Chợ Hàn - Trần Thu Thủy

13.01.2020

Chợ Hàn - Trần Thu Thủy

Đà Nẵng có gần 100 chợ lớn nhỏ, hầu hết tên chợ gắn liền với địa danh phường, xã nhưng cũng có nhiều chợ tên gọi từ một lai lịch khác. “Chợ Hàn” chẳng liên quan gì tới địa danh nào của quận Hải Châu. Có lẽ vì cạnh sông Hàn mà nên những Bến cá Chợ Hàn, Ga Chợ Hàn, Chợ Hàn... Chợ gắn liền với con sông đẹp nhất chảy qua lòng thành phố. Nếu lấy năm khánh thành Ga Chợ Hàn là 1902 thì có lẽ chợ Hàn phải có trước. Hồi học tiểu học trường Phù Đổng, thỉnh thoảng theo bạn tôi la cà dọc con đường sắt xuống cái tam cấp bến Ga sông Hàn để... vọc nước. Một chân trên bờ, một chân chao dưới nước, chỉ vậy thôi mà vui đáo để.

Đi chợ thì lớn lên tôi mới có dịp đến. Cũng thi thoảng dịp tết hay có khách xa về, tôi mới rảo quanh mấy quầy trên lầu, còn thường thì len lén bún thịt quay mắm cái ở khu ăn uống tầng dưới phía bên đường Hùng Vương. Đà Nẵng có hai nơi bán cái món lạ lùng này ngon nhất. Chỗ đường Nguyễn Thị Minh Khai bán buổi sáng, chiều thì vào chợ Hàn. Bún, thịt heo quay hoặc thịt heo ba chỉ luộc xắt vuông mỏng, mít non băm nhỏ, và mắm cái pha với đường bát, chanh tươi, tương ớt Hội An, đậu phụng rang, rau húng... trộn đều, ngồi quanh cái ghế dài, cứ nhỏ nhẻ nhấm nháp cái vị béo thơm đậm đà mà chắc ít nơi có. Người ăn trong chợ chẳng hiểu vì sao thường đi một mình, vì vậy cũng ít chuyện trò. Im lặng, một mình với tô bún đậm đà, một mùi thơm chỉ có ai biết cúi đầu trước cái ngon của mắm nêm mới cảm thấy thấu tận ruột gan.

Dĩ nhiên chợ không chỉ quầy ăn uống, nhưng tôi cảm thấy có lỗi nếu không nói về cái điều “tầm thường” này. Chợ Hàn bây giờ khang trang lắm, trên sàn diện tích gần 30.000m2 này có gần 600 sạp hàng và 36 kios chung quanh. Chợ bán hầu như mọi thứ, từ vải vóc, giày dép, hoa quả, “thượng vàng hạ cám” nhưng có lẽ nổi tiếng là hàng hải sản tươi và khô. Mấy năm gần đây chợ Hàn trở thành nơi phải đến của du khách. Người Pháp thong dong ngắm nhìn như cố tìm chút kỷ niệm ngày xưa mà ông bà kể lại, người Mỹ tìm thấy đây là nơi chốn của biết bao câu chuyện “hàng Mỹ” thuở nào. Ngày nay, nào những Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái... họ say sưa theo những mực khô, tôm nõn và cả những check-in như một bằng chứng đã đến một nơi đáng nhớ. Tôi vui theo những lần nhìn theo đôi mắt ai nhìn.

Dễ đến chục năm rồi tôi thân thiết với chị. Chẳng là con gái chị có năm học cùng tôi. Chị kể ngày trước chị nhận vàng của tiệm ngoài góc đường Độc Lập (bây giờ là Trần Phú) - Trần Hưng Đạo (bây giờ là Nguyễn Thái Học), rồi bày trong cái tủ nhỏ xíu ngồi bệt trong hiên chợ Hàn để bán. Mẹ con chị chắt chiu mua bán thứ mặt hàng dành cho người có tiền. Năm 1974, ông chủ ngôi nhà ngày trước làm đại diện cho nhật báo Trắng Đen và Việt Tấn xã miền Trung phía đường Nguyễn Thái Học, theo con định cư nước ngoài, thương mẹ con chị để lại ngôi nhà. Chị không đủ tiền, vợ chồng ông ký giả ấy nói “Mày có bao nhiêu cứ đưa cho tao, còn cho mày thiếu nợ”. Chẳng dám, nhưng vì sự thiệt tình của người ký giả ấy, nên chị có ngôi nhà mà trong mơ cũng chẳng dám nghĩ. Rồi thành phố thay đổi, sau năm 1975 người chủ cũ đôi lần về lại quê xưa. Số nợ chị trả đủ, nhưng cái món nợ ân tình của người ký giả ấy chẳng bao giờ chị trả được. Ngày ông ấy mất, chị khóc như người ruột thịt.

Tôi hỏi chị chợ Hàn bây giờ có còn gì của ngày trước không? Chị nói thay đổi hết rồi, chỉ phía trước chợ thì còn. Còn gì? “Em nhìn biển hiệu bên kia đường, Hợp Mỹ là tên một hiệu may có từ xưa”. Rồi chị giải thích thêm, ngày trước Tân Mỹ là tiệm chụp ảnh nổi tiếng, còn Hợp Mỹ là hiệu may cũng nổi tiếng. Tất cả thay đổi, chỉ duy nhất là tấm biển ấy là còn. Lẽ nào “Hợp Mỹ” là cái biển hiệu duy nhất ở thành phố này còn lại sau gần 70 năm? Nhưng Hợp Mỹ bây giờ cũng không còn là hiệu may nữa. Quanh chợ ngày xưa cũng là những kios, nhưng rộng và bề thế hơn bây giờ nhiều, nơi đó có những cửa hàng nổi tiếng. Ví như Nghĩa Thái là hàng vải lớn nhất nhì

Đà Nẵng, bây giờ là mấy sạp hoa tươi, còn Nghĩa Lợi máy móc động cơ trên đường Trần Hưng Đạo. Hai cái chữ “Nghĩa” này là chị em. Mà này, Nghĩa Lợi là chỗ có cái nhà nổi tiếng nhất thành phố mấy năm gần đây đó em. Hóa ra, nhà ấy... Chị nói thêm, chẳng hiểu vì sao ngày trước chợ Hàn được ví von dành riêng cho nhà giàu, còn chợ Cồn dành cho bình dân. Hình như điều này là còn giống ngày xưa. Thế mặt hàng có gì khác? Chị nghĩ một hồi rồi nói “giá sang một sạp bán hàng bây giờ mắc gấp chục lần ngày trước”. Rồi chị nói tiếp, ngày trước chợ sát sông nên cá ở đây tươi ngon có tiếng, tuyệt nhiên không có chuyện cá ướp u-rê đâu, và chị nhỏ giọng: điều này khác trước nhiều lắm...

“Chợ tan làng mạt” cũng có nghĩa chợ phát triển là “làng” cũng giàu có hơn. Xin cứ để chợ Hàn như hôm nay, chỉ xin người bán văn minh hơn, thôi đừng nói thách, hãy nhớ rằng các chị đang gánh vác một sứ mệnh thiêng liêng, là thay mặt thành phố để làm nên nỗi nhớ cho người phương xa. Xin đừng để mấy thùng rác ngay mấy quầy bán hoa tươi, xin ai đó có trách nhiệm hãy qui định chỗ để xe máy, trật tự và văn minh, để cho cái mặt tiền của chợ Hàn khi được chụp hình nó xứng với sắc màu check-in của du khách. Xin ai đó đừng “cài khuy bấm” với những ý tưởng xây thành trung tâm thương mại hoành tráng này nọ. Ga Chợ Hàn là một kiến trúc đẹp, vì thành phố phát triển nên đã không còn, thì thôi “van em, em hãy giữ nguyên quê mùa”. Hãy giữ lại chợ Hàn như hôm nay. Tự nhiên tôi nhớ cái trụ sở Mặt trận thành phố ngày xưa, tiếc lắm cho một kiến trúc đẹp mà mỗi ngày trở nên hiếm hoi. Có ai nghĩ giống tôi không?

T.T.T

Bài viết khác cùng số

Chợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânQuà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNỗi buồn - Thiều HạnhVườn mẹ - Mai Hữu PhướcXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiĐợi xuân - Quốc LongMiên tưởng - Lê Xuân CừĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúySương - Nguyễn Tấn OnKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnĐóa phù dung - Trần Trình LãmLinh cảm - Trần Mai HườngTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyTháng giêng - Huỳnh Minh TâmDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngSắc xuân - Ngô Hà PhươngThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyNăm mới - Nguyễn Đông NhậtKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuHoa sưa - Trần Trúc TâmDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm LâmĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchThơ Odysseus Elytis