Con chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch Hà

13.01.2020

Con chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch Hà

Chuột là loài vật quen thuộc với cuộc sống con người. Trong văn hóa Việt Nam, chuột tồn tại sóng đôi với nghề nông nghiệp lúa nước. Trên những cánh đồng lúa, trên mặt đất, hay tận hang cùng ngõ hẻm, chuột cùng kiếm ăn, sinh sôi nảy nở. Chuột đã trở thành hình ảnh quen thuộc đi vào thơ ca, văn học, nghệ thuật dân gian, là linh vật phong thủy trong đời sống của người dân.

Mặc dù là loài vật nhỏ con, không có sức mạnh như hổ, không linh thiêng như rồng, không chạy nhanh như ngựa, không nhanh nhẹn như khỉ, không to tiếng như gà... nhưng trong 12 con giáp, chuột vẫn chiếm vị trí đầu tiên. Trong dân gian đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện lý giải về điều này. Chuyện kể rằng, khi Thượng đế tổ chức các con vật chạy thi để phân ngôi thứ 12 tháng trong năm, chuột thấy trâu dẫn đầu bèn nhảy lên lưng trâu, và khi đến đích, chuột vội phóng lên phía trước, thế là trâu phải đứng thứ nhì. Có chuyện lại kể rằng, khi trâu chạy gần đến đích, chuột bò xuống đuôi trâu, cắn mạnh vào đuôi, trâu đau quá, quất đuôi ra trước, thế là chuột được trâu quăng tới đích. Còn trong truyện "Sự tích 12 con giáp" cho biết, khi xưa tên các loài vật đều do Ngọc Hoàng đặt cho và ngài đang muốn chọn một số con vật nào đó xứng đáng để đặt tên năm và làm chúa tể thay mặt Ngọc Hoàng cai quản ở hạ giới. Đến ngày hẹn các loài vật tất bật lên trời để nhận tên của mình và mong được chọn làm thủ lĩnh. Ngày hôm sau, tất cả muôn loài đều lục tục kéo tới thiên cung. Ngọc Hoàng phán bảo: - Từ nay các năm được lấy tên các loài muôn thú, còn thứ tự thì do các ngươi tự bình chọn lấy! Và thế là muôn loài lựa chọn: trâu, hổ, rồng, ngựa, dê, chó, lợn, thỏ, rắn, khỉ, gà trống và chuột. Như vậy là chúng lựa chọn được 12 con, nhưng xếp đặt thứ tự ra sao? Đến đây thì nổ ra cuộc tranh cãi, giành giật ngôi thứ, bắt thăm, bỏ phiếu cũng không xong. Cuối cùng Ngọc Hoàng đành phải quyết: - Lớn nhất trong các khanh là trâu, để cho nó đứng đầu tiên. Muôn thú thậm chí Hổ cũng thuận theo ngay. Nhưng chuột nhắt lại có ý kiến: - Thế không lẽ tôi không to hơn trâu ư? Sao khi nhìn thấy tôi, mọi người đều thốt lên: “Chà con chuột to quá!” Nhưng không ai lại bảo: “Ái chà con trâu to làm sao!”. Như vậy con người đã cho tôi lớn hơn cả trâu rồi! Ngọc Hoàng phân vân không biết phân xử làm sao. Khỉ và ngựa, cho là chuột nói dóc (xạo). Sau hồi tranh cãi thì chó, mèo, gà có ý kiến nên đến con người để kiểm chứng. Khi Ngọc Hoàng cùng các con vật kéo nhau đến chỗ đám người đang tụ họp, họ thấy con trâu liền kêu lên: Ồ con trâu béo đẹp làm sao. Đúng lúc ấy con chuột ma mãnh leo lên lưng trâu vuốt ve chòm râu để mọi người chú ý. Có tiếng người reo to lên: Ồ trông con chuột to quá. Chính Ngọc Hoàng cũng nghe rõ điều đó và phán luôn: Từ nay năm đầu lấy tên là Chuột (Tý), đến Trâu (Sửu), Hổ (Dần), Mèo (Mão), Thìn (Rồng), Rắn (Tỵ), Ngọ (Ngựa), Dê (Mùi), Khỉ (Thân), Gà (Dậu), Chó (Tuất), Lợn (Hợi).

Chuột là loài động vật gặm nhấm nằm trong bộ Gặm nhấm Rodentia thuộc họ Muridae. Người ta miêu tả loài chuột dựa vào đặc tính thích cắn xé của chúng, chúng phá phách đến độ nhân dân sáng tạo bài Vè con chuột miêu tả tác hại của chúng: Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè con chuột/ Cái đuôi thậm đuột/ Như thể ống tre/ Cái đuôi ngo ngoe/ Ai thấy cũng sợ/ Ban ngày thì dở/ Núp bụi núp bờ/ Tối tối trăng mờ/ Rủ nhau đi cắn/ Thấy lúa trổ trắng/ Trong bụng rất mừng/ Chỉ cắn cầm chừng/ Mỗi ngày một mẫu. Người làm nông thật khốn khổ vì lũ này: Làm ruộng cực khổ/ Lúa mới đòng đòng/ Nó cắn sạch trơn/ Vừa ăn vừa bỏ/ Hình thù nó nhỏ/ Dòng họ nó đông/ Đông nghẹt ngoài đồng/ Binh tôm tướng cá/ Ban ngày độn thổ/ Chạng vạng bò ra/ Men theo bụi bờ/ Miệng kêu chưn chạy/ Ai mà ngó thấy/ ớn lạnh da gà/ Vô số hằng hà/ Dài hơn cây số/ Lao nhao nhố nhố/ Tối tối mờ mờ/ Người mà ngủ mê/ Nó bò tới gặm/ Ban ngày khép nép/ Tối lại thành tinh/ Như là âm binh/ Rủ nhau ra cắn/ Cái đồ gặm nhấm/ Cắn hủy cắn hoài/ Mặt dạn mày dày/ Cắn hoài cắn hủy/ Cắn cho mút chỉ/ Ruộng đất trắng bờ/ Sáng ra ngẩn ngơ/ Còn ba hột lép...

Tuy chúng là loài vật phá hoại của cải, mùa màng nhưng con người cũng có nhiều niềm tin tín ngưỡng liên quan đến chúng. Người xưa cho rằng khi có tiếng chuột rúc là điềm báo sự may mắn sẽ đến. Ở một số vùng nông thôn, người ta còn cho rằng, vào lúc chạng vạng đến nửa đêm, nếu có tiếng chuột rúc từng hồi ở phía trước nhà thì trong vài ngày tới sẽ có khách từ xa đến viếng thăm. Lại còn có những người tin: Chuột chù rúc, nhà phát tài/ Chuột cống rúc, nhà có việc. Còn đối với người Dao tiền (người Dao đeo tiền) ở xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thì chuột là vị thần trong tín ngưỡng truyền thống của họ, họ dựng miếu thờ thần chuột trên đồi cao, bởi họ cho rằng, chuột là vị thần cứu tinh tộc người của mình, là thức ăn giúp tổ tiên họ vượt qua đói rét.

Tuy con người ghét chuột nhưng cũng sợ chuột. Chúng sinh sôi quá nhanh, phá hoại mùa màng, con người cố sức diệt cũng không hết. Do đó, ngày xưa, người nông dân với sự tin tưởng thần linh cố hữu trong đầu óc, họ nghĩ rằng nên thờ cúng chuột, may ra chuột sẽ không phá hoại công sức, tài sản của họ tạo ra, nên có nơi họ lập ra những miếu thờ, dân gọi là miếu Chuột (ở Tu Bông, Vạn Ninh, Khánh Hòa và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) và luôn gọi chuột bằng Ông, Ông Tý, Ông Thiêng,... Vì: Ngày mai có lúa lăn tăn/ Con chuột nó rúc thì ăn bằng gì? Răng của chuột có đặc điểm dài ra rất nhanh, cho nên ngày xưa, khi trẻ con thay răng, có tục lệ đổi răng cho ông Tý thể hiện ước mong mau mau có răng mới bằng cách hễ răng ở hàm trên rụng thì ném xuống gầm giường, răng hàm dưới rụng thì ném lên mái nhà, vừa ném vừa đọc mấy câu ngộ nghĩnh để gọi Ông Tý tới làm lễ... trao đổi: Chít chit! Chuột Chuột! Mày cho tao cái răng vừa dài vừa nhọn/ Tao cho mày cái răng vừa nhọn vừa dài/ Tao đổi răng mày/ Mày đổi răng tao...

Cũng như các loài vật khác, chuột cũng có kẻ thù truyền kiếp. Kẻ thù của chuột là loài mèo. Mèo sinh ra là để bắt chuột. Vì sao vậy? Truyện dân gian kể rằng khi Thượng đế tuyển chọn 12 con vật, mèo nhờ chuột ghi danh hộ, nhưng chuột lại quên (hay cố tình quên). Từ đó, mèo chuột kết thành thù hận và thấy chuột đâu là mèo không tha, phải rình, vồ cho được. Từ đó, con người thường ví von rình như mèo rình chuột để nói những kẻ rình rập, để ý chuyện của người khác. Họ nhà mèo cũng đã phân công: Mèo nhỏ bắt chuột con/ Mèo lớn bắt chuột lớn. Nhưng mèo muốn bắt chuột không phải dễ: Con mèo, con mẽo, con meo/ Muốn ăn thịt chuột phải leo xà nhà. Vì mèo khen mèo dài đuôi thì chuột (cũng) khen chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo. Hay như: Chuột sa chỉnh gạo/ Chẳng biết đường ra/ Chuột khóc chuột la/ Chuột kêu chí chóe/ Mèo nghe thấy thế/ Vội đến nấp rình/ Nhưng mắt chuột tinh/ Chuột bò lẩn mất. Tuy thế, không phải chuột nào cũng giỡn mặt được với mèo, vì chuột khôn có mèo hay. Muốn được an thân, chuột phải ra sức phục vụ mèo: Con mèo trèo lên cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đàng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.

Chuột sợ mèo bắt ăn thịt nên lũ chuột họp Hội đồng chuột do chuột Cống chủ trì để tìm cách đối phó. Sau khi bàn cãi nhiều ngày mà chẳng tìm ra cách nào, cuối cùng chuột Cống đề nghị sắm cái chuông (lục lạc) đeo vào chân hay cổ mèo, khi mèo di chuyển, nghe tiếng chuông, chuột có thể chạy kịp. Ý kiến này được Hội đồng chuột rất hoan nghênh. Nhưng vấn đề nan giải là chuột nào đem chuông cột vào chân hay vào cổ mèo? Chuột trẻ đùn cho chuột già vì chuột già nhiều kinh nghiệm, chuột già đùn cho chuột trẻ vì chuột trẻ đầy nhiệt huyết, đầy sinh lực... Trên nhường dưới, trẻ kính già, chẳng ai xung phong làm nhiệm vụ cả. Thế là Hội đồng chuột giải tán và cái chuông chưa bao giờ buộc vào cổ mèo cho đến ngày nay.

Người ta dùng hình ảnh của chuột để phê phán những kẻ tham ô, đục khoét của công là thuộc loài gặm nhấm như chuột. Lại còn có kẻ “trợ giúp” những kẻ này nữa: Bắt đường cho chuột lên kho, rồi chỉ đường cho chuột chạy nữa để khỏi bị trừng phạt, vì “nhà chuột” đầy “thế lực”, “dây mơ rễ má” khắp nơi cả, có thể “chạy” được: ...Bí ngô là cô đậu nành/ Đậu nành là anh dưa chuột/ Dưa chuột là ruột dưa gang... Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra như chuột chạy hở đuôi là vậy. Có khi lại phê phán những kẻ giả bộ hiền lành, tử tế được cho là những kẻ làm bộ chuột, làm mặt chuột. Những người hay sinh sự, đâm bị thóc, chọc bị gạo thì bị mắng là quân thọc chuột. Còn chuột sa chỉnh gạo, chuột sa hũ nếp, chuột sa lọ mỡ thì được gán cho những kẻ không tài cán gì, chỉ gặp may, sống trong cảnh nghèo khó may lấy được chồng hay vợ giàu có, coi như đào được mỏ vàng, mỏ bạc.

Đôi khi dân gian lại dùng hình ảnh chuột để nói về những người ăn thì nhiều, lương bổng nhiều, quyền lực nhiều mà không làm gì cả, hay làm cho có lệ: Ăn to như đầu heo, làm việc như đuôi chuột. Những thứ như vậy chẳng làm nên chuyện gì, như chuột bầy đào không nên hang. Những người giả nhân giả nghĩa chẳng khác gì chuột đội vỏ trứng, che giấu bản chất xấu xa bằng cái mã tốt đẹp, hào nhoáng bên ngoài để làm điều bậy bạ, cho đến khi cháy nhà ra mặt chuột thì bỏ chạy như chuột, bỏ trốn như chuột. Lại có kẻ giả nhân giả nghĩa, nhưng làm bộ kiểu cách để rồi không được gì, chỉ tổ làm cho kẻ xấu thêm hưởng lợi, làm khách sạch ruột, làm chuột no bụng.

Trong các loài chuột, chuột chù hay chuột xạ là loài chuột tiết ra mùi hôi thối đến độ mèo cũng chê, không ăn thịt, nhưng dân ta lại nói: Chuột chù lại có xạ hương. Đây là cách nói móc, nhằm châm chọc, phê phán những kẻ xấu xa lại làm bộ kiêu kỳ, tốt đẹp, tỏ ta đây có tài. Vì có đặc điểm như thế, nên con người thường đưa hình ảnh con chuột chù ra để ví von, so sánh, ám chỉ những hạng người, những sự kiện, những hành động mang tính cách xấu xa, hèn kém, đến nỗi người khác không chịu được. Con người cũng thường ví những người thường thêu dệt chuyện người khác, nói những điều không thực, đó là hạng chuột chù: Ghét nhau thêu dệt trăm điều/ Chuột chù, tổ cú toàn điều nói ngoa. Tuy nhiên, chuột chù cũng có ích vì chuột chù thuộc loại ăn sâu bọ nên cũng giúp người nông dân bảo vệ mùa màng. Hơn nữa, chuột chù không cô đơn, không bị ruồng bỏ: Con gì rọt rẹt sau hè/ Hay là con rắn mối tới ve chuột chù?.

Trong quan hệ tình cảm nam nữ, hình ảnh con chuột cũng được dân gian sử dụng để thể hiện tình cảm hay là sự phê phán. Khi xưa, con gái hay bị quản thúc, giấu kỹ trong nhà, khi nào kiếm được nơi môn đăng hộ đối thì mới gả, bởi thế có chàng trai mới châm chọc: Mẹ em để em trong bồ/ Anh nghĩ chuột lắt, anh vồ đứt đuôi. Trong hôn nhân thì việc thách cưới của nhà quá lớn làm chàng trai không đáp ứng được, đành than thở với người yêu đầy mỉa mai, châm chọc: Cưới nàng anh toan dẫn voi/ Anh sợ “quốc cấm” nên voi không bàn/ Dẫn trâu, sợ họ máu hàn/ Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân/ Miễn là có thú bốn chân/ Dẫn con chuột béo mời dân, mời làng. Có khi các cô gái lại dùng hình ảnh chuột để chọc chơi mấy anh trai làng: Giàu chi anh, gạo đổ vô ve/ Chuột không ăn được mà khoe rằng giàu. Nhưng cũng có lúc như một lời mời mọc: Chuột kêu chút chít trong vò/ Lòng anh có muốn thì... mò lại đây. Hay: Chuột kêu chút chít trong rương/ Anh đi cho khéo đụng giường mẹ nghe. Trong đời sống vợ chồng, Chồng giận chồng đánh ba dùi/ Chạy ra ngoài ngõ để nồi chuột tha/ Chuột tha lên núi lên non/ Chuột tha làm tổ cho con nó nằm/ Chuột tha đem bán chợ Đầm/ Bán đắt bán rẻ, quan năm chuộc về.

Chuột không những xuất hiện trong những câu thành ngữ, những câu chuyện kể, những phong tục mà còn xuất hiện trong tranh dân gian truyền thống. Hai dòng tranh dân gian lớn là tranh Đông Hồ và Hàng Trống đều có tranh mang tên “Trạng Chuột vinh quy” hay “Đám cưới chuột”. Cả hai bức tranh diễn tả cảnh rước hoành tráng. Với các màu sắc chủ đạo như đỏ, xanh, vàng bức tranh đám cưới chuột ở một khía cạnh nào đó như đang gợi mở ra cho người xem khung cảnh đám cưới vừa rực rỡ, nhộn nhịp vừa linh thiêng. Vào khoảnh khắc này, dù bản tính họ nhà chuột có tinh nhanh, lí lách đến đâu thì trên nét mặt cũng thể hiện sự rạng rỡ, tôn trọng. Mặt khác với nhân vật mèo, dù chuột có thể là kẻ thù “không đội trời chung” của nó, song mèo vẫn tỏ vẻ hài lòng, tán đồng ngày lễ lớn của đôi vợ chồng trẻ. Xem tranh có thể nhận thấy một phần bản sắc văn hóa Việt Nam thời xưa. Ứng với các hình ảnh tượng hình, tượng thanh như ô, lọng, khèn, đoàn rước dâu kéo dài... Tranh đám cưới chuột khiến người ta nhớ đến tình nghĩa xóm làng khi xưa, khi đám cưới không còn chỉ là việc riêng của một cá nhân, một gia đình, mà nó còn là công việc trọng đại của một xóm làng, một xã hội thu nhỏ.

 Ở chiều ngược lại, người xem sẽ thấy bức họa chính là lời châm biếm sâu sắc đến chế độ phong kiến tàn ác, lạc hậu. Đàn chuột muốn yên thân đi lại dễ dàng trong việc rước tiến sĩ về làng hay rước dâu về nhà chồng, nên phải trống kèn, lễ vật đến hối lộ cho chú mèo đang vễnh râu, trưng mắt ngồi chờ của hối lộ dâng lên. Dân gian muốn phản ánh tệ nạn hối lộ, tham nhũng thời xưa.

Thông qua truyện kể, tục ngữ, thành ngữ, vè, tranh dân gian,... người ta đã phản ánh hình tượng con chuột gắn liền với mọi khía cạnh trong đời sống của con người qua hai thuộc tính đối lập tốt - xấu. Đặc biệt, chúng còn đi vào nghệ thuật dân gian để thể hiện ước mơ năm mới may mắn, sung túc của người  Việt.

H.T.H

Bài viết khác cùng số

Chợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânQuà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNỗi buồn - Thiều HạnhVườn mẹ - Mai Hữu PhướcXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiĐợi xuân - Quốc LongMiên tưởng - Lê Xuân CừĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúySương - Nguyễn Tấn OnKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnĐóa phù dung - Trần Trình LãmLinh cảm - Trần Mai HườngTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyTháng giêng - Huỳnh Minh TâmDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngSắc xuân - Ngô Hà PhươngThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyNăm mới - Nguyễn Đông NhậtKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuHoa sưa - Trần Trúc TâmDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm LâmĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchThơ Odysseus Elytis