạo này đi đâu cũng nghe người ta… Đắp mộ, đám ma, nhà mới, họp xóm, thậm chí cả trong đám cưới. Tình chết hết rồi chăng?

Ễnh Ương là con gái rượu của ông Tý, không biết có phải vì chen vào giữa bốn người anh phá thế sang giàu “Tứ Quý” hay không mà thần trí ngu ngơ, học ba năm lớp ba vẫn không đọc viết được nên nghỉ học lông bông như đứa con nít, dù đã gần hai mươi tuổi. Ễnh Ương có tên thật đẹp Lệ Mai, nhưng chẳng ai gọi, nó chỉ hiện hữu trên giấy khai sinh. Ông Tý buồn lắm, và giấu nỗi buồn vào vết nhăn trên trán còn loe hoe vài sợi tóc.

Nàng rất thích Ễnh Ương. Sáng nào cũng vẫy tay với nó. Thỉnh thoảng ném cho nó trái ổi, trái xoài, gói kẹo qua chiếc cổng sắt bên trên có trồng dây hoa tím vỡ. Chưa từng thấy nàng gọi Ểnh Ương vào nhà, chỉ thấy hai người chào nhau bằng cử chỉ riêng và trên môi không có chân dung nụ cười. Tình cảm ấy xây dựng từ đâu không biết, thôi thì cứ xem là mối cách cảm của hai người đàn bà lập dị ở một thế giới lưng chừng chấp nhận mà không nhập cuộc…

 

Dịch giã kinh hoàng. Virus chết người cũng làm cuộc “săn” càn quét trở thành cơn bão khủng khiếp tàn phá năm châu. Y học chưa rõ ngọn nghành. Các nhà dịch tễ học tranh cãi về nguồn gốc, nguyên nhân và tiếp tục tìm cách đối phó. Thiên tai, dịch bệnh cực đoan khốc liệt không như nguyên lý xuân hạ thu đông. Con người đến lúc phải nhận lấy hậu quả do chính mình tạo nên chăng?

Có điều khá lạ, lũ kiến tự nhiên không còn rầm rập hành quân như trước, lẻ tẻ ít hàng rời rạc theo cùng nỗi sợ hãi với con người. Đó cũng là lý do để nàng cáu bẩn. Nàng đi tìm kiến dưới gốc cây trứng cá, trong đám lá rụng, thậm chí lấy đường ngọt rắc trên sân thượng dụ kiến nhưng vẫn không thỏa mãn. Ngón tay trỏ ít việc ngứa ngáy không chịu nổi. Nàng lấy tờ giấy trắng khổ lớn, dùng bút chấm từng chấm kín chỗ rồi viết, chà xát như đứa trẻ lên ba nghịch bút. Sợ nàng rảnh rỗi bực dọc, tôi hưởng ứng lấy giấy chấm chấm để sẵn cho nàng nghịch, một kiểu hô khẩu hiệu thụ động tìm sự bình yên yếu ớt. Ngẫm ra thật buồn cười, hai chúng tôi hóa trẻ thơ trong hình hài người lớn từ lúc nào, hay chúng tôi chưa vượt qua tuổi trưởng thành...

Rồi những ngày giãn cách cũng chậm chạp đi qua, dịch có dấu hiệu yếu thế, không biết có đợt tấn công nào nữa? Thôi thì cứ hòa tan, xem như bệnh cúm thời đại. Con người tàn phá môi trường, tận thu tài nguyên thì đến lúc cũng bị dồn vào thế kẻ bị săn lùng.

Nàng cố thủ trong nhà và tìm kiến, tôi quan sát thấy nàng có gì đó trầm tư, đôi lúc hướng cặp mắt vô hồn nhìn bầu trời, má hồng lên môi nở nụ cười quý hiếm. Sự giam lỏng đáng sợ, nỗi kinh hoàng chưa từng xảy ra. Sau dịch, nhiều điều mở ra để thích ứng. Nàng cũng vậy chăng?

Đã vào thu, chiều chiều thường có dông, mưa dông kéo dài hết buổi chiều kèm theo lốc sét. Hôm nay công ty đại hội cổ đông. Cái lệ sau họp không nhậu là coi như chưa thành công tốt đẹp. Tôi về nhà ướt sũng trong men say, suýt tông vào gốc cây lộc vừng. Trời tối, một chớp sáng hoa mắt như đánh vào tầng thượng, nhà không thấy mở đèn, cổng khóa bên trong. Bấm chuông gọi mãi vẫn lặng im. Tôi trèo qua cổng, cửa nhà mở toang. Tôi chạy lên “giang sơn” của nàng sững sờ… Nàng nằm co quắp dưới chân con hổ bằng sứ, trên mặt không hiểu sao kiến bu đầy, miếng thịt sống nằm trong lồng sắt không còn nữa. Cuối sân thượng, một bóng người xõa tóc ôm con mèo hát như ma: “Hai mươi năm cuộc mộng dở dang khắc sâu bóng nàng, lắng trong cung đàn…”. Trời ơi! Con Ễnh Ương đang hát “Đắp mộ cuộc tình” với con mèo bế trên tay!

Tôi dìu nàng xuống, đặt nằm lên ghế sô pha vội vã bấm điện thoại cấp cứu.

-  A lô cấp cứu… Người cắn kiến… À không kiến cắn người…

Nàng yếu ớt gạt tay:

 - Không bệnh viện, không cấp cứu.

Tôi nghe nhói trên cánh tay, nàng nhéo đau như kiến cắn. Tôi nhìn mặt nàng hình dung một chân dung xa lạ, đôi mắt con hổ, mười ngón tay móng vuốt của mèo… Ôi Nguyệt Cô của tôi đang hóa Cáo? Nàng đã đánh mất “ngọc người” khi ngày đêm săn lùng lũ kiến?

“Người săn kiến” nằm lịm người, khoảng bình yên sau cuộc săn trường kỳ. Tôi lấy gối kê đầu nàng lên, đắp cái chăn lên ngực, tôi nghe trái tim nàng đập mạnh trong thân thể gầy gò tội nghiệp. Nàng và kiến với trò chơi sinh tử, một đối thủ không phản kháng, không hận thù như con sâu phải bắt ra khỏi nụ hoa để bảo vệ cái đẹp. Đối thủ ấy không bao giờ bị triệt tiêu, sống cộng sinh hòa hợp. Chia rẽ, bạo lực, chiến tranh… Tất cả đều hành động theo bản năng phức tạp không ai giống ai ... Tôi vỡ ra, đời người là một cuộc săn dai dẳng, mưu cầu điều chưa có hoặc đã có nhưng không thể dừng. Tôi vừa được gội cơn mưa dông thức tỉnh, cuộc sống không phải là trò chơi của cá nhân.

Từ trên lầu con mèo bị lạnh chạy vụt xuống, Ểnh Ương chạy theo sau miệng vẫn hát bài “Đắp mộ cuộc tình”. Điều dị thường vụt ra khỏi nhà tôi…

Có tiếng nói nhỏ vào tai tôi:

- Em đuối lắm rồi, không tìm kiến nữa. Con Ểnh Ương giành con mèo suýt xô em ngã, hình như đứa trẻ trong bụng khóc ré lên vì tiếng sét… Em chợt bừng tỉnh, lâu nay mãi tranh giành sự sống của loài kiến, tước bỏ tình mẫu tử của đứa con trong bụng, chiếm đoạt không gian của hạnh phúc gia đình một cách vô tri và bệnh hoạn. Dừng lại thôi cả em và anh.

Mưa nặng hạt hòa trong tiếng thổn thức. Nàng khóc! Nhẹ cầm tay tôi đưa lên bụng nàng. Tôi run người, trái tim chai cứng như bị mũi tên trách nhiệm bắn vào tỉnh cơn say.

Sáng dậy trễ, tôi bước vội lên sân thượng. Con hổ, con mèo không còn ở đó nữa, nàng đang phơi tấm chăn màu hồng bên hàng áo quần trẻ sơ sinh. Trời trong xanh nắng hiền hòa. Một ngày rất mới! Chúng tôi lại bắt đầu cuộc “Săn” hạnh phúc, không phải mơ hồ ở ngoài bìa rừng. Dưới chân đàn kiến bình an, lặng lẽ di chuyển đến nơi phải đến.

V .L