Kiểu kiến trúc Pháp mới tại Việt Nam
Quá trình thuộc địa của người Pháp không nghi ngờ gì nữa đã làm biến đổi một cách rộng rãi môi trường xây dựng tại Việt Nam. Trên thực tế đến năm 2022 của thế kỷ XXI, chúng ta vẫn đang được chứng kiến số lượng không ít những công trình nhà ở, thậm chí nhà công cộng được xây dựng theo hình thức kiến trúc phương Tây, trong khi những tòa nhà thuộc địa cũ thì đang dần bị phá hủy. Sự kết hợp vụng về giữa những kiểu kiến trúc vay mượn với phong cách kiến trúc Tân cổ điển vô tình tạo nên những công trình “na ná” phương Tây mà trong bài viết này chúng tôi tạm gọi là những công trình “kiến trúc Pháp mới”. Ngoài sự tuyên dương khiêm tốn thì chúng nhận được nhiều hàm ý chỉ trích khá nặng nề từ một tầng lớp giới trí thức - nhà chuyên môn, thậm chí các du khách nước ngoài. Nội dung của bài viết sẽ tập trung trả lời cho hai câu hỏi lớn: một là vì sao thể loại công trình Pháp mới này cho đến hôm nay vẫn được những người Việt quan tâm xây dựng? Hai là quá trình thực thuộc địa hóa của người Pháp có phải là động lực chính cho những công trình mới này tiếp tục xuất hiện không? Cuối cùng bài viết giúp cho độc giả có cái nhìn khách quan hơn về giá trị di sản thuộc địa trong nền kiến trúc Việt Nam.
Theo quan sát của chúng tôi, đã có một sự tương đồng về gu thẩm mỹ giữa các công trình kiến trúc Pháp mới và công trình do giới tư sản Việt Nam giàu có xây dựng trong thời kỳ thuộc địa. Mẫu số chung giữa chúng là tôn vinh vẻ đẹp hoa lệ bằng cách kết hợp các kiểu trang trí vay mượn từ kiến trúc Cổ điển phương Tây. Giới phê bình nghệ thuật khi bàn về kiểu kiến trúc Pháp mới thì cho rằng sự bất đồng của những hình thức xây dựng này xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về kiến thức thuộc địa, tuy nhiên bên cạnh đó họ cũng nghi ngờ có phải chúng xuất hiện dựa vào ý tưởng đồng hóa đến từ những công trình phong cách thuộc địa cũ đã được giai cấp tư sản giàu có xây dựng trước đây. Thực tế, thông qua các chiến lược xây dựng nhà ở khác nhau cùng với những quan điểm xã hội khác nhau vô tình đã tạo nên kiểu kiến trúc này, các công trình như vậy thậm chí còn được một số tác giả nước ngoài ví von là cách thể hiện một gu thẩm mỹ khủng khiếp. Bài viết này của chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu, thông qua một loạt các cuộc trò chuyện với chủ sở hữu những căn nhà kiểu Pháp mà như chúng tôi đã đề cập ở trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy có hai động lực cơ bản dẫn đến sự xuất hiện của kiểu công trình Pháp mới này đó là: kiến trúc thuộc địa cũ và kiến trúc phương Tây lai tạp xung quanh.
Kiểu kiến trúc Pháp mới
Sự phát triển của kiến trúc Pháp mới tương ứng với sự mở cửa của Việt Nam sau thời kỳ đổi mới vào năm 1986
với hàng loạt các công trình được xây dựng theo chủ nghĩa hiện đại địa phương ảnh hưởng từ nước Nga. Đến những năm 1990-2000 với sự phát triển vượt bậc theo nền kinh tế thị trường thì trên khắp các tỉnh thành đã bắt đầu mọc lên những căn nhà với hình thức sặc sỡ, đặc biệt là các tỉnh thành phía Bắc. Những công trình này dường như muốn phô trương hình thức hoa lệ so với những công trình thuộc địa cũ, các họa tiết trang trí thì được vay mượn từ các phong cách kiến trúc Cổ điển phương Tây hay các vùng miền khác của Châu Âu.
Những công trình đó là dấu hiệu cho thấy sự thịnh vượng ngày càng tăng của một tầng lớp xã hội nhất định, tuy nhiên chúng chưa chắc đã phù hợp với thị hiếu chung của mọi người. Du khách nước ngoài xem chúng không chân thực và có phần diêm dúa1. Còn theo suy nghĩ của giới trí thức Việt Nam lớn tuổi thường gắn bó với kiến trúc thời thuộc địa thì bản thân họ không hiểu vì sao người dân đang tìm cách phá đi những công trình thuộc địa cũ để tiến hành xây dựng những công trình mới, và bằng cách này hay cách khác sử dụng lại các họa tiết trang trí phương Tây một cách tùy tiện. Chủ đề kiến trúc nhại Pháp đã được tranh luận sôi nổi trên các tạp chí chuyên ngành, ví dụ các bài viết của nhà nghiên cứu và lý luận kiến trúc Tôn Đại “hội chứng quay trở về lại cái gọi là kiến trúc Pháp”2, hay “Một thị hiếu không lành mạnh về hội chứng kiến trúc Pháp”3. Đối với những chuyên gia kiến trúc khác, họ bày tỏ quan điểm một cách thận trọng để giải thích cho phong cách Pháp mới này: nó không tương ứng với bất cứ thứ gì và đó chỉ là một bản sao tối nghĩa của phong cách thuộc địa cũ4, họ cũng chỉ trích phong cách này là dấu hiệu của việc thương mại hóa và tiêu chuẩn hóa kiến trúc nhằm mục đích lôi kéo chứ hoàn toàn không có tính độc đáo, sự phổ biến phong cách này có nguy cơ là “bệnh dịch” thực sự, nó như một vật cản vô hình kìm hãm sự sáng tạo của kiến trúc Việt Nam5.
Những nguyên nhân
Bằng cách sử dụng thuật ngữ “phong cách Pháp mới”, chúng tôi đã cố gắng kết nối một cách rõ ràng mối liên hệ giữa thời kỳ thuộc địa và hiện tại. Ở bất cứ nơi đâu tại Việt Nam không hiếm để chúng ta có thể tìm thấy những thành phần của các tòa nhà thời thuộc địa cũ được mô phỏng lại một cách khá hài hước. Ví dụ chúng ta có thể tìm thấy biểu tượng của nhà hát lớn Hà Nội (1910) được hiện diện lại trên nóc của căn nhà ở tư nhân. Điều này xảy ra thường do một số chủ nhà đến gặp các kiến trúc sư với những bức ảnh của những công trình thuộc địa cũ và yêu cầu người thiết kế tích hợp những yếu tố này vào bản thiết kế mới của họ. Chúng tôi bổ sung thêm một ví dụ nữa để giải thích cho động cơ này, đó là các khách hàng (chủ đầu tư) trong quá trình hoàn thiện khâu trang trí ngôi nhà thường tìm đến các xưởng bán hay gia công sản phẩm trang trí bằng hợp kim (cổng, tường rào, ban công), hầu hết những người thợ tại đây đều xác nhận các vị khách này yêu cầu họ sao chép lại các họa tiết trang trí đã hiện diện trên các tòa nhà thuộc địa cũ (bằng hình ảnh chụp ở điện thoại hay địa chỉ cụ thể mà họ yêu cầu các người thợ đến xem trực tiếp).
Hình 1 & 2: Một công trình nhà ở tư nhân ở đường Hòa Mỹ 5 - Đà Nẵng (hình 1, bên trên) lấy cảm hứng từ chóp La Mã đã hiện diện ở công trình Nhà hát lớn Hà Nội (hình 2, bên dưới) được người Pháp xây dựng vào năm 1910. (Nguồn: hình chụp của tác giả).
Như vậy việc sử dụng các họa tiết phương Tây đó có ý nghĩa gì đối với chủ nhân của những ngôi nhà Pháp mới này? Đối với họ đó có phải thực sự là một hoài niệm ký ức trên phương diện thẩm mỹ về với những công trình kiến trúc thuộc địa cũ? Chúng tôi đã tiến hành hai cách tiếp cận: cách thứ nhất là tìm kiếm những ngôi nhà theo quan sát chủ quan là thuộc các phong cách Pháp mới và sau đó xin gặp những người chủ để trao đổi. Cách thứ hai là gặp những người đang sống trong các căn nhà cũ thời thuộc địa, hoặc là những người mà gia đình họ đã từng có một thành viên của thời kỳ thuộc địa.
Trong quá trình trò chuyện và phỏng vấn, chúng tôi tránh đề cập đến các thuật ngữ như “Pháp” hay “thuộc địa”, mục đích để chủ sở hữu mô tả ngôi nhà theo cách riêng của họ. Sau khi tổng hợp và xử lý các nguồn thông tin thu được chúng tôi có được kết quả như sau: khái niệm “phong cách Pháp mới” hoàn toàn không được cư dân trong những ngôi nhà thuộc địa cũ sử dụng hay nhắc đến, các chuẩn mực tham chiếu lấy từ kiến trúc Cổ điển phương Tây ở các tòa nhà thuộc địa chính thống chưa từng bị cắt xén (giữ nguyên mẫu), các chủ sở hữu này còn tự hào về tính cổ kính, sự thoải mái và mát mẻ của những ngôi nhà cũ, đồng thời ca ngợi chất lượng xây dựng của Pháp. Tuy nhiên, ở mặt bên kia thì lại không có bất cứ kết quả nào của kiểu diễn ngôn này trong số những người đang sở hữu những ngôi nhà xây dựng theo phong cách Pháp mới (các họa tiết của những ngôi nhà phong cách Pháp mới này không thể so sánh được với những ngôi nhà thuộc địa). Đối với các chủ sở hữu các căn nhà Pháp mới thì các tham chiếu trang trí trên nhà của họ chủ yếu đến từ kiến trúc phương Tây lai tạp xung quanh thay vì trở lại nguồn gốc thời thuộc địa. Có 3 dòng tư tưởng chính của các chủ sở hữu này là:
Nhà ở “Phải hiện đại - nhìn phải Tây”, đây là quan điểm xuất hiện thường xuyên nhất trong những cuộc trao đổi, đặc biệt trường hợp chủ nhân tự đứng ra tổ chức xây dựng ngôi nhà của chính mình. Ở Việt Nam việc xây nhà là một quá trình rất quan trọng có sự bàn bạc và góp ý kiến rộng rãi của các thành viên trong gia đình. Họ can thiệp kỹ vào tất cả các giai đoạn xây dựng và đặc biệt là những thành phần có liên quan đến làm đẹp và trang trí6. Đối với các chủ sở hữu này, căn nhà của họ trên hết phải hiện đại (nhìn phải Tây), do đó việc dẫn nhập các trang trí liên quan đến phong cách phương Tây đã minh chứng cho điều này. Trên thực tế các kiểu mẫu trang trí của họ có một phần dẫn nhập từ những công trình thuộc địa cũ, tuy nhiên phần lớn nhiều người đều lấy cảm hứng từ các bức ảnh ở các tạp chí, các catalo có sẵn từ các công ty thiết kế, thậm chí còn bắt chước những khuôn mẫu trang trí đúc sẵn đã có ở những căn nhà khác, v.v... còn nguồn gốc của những kiểu mẫu này bắt nguồn từ phong cách nào hay xuất phát từ đâu thì họ hoàn toàn không quan tâm.
Nhà ở phải “đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng thượng hạng”, đây là lập luận thường thấy khi các chủ nhân mua nhà ở cho họ từ các tập đoàn bất động sản cao cấp. Loại nhà này được xếp vào kiểu xây dựng “cộng đồng giám sát”, thường bao gồm một loạt các dãy nhà kiểu mẫu với hình thức tương đồng nhau. Việc đề cập đến các mẫu trang trí của kiến trúc phương Tây cho thể loại nhà này là thứ yếu đối với người mua. Những người chủ sở hữu này dường như không hiểu ý những câu hỏi của tôi về vấn đề tại sao tôi lại cố gắng tìm hiểu những gì họ nghĩ về cách trang trí ở ngôi nhà của họ. Họ nhấn mạnh rằng, tất cả đã có sẵn như vậy cho đến khi họ đến ở. Chúng tôi hiểu một phần suy nghĩ này với họ bởi không ai có thể giảm bớt tác động của quảng cáo về những dự án nhà ở thể loại này của các tập đoàn sang trọng mà dường như ngày nào, giờ nào nó cũng xuất hiện đâu đó ở trên tivi, báo chí hay biển quảng cáo7. Tuy nhiên các tập đoàn này không thực sự quan tâm đến các kiểu cách trang trí đó là gì, họ chỉ muốn rằng phải tạo được cho người mua một sự an tâm, đại loại đây là một dự án đạt tiêu chuẩn chất lượng và thẩm mỹ Châu Âu.
Hệ tư tưởng “Chủ nghĩa quốc tế địa phương” (chúng tôi muốn nói đến khả năng tiếp nhận các yếu tố bên ngoài và kết hợp chúng với các yếu tố bản địa theo một cách cụ thể mà không tìm thấy được cách tương đương nào ở một nơi khác). Những trường hợp còn lại, việc tham khảo các yếu tố kiến trúc phương Tây được liên kết với các cuộc hành trình hay du lịch của chủ nhân. Với nguồn ảnh hưởng này thường dẫn đến các hình thức kiến trúc đa dạng, sự phô diễn ít hay nhiều là do chủ ý của người chủ. Để chứng minh cho ý này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với một số người giàu, có địa vị xã hội, họ cho biết ngôi nhà đã được thiết kế và xây dựng bởi những kiến trúc sư Việt Nam (có liên kết với công ty nước ngoài) hay kiến trúc sư Pháp làm nghề tại Việt Nam. Họ còn mạnh mẽ khẳng định mình có nhiều bạn bè ở phương Tây nên rất rành về văn hóa nghệ thuật Châu Âu. Một trường hợp khác là doanh nhân người Việt được đào tạo và làm việc tại Châu Âu, khi về nước người này đã xây dựng ngôi nhà trong mơ của mình, ngôi nhà được xem là bản sao của kết hợp giữa kiến trúc bản địa với hình ảnh của các công trình nổi tiếng ở Châu Âu (cung điện Versailles, lâu đài Karlsruhe), những yếu tố thẩm mỹ ở công trình của doanh nhân này như là cách thể hiện sự tự hào về cuộc sống quốc tế ở những nơi mà anh ấy đã từng qua. Cuối cùng là ví dụ về một xu hướng mới của giới thượng lưu ở Việt Nam, họ mua một lô đất ở một vùng quê hay xa khu trung tâm rồi tiến hành xây dựng ngôi nhà thứ hai ở đó. Hình thức kiến trúc của ngôi nhà này thường giống nhà ở nông thôn tại Việt Nam, sử dụng cấu trúc truyền thống, nhìn bên ngoài mộc mạc tuy nhiên bên trong lại được trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại phương Tây. Một số ngôi nhà kiểu này nếu được xây ở sườn dốc hay đồi thì tầng một sẽ như là một căn nhà dân gian, tuy nhiên dưới nền dốc sẽ tận dụng làm một tầng bán hầm với các phòng ngủ và kho rượu, rõ ràng mô hình này không hề tồn tại ở một căn nhà truyền thống thuần Việt.
Hình 3 & 4: Một công trình trên đường Điện Biên Phủ Đà Nẵng (hình 3, bên trên) với hình thức kiến trúc được kết hợp khá tùy tiện giữa những mô típ trang trí phương Tây (đầu cột kiểu Tuscan; trang trí diềm mái với kiểu Baroque). Xa hơn đó khoảng 100m chúng ta có thể thấy sự ảnh hưởng của kiểu trang trí này hiện diện ở phần kết thúc mái trên của căn nhà chia lô (Hình 4, bên dưới). (Nguồn: hình chụp của tác giả).
Hình 5 & 6: Bên trên là ngôi nhà ở một tỉnh phía Bắc (Hình 5) với lối phô trương thẩm mỹ phương Tây một cách kỳ lạ. Bên dưới (hình 6) là một trong số những ngôi nhà được xây dựng theo phong cách Pháp mới tại Đà Nẵng. (Nguồn: tư liệu của tác giả)
Một vấn đề nữa xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn của chúng tôi đã thực hiện là mong muốn khẳng định bản sắc riêng của một người và phân biệt chính mình với những người hàng xóm khác. Điều này vô hình dung tạo ra một xu hướng thời trang “cá nhân hóa tập thể”, các quy tắc thẩm mỹ chung giống nhau trở nên phổ biến, những sự kết hợp đa dạng các thiết kế sẵn có cho phép mỗi cá nhân thể hiện một bản sắc riêng của mình. Bên cạnh đó còn có sự ảnh hưởng của các nước láng giềng châu Á đối với Việt Nam trong việc phổ biến kiểu kiến trúc hiện đại và động cơ tìm kiếm kiến trúc phương Tây, đó là ngày càng có nhiều những khu phức hợp sang trọng sử dụng các tham chiếu kiến trúc Châu Âu như là các dự án do Hàn Quốc, Đài Loan khởi xướng.
Thay lời kết
Qua những gì mà chúng tôi đã dẫn ra ở trên cho thấy chúng ta không hoàn toàn chứng kiến một sự ảnh hưởng đơn giản từ Tây sang Đông, hay từ thời kỳ thuộc địa cho đến nay để mà đơn phương giải thích cho sự hình thành kiểu kiến trúc Pháp mới này. Những ảnh hưởng của phương Tây hiện tại cũng không phải là kết quả độc quyền của một quá trình phát triển liên tục, mà chính xác hơn là nó đã bén rễ bắt đầu với sự thống trị của người Pháp vào cuối thế kỷ XVIII.
Những công trình Pháp mới ngày hôm nay được hình thành từ nhiều nguồn tương tác khác và chúng thay đổi lẫn nhau khi tương tác, nói cách khác việc sử dụng các yếu tố trang trí ngoại lai trên những sự xây dựng mới được tạo nên từ một chuỗi tuần hoàn các sự pha trộn: đó có thể là mong muốn thể hiện một gu thẩm mỹ này so với những gu thẩm mỹ khác, có thể là sự ảnh hưởng của việc lưu thông khu vực xuất phát từ các dự án của những tập đoàn nước ngoài và cũng có thể xuất phát từ tư tưởng của hệ “chủ nghĩa quốc tế địa phương”.
Ngoài ra chúng ta có thể biết thêm về sự hình thành kiểu kiến trúc pha trộn mang tính địa phương, nó cho thấy sự phụ thuộc vào khái niệm văn hóa và sự phân hóa giai cấp thấp hay cao. Một bộ phận giới tinh hoa có học ở Việt Nam phần lớn xuất thân từ những gia đình tinh hoa từ rất lâu đời, họ thường đi du lịch rất nhiều (nếu không được đào tạo ở ngước ngoài) và họ ủng hộ việc quay trở lại với các tính chất truyền thống quê hương, từ đó khẳng định kiến thức chính xác về các quy tắc của kiến trúc truyền thống hoặc kiến trúc thuộc địa, có nghĩa là họ định vị xã hội nhờ vào vốn văn hóa nhất định mà họ sở hữu. Bên cạnh đó, những tầng lớp thấp hơn hoặc những người theo chủ nghĩa Tân Cổ Điển thì sử dụng các yếu tố có vẻ ngoài phương Tây trong ngôi nhà của họ như một cách để thể hiện nguồn vốn kinh tế và để khẳng định gu thẩm mỹ của riêng mình.
Những di sản thuộc địa cũ còn lại ở Việt Nam vẫn có một ví trí độc tôn và xứng đáng trong tâm thức của những người Việt Nam. Nó là nguồn vốn kiến trúc nằm trong kho tàng của nền kiến trúc Việt Nam. Nếu không có những công trình gốc này thì thật khó có thể hình dung ra và so sánh được chúng với những bản sao dị biệt của phong trào xây dựng đương đại bị ảnh hưởng nhiều từ lối kiến trúc phương Tây.
L.M.S
1 Năm 2012 chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với nhóm du khách người Pháp tại Hạ Long về chủ đề này khi đi qua tuyến đường có nhiều ngôi nhà ở dạng chia lô được thiết kế với hình thức kiến trúc phương Tây.
2 Tôn Đại, “Về hội chứng quay trở lại cái gọi là kiến trúc Pháp”, Tạp chí Kiến trúc, Vol.2, No.4, 1998, tr.30-32.
3 Tôn Đại, “Một thị hiếu không lành mạnh về hội chứng kiến trúc Pháp”, Tạp chí Kiến trúc, Vol.100, No.2, 2003, tr.64-67
4 Chủ đề này đã được trình bày bởi TS Khuất Tân Hưng vào năm 2008 tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội về: “cuộc xâm lăng lần thứ 3 của kiến trúc Pháp vào Hà Nội”.
5 Ngô Doãn Đức, “Nhại cổ hay không cũng phải hợp lý”. Báo Xây Dựng, 2013 (xem tại: https://baoxaydung.com.vn/nhai-co-hay-khong-cung-phai-hop-ly-64869.html).