Bác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân Trình
Mỗi độ Xuân về, Tết đến, đọc lại những vần thơ Tết và nghe những câu chuyện kể về hoạt động đầu Xuân của Bác Hồ, chúng ta càng có dịp hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về giá trị của tư tưởng, đạo đức và phong cách cao cả, sáng ngời của Người.
60 năm trước, Xuân Canh Tý - 1960, Bác Hồ kính yêu có Thơ chúc mừng năm mới: “Mừng Nhà nước ta mười lăm xuân xanh/ Mừng Đảng chúng ta ba mươi tuổi trẻ/ Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua/ Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa/ Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh/ Thành đồng miền Nam vững bền, mạnh mẽ/ Cả nước một lòng hăng hái tiến lên/ Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ”.
Ngay từ ngày đầu năm mới, vị lãnh tụ của Đảng, đồng thời là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã truyền cho nhân dân cả nước vận hội mới, nhiệm vụ mới, khí thế mới của cách mạng Việt Nam. Bài thơ xuân của Bác đã đi vào đời sống tình cảm, đời sống chính trị của nhân dân ta, tạo nên sự phấn chấn và xác lập tâm thế vững vàng cho các giới, các ngành và toàn xã hội trước ngưỡng cửa mùa xuân của đất trời và mùa xuân của cuộc đời.
Nhân Tết Nguyên đán, Bác Hồ có bài viết “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?” - đăng báo Nhân dân, số 2132, ngày 18/01/1960. Bài báo nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ, làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm. Bài báo kết luận:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan.
Mừng xuân, Xuân cả thế gian,
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”
Chín ngày sau, cũng trên Báo Nhân dân, Bác Hồ có bài “Mừng Xuân vĩ đại”, với bút danh Trần Lực, chỉ rõ: “Đặc biệt năm nay chúng ta mừng Xuân với nhiều thắng lợi vẻ vang... Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí. Chúng ta ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này”.
Năm 1960 ghi nhận một sáng kiến vĩ đại, một quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái cho dân tộc ta và cho cả Trái đất của Bác: Đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Người phát động Tết trồng cây với tinh thần: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Ngày 18/1/1960, nói chuyện với đồng bào và cán bộ ở Kiến An, Bác Hồ nói: “Tết trồng cây - Bộ đội, thanh niên và đồng bào đều hăng hái tham gia. Như thế là tốt. Cán bộ cần phải có kế hoạch chu đáo, hướng dẫn chặt chẽ. Trồng cây nào chắc cây ấy. Trong 5-7 năm chúng ta sẽ có một nguồn thu hoạch rất to”.
Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ - kể lại rằng, Bác rất quan tâm đến đời sống nhân dân, nhất là người nghèo. Gần đến giao thừa năm Canh Tý - 1960, Bác thăm gia đình chị Tín, đúng lúc chị phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai - mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con của mình. Quá bất ngờ được gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác:
- Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm...
Chỉ nói được vậy, chị đã oà lên khóc nức nở.
Vị Chủ tịch nước an ủi chị:
- Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...
Bác đã vào nhà thăm hỏi khá lâu 5 mẹ con chị Tín. Gọi là nhà nhưng đâu có phải là nhà mà là một cái chái như một túp lều. Chồng chị Tín là công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó bốn năm, còn chị thì cho đến lúc này vẫn chưa có việc làm ổn định. Cảnh nghèo khó của gia đình chị hiện ra trước mắt Bác. Trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đúng là “Ba mươi Tết mà không có Tết”.
Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ. Vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Cách đây 15 năm, Tết độc lập đầu tiên, Bác đã đau lòng chứng kiến cảnh một gia đình “Tết mà không có Tết” ở ngõ hẻm Sinh Từ. Đó là khi đất nước mới thoát khỏi vòng nô lệ. Còn bây giờ, kháng chiến đã thắng lợi, hòa bình đã sáu năm, mà lại còn cái cảnh này sao? Không phải ở đâu xa mà ở ngay Thủ đô Hà Nội... Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui...
Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện, Bác nói: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”.
X.T