Nét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình Anh
Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007) vừa là nhà văn, là học giả, là nhà sử học..., được mọi người thường gọi là “nhà Quảng học”. Tìm hiểu, nghiên cứu về ông, tôi không khỏi chạnh lòng vì số phận có phần khắc nghiệt với con người tài năng, nhân cách ngay thẳng, có đóng góp cho văn học, văn hóa, lịch sử từ trước 1945 cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI. Ông là một con người kiên trì, nhẫn nại, cống hiến thầm lặng suốt gần 70 năm cầm bút với mong muốn “góp phần đừng để lãng quên những gì xứ Quảng đã đóng góp cho dân tộc” (Dương Trung Quốc). Đến giai đoạn tuổi cao, sức yếu, ông đã có ý thức cùng với bạn bè thân hữu và các con của ông tập hợp, hệ thống các tác phẩm còn ít người biết đến thành các tập sách có nhan đề: Dinh trấn Quảng Nam, Văn học trình diễn, Văn học và phê bình, Nhân vật, Đà Nẵng, Hội An, Tạp văn... Theo Trần Trung Sáng, cũng có những đơn vị xuất bản đến gặp, bàn bạc để mua toàn bộ tác quyền, ấn hành trang trọng, nên ông đã hào hứng chờ đợi. Thế nhưng “ngày này sang ngày khác... Tiếc thay, mùa xuân và cái Tết ấy chẳng bao giờ còn đến với ông”.
Trong quá trình sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, tôi đã phát hiện thêm được nhiều tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân, trong đó có những tư liệu có thể chứng minh những đóng góp lớn hơn của ông cho văn học Tiền Chiến. Cụ thể, Nguyễn Văn Xuân được giới thiệu ở trang bìa Tiểu thuyết thứ Bảy, số 450, ngày 27/02/1943 là: “Truyện quanh bếp lửa - một loại truyện mới của Nguyễn Văn Xuân”. Và từ số này, truyện ngắn của ông thường được đặt trong chuyên mục “Truyện quanh bếp lửa”. Một chuyên mục dành riêng cho các sáng tác của ông. Sẽ có dịp khác chúng tôi giới thiệu đầy đủ hơn về đóng góp của ông trong giai đoạn trước 1945. Ở phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến góc nhìn độc đáo của tác giả về Tết trong các truyện ngắn: Tết, Dư ở phường Xoan, Ngày cuối năm trên đảo.
Ba truyện ngắn này đều được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945. Điều làm tôi chú ý là nội dung các truyện ngắn thể hiện cách nhìn nhận, miêu tả về Tết đều có những nét độc đáo, đặc sắc riêng. Tết Nguyên Đán đã trở thành phong tục truyền thống quan trọng, là lễ hội cổ truyền lớn nhất, và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam. Vì vậy, phần đông khi viết về Tết thường chú ý đến sự đoàn viên, sum họp gia đình, tưởng nhớ về ông bà tổ tiên, sự quan tâm, thăm hỏi, chúc tụng dành cho người thân, hoặc xa hơn chút là tâm trạng buồn nhớ quê hương, gia đình của những người không về quê đón tết được... Cũng với ý nghĩa đó, nhưng nhóm truyện ngắn viết về Tết trước 1945 của Nguyễn Văn Xuân lại thường đề cập đến những tiếc nuối, hụt hẫng hoặc những góc khuất, những vùng tối của con người, của cảnh đời.
Truyện ngắn Tết được đăng trong số Xuân của Tiểu thuyết thứ Bảy, số 446, ngày 02/01/1943(1). Mở đầu truyện, nhân vật xưng tôi đã kể một câu chuyện khi được ngồi trên chiếc “ô tô rất sang”, có lúc đã chạy với tốc độ 98km/h, nhưng rất tiếc là nó chưa đủ 100km/h để khoe với bạn bè. Nhân vật cảm thấy hụt hẫng: “Tôi biết là xe có chạy nhanh thêm một hai cây số cho đủ một trăm cây thì bên ngoài chẳng có sự gì thay đổi cả. Vậy mà, tự nhiên trong lòng tôi như mất đi một cái gì không bấu víu được”. Nhà văn đem cái cảm giác hụt hẫng, tâm thế nuối tiếc ấy để liên hệ về Tết: “Có người ăn Tết, chán nản cho cái Tết, đã có ý muốn bỏ nó đi, nhưng rồi sang năm, đâu lại hoàn đấy, người đó lại đi sắm tết, lại ăn tết và để rồi lại... chán nản như xưa”.
Ông quan sát mọi người chuẩn bị, chờ đón Tết và thấy rằng: “tôi có thể trả lời chắc chắn là không ai thấy Tết đến không bồn chồn, hồi hộp”, “người ta coi như là một hy vọng, một kết quả”, “những ngày sắm Tết là vui”... Tuy nhiên, ngay sau sự chờ mong, bồn chồn đó lại là sự nghi ngờ, băn khoăn, lo sợ: “Nhưng tôi sợ cái Tết đến quá. Cuộc đời rồi chẳng có gì thay đổi. Tự tôi, đến ngày nay, nhìn lại năm qua, tôi thấy mình vẫn là mình, mình của mấy năm về trước, tuy rằng cứ mỗi năm sắp tàn, tôi đã tự hứa là mình sẽ phải có cái gì ghê gớm lắm sang năm mới”. Thời gian mãi xoay vòng, nhân vật tôi cứ đặt kỳ vọng vào năm mới sẽ làm được nhiều điều lớn hơn, đáng mơ ước hơn, nhưng rồi năm cứ hết, Tết cứ đến mà cũng chưa làm được gì gọi là lớn lao hơn nên nảy sinh tâm trạng buồn, lo vì cảm thấy “đời thừa”, “vô ích”, “vô nghĩa lý”... Khi đọc đoạn này, bản thân chợt nghĩ đến những câu thơ của Xuân Diệu: “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”.
Sau những suy tư, triết lý vòng vo, vui buồn lẫn lộn thì nhân vật tôi cũng lại tiếp tục một thói quen không bình thường nhưng là sở thích, thú vui trong tối ba mươi tết: “Tôi có tính thích đi chơi vào chạng vạng ba mươi Tết khi rước ông bà xong. Tôi đi chơi một mình trong gió lạnh trên con đường ngày thường rộn rịp”. Tự nhân vật cũng thấy đây là thói quen không giống ai, ngược đời của mình, bởi tối ba mươi mọi người thường quây quần, sum họp để ăn cơm buổi tất niên, để chuyện trò. Tối ba mươi cũng thường là bận rộn nhất, mọi người tổng kết năm cũ, dọn dẹp lại nhà cửa, sắp xếp đồ cúng, bánh trái, mứt, kẹo... để xem còn việc gì chưa hoàn thành, chưa xong thì làm nốt trước khi đón giao thừa, đón năm mới. Ấy vậy mà nhân vật lại “thong thả bước. Lòng bình tĩnh như một người xa lạ rỗi rãi, dạo mát qua các nhà”. Khiến có người thắc mắc hỏi “Ồ, giờ này mà anh còn đi đâu vậy?” và thầm nghĩ “Có lẽ anh chàng này có chuyện gì xích mích trong nhà hẳn!”.
Hình ảnh quen thuộc hàng năm trong đêm ba mươi cứ lần lượt hiện ra, đó là đêm rất tối, nhà nào cũng thắp đèn sáng sủa, những câu đối, bộ bàn ghế sạch sẽ, tiếng pháo vang vọng, hương trầm thoang thoảng... Nhân vật còn gặp những người làm ăn xa về quê muộn, những người trên sông nước cũng “đã đông đủ tụ về để ăn tết trong những cái “vạn ghe, vạn chài, vạn rỗi” bé nhỏ của mình”. Và kết thúc truyện ngắn đó là hình ảnh “những nồi bánh tét, bánh tở (có lẽ là bánh tổ - người viết) người ta nấu cho kịp đêm nay để sáng mai cúng nước sớm. (...) Bánh tét, bánh tở, đó là tất cả cái tết, linh hồn cái tết của ít tỉnh miền Nam Trung kỳ”.
Truyện ngắn Dư, ở phường Xoan trên Tiểu thuyết thứ Bảy, Nguyệt san số 2, tháng 7/1944(2), Nguyễn Văn Xuân chú ý đến một tục lệ đầu năm của phường ăn mày bên chợ Hàn (Đà Nẵng). Đã thành tục lệ, tập quán quen thuộc thì rất khó bỏ và có sức ám ảnh lớn trong tâm hồn, trong nếp nghĩ của mỗi con người, dù đó là tục lệ không tốt đẹp gì. Vì vậy mà Dư (con của phường ăn mày) dù đã lừa được Tuệ, khiến Tuệ tin yêu và dẫn về chung sống, “nàng cố không nghĩ đến nó, quyết tình sống hẳn theo cuộc đời lương thiện của những người chung quanh nàng và chồng nàng”. Nhưng đến ngày giỗ chạp “hay những ngày cuối năm, nàng lại thấy rạo rực trong lòng”, nhất là “năm ấy toàn gặp những điều không may, con chết, ốm đau, nàng đâm ra hối hận mình đã không theo tục lệ của nhà. Nàng tin chắc là ông bà nàng và những vị thần thờ trong nhà đã muốn hình phạt nàng”. Vì vậy, nàng lại muốn thực hiện tục lệ của tổ tiên trong ngày lễ trọng đại nhất trong năm là đi xin đầu năm” như lời cha dặn: “tục lệ ông bà mần răng phải giữ như rứa. Mỗi năm con không ăn cắp, đến ngày kỵ ông bà con không đi xin về cúng thì đời con sẽ khổ, vận hạn con sẽ xuống liền liền”. Tết ấy, Dư quyết định nói dối chồng là “đi thăm một bà cô rất thương tau ở trong Quảng Nghĩa” rồi về nhà gặp bạn bè và gia đình để thực hiện cái tục lệ “đi xin đầu năm” để “xã xấu mới được”.
Ở phường Xoan, cái tục lệ ấy đã trở thành lẽ sống, vậy nên khi ăn xin hoặc ăn cắp được đồ thì cô rất “vui vẻ”, thậm chí còn “sung sướng”. Sau một thời gian sống lương thiện cùng chồng, khi về lại phường, cảm nhận được “từng giọt hạnh phúc chảy trong tâm hồn như những giọt nước mát đi vào một cuống họng ráo khô. Tất cả lòng tin tưởng và thành kính của nàng nghiêng về phía thói lề xưa cũ vẫn cai trị nàng và cả gia đình nàng”. Khi gặp lại bạn cũ cùng phường, ký ức về một lẽ sống lại ùa về, Dư ngẫm nghĩ: “thói xấu chỉ ngủ trong lòng người chứ ít khi chết hẳn. Nhất là thói xấu của những người phải lấy nó làm lẽ sống trong đời. Dư thấy rằng ở đời chẳng có ai hiểu rõ được ai. Những kẻ sống lương thiện vẫn tự hỏi rằng bọn ác nhân làm sao sống được khi phải suy nghĩ đến tội ác của mình trong nghề; có biết đâu bọn này chỉ cần tìm thấy cái hay, cái đẹp, cái nhanh nhẹn, cái tráo trở tài tình trong nghề để rồi khoe lại với nhau, sung sướng và thỏa mãn như chính bọn người lương thiện nói với nhau những hành vi tốt đẹp”.
Khi ý chí, lẽ phải của họ không đủ lớn để chiến thắng quan niệm, tập tục cũ không tốt đẹp, tức là họ đã đầu hàng số phận. Dù trong thâm tâm Dư, lần về phường này là để “xã xấu”, để thực hiện một tập tục của tổ tiên để mong cuộc sống tốt đẹp hơn. “Bây giờ Dư không còn cái say sưa cũ nữa. Nàng đi là chỉ cốt vâng theo một tục lệ mà nàng có thói quen kính sợ từ bé và để khỏi bị trừng phạt sau này”.
Chính trong lần nói dối chồng để về nhà làm theo lệ cũ, khi đang đi xin cùng gia đình trong ngày đầu năm thì điều nàng lo ngại nhất đã xảy ra: “Thốt nhiên có ai kêu: Ồ Dư! Dư sợ hãi ngửng hẳn lên, trái tim nàng như ngừng đập. Trước mặt nàng, cái mặt Tuệ đang há mồm trợn mắt nhìn nàng, như nhìn con quái vật. Sự ngạc nhiên ban đầu quá dễ dàng, Tuệ không nói một tiếng nào, quay gót giầy đi thẳng”. Nàng tự hứa sẽ cố gắng sửa sai, “sẽ khóc lóc, lạy lục chàng như một con nô lệ... cầu sẽ ăn mày được ít lòng thương của Tuệ chăng”. Nhưng tất cả đều vô nghĩa, Dư đã không còn cơ hội gặp mặt Tuệ để cầu xin bởi Tuệ đã ngay lập tức trả nhà đang thuê và “dọn đồ đạc đi cả rồi”. Tuệ không quên gửi lại đồ của Dư, để lại một ít tiền và mấy dòng thư thể hiện sự dứt khoát và khuyên “Dư cũng không nên tìm tôi”. Đọc hết mấy hàng chữ của Tuệ gửi lại, “Dư thấy mệt mỏi lắm. Tiếng nói người chủ nhà như bị ai bóp xiết lại. Và nàng run rẩy đứng không vững nữa”.
Hình ảnh của Dư ở cuối truyện khiến ta liên tưởng lại số phận của mấy người bạn Dư cùng trong phường. Có người cũng lừa được chồng như Dư, có người có cưới hỏi hẳn hoi, nhưng khi chồng đã biết là “con phường Xoan” thì đều bỏ hết. Họ phải quay lại con đường cũ, lẽ sống cũ mà thôi, nếu không thì như “con Thành”, bị chồng bỏ, thương quá mà “đau luôn mấy tháng rồi chết”. Thân phận của họ thật đáng thương, bởi họ là “con gái của phường Xoan, của bọn ăn mày mà cả lũ người đáng khinh trong xã hội cũng không đến nỗi bị đặt ngang hàng”.
Ở truyện ngắn Ngày cuối năm trên đảo trong Tiểu thuyết thứ Bảy, số 8, tháng 1/1945(3), nhà văn kể về đêm ba mươi của Nguyện ở đảo Cù Lao Chàm. Nguyện vốn là người trong đất liền, của phố thị, nhưng vì cuộc sống khó khăn, mẹ bệnh tật mà “đã hai lần bán chị đi như bán một món đồ cần dùng”. Lần đầu là bán cho người Tàu sang làm ăn và “đã bỏ nàng để về Tàu như bỏ một con vật tới thời không dùng được nữa”. Lần thứ hai là bán làm vợ lẽ cho ông Hương, một chủ ghe ở Cù Lao Chàm. Vì quen trong đất liền, phố xá nhộn nhịp, nên dù ở ngoài biển đã một năm mà Nguyện vẫn không thể làm quen với cuộc sống mới tẻ nhạt và huyền bí ngoài đảo.
Chiều ba mươi họ chuẩn bị rước ông bà đón tết, cũng với loại bánh truyền thống của người dân xứ Quảng là bánh tét và bánh tổ. Bên cạnh đó, không thể thiếu sản vật của biển là “con cá chi ngon đem về mà làm cho kịp rước ông bà”. Cảnh chiều ba mươi ở ngoài đảo thật buồn tẻ, chẳng có chút không khí Tết. “Lễ rước ông bà xong thì đã chiều. Buổi chiều trên hải đảo buồn như trong sa mạc. Vào giờ ấy, hàng vạn con bọ chắt đùn lên từ dưới đất, chờ bóng tối về là bu đặc cả chân, hành hạ người như hành hạ con chó ghẻ. Lại cả muỗi nữa. Muỗi lao xao ở trong góc phòng, trong vườn sau, trong những mái tranh, mái rạ, cùng một lúc chạn vạn đổ xuống lá mang ngay những bản nhạc mọi rợ của mình đi dạo khắp làng. Người ta bèn lặng lẽ đóng cửa nhà lại, ra bãi chơi cả... Đó là cách trị muỗi chung của ba làng trên hải đảo này”.
Sau khi đi tránh muỗi về, “Nguyện hông một ang nếp ngang để cúng ngày mai”. “Ông Hương đã đi lễ tất cả miếu trong làng xong cũng vừa về để làm heo”. Trong đêm giao thừa, “Những bạn ghe đều hội họp lại nhà chủ ghe. Lễ đầu năm trong nhà xong, cả bọn đều dẫn nhau ra sau bãi cúng ra mắt ghe. Lễ cúng chỉ có mâm xôi, mươi con gà luộc, chuối và rất nhiều đồ mã. Cỗ bày trong khoang giữa. Ông Hương khấn vái rất lâu các vị thần linh của trời của đất, Hà Bá, Thủy quan, chúa Tiên Huyền nữ, các vị ngũ hành, bà mộc, bà hỏa... với tất cả tâm thành rồi đốt pháo... Ở những thuyền khác và từ trong các xóm, tiếng pháo đáp lại giòn tan. Tất cả hải đảo như vùng sống dậy một giờ khắc lạ lùng khác hẳn sự trầm tịch suốt năm. Cúng ghe xong, cỗ mang vào nhà cho các trai bạn ăn. Họ ăn vội vã. Chủ nhà chia phần còn lại cho những người vợ đến đưa chồng đi đem về cho con cái. Cả bọn lại mang đuốc đi theo con đường nhỏ ra bãi”. Họ lập tức lên thuyền, đi biển chuyến đầu tiên của năm ngay thời khắc giao thừa đó.
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, cao quý và trang trọng nhất, là sự kết nối giữa năm cũ và năm mới trong chu kỳ vận động của đất trời, của vạn vật. Con người khi ấy thường có những mơ ước, mong muốn cho một năm mới, cho một tương lai tốt đẹp hơn. Ấy vậy mà trong thời khắc linh thiêng đó của đất trời, khi thuyền đã “lướt sóng ra đi”, nhìn cảnh “bọn đàn bà đứng nhìn theo”, Nguyện băn khoăn thầm nghĩ: “Không biết họ đã nghĩ những gì trong giờ mới mẻ của năm về. Tâm hồn họ có vượt
qua những cái thô sơ, điềm đạm, tầm thường đã dệt nên đời họ như một tấm vải bố rẻ tiền? Hay họ hướng cả vào một ngày mai tối tăm mà gió rít lên ngoài khơi sẽ chôn vùi chồng con họ trong nấm mồ không nắp, không đậy như đã chôn vùi bao nhiêu người chọn cái nghề này mà làm kế nuôi thân?”
Còn đối với bản thân Nguyện, cô vẫn tiếp tục chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực, nghĩ về những ngày đã qua với dằng dặc nỗi buồn, lo lắng cho tương lai phía trước không có gì sáng sủa hơn: “Nàng đã nghĩ ngợi nhiều và lòng đầy lo lắng trong giờ phút thiêng liêng, quan trọng này. Nàng rờn rợn nơi gáy khi nghĩ xa hơn đến những ngày đã trải qua; đột nhiên, nàng nhớ lại rằng suốt một năm trường, hạnh phúc của nàng chỉ tụ lại trong những ngày được sai về thành phố Hội An để sắm sửa một món đồ gì hay bán củi, lá tơi, thổ sản trong rừng. (...) Bao nhiêu tự do, bao nhiêu ánh sáng trong thành phố đã quen thân nàng như người bạn lâu ngày. Nhưng Nguyện biết nó chỉ là một mộng tưởng xa xôi và to lớn. (...) nàng nghĩ đến đứa con đang lớn lên trong bụng sẽ nối chắp mãi mãi linh hồn nàng với núi non này”.
Qua ba truyện ngắn viết về Tết từ trước năm 1945 của Nguyễn Văn Xuân, nay đọc lại chúng ta vẫn thấy có nhiều điều mới mẻ, độc đáo, đáng suy ngẫm. Những tâm trạng, những cảnh đời, những số phận chưa có được niềm vui trọn vẹn trong ngày Tết như nhân vật tôi, như Dư, như Nguyện chắc hẳn không chỉ có ở giai đoạn trước khi Cách mạng tháng Tám thành công.
Ở Tết, điểm nổi bật là suy tư, nuối tiếc về khoảng thời gian đã qua, về những dự định chưa làm được. Cái cảm giác “đời thừa”, “vô ích”... của nhân vật tôi chắc hẳn vẫn thường xuyên xuất hiện đối với những người hay lo, hay nghĩ. Chỉ có điều chúng ta thường ít nói ra, không muốn đề cập trong những ngày “vui như Tết”. Vì vậy, điều nhà văn muốn gửi gắm hẳn là thể hiện quyết tâm, cần nỗ lực để thực hiện ước mơ. Bởi thời gian không đợi một ai, có như vậy mỗi chúng ta mới không hối tiếc về những ngày tháng đã qua đi, không có suy nghĩ về cảm giác “vô ích” nữa.
Ở hai truyện ngắn sau, cho thấy nhà văn Nguyễn Văn Xuân có sự thấu hiểu, cảm thông với những cảnh đời, số phận không may mắn. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, con người không nên bị ràng buộc bởi sự xuất thân, bởi hoàn cảnh gia đình. Mà phải mạnh mẽ để vươn lên trong sự kiếm tìm hạnh phúc trong cuộc đời. Truyện Dư, ở phường Xoan, đó là mong muốn con người cần chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn, có vậy mới đem lại hạnh phúc cho nhau. Và quan trọng hơn là mỗi người phải biết vượt qua những định kiến lạc hậu, không nên để những tập tục cổ hủ chi phối mà làm mất đi hạnh phúc mình đang có. Ở Ngày cuối năm trên đảo, đó là mong muốn con người biết chấp nhận thực tại, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Nếu mãi tiếc nuối quá khứ sẽ làm bản thân đau khổ hơn, chi bằng chấp nhận để vươn lên, để hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, và cuộc sống tốt đẹp hơn. Hẳn đó là những thông điệp ý nghĩa mà Nguyễn Văn Xuân muốn gửi gắm trong một số truyện ngắn về Tết của mình.
Đà Nẵng, ngày 01/12/2019
V.Đ.A