Đọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh Hùng

13.01.2020

Đọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh Hùng

Cung oán ngâm khúc(*) của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) là bi ca của một cung nữ tài sắc bị ruồng bỏ; tác phẩm góp phần lột tả sự tàn nhẫn của chế độ phong kiến, thể hiện tinh thần nhân đạo của tác giả truyện thơ Nôm nổi tiếng xưa nay. Còn có thể đọc ra một thông điệp khác từ khúc ngâm “lời lời đều khiến mọi người phải kinh ngạc” (Lý Văn Phức) này không?

Cung nữ tài sắc lúc đầu được vua sủng ái rồi nhanh chóng bị lãng quên; nàng xót thương thân phận, oán trách kẻ Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi; trong oán thán, nàng vẫn hoài vọng một ái ân... Hình tượng nhân vật trữ tình này có thấp thoáng bóng dáng ai khác nữa không? Lặn lội vào hình tượng, câu chữ, giọng điệu và đặc biệt là tính hàm súc, ý tại ngôn ngoại vốn là đặc trưng thi pháp của thơ ca trung đại để hình dung ai là kẻ nấp sau người đẹp giữa lãnh cung thuở ấy. Trong 89 khổ song thất lục bát, với những đoạn “độc thoại nội tâm” của nhân vật, nhiều câu “trữ tình ngoại đề” của tác giả, khi sử dụng điển cố hay lúc vận dụng quan niệm Phật - Lão để cắt nghĩa cuộc đời và thân phận con người, Nguyễn Gia Thiều đã mở rộng biên độ hình tượng khiến người đọc hình dung một - hình - bóng - khác ẩn tàng.

1. Trước hết là dáng dấp quan nha mà phần lớn trong họ xuất thân từ khoa bảng, xưng danh kẻ sĩ, thuộc tầng lớp trí thức thượng lưu.

Bắt đầu là chuyện họ mê người đẹp, yêu cái đẹp, muốn chiếm hữu hoặc tìm kiếm tri âm. Cảnh rắp ranh bắn sẻ, ngấp nghé trông cũng thảm hại lắm: Làng cung kiếm rắp ranh bắn sẻ/ Khách công hầu ngấp nghé mong sao. Lắm lúc họ khá ê chề khi nhận ra cái xã hội quý tộc mà thời xôi kinh nấu sử mình từng mong muốn chen chân cũng chỉ là thứ mồi, bả trên đường trần mưa bay gió cuốn:

- Gót danh lợi bùn pha sắc xám,

Mặt phong trần nắng rám mùi dâu

- Mồi phú qúy nhử làng xa mã,

Bả vinh hoa lừa gã công khanh

- Cánh buồm bể hoạn mênh mang,

Cái phong ba kéo cợt phường lợi danh.

Dù muộn, “gã” (chữ này dùng thật đắc) chợt thấy kiếp người mong manh, danh lợi hão huyền trong cuộc tranh đoạt đầy bất trắc và nhiều cạm bẫy. Biết rồi, lỡ rồi mà không sao thoát ra được (một kiểu biện minh). Đúng là cuộc chết đuối trên cạn của kẻ từng mang chí lớn:

Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,

Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh.

Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,

Chết đuối người trên cạn mà chơi.

Lò cừ nung nấu sự đời,

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Cảnh vàng son mà họ là người chung tay góp sức bỗng trớ trêu trong buổi suy tàn; tưởng là được hóa ra mất trắng. Kẻ sĩ, quan lại vốn là bậc nhìn xa trông rộng, nhận trọng trách “Dân chi phụ mẫu”, sao trong buổi tà dương đế chế mới nhận ra sự thể này? Có phải đến nước này họ mới biết cõi hữu vi như một thứ mộng huyễn, bào ảnh? Mồi phú quý, bả vinh hoa đã ngập lòng khi họ cất bước vào quan lộ; kể cũng đáng thương mà cũng đáng trách trong bối cảnh tiêu điều nhân sự:

- Đất bằng bỗng rấp chông gai,

Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương.

- Giấc Nam Kha khéo bất bình,

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

- Tiêu điều nhân sự đã xong,

Sơn hà cũng huyễn, côn trùng cũng hư.

- Phong trần đến cả sơn khê,

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này...

Có điều lạ, các câu trích trên chiếm khá nhiều trang viết của khúc ngâm. Cung nhân thì việc gì phải triết luận nhân sinh quá thể, cứ như thu hoạch kinh sách thánh hiền, lại còn xỉa xói đám mũ cao áo rộng. Coi chừng không khổ vì thất sủng mà chết vì đụng đến quan viên - bọn họ cũng thù vặt và thâm hiểm như người, đồng liêu với nhau mà xúc xiểm thì rất ghê!. Rõ ràng, nàng đang diễn một vai khác, đang hóa - trang - thành - tác - giả để bộc bạch tâm trạng rã rời, chán ngán của một tầng lớp trước thời cuộc. Xuất thân trong gia đình phong kiến quyền thế, Nguyễn Gia Thiều là cháu nội Siêu Quận công, con trai Quận công và Quận chúa (con gái Trịnh Cương), cháu gọi chúa Trịnh Doanh là cậu ruột, vợ là con gái trưởng Đại Tư đồ... Quan lộ ông giai đoạn đầu khá hanh thông (lên sáu đã vào học trong phủ Chúa; 18 tuổi giữ chức Hiệu úy, Quản trung mã tả đội; 41 tuổi thăng Tổng binh, được phong tước Hầu - nên gọi Ôn Như Hầu). Nhưng nếu chỉ quan lộ thênh thang  thì chưa hẳn đã có khúc ngâm bi thiết kia. Một giai đoạn, chúa Trịnh không tin dùng ông nữa, đưa ông đi trấn giữ miền Hưng Hóa; ông chán nản bỏ về nhà riêng ở gần hồ Tây. Nguyễn Gia Thiều đã tựa vào hình tượng nhằm gửi gắm tâm tư thì cũng là điều chẳng lạ!

Trên đây là chân dung kẻ sĩ với tư cách là đối tượng trữ tình trong điểm nhìn của tác giả khúc ngâm. Bạn đọc vừa cám cảnh vừa cám ơn quan nhị phẩm trút bỏ áo xiêm nhung gấm trở về với tâm hồn thi sĩ đích thực để dệt nên áng văn chương tơ lụa muôn đời. Chúng ta đã từng bắt gặp bóng dáng họ trong các truyện thơ khác như Chinh phụ ngâm trước đó, Truyện Kiều và cả trong thơ nôm Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... về sau. Tuy chuyện cũ tích xưa, câu thơ trên dưới 250 năm rồi mà cứ như chuyện hôm nay; tình cảnh nơi cung cấm chẳng khác chi bi kịch quan trường phổ biến trong cuộc bể dâu tiêu điều nhân sự đang diễn ra trước mắt!... 

2. Một hình tượng khác giấu kín vào nhân vật trung tâm - thân phận kẻ sĩ, trí thức tiêu biểu của thời đại

Nguyễn Gia Thiều (tác giả) với cung nữ (nhân vật) xác lập mối quan hệ đồng thanh tương ứng, tuy hai mà một, là sự thác gửi vào thác nguồn của khúc bi ca có một không hai. Lần này, tác giả hóa - trang - thành - nàng như Nguyễn Du cũng đã từng náu mình vào Kiều, đã từng chiêu tuyết Tiểu Thanh mà khóc hận cho Người quốc sắc, kẻ thiên tài (Truyện Kiều).

Người đẹp trong những ngày vua ân sủng được mô tả bằng những dòng thơ dào dạt chẳng khác nào mối tương đắc giữa minh quân - lương tể, khác chi phận kẻ sĩ được bề trên tín nhiệm lúc xênh xang nơi triều chính:

Trên trướng gấm chí tôn vòi vọi,

Những khi nào gần gũi quân vương.

Dẫu mà tay có nghìn vàng,

Đố ai mua được một tràng mộng xuân.

Vận hội của NÀNG hay của TA đều tựa Hạt mưa đã lọt miền đài các (ca dao nói Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày thì chưa hẳn vô cung là sướng, ra ruộng là đã không vui); thời cơ đến như cá nước duyên may; cứ dâng hiến, bởi SẮC và TÀI đều là hai món sở hữu hàng đầu của kẻ ngồi trên thiên hạ. Đẹp tựa một tràng mộng xuân, hanh thông thẳng tiến; rồi cuộc thế chuyển vần, “nguyên khí” ấy cũng mau chóng rơi vào quên lãng. Nhan sắc chóng tàn phai, kẻ sĩ không dễ sai khiến, không cam phận cúc cung, thỉnh thoảng lại “dở chứng”, nhất là Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh (Truyện Kiều), rơi vào trạng huống Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió. Vườn thượng uyển đâu chỉ có bướm hoa mặc tình khoe sắc với nắng xuân; đố kị, tranh đoạt như cỏ dại tốt tươi, như gió mưa bất chợt - Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi (Nguyễn Trãi); tình trường và quan trường đâu phải ai cũng thoát ra khi lỡ bước chân vào. Trong vui hạnh ngộ, nàng vẫn linh cảm bất trắc, hình dung rủi ro của kẻ muốn/ trót se duyên với giới cầm quyền: Càng lâu càng lắm điều hay,/ Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm. Khi vua muốn thì luật lệ nào cản được; người đẹp có rắc lá dâu thì xe dê cũng ngoảnh, mưu sĩ có trình bày kế sách thì thiên tử cũng xem như gió thoảng bên tai. Oán than trở nên giọng điệu chủ đạo lấn át mấy trăm dòng thơ song thất lục bát vốn là thể loại thuận lợi cho những câu chuyện trắc trở, tang thương:

Ai ngờ bỗng một năm một nhạt,

Nguồn cơn kia ai tát mà vơi.

Suy di đâu biết cơ trời,

Bỗng không mà hóa ra người vị vong.

Ai ngờ... nhưng thật ra cũng đã biết rồi; cái họ không ngờ là nó đến hơi nhanh. Họ chợt nhận ra Thoát trần một gót thiên nhiên/ Cái thân ngoại vật là tiên trong đời, nhưng không kịp nữa rồi, mỹ nhân - tao nhân nào phải thánh nhân. Cảnh thất sủng của cung nữ khác chi kẻ sĩ bị phế truất, biếm trích; họ tồn tại mà như biến mất giữa lầu son gác tía: Lạnh lùng thay giấc cô miên,/ Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u. Nguyễn Du những năm gió bụi trở về làm kẻ đi săn ở núi Hồng cho qua ngày đoạn tháng. Không liên tưởng sao được khi Nguyễn Trãi như con thuyền cô độc gác chèo bãi cát mà nằm im (Cô chu trấn nhật các sa miên - Trại đầu xuân độ). Với mỹ nhân, tài nhân thì chẳng có tù đày nào thống khổ bằng sự bỏ rơi trong ngục thất của nỗi u sầu, bằng việc bỏ ngoài tai những mong ước, đề xuất (thậm chí, đọc tác phẩm của họ, vua còn muốn đào mồ lên đánh cho mấy trăm trượng về cái tội kí thác, xỏ xiên). Họ đang sống, vui ngập tràn, rồi chuyển sang sống như người chưa chết (vị vong), nên rất đau: 

Cái buồn này ai dễ giết nhau.

Giết nhau chẳng cái lưu cầu,

Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!

Chưa có án trảm nào ban ra mà âm sắc câu thơ như có lưỡi gươm đao phủ. Người đẹp không sợ chết, chỉ sợ già, sợ phụ bạc, sợ đơn côi. Trí thức coi việc chém đầu như trò chơi, có người ra pháp trường vẫn tứ thơ lai láng, họ chỉ sợ lỡ vận, không gặp được minh quân, không thi triển được tài năng kinh bang tế thế. Hình ảnh chiều tà đời người theo bút pháp cổ điển quen thuộc nhưng điệp đảo, giằng xé mãnh liệt: Hoàng hôn thôi lại hôn hoàng... Trong tận cùng cô độc đời Kiều, Nguyễn Du cũng không tả khác, chỉ thêm bớt đôi chữ cho đủ câu bát (8 âm tiết): Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng... Chưa hết, hai đại trí thức của hai thời buổi suy vi ấy không chỉ cùng tâm trạng mà còn cùng cả cách biểu hiện: Tình buồn cảnh lại vô duyên/ Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này. (Nguyễn Gia Thiều); Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Tình trong cảnh ấy cảnh trong tình này. (Nguyễn Du). Chỉ thương cho hai nàng (một ở cấm cung, một ở lầu Ngưng Bích), rằng tâm sự của đấng nam nhi sao bắt phận má hồng gánh hộ!?...

Tôi ơi đừng tuyệt vọng (Trịnh Công Sơn), cung nhân lại nhen nhóm chút hy vọng mong manh về một ngày quân vương đoái thương. Hy vọng đến mức ám thị: Mơ hồ nghĩ tiếng xe ra,/ Đốt phong hương hả mà hơ áo tàn. Mấy dòng thơ quá xuất sắc cả ý lẫn lời, nhất là dòng sau. Xạ hương hết mùi lại cố đốt lên để hơ mảnh tàn y chuẩn bị cho đêm hạnh ngộ. Hành động níu kéo cái không thể níu kéo thật vô vọng xiết bao:

Khi bóng thỏ chênh vênh trước nóc,

Nghe vang lừng tiếng giục bên tai:

Đè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi,

Nghiêng bình phấn mốc mà nhồi

má nheo.

Ẩn dụ mà như tả thực, tả thực cũng chẳng sai: Nghiêng bình phấn mốc mà nhồi má nheo. Hoang tưởng chuyện vua tìm đến đã đành, còn hoang tưởng ngay trên chính nhan sắc của mình dù lúc tỉnh ra chợt biết Huống chi cũng lạm phần son phấn, son nào nhuộm được má hồng cho tươi... Phai tàn rồi, lỗi thời rồi!

Mộng rồi cũng dứt, nhân vật trữ tình ước ao: Thà rằng cục mịch nhà quê còn hơn là Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm...; rồi muộn màng cất tiếng: Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu. Sầu thì oán, cung nữ than thân mà hát nên, như anh hùng lỡ vận ngửa mặt kêu với cao xanh: Tay tạo hóa cớ sao mà độc,/ Buộc người vào kim ốc mà chơi./ Chống tay ngồi ngẫm sự đời,/ Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm! Chẳng khác mấy với Đặng Dung trong Cảm hoài: Vận khứ anh hùng ẩm hận đa... Và gần lắm với Xuân Hương: Trơ cái hồng nhan với nước non...

Khúc ngâm có tần suất xuất hiện cao của chữ “buồn”, mỗi chữ một cung bậc, một trạng thái tâm lí, một tâm cảnh: Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu (đợi chờ); Cái buồn này ai dễ giết nhau (oán trách); Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng/ Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn (thương thân); Tình buồn cảnh lại vô duyên, Lại buồn đến cảnh con con (cô đơn); Lòng ngán ngẫm buồn tênh mọi nỗi (chán ngán); và đỉnh điểm là không thể giải thích nổi: Buồn này mới gọi buồn sao?. Trịnh Cốc, thi nhân nổi tiếng đời Đường, với bài thơ Hoài thượng biệt hữu nhân (Chia tay bạn trên sông Hoài), đã tả nỗi buồn đến giết người - Dương hoa sầu sát độ giang nhân (Hoa liễu nở khiến khách qua sông buồn muốn chết). Xuân Diệu sau này, muốn tránh lối cũ, đã viết trong Chiều: Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. Cả Trịnh Cốc và Xuân Diệu đều đề cập đến “nguyên nhân buồn”, còn Nguyễn Gia Thiều nói “mức độ buồn”, muốn định lượng nỗi buồn mà đành bất lực, buồn vậy là buồn hết chỗ nói! Ôn Như Hầu kí thác vào đó tâm trạng gì mà khản giọng? Thơ sáng tạo về buồn đau mới thấm; thơ hồ hởi phấn khởi (ví như trong phần sủng ái) dẫu có đẽo gọt thế nào đọc lên nghe không thể nào hay được, nên không sống lâu được!

Khổ kết, nàng có vẻ khát khao ân ái trở về - Giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày... - nhưng hơi thơ, mạch thơ, giọng điệu vẫn não nùng, thất vọng:

Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,

Những hương sầu phấn tủi bao xong.

Phòng khi động đến cửu trùng,

Giữ sao cho được má hồng như xưa?

Má nheo, phấn mốc, hương hả, áo tàn... rồi còn đâu mà giữ; chưa cho vào chùa, chưa đày đi coi mộ, chưa chôn theo vua, chưa “tam ban triều điển”... đã là ân huệ. Anh hùng, kẻ sĩ, nghệ sĩ phụng sự giới cầm quyền khi lỡ vận cũng phận ấy mà thôi. Hãy coi chừng, nếu vua bỗng dưng hứng chí quay lại thì bi kịch có khi còn lớn hơn! Năm 1439 Lê Thái Tông triệu hồi Nguyễn Trãi ra phục chức sau mấy năm cho về hưu trí ở Côn Sơn. Cá lại gặp nước, Nguyễn Trãi dâng Biểu tạ ơn với lời lẽ thắm thiết: Thương thần như ngựa già còn kham rong ruổi/ Cho thần như tùng bách qua năm rét, càng dạn tuyết sương/ Quần môn mặc kệ dèm pha/ Thánh ý cứ bền tín nhiệm. Bốn năm sau, chính ông vua sa thải rồi trọng dụng Ức Trai lại là người ra bản án tru di tam tộc chấn động ngàn năm. Kẻ sĩ ngây thơ hay tự tin vào tài năng quyền biến như Nguyễn Trãi đã viết: “nói tất nghe mà kế tất theo”?. Cho nên, đừng trách mưu sĩ đôi khi hoang tưởng, “dở chứng nói liều” để thỏa nỗi ấm ức, những điều mà khi còn trong cương tỏa họ đành im tiếng. Làm gì có chuyện vừa ăn lộc thiên tử (là sưu thuế dân đen) vừa xách mé con trời; viết tụng ca chưa ráo mực lại quay sang lên giọng trí thức thanh cao! Nguyễn Du đã ý thức rất rõ: Trên đường danh lợi buồn hay vui cũng không được tự nhiên (Xuân thu lữ thứ); ông đã thấu hiểu cái trò diễn lố lăng của cả chính mình trong ấy rồi; ông biết mình lỡ diễn, phải diễn, để văn chương tự do âm thầm sinh hạ trường tồn... Khi Nguyễn Huệ lập triều Tây Sơn, Nguyễn Gia Thiều được vời vào cung nhưng ông cáo bệnh (có thuyết nói rằng ông bất đắc dĩ về Kinh nhưng suốt ngày uống rượu, bất hợp tác). Biết chối bỏ danh lợi, bất phục cường quyền, tự vấn lương tâm, nhất là thấy được phần sai lầm đời mình mới là phẩm chất của kẻ sĩ mọi thời đại. Rất khác với không ít kẻ mang danh chữ nghĩa mà nói cứ như thật, tưởng thật; vai tuồng đã trút bỏ trên sân khấu mà còn mang áo mão về đời; đã trót uốn éo vì duyên rồi mà còn trách móc trời gần trời xa, phát ngôn như phường tuồng đi lạc!

Ẩn náu trong hình tượng cung nữ chính là thông điệp thẩm mỹ sâu xa về kẻ sĩ của Nguyễn Gia Thiều. Tác phẩm của ông sống mãi chính vì lẽ đó; nếu không thì nó đã xong phận sự từ sau khi Bảo Đại trút áo hoàng bào.

Khi tiếp nhận giá trị tác phẩm, người đọc “có nghề” thường căn cứ vào khuynh hướng sáng tác, phương thức biểu hiện, loại hình, các tín hiệu nghệ thuật v.v... để khai mở tác phẩm. Trong Văn chương và Hành động, viết năm 1936, Hoài Thanh đề cập rất sớm vấn đề này: “Cho hay những thứ lí thuyết về văn chương chẳng có nghĩa lí gì, chẳng ăn thua gì. Bởi vì điều cốt yếu trong văn chương là tinh thần sáng tạo và đặc tính của tinh thần sáng tạo là tự do, là không ngờ, là linh động, là sống vậy. Người ta không thể đưa cái lối sống khác vào trong những khuôn mẫu chết. Khuôn mẫu chết đây là những lí thuyết văn chương”. Tác giả Cung oán ngâm khúc được tự do và người đọc Nguyễn Gia Thiều cũng phải được tự do; để từ đó, người đọc góp phần sáng tạo với tác giả như một “sự vẫy gọi” (J.P. Sartre) đúng nghĩa.

Cách tiếp cận trên đây đi theo sự vẫy gọi khó cưỡng và khả năng lĩnh hội có hạn của người viết - cũng chỉ vì muốn tìm lối đi khác trên con đường có quá nhiều dấu chân phía trước và vốn ảnh hưởng các lí thuyết văn chương.

N.M.H

Bài viết khác cùng số

Làm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuQuà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamChợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiSương - Nguyễn Tấn OnTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúyGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhMiên tưởng - Lê Xuân CừĐợi xuân - Quốc LongHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnVườn mẹ - Mai Hữu PhướcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọNăm mới - Nguyễn Đông NhậtTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọSắc xuân - Ngô Hà PhươngỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãTháng giêng - Huỳnh Minh TâmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyLinh cảm - Trần Mai HườngĐóa phù dung - Trần Trình LãmXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngNỗi buồn - Thiều HạnhVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưHoa sưa - Trần Trúc TâmDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm Lâm“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam SinhĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngThơ Odysseus Elytis