Linh Lê kể chuyện tình trong tập thơ đầu
Linh Lê tên thật Nguyễn Huyền Linh là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Hà Nội (cô sinh năm 1986). Sau khi ra mắt ba cuốn văn xuôi: Không khóc ở Kuala Lumpur (2010), Mùa mưa ở Singapore (2011) Người tình Sài Gòn (2013), cô chuyển hướng sáng tác. Tập thơ đầu của Linh Lê có tên Còn lại tiếng người hót đắng cay mới được xuất bản.
Linh Lê bảo tiểu thuyết là đam mê của cô, còn làm thơ cũng giống như việc chờ một tiếng vọng nào đến với mình. Tác giả lý giải thời buổi này ít người đọc thơ, vì thế việc xuất bản một tập thơ cũng không còn phổ biến. Tuy vậy cô vẫn in sách, bởi "Ai đó nói rằng: 'Làm thơ như thả một bông hồng xuống giếng và chờ đợi một tiếng vang'. Tôi xuất bản thơ và chờ đợi một đồng vọng, nhưng không biết điều gì đến với mình, hay chỉ là 'tiếng người hót đắng cay'".Sách tuyển chọn 25 bài thơ tình, mỗi bài thơ là một tâm sự của người đang yêu. Có khi, nhân vật tự dặn mình "Đừng yêu" nhưng rồi không thể ngăn được cảm xúc mà thốt lên: "Anh giết em rồi". Linh Lê viết thơ về phố, nhưng phố chỉ là không gian để yêu: "Phố em đi về/ Ngày nghiêng bóng đổ/ Trời tan giông tố/ Tình trôi, tình trôi" (Phố). Tác giả viết về mùi thơm, đó cũng là hương của lưu luyến: "Hôm qua lùa chút hương đợi mong/ Hương cứ kể câu chuyện bạc màu/ Ai nuối tiếc cho lòng mình hoang hoải/ Bàn tay có giữ được vết tình sâu?" (Hương).
Trong tác phẩm, Linh Lê giống như người kể chuyện tình yêu cuộc đời mình. Trước mỗi bài thơ, cô để phần "Tự sự" như lời dẫn dắt. Nhà thơ Thụy Kha bày tỏ sự thích thú với phần tự sự trong sách: "Phần tự bạch như là thanh âm khô của bộ gõ, bộ kèn. Còn những bài thơ là giai điệu violin dìu dặt. Hai phần hòa quyện tạo nên một bản hòa tấu cổ điển".
Linh Lê sinh ra tại Đà Nẵng trong một gia đình có truyền thống văn chương. Công tác trong ngành ngân hàng nhưng Linh Lê đã đi một chặng đường dài với nghệ thuật. Cô nói viết văn là đam mê từ nhỏ, niềm đam mê được truyền từ cha - nhà văn Đà Linh, đã xuất bản nhiều cuốn sách hay khi còn làm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng). Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá các tác phẩm là thơ tình của một cô gái với tình yêu nhiều mông lung, mờ ảo. Ông đánh giá cao hình ảnh "tiếng người hót đắng cay" dùng trong thơ, đồng thời được đặt làm tên sách: "Hai từ 'còn lại' là những gì đọng lại sau khi nhân vật đi qua một cuộc tình. Nó gợi tới hình ảnh con chim trúng thương, nhưng vẫn cất lên tiếng hót".
Lam Thu
(vnexpress.net)