Chuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân Thu
Đang cố thu dọn đồ đạc để nghỉ Tết thì Dung nghe tiếng xe máy tiến vào sân trạm bưu điện văn hóa xã. Tiếng còi xe bim bim vang lên. Ngoảnh lại, cô đã thấy Lộc toe toét cười trên xe.
“Sao giờ này anh vẫn còn xuống đây? Chưa về nghỉ Tết à?”. “Chưa. Anh trực đợt một - Lộc đáp - Nhận tiếp chuyến hàng cuối cùng của năm nha”. “Trời! Giờ vẫn còn hàng với họ à? Có để cho em về Tết không đấy?”. Dung ngao ngán kêu lên.
Lộc tắt máy, xuống xe. Mở chiếc thùng chuyên dụng, anh lấy ra một phong thư đưa Dung. “Của em đây. Có một cái này thôi. Chuyển gấp cho người ta nhé. Đâu như từ Trường Sa gửi về đấy”. “Giời ạ! Đến giờ mà vẫn còn thư với chả báo”. “Thì nào ai muốn - Lộc phân trần - Anh còn phải đi hai xã nữa cơ. Cái Trang bên Hợp Nhất kia kìa. Nó còn hai gói bưu phẩm cũng chuyển gấp đây này. Thế thằng Bình đâu rồi?”. “Anh ấy vừa chạy chuyến cuối cùng và về nghỉ Tết luôn rồi. Giờ chỉ còn mỗi mình em thôi”. Dung nói như sắp khóc.
Không để ý đến thái độ của Dung, Lộc bảo Dung ký sổ chuyển phát rồi vội vã quay xe, nổ máy. Chợt như nhớ ra điều gì, anh ngoái lại nói: “Nhớ chuyển ngay cho người ta nhé. Chúc mừng năm mới em và gia đình nha. Ra giêng gặp nhau”. Nói xong, Lộc nháy mắt mỉm cười rồi vù ga lao xe đi. Làn khói từ ống xả tỏa ra thoảng mùi xăng khen khét. Dung đứng ngây người. Lát sau, sực nhớ ra tình cảnh của mình, Dung nhìn lá thư trên tay. “Con Hoàng Văn Minh, đảo Sinh Tồn. Kính gửi bố: Hoàng Đức Hạnh, thôn Cổ Cò, xã Phúc Tiến, huyện..., tỉnh...”. Trời ạ! Đúng là từ Trường Sa rồi! Anh này là chiến sĩ hải quân đây. Chắc lâu không về nên vẫn gửi theo địa chỉ cũ. Bây giờ tên xã mới rồi. Đâu còn là Phúc Tiến nữa. Sáp nhập ba xã lại, lấy tên là Vân Giang cơ mà!
Chí Lâm, Kim Chung, Phúc Tiến, ba xã cùng bên bờ sông Vân, cùng giáp với tỉnh bạn, cách biệt hẳn với các xã cùng huyện, cùng tỉnh. Theo chủ trương mới, các xã này đều chưa đủ tiêu chí nên sáp nhập với nhau để thành một xã mới. Khi đặt tên cho xã mới này có quá nhiều ý kiến khác nhau. Người thì ghép phần đầu tên mỗi xã lại để thành Chí Kim Phúc. Người thì ghép phần đuôi lại để thành Tiến Chung Lâm. Rồi thì đảo đi đảo lại để chọn. Có người đảo mãi thành ra cả Tiến Lâm Chung nữa. Lâm Chung thì chết à? Tiến thế thì thà rằng không tiến còn hơn. Dở quá! Ai lại đặt tên như thế? Không anh nào chịu anh nào. Chả nhẽ xã tôi thế này mà lại phải đứng cuối? Hơn nữa, tên xã có ba từ thì dài quá, không phổ thông. Cuối cùng chốt lại lấy tên là Vân Giang. Ba xã cùng bên bờ sông Vân. Thế là ổn. Rất hài hòa. Không anh nào trước, chẳng anh nào sau. Vân Giang lại hay nữa. Tên xã mới được mọi người đón nhận. Thư từ, bưu phẩm ở xa gửi về, nhiều người chưa biết vẫn ghi theo địa chỉ xã cũ. Bưu điện có trách nhiệm chuyển phát theo đúng địa chỉ mới, tới tận tay người nhận.
Sáp nhập ba xã, hai xã kia trước chỉ là điểm phụ của bưu điện huyện liền bị teo đi. Riêng xã Kim Chung có trạm bưu điện văn hóa xã, lại là ở trung độ nên vẫn tồn tại. Trụ sở xã mới cũng đặt ở đây. Thế nên, Dung và Bình gánh luôn đường thư báo của hai xã kia. Hàng ngày, hai anh em thay nhau trực. Người trực ở trạm, người chạy thư báo. Có hôm, họ phải qua sông lên bưu điện huyện để nhận bưu phẩm, báo chí. Giáp Tết, việc nhiều, bưu cục hợp đồng thêm người. Họ chuyển thư báo tới các điểm bưu điện văn hóa xã. Từ đó, cán bộ nhân viên ở đây chuyển tiếp tới cho khách hàng.
Thời buổi bùng nổ, cạnh tranh thông tin, ngành bưu điện cũng phải bươn chải chiếm lĩnh, giữ lấy thị phần. Riêng trong ngành bưu chính cũng cạnh tranh nhau. Viettel chuyển phát nhanh. Các đơn vị khác cũng cải tiến phương thức. Rồi xe bus, xe khách cũng nhận chuyển phát nữa. Đơn giản hóa thủ tục. Giá cả phải chăng. Lại nhanh gọn bảo đảm. Vậy nên, ngành bưu chính của Dung càng phải cố gắng. Cũng may, việc mua bán hàng qua mạng nhộn nhịp nên họ cũng thêm việc làm. Sẵn sàng phục vụ. Bất kể ngày đêm. Nhân viên bưu điện bỗng trở thành đội ngũ shipper. Chuyên môn nghiệp vụ có sẵn nên công việc khá thông thoáng. Khách hàng là thượng đế. Để thêm thu nhập, ngành của Dung còn ký kết hợp đồng với bên bảo hiểm xã hội phát lương hàng tháng cho cán bộ viên chức nghỉ hưu, bán bảo hiểm các loại. Rồi thì bán cả xà phòng, lịch Tết cùng một số vật phẩm khác nữa. Lại nhận cả gửi tiền tiết kiệm và cho vay phát triển sản xuất. Cứ gọi là luxubu. Áp lực công việc cũng khá nặng. Được cái, thu nhập vì thế cũng ổn định và ngày một nâng cao.
Dung nhìn đồng hồ. Đã năm giờ chiều. Mùi hương cúng từ mấy nhà bay tới thơm ngào ngạt. Nhiều gia đình đã tụ tập quanh mâm cỗ tất niên. Mưa xuân nhè nhẹ bay. Trời đã ấm hơn mấy ngày trước. Không khí Tết ùa về. Giờ này, chắc anh Bình cũng đã về tới nhà. Anh ấy có gia đình, nhà lại ở mãi cuối huyện nên Dung ưu tiên cho Bình không phải trực Tết. Vợ dại, con thơ mà mãi chiều ba mươi Tết anh ấy mới về là cố gắng lắm rồi. Nhà Dung gần đây, cô lại son rỗi nữa, trực cả phần anh Bình là đúng. Hai anh em thống nhất để điện thoại di động, có việc gấp thì a-lô cho nhau. Họ còn thông báo số điện thoại dán ở trạm nữa. Ai cần gấp thì gọi. Đề phòng thế thôi, chứ Tết rồi ai còn đến bưu điện làm gì nữa. Điện thoại di động ai chả có. Bưu phẩm, thư báo thì trên nghỉ cũng sẽ không về nữa. Tất cả để ra giêng giải quyết.
Dung vội vã xếp gọn đồ đạc đang dọn dở, đóng cửa trạm. Cô dắt xe máy ra sân. Sực nhớ phải gọi điện về cho bố mẹ, Dung lấy máy bấm số. Giờ này chắc bố mẹ đang mong lắm. Từ đây lên chỗ phát thư hơn chục cây số. Nhanh cũng phải một tiếng đồng hồ sau mới về. Điện cho bố mẹ khỏi mong. Nếu mình có về muộn thì bố mẹ cũng biết chừng, khỏi phải lo lắng. A-lô xong, Dung tức tốc vù ga lao xe đi.
Đường quê lúc này khá vắng vẻ. Thi thoảng mới có chiếc xe máy, ô-tô hối hả chạy qua. Thì còn ai ra đường vào lúc này nữa chứ? Ai cũng cố về cho kịp bữa Tất niên đoàn tụ gia đình. Chỉ những người có việc như Dung hoặc xa quá chưa về kịp mới còn ở trên đường. Không. Còn nhiều người khác nữa chứ. Có người còn không được đi trên đường như mình nữa cơ. Các chiến sĩ quân đội, công an chẳng hạn. Người canh gác biên cương. Người trực chiến ngoài hải đảo. Thậm chí, có người còn đang làm nhiệm vụ quốc tế. Thì đấy, cái anh gửi lá thư chuyển phát nhanh này. Cũng đang ở tít mãi ngoài Trường Sa đấy thôi. Giờ này, chắc hẳn anh ấy đang nhớ đất liền, nhớ nhà lắm. Và mong thư của mình tới tay gia đình trước Tết nữa chứ. Dứt khoát là vậy rồi. Vậy nên, mình được thế này là hạnh phúc lắm. Xong việc, mình tha hồ sum vầy gia đình vui Tết, đón Xuân.
Địa bàn mới, lạ đường, Dung phải dừng xe hỏi thăm mấy lần. Làng Cổ Cò heo hút mãi tận cuối xã cũ Phúc Tiến. Đường đồi quanh co. Trời đã nhá nhem tối. Cũng may, Tết đến nhà nào điện cũng sáng. Loa đài inh oang. Những chỗ ngã ba, ngã tư cũng có đèn đường nên Dung không sợ lắm. Tuy nhiên, gần đến nơi thì chiếc xe ặc ặc. Nó nhảy khậc khậc mấy cái rồi chết máy, khựng lại. Giật thót mình, Dung buột miệng kêu lên: “Thôi chết rồi! Hết xăng!”. Lúc chiều, định vãn việc, mình sẽ ra cây xăng đổ đầy bình để đi ba ngày Tết. Vậy mà việc nọ xọ việc kia, rồi cái lá thư chết tiệt này đến, mình vội đi nên đã quên khuấy nó mất. Giữa đồng không mông quạnh này biết làm sao bây giờ? Lại còn lúc về nữa chứ? Nhìn quanh, không có ai, Dung tái mặt. Đôi mắt cô ầng ậng nước.
Không còn cách nào khác, Dung dắt chiếc xe máy đi tiếp. Cuối cùng, cổng nhà ông Hạnh theo người ta chỉ cũng hiện ra trước mặt. Cô đẩy chiếc xe máy tiến vào. Trong nhà, khá đông người. Tiếng người ríu ran. Tiếng đài loa xập xình. Dưới ánh đèn sáng trưng, mọi người đang quây quần bên nhau. Họ vừa ăn cỗ Tất niên xong. Thấy cô gái đẩy xe vào giữa sân, tất cả cùng ngỡ ngàng nhìn ra.
“Cháu chào các bác - Dung cất tiếng - Các bác cho cháu hỏi đây có phải nhà ông Hạnh không ạ?”. “Đúng rồi! Tôi là Hạnh đây. Cô là...”. Người đàn ông khoảng hơn sáu mươi tuổi đứng dậy bước ra hè nói. Dung dựng xe, đáp lời: “Cháu là nhân viên bưu điện văn hóa xã đến chuyển thư cho bác ạ”. “Thế hả? Các cháu vất vả quá. Mời cháu vào trong nhà”. Người đàn ông vồn vã. Dung bước theo ông vào nhà. Sau đó, cô lấy lá thư đưa cho ông Hạnh. Ông Hạnh ký sổ nhận rồi reo to: “Thư thằng Minh! Cả nhà ơi!”.
Mọi người nhao nhao xúm lại. Họ tranh nhau bóc thư. Ông Hạnh cầm lá thư bóc liền. Đoạn, ông mở phong bì ra. Bất ngờ một chiếc cạc rơi xuống. Ông vội vàng nhặt lên. Cầm chiếc cạc đó ông Hạnh đưa cho một anh khoảng hơn ba mươi tuổi và nói: “Rể trưởng. Anh công tác ở huyện xem nó là cái gì?”. Rể trưởng đón nhận chiếc cạc và nói luôn”: “Thẻ ATM ông vãi ạ. Cậu Minh gửi thẻ ATM về cho bố mẹ đấy. Ông đọc thư xem cậu ấy nói gì? Mà thôi. Ông vãi để con. Tinh mắt, con đọc cả nhà nghe luôn”.
Anh rể trưởng giành lấy lá thư và đọc: “Bố mẹ kính mến! Các anh chị kính mến! Trước hết con xin chúc Tết bố mẹ và cả nhà. Hy vọng lá thư này về đến tay bố mẹ trước Tết. Sau nữa, con xin báo tin vui để bố mẹ và cả nhà mừng. Ngoài đảo, Tết này chúng con vui lắm. Quà đất liền gửi ra không thiếu một thứ gì. Bánh chưng, nem giò, bánh mứt kẹo, cả đào quất nữa. Đầy đủ cả. Cứ như ở đất liền vậy bố mẹ ạ. Anh em chúng con đón Tết tưng bừng lắm. Vừa trực chiến, vừa vui Tết. Bố mẹ ơi! Con quyết định rồi! Quyết định cái gì nữa đây?”. Anh rể trưởng dừng lại thốt lên. Đoạn, anh đọc tiếp: “Ra giêng con sẽ cưới vợ. Con đã báo cáo đơn vị và được lãnh đạo đồng ý rồi. Trang cũng nhất trí vậy. Oao! Cậu Minh lấy vợ cả nhà ơi!”.
Anh rể trưởng dừng lại reo to. Bà Hạnh cười hở lợi giục: “Thì anh đọc tiếp đi xem nó nói gì nữa nào?”. Rể trưởng hào hứng đọc tiếp: “Ngoài rằm tháng giêng con sẽ nghỉ phép về lo việc đó. Bố mẹ cùng các anh chị ở nhà chuẩn bị sẵn cho con nhé. Con gửi thẻ ATM. Bố bảo anh Hải rút tiền về mua sắm các thứ dần nha. Mật khẩu thẻ là... Ối! Cậu Minh thật tuyệt vời! Cuối cùng thì cậu ấy đã chịu lấy vợ”. Hải lại reo lên. Mọi người cùng
ồ lên vui sướng. Ông Hạnh lẩm bẩm: “Cái thằng... Cứ làm như thời gian khó ấy. Bây giờ không tiền vẫn lo được việc lớn mà. Cứ ngồi nhà a-lô khắc người ta sẽ mang tới. Đủ hết. Xong việc thanh toán. Thế thôi”. Bà Hạnh tặc lưỡi: “Thì con mình nó ở mãi ngoài đảo đâu có biết. Gần chục năm rồi còn gì. Thế là nó chu đáo đấy ông ạ!”. “Thiếu tá. Chỉ huy cả đơn vị chả thế lại không à?”. Ông Hạnh tự hào nói, cười khà khà.
“Bác ơi! Cháu chào cả nhà cháu về ạ!”. Dung lên tiếng cắt ngang cuộc vui của gia đình ông Hạnh. Lúc này, mọi người mới sực nhớ ra cô bưu điện vẫn đang ở trong nhà mình. Ông Hạnh nhìn Dung nói: “Bác cảm ơn cháu nha. Cả nhà vui quá nên khuấy mất cháu. Thông cảm nha”. “Dạ. Không sao đâu ạ. À, bác biết ở đây có chỗ nào bán xăng không?”. “Bán xăng hả? Không có đâu. Phải ra mãi tận làng ngoài bờ sông mới có cơ. Mà giờ này ai còn bán xăng nữa?”. Anh Hải lên tiếng. Mọi người cùng nhìn Dung ái ngại. Dung nói như khóc: “Xe cháu hết xăng từ nãy, phải dắt bộ vào đây đấy. Biết làm sao bây giờ để về?”. Cô kể lại sự tình buổi chiều.
“Thôi. Khỏi lo. Anh sẽ rút xăng từ xe anh sang. Xe anh vừa đổ đầy bình lúc chiều xong”. Vừa vung tay nói, anh Hải vừa bước ra sân. Tới chiếc xe máy của mình, một tay cầm cái chai, một tay anh tháo vòi bình xăng. Đổ hai chai xăng vào xe Dung, anh Hải xoa tay: “Thế là đủ về đến chỗ em rồi đó”. Nói xong, anh bấm nút đề, khởi động xe Dung. Tiếng máy nổ êm ru. Mọi người thở phào. Nét mặt Dung rạng rỡ trở lại. Cô chào và chúc Tết mọi người. Bà Hạnh trong nhà chạy ra xăm xoe: “Bác cảm ơn cháu nha! Chúc cháu đón Tết vui vẻ. Cho bác gửi lời chúc Tết cả nhà ta nha!”. Ông Hạnh cũng đến bên Dung. Vỗ vỗ vào vai cô, ông nói: “Cảm ơn cháu nhiều lắm. Cháu đã kịp thời mang tin vui đến cho nhà bác. Hôm nào cưới thằng Minh, bác sẽ sang nhà cháu mời cháu tới dự nha. Ba mươi tuổi rồi, bác giục mãi nó mới chịu lấy vợ đấy. Ôi! Vui quá đi mất!”.
Dung chào gia đình ông Hạnh một lần nữa rồi lên xe ra cổng. Vẳng bên tai cô tiếng của bà Hạnh: “Gớm. Đâu lại có đứa con gái đẹp và ngoan thế cơ chứ”. Người Dung lâng lâng. Ánh đèn xe rọi thẳng xé màn đêm lao đi. Về nhanh còn kịp đón giao thừa. Lòng Dung vui như Tết. Thì Tết đã về thật đấy rồi còn gì!
Đ.X.T