Kỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu Dân

13.01.2020

Kỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu Dân

“Sáng nay vườn nở mai vàng

Giữa trời rét ngọt cũ càng cuối năm

Ngắm hoa lòng nhớ xa xăm...”

Mỗi lần tết đến tôi lại nhớ những lần háo hức đạp chiếc xe sườn nam thống nhất lên ga đón tàu ĐQ chờ anh Mạnh. Đi trước cả tiếng đồng hồ vì háo hức và chờ tàu cả mấy tiếng vì tàu trễ... Ngồi lên sau để anh chở, ôm chặt chiếc ba lô và thật kìm nén tôi mới không mở bung miệng túi để xem có đủ ba phong pháo không?

 Đường từ ga về nhà đi qua đồng lúa, anh chợt hỏi: “Đố em, muốn biết đám ruộng nhà mình bao nhiêu cây lúa thì phải làm răng?”. “Dạ thì... thì mình đếm số cây trong một mét vuông rồi nhân lên diện tích ạ!”. “Ừ, giỏi! Về nhà anh thưởng...!”

Thế nhưng vừa chạm cổng nhà là tôi quên béng phần thưởng...tôi bận mở ba lô kiểm tra pháo. Pháo, phong pháo đây rồi! Ba phong pháo cuộn tròn đặt chồng lên nhau gói kỹ trong lớp giấy báo. Hai phong nhuộm hồng, một phong nguyên màu giấy báo chi chít chữ. Sở dĩ có phong này là do anh Mạnh tranh thủ thời gian ngoài giờ đi làm còn đi quấn pháo cho nhà làm nghề sản xuất pháo đấy! Làm xong tính công anh chỉ chọn lấy phong pháo đẹp mang về coi như làm công đổi pháo. Pháo đem về đốt cần gì màu mè, nổ to là được! Mà đã là pháo Nam Ô thì nhất rồi! Quả pháo khác hẳn các loại Hòa Bình, Bình Đà các kiểu... Khác từ kích cỡ cho đến kiểu quấn. Phong pháo Nam Ô ít màu mè, quấn xong làm tim giữa, ấn chặt nên còn hằn vết móng tay trên viên pháo. Viên pháo tiểu đã to như ngón tay trỏ. Viên pháo đại thì phải biết, to như cổ tay người lớn. So với các loại pháo khác thì viên pháo to và phong pháo dài hơn nhiều. Và dĩ nhiên pháo Nam Ô nổ sướng chấp...

...Tạch, tạch, đùng! Nhà ai vừa nổ pháo cúng đón! Tiếng pháo nổ giòn giã thế chỉ có nhà anh Kính! Nhà anh Kính cũng pháo Nam Ô anh Tính gửi Đà Nẵng ra. Nghe tiếng pháo tôi đoán trúng phóc! Tết rồi! Tết rồi! Tôi chẳng chạy ùa đi nhặt pháo vì trên cây nêu cột trước mái bằng ba cũng đã cột phong pháo sẵn. Anh Thái châm sẵn cây hương chực hỏi “Được chưa ba?...” xong là châm vào dây cháy... Pháo nhà mình sẽ nổ to, đều và dài lắm, nhất định rồi! Cơ hội để nhặt pháo của thằng Luận với mấy đứa nhỏ trạc tuổi tôi xem ra khó! Như năm ngoái pháo nổ xong rồi, cả bọn ùa vào nhặt chả được quả nào, lúc về mặt cứ tiếc rẻ ngẩn ngơ. Tôi thì khoái lắm! Pháo anh tao mang ra mà lại!...

Ở quê hồi đó ít có khái niệm tất niên. Dịp Tết thường ba lần cúng, gọi là cúng đón, cúng giao thừa, cúng đưa. Cúng đón thường là khi người trong nhà đông đủ nhất. Cúng giao thừa tất nhiên là nửa đêm ba mươi rồi. Còn cúng đưa là để tiễn người về đi xa lại. Mỗi khi đặt mâm cúng là một lần đốt pháo. Cũng có nhà đốt cả vào chiều ba mươi và sáng mồng một. Tất nhiên nhà khá giả mới thế!

Thường đêm giao thừa cả nhà vẫn thức chờ cúng. Ba mẹ và anh chị loay hoay làm mâm cúng, tôi và Cu Em mắt nhắm mắt mở cố chống lại cơn buồn ngủ. Đêm ba mươi trời lạnh càng buồn ngủ tợn, hai anh em cẩn thận dặn với “Lỡ con ngủ thì đập con dậy ba nghe!”. Dặn thế để anh em tôi dậy chứng kiến khâu chuẩn bị đốt pháo, cảnh anh Thái hay anh Dương trang trọng vừa canh me đồng hồ vừa hỏi “Được chưa ba?”, chứ pháo đã nổ thì ai mà ngủ nổi. Pháo nổ xong, mâm cúng dọn xuống, con gà luộc xé ra trên mâm. Ăn xong cả mấy anh em lại rồng rắn đi thăm bà con nội ngoại. Đi bộ thôi. Nhà o tôi là gần nhất, đi về xóm dưới xa nhất là nhà cậu, xóm trên xa nhất là nhà bác tôi. Năm nào cũng thế, rồng rắn đi hết những nhà anh em bà con thì hai ba giờ sáng lại về nhà. Các anh tôi có khiếu hài hước quá, đến nhà ai cũng vang tiếng cười, vui quá! Vừa đi vừa cười, Cu Em nhỏ nhất được các anh cõng cũng quên cả buồn ngủ.

Thức đêm giao thừa khuya thế, sáng mai tôi dậy muộn. Cố dậy để chơi tết chứ buồn ngủ lắm. Dậy ngay không thì hết tết mất! Dậy để còn giục anh Mạnh đốt quả pháo “đại tướng” chứ! Quà anh Mạnh thưởng cho tôi đấy! Anh thưởng bằng quả pháo cối tự tay anh quấn! Quả pháo to đùng, như bắp vế chứ chẳng chơi. Pháo to, tim cả gang tay xe thật chặt. Giấy gói pháo cũng khác luôn, anh bảo gói quả này anh phải chọn giấy Liên Xô đấy, giấy này pháo nổ mới đanh. Quà đặc biệt mà lỵ! Quả này thì phải tự tay anh đốt, to thế nhỡ đâu tim cháy nhanh không chạy kịp. “Dương, Thái ra canh cổng đừng cho ai vào! Nhàn, Cu Anh, Cu Em bịt tai lại!”. Tiếng anh Mạnh dõng dạc và hệ trọng. Cu Em vội quá buông cả khẩu súng nước để hai tay còn bịt tai thật chặt. “Đoàng..”! Tiếng pháo to hơn tất thảy tiếng pháo. Cả không gian rung lên, tiếng vọng ngân ngân như khi tôi chơi trò hét vào lòng giếng vậy. Gốc xà cừ nơi anh đặt pháo mác đi một miếng rõ to. Không bịt tai chắc còn nghe to lắm lắm!...

Đốt pháo tôi cũng mê nhưng dĩ nhiên chỉ dạn dĩ với pháo nhỏ. Đặc biệt loại pháo tép ấy. Đốt pháo tép tôi còn biểu diễn cho khán giả là em tôi. Tôi cầm đuôi viên pháo nhỏ thật chặt rồi châm lửa. Viên pháo tép nổ đánh “tạch” xong sẽ để lại cái xác tua tua như bông hoa nhỏ trên tay. Cu Em sẽ mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên và hâm mộ ông anh lắm. Dĩ nhiên em tôi không biết chuyện có lần tôi nhặt pháo nhà anh Kính, viên pháo rơi xuống chưa kịp nổ tôi đã chụp lấy, pháo nổ trên tay nám cả mấy ngón. Tôi cũng không kể cho cu cậu chuyện ông anh đốt pháo hoa, loại pháo Trung Quốc dài gần mét phụt từng quả lên trời mà có lần đốt trúng quả thủng đáy, đã giơ lên trời lại phụt xuống ngay chân làm tôi hoảng vía, xém nữa thì... nguy to!

Tôi chỉ thích tiếng pháo những ngày cuối năm cũ và tiếng pháo cúng giao thừa. Tiếng pháo cúng đưa làm tâm hồn thơ trẻ của tôi buồn ghê gớm. Tiếng pháo ngày cúng đưa là tiếng pháo báo ngày Tết cạn. Nghĩa là anh Dũng sẽ về Đồng Hới, anh Mạnh sẽ vào Đà Nẵng, anh Thái lại ra Bắc học rồi. Thường đi đón các anh tôi sẽ giành phần đi cho bằng được, còn lúc chở các anh lên tàu tôi tránh hẳn. Tôi buồn! Tôi trốn vào góc nhỏ dụi sưng mắt... Mẹ hay ba bắt gặp tôi sẽ nói tránh vì con chó tên Cực Khôn của tôi sợ tiếng pháo chạy mãi chưa về! Nói tránh thôi, tôi thừa biết khi làng xóm thưa tiếng pháo cu cậu thể nào cũng lững thững ngoắt đuôi chạy về, mọi năm vẫn thế mà, quen rồi! Tiếng pháo gợi vui, tiếng pháo cũng gợi buồn là thế! Dù sao tôi cũng mong tiếng pháo nổ. Mong mỏi mong mòn! Chẳng ngờ rằng một ngày tiếng pháo không còn nữa! Một năm, hai năm... loáng cái hai mấy năm trôi vèo kể từ khi cấm đốt pháo. Tôi không còn được cầm phong pháo Nam Ô, không được nghe mùi thuốc pháo thơm nồng qua mấy lần giấy, thơm lây qua áo quần đựng trong chiếc ba lô bộ đội bạc màu anh Mạnh thừa hưởng của ba nữa. Tôi không ngờ câu thơ đêm giao thừa cậu Tịnh đọc chơi vui lại hoá thật ngay năm sau nhanh thế: “ Pháo năm phong bằng ông không pháo/ Để dành tiền may áo cho con!”

Tiếng pháo lui vào dĩ vãng, kỷ vật về pháo Nam Ô còn lại với tôi là dòng chữ “Mừng trăm năm hạnh phúc” viết trên mành tre cuốn gọn trên cùng phong pháo, quả pháo đại cuối cùng vừa nổ thì xổ tung trong ngày cưới anh Dũng. Năm đó ra sông giặt áo với chị, chợt thấy trên sông mấy phong pháo ám khói bếp thả trôi dập dềnh. Có lẽ nhà ai mua pháo cất giàn bếp chờ tết đốt, giờ cấm rồi đành thả sông trôi... Đó cũng là lần cuối tôi còn thấy phong pháo Nam Ô nguyên vẹn! Những phong pháo dập dềnh trôi xa mặc cậu bé vừa qua tuổi mười một tiếc nuối ngẩn ngơ...

Đ.H.D

Bài viết khác cùng số

Làm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuQuà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamChợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiSương - Nguyễn Tấn OnTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúyGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhMiên tưởng - Lê Xuân CừĐợi xuân - Quốc LongHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnVườn mẹ - Mai Hữu PhướcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọNăm mới - Nguyễn Đông NhậtTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọSắc xuân - Ngô Hà PhươngỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãTháng giêng - Huỳnh Minh TâmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyLinh cảm - Trần Mai HườngĐóa phù dung - Trần Trình LãmXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngNỗi buồn - Thiều HạnhVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưHoa sưa - Trần Trúc TâmDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm Lâm“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam SinhĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngThơ Odysseus Elytis