Làm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân Hùng
Nhiều năm trở lại đây, Đà Nẵng thường được dư luận ưu ái đặt cho cái tên Thành phố đáng sống, mặc dù trên thực tế, danh hiệu trên chủ yếu xuất phát chủ yếu từ sự yêu mến của bạn bè gần xa dành cho Đà Nẵng, chứ chưa có tổ chức nào trên thế giới hay bảng xếp hạng nào trong nước vinh danh. Tuy nhiên, nói một cách nghiêm túc thì trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, có nhắc đến cụm từ này: “...Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng có quy mô dân số không vượt quá 2 triệu người, trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”. Và mới nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu: “...xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống,...”. Như vậy, thành phố đáng sống có thể xem là mục tiêu hướng đến, để phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân Đà Nẵng.
Đáng sống ở đây có thể hiểu ở góc độ đáng sống về vật thể và phi vật thể, tức là các điều kiện để sống và làm việc về vật chất và tinh thần, cụ thể hơn là về công việc, thu nhập so với mức chi tiêu, nhà cửa, giá cả, dịch vụ, môi trường, an toàn xã hội, thời tiết, con người... Đáng sống ở đây còn là đáng sống đối với người Đà Nẵng và cả đáng sống với những du khách đến tham quan, du lịch, làm ăn, học tập, công tác tại thành phố này. Hiện tại, không ít du khách cho rằng, Đà Nẵng là nơi đáng sống nhất với nhiều yếu tố tổng hòa như nằm gần hai mảnh đất “cổ kính” là Hội An và Huế, là nơi phảng phất nét cổ kính của Hà Nội, một chút sắc màu sôi động của thành phố Hồ Chí Minh; nơi có bờ biển mịn phẳng, sạch sẽ và là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh; nơi có một Bà Nà với sự đa dạng về khí hậu; nơi có mức sống ổn định, giá cả không hề đắt đỏ như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Đà Nẵng còn được biết đến là thành phố không có nạn ăn xin, ít tệ nạn, người dân thân thiện, ý thức văn minh rất cao...
Đánh giá một cách nghiêm túc và khách quan, trong những năm qua với những chủ trương cụ thể, cùng với việc thực hiện tốt các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố môi trường”, cũng như đang triển khai thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” thì xét về cả quá khứ, hiện tại và tương lai với những mục tiêu mang đậm tính nhân văn trên, Đà Nẵng hội đủ những tiêu chí cơ bản là một nơi đáng sống. Dù đây đó vẫn còn những tồn tại, bất cập, nhưng rõ ràng là người Đà Nẵng từ lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường, vẫn đang chứng tỏ được khát vọng và quyết tâm xây dựng thành phố quê hương đáng sống về nhiều nghĩa.
Bên cạnh những cái lớn đã đạt được, để có một Đà Nẵng thật sự đáng sống hơn trong tương lai, không thể chủ quan tự mãn với những gì đã làm được mà phải lắng nghe, quan sát và bắt tay vào khắc phục, ngăn chặn và loại bỏ những trở ngại, hành vi, hiện tượng không đáng có của thành phố, những hiện tượng, sự việc đó tuy nhỏ, thậm chí rất nhỏ nhưng nếu bắt gặp nhiều sẽ làm cho hình ảnh của Đà Nẵng mất đi phần nào thiện cảm trong mắt mọi người, những điều mà tưởng là “vụn vặt” nhưng lại không thể xem nhẹ.
Những chuyện nhỏ đó là việc thành phố còn rất thiếu nhà vệ sinh công cộng. Đơn cử như cả con đường du lịch Bạch Đằng mà chỉ có được một nhà vệ sinh công cộng, lại ở một nơi không thuận tiện, khó tìm, đó là chưa kể phía đường Trần Hưng Đạo bên kia sông, rồi là các con đường ven biển như Hoàng Sa, Nguyễn Tất Thành... Thiếu nhà vệ sinh công cộng là một điều tối kỵ đối với những khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài.
Thứ hai là những năm gần đây đã có thêm một số điểm vui chơi giải trí nhưng khách quan mà nói thì vẫn còn thiếu, nhất là giải trí về đêm. Buổi tối ở Đà Nẵng vẫn còn ít nơi để giải trí, nói vui là “chỗ chơi thì ít mà chỗ ngủ thì nhiều”. Chẳng lẽ đến Đà Nẵng chỉ để tắm biển hay chờ đến khuya để ngắm cầu quay, hoặc ngắm “Rồng” phun lửa, phun nước vào dịp cuối tuần? Đi hát karaoke, đi nhậu hay vào quan bar, cái mà ở thành phố nào cũng có, nên đâu phải là cái gì hấp dẫn, mới lạ.
Thứ ba là thành phố tuy đã có những công trình, thiết chế văn hóa nhưng sự nhộn nhịp cũng như mức độ “sáng đèn” hàng đêm ở những nơi như Cung thể thao Tiên Sơn, Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn khá khiêm tốn...
Thứ tư là vấn đề môi trường, đây đó vẫn còn gặp mùi hôi thoát ra từ các khu vực có cửa cống ra sông, biển; rồi là tình trạng ngập úng kéo dài mỗi khi mùa mưa về; tình trạng khói bụi tuy chưa đến mức báo động, trừ một vài điểm nằm trong các khu vực có dự án đang thi công, nhưng nghĩ về tương lai gần thì không thể xem nhẹ, chủ quan. Và cũng không nên tự thỏa mãn về mức độ “xanh-sạch-đẹp” của thành phố nếu chỉ đi so sánh với Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh mà phải chọn những thành phố trong khu vực như Singapore, Kuala Lumpur... để có mục tiêu mà phấn đấu.
Cuối cùng là vấn đề an ninh trật tự. Không thể phủ nhận là tình hình an ninh trật tự của Đà Nẵng là khá tốt nếu so với nhiều thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, thi thoảng vẫn còn xảy ra tình trạng cướp giật, tình trạng bu bám, chèo kéo khách du lịch, xin ăn biến tướng... Những hiện tượng đó tuy mức độ chưa nghiêm trọng nhưng không thể xem nhẹ nếu muốn xây dựng một Đà Nẵng thật sự đáng sống.
Đi sâu một chút về yếu tố văn hóa, văn minh đô thị, một trong những “nền tảng” cần thiết để một thành phố trở nên đáng sống. Chương trình “thành phố 3 có”, trong đó có “có nếp sống văn hóa văn minh đô thị” đã thực hiện nhiều năm nay là một ví dụ. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự đồng thuận của mọi tầng lớp xã hội, từ người dân bình thường ở tổ dân phố đến cán bộ công chức tại các cơ quan, doanh nghiệp, từ trường học đến bệnh viện, từ nhà hàng quán ăn đến nhà hát, công viên... Tất cả, được thể hiện dưới nhiều góc độ, từ những chuyện nhỏ nhặt nhất như chuyện bỏ rác vào những cái giỏ đựng rác ở các quán ăn đến chuyện mấy thanh thiếu niên cởi trần phóng xe ngoài phố, chuyện dựng rạp tràn ra lòng lề đường để tổ chức ma chay, cưới hỏi...
Khi loại hình karaoke phát triển, trở thành phổ biến, không ít gia đình đã sắm giàn máy karaoke, “loa kẹo kéo” để tổ chức “văn nghệ tại gia” và cả lưu động, mà âm thanh của nó đủ để làm “rầu lòng” hàng xóm và cả thực khách ở các quán ăn, nhà hàng. Quả là không khác gì chuyện bị “tra tấn bằng âm nhạc” bởi tiếng “gào rú đinh tai nhức óc” của những giọng ca, nhất là vào giờ nghỉ trưa hay về khuya.
Trên đường phố, nơi tấp nập người xe qua lại, vẫn không khó bắt gặp những hành vi có thể xem là chưa văn minh cho lắm. Dẫn chứng là, Đà Nẵng đã cơ bản dẹp được nạn lang thang ăn xin, đó là một cố gắng rất lớn của thành phố, một kết quả đáng khích lệ trong thực hiện Chương trình “thành phố 5 không”. Tuy nhiên, vẫn có một dạng ăn xin trá hình mà không phải dễ dàng xử lý theo quy định. Đó là tình trạng một số người lợi dụng trẻ em để mời mọc, năn nỉ người ta mua vé số, kẹo cao su... Những hình ảnh trên, cho dù là vì lý do mưu sinh thì cũng không dễ chịu chút nào đối với một thành phố văn minh.
Cuối cùng là chuyện người vi phạm Luật an toàn giao thông, nhất là trong giới trẻ. Thật là nhức nhối cảnh tưởng người ta vô tư đi xe vào đường một chiều, vượt đèn đỏ mà chẳng cảm thấy xấu hổ gì cả. Chịu khó quan sát, ngày nào cũng có thể thấy người ta đi ngược chiều, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Tương tự là chuyện vượt đèn đỏ. Chỉ cần túc trực ở ngã tư nào đó thôi, nhất là khi không có bóng dáng của cảnh sát giao thông thì cái chuyện vượt đèn đỏ là chuyện “thường ngày ở phố”.
Một thành phố đang thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước viếng thăm, mà lại diễn ra hàng ngày những cảnh tượng như vậy. Thử hỏi, họ sẽ cảm nhận thế nào về văn minh đô thị của Đà Nẵng? Và người Đà Nẵng có lòng tự trọng, yêu thương thành phố quê hương không khỏi trăn trở và buồn phiền khi còn có những hình ảnh làm mất đi vẻ đẹp của đô thị, không xứng chút nào với một “Đô thị loại I”. Lòng tự hào sẽ bị tổn thương, sự hãnh diện sẽ giảm sút...
Thời gian qua, trong cái “vĩ mô” đã đạt được không ít những thành tựu, về kinh tế - xã hội thì những cái “vi mô” trong nếp sống văn hóa văn minh đô thị vẫn cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Chương trình “thành phố 3 có” vẫn đang vận hành, trong đó, “có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” và cũng đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên chặng đường phía trước vẫn còn gian nan và rất cần sự đồng lòng hợp sức của chính quyền các cấp và cả cộng đồng. Đừng xem những câu chuyện nêu trên là chuyện nhỏ, vì nếu cái nhỏ mà làm không xong thì cái lớn sẽ khó mà vượt qua được. Tiêu chí để thành phố đáng sống nhiều khi bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy.
Mục tiêu để Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng thuận của toàn dân, bên cạnh những chủ trương đúng đắn và quyết liệt của Đảng bộ và chính quyền thành phố. Cần duy trì và phát huy những thành quả đạt được từ các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” và các chủ trương mang tính đột phát của thành phố trong những năm qua để đạt được mục tiêu đầy ý nghĩa này, vì đó là những điều kiện cần và đủ để có một Đà Nẵng thật sự đáng sống về nhiều nghĩa.
D.D.H