Bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian hai tộc người Cor và Ca Dong tỉnh Quảng Nam
Đấu chiêu của người Cor. Ảnh Tấn Vịnh.
Từ thuở xa xưa có một bộ phận tộc người Cor di cư từ vùng cao Quảng Ngãi sang Quảng Nam, cư trú tại vùng núi cao Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cùng cộng cư với người Cor trên vùng đất này là tộc người Ca Dong mà theo một số nhà dân tộc học thì người Ca Dong là một nhóm thuộc tộc người Xê Đăng (Tây Nguyên), song các già làng cao niên Ca Dong không thống nhất quan điểm này mà cho rằng người Ca Dong và người Xê Đăng là hai tộc người khác nhau, vì họ có phong tục tập quán và hệ thống lễ hội khác nhau. Người Cor và người Ca Dong là hai tộc người thiểu số, cùng với các tộc người Cơ Tu, Giẻ Triêng... cư trú ở vùng miền núi phía Tây dãy Trường Sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam. Trong đời sống văn hóa của hai tộc người này, dân ca và nhạc cụ truyền thống là hai loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của họ.
Âm nhạc dân gian của người Cor và người Ca Dong được hình thành và lưu truyền trong đời sống. Cứ mỗi thể loại lại có hàng chục chủ đề khác nhau, chủ đề được đề cập nhiều nhất là cuộc sống lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa, cốt cách của thiên nhiên, trời đất, của con người và xã hội. Các bài dân ca đều có vần điệu để thể hiện.
Âm nhạc dân gian của tộc người Cor
Dân ca Cor: Tộc người Cor ở vùng Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam còn lưu giữ nhiều thể loại dân ca, khá đa dạng và phong phú, mang đậm sắc thái riêng. Phổ biến là hai loại dân ca: Dân ca sinh hoạt hằng ngày và Dân ca nghi lễ. Dân ca sinh hoạt hằng ngày gồm có các điệu hát như: Xà ru, A giới, A lát, A ly… hát trong đám cưới, đám tang, trên nương rẫy, nơi sông suối, trong lễ hội. Dân ca nghi lễ gồm có các điệu hát như: điệu Cà lu, Cà rùa hát trong lễ tế, cúng tế dòng tộc hay cộng đồng làng.
Nhạc cụ truyền thống của người Cor: Cuộc sống người Cor từ thuở xa xưa dường như hầu hết dựa vào sản vật của rừng, cho nên nhạc cụ truyền thống của họ phần nhiều được chế tác từ vật liệu thiên nhiên của rừng như tre, gỗ, lá, nứa… Người Cor có nhiều loại nhạc cụ tương tự nhạc cụ của người Hrê ở tỉnh Quảng Ngãi nhưng tên gọi và âm điệu có phần khác nhau không nhiều. Người Cor có hệ thống nhạc cụ khá phong phú với hơn 10 loại nhạc cụ, gồm nhóm hơi như khèn Amáp, sáo Talía; nhóm dây như cồng chiêng, đàn brook, đàn brook t’ru, đàn môi ra ngoái, đàn Vơró, đàn Kađót; nhóm tự thân vang như trống đất, đàn đá… Trong kho tàng nhạc cụ truyền thống này, người Cor vừa tự sáng tạo, chế tác hoặc tiếp thu từ các tộc người khác qua quá trình giao lưu tiếp biến, người Cor luôn tạo ra những thanh âm độc đáo để các nhạc cụ dân gian trở thành di sản riêng đặc trưng của dân tộc mình. Trong đó tiêu biểu nhất là cồng chiêng, đàn đá, trống đất, kèn Amáp.
Nhìn chung, Âm nhạc truyền thống của người Cor thường thể hiện chất trữ tình sâu lắng, đằm thắm, có đôi chút khỏe khoắn về tiết tấu. Những âm điệu thường miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên vùng cao nguyên sơ, hùng vĩ, tâm hồn người Cor tươi sáng và dung dị. Chính vì thế, âm nhạc người Cor đọng sâu trong cộng đồng tộc người Cor, đồng thời còn lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc anh em, nhất là trong giới nghệ thuật.
Âm nhạc dân gian của tộc người Ca Dong
Dân ca Ca Dong: Trong kho tàng âm nhạc dân gian của người Ca Dong có những làn điệu dân ca đậm chất trữ tình, lãng mạn chan chứa tình cảm ngọt ngào, sâu lắng. Họ hát trong những dịp lễ hội cộng đồng của làng, khi lên nương rẫy, trong lễ cưới, hát khi ru con, ru em ngủ, nam nữ Ca Dong hát tỏ tình với nhau… Phần lớn là dân ca sinh hoạt gia đình, cộng đồng, lễ hội với những điệu múa, nhịp chiêng rộn rã núi rừng. Các điệu dân ca phổ biến như: H'len, Dê ôdê, K’cheo, Ra nghế…
Nhạc cụ truyền thống của người Ca Dong: Hệ thống nhạc cụ dân gian của người Ca Dong tuy không nhiều như người Cor, song cũng khá độc đáo. Nhạc cụ truyền thống Ca Dong góp phần hình thành nền âm nhạc dân gian đa dạng và đặc sắc của người Ca Dong. Đối với đồng bào Ca Dong tỉnh Quảng Nam, nhạc cụ dân tộc từ xa xưa đã được các già làng chế tác ra để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của dân làng. Tuy nhiên, hiện nay ít được sử dụng rộng rãi trong đời sống cộng đồng, nên chúng dần bị mai một. Do đó, công tác bảo tồn là vô cùng cấp thiết. Một số nhạc cụ tiêu biểu Ca Dong là Đàn brooc-jiêng, Đàn brooc t’ru, Đàn brooc krâu, Đàn đá…
Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của âm nhạc dân gian hai tộc người Cor và Cadong
Việc quan tâm bảo tồn vốn văn hóa của các tộc người ở Việt Nam đã có từ xa xưa. Tuy nhiên, từng thời kỳ lịch sử, từng nơi đã có những phương thức khác nhau. Nghị quyết Trung ương V khóa 8 đã từng nêu rõ: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”, các cơ quan văn hóa nghệ thuật, đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương cũng như một số báo, tạp chí của địa phương và gần đây trong một vài công trình nghiên cứu nhỏ đã đề cập tới việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian xứ Quảng, trong đó âm nhạc dân gian của người Cor và Ca Dong vùng cao tỉnh Quảng Nam. Những công trình này chỉ giới thiệu sơ lược mà chưa khai thác chuyên sâu vào những giá trị đặc trưng của âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số. Những cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật của các địa phương do ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều năm qua cũng chỉ thi thoảng giới thiệu loại hình nghệ thuật này lên sân khấu, song vẫn chưa có một định hướng chiến lược và những giải pháp thực thi có hiệu quả cao. Nghệ thuật âm nhạc dân gian của người Cor và Ca Dong chỉ đúng nghĩa khi được chính người dân sáng tạo ra, họ vừa là khán giả, vừa là diễn viên và đóng vai trò chủ thể của nghệ thuật đó. Thế nhưng, trải qua một thời gian khá dài, rất nhiều chương trình nghệ thuật ở các huyện và thành phố đã được các đạo diễn, biên đạo chuyên nghiệp dàn dựng theo ý thích của mình mà không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong việc bảo tồn vốn quý âm nhạc dân gian, chẳng hạn thể loại dân ca nghi lễ của người Cor và Ca Dong vùng cao tỉnh Quảng Nam thường gắn với môi trường, không gian diễn xướng, và chức năng thực hành xã hội của từng thể loại, đôi khi trong quá trình dàn dựng các loại hình diễn xướng âm nhạc bị áp đặt một cách thô thiển làm lai tạp và biến đổi các giá trị truyền thống.
Cũng như các thể loại văn nghệ dân gian khác, âm nhạc dân gian của cư dân Cor và Ca Dong tỉnh Quảng Nam mang tính đa giá trị, song cơ bản là có các giá trị: nhân văn, đạo đức và thẩm mỹ, đồng thời làm cố kết cộng đồng, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Đây là những giá trị xuyên qua mọi thời đại, bất biến với thời gian. Vì loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này luôn gắn liền với đời sống cư dân hai tộc người Cor và Ca Dong tỉnh Quảng Nam nên cần có các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị quý báu của nó. Qua khảo sát thực tế, có thể nhận thấy, văn nghệ dân gian vùng đất này nói chung, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, đã và đang trên đường mai một, bị lãng quên trong cộng đồng. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị hiện vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Để góp phần cứu vãn tình trạng đó, chúng tôi kiến nghị về các giải pháp mang tính chiến lược và những giải pháp mang tính tình huống. Các giải pháp mang tính chiến lược bao gồm: Việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Đảng, chính quyền; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; quan tâm hỗ trợ các nghệ nhân trong việc trao truyền. Các giải pháp mang tính tình huống bao gồm: Kế hoạch tổng kiểm kê; phổ biến các văn bản, chính sách; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản; phục dựng nghệ thuật âm nhạc dân gian trong các cộng đồng làng xã.
Nhìn chung, những giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật âm nhạc dân gian hai tộc người Cor và Ca Dong tỉnh Quảng Nam trong tầm chiến lược nêu trên, cần thiết phải có những lực lượng xã hội tham gia thật đồng bộ, trong đó ngành văn hóa đóng vai trò chủ chốt. Phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng rất cần được vận dụng, triển khai trong quá trình thực thi nhiệm vụ quan trọng này.
Không chỉ ngành văn hóa mà cả giới khoa học, nghiên cứu cũng như các nhà hoạt động văn hóa không chuyên đều trăn trở khi nhận thấy rằng việc vận dụng và tìm ra giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng âm nhạc dân gian hai tộc người Cor và Ca Dong vùng cao Quảng Nam là một bài toán khó trước đời sống xã hội đương đại. Việc bảo tồn là phải làm cho âm nhạc dân gian Cor và Ca Dong trên vùng cao này sống được trong đời sống cộng đồng chứ không chỉ là tồn tại cứng nhắc trong các bảo tàng. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn âm nhạc dân gian các tộc người thiểu số, dù chỉ là ban đầu, song chúng ta tin tưởng rằng, nếu được triển khai thực hiện, chắc chắn nó sẽ đem lại những kết quả và lợi ích nhất định đối với việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật âm nhạc dân gian Cor và Ca Dong vùng miền núi phía tây Quảng Nam.
V.T.B