“Chiến tranh và Chiến tranh” của Krasznahorkai László

09.03.2017

“Chiến tranh và Chiến tranh” của Krasznahorkai László

Nhân vật chính của “Chiến tranh và chiến tranh”* là một nhân viên lưu trữ tỉnh lẻ, Dr. Korin György. Vào ngày sinh nhật lần thứ 40 của mình, anh ngẫu nhiên tìm thấy trong số các tài liệu lưu trữ một tập cảo bản, một văn bản bí ẩn, khác lạ, “tuyệt vời nhất mà người ta từng viết trên mặt đất”.

Không biết ai đã viết ra văn bản đó, cả thời gian viết ra nó cũng chỉ có thể phỏng đoán, nhưng nội dung của tập cảo bản đã từng bước chinh phục Korin, mỗi lúc một mạnh mẽ hơn. Anh chợt nhận ra rằng mình không hiểu nổi thế giới xung quanh. Trong một khoảnh khắc, thực tại bỗng trở nên phức tạp khủng khiếp đối với anh, sự đơn điệu thường ngày bỗng được thay thế bởi sự bí ẩn hồi hộp không thể giải thích nổi. Khoảnh khắc tăm tối, gây hoảng hốt đó của sự tuyệt vọng chính là khởi đầu của hành trình mà mục đích của nó không gì khác hơn là tìm lại ý nghĩa đã mất của thế giới.

Câu chuyện của tác giả vô danh đã thu hút tới mức Korin cảm thấy chính mình cũng phải trốn chạy: để cứu vãn và công bố cho thế giới biết về văn bản bí ẩn này. Anh bỏ lại nhà cửa, bán đổi ra tiền mọi thứ, và mua vé đi New York, đến “trung tâm của thế giới”, nơi cho anh hy vọng khám phá và tìm ra lời giải đáp cho bí mật và ý nghĩa của tập cảo bản cũng như của chính cuộc đời anh.

Trong tập cảo bản có bốn người đàn ông - bốn thiên thần, đi tìm lối ra khỏi mê lộ của thế giới, trốn chạy khỏi chiến tranh. Trên hành trình đi tìm sự an lạc, bình yên và cái đẹp xuyên không gian và thời gian, họ ngưỡng vọng sự hứa hẹn vĩ đại của trí tuệ con người, nhưng cũng thường xuyên phải đối diện với sự tàn phá, hủy diệt, tan rã. Sự bí ẩn của chiến tranh là ở chỗ, về cơ bản nó gắn bó không thể tách rời với con người, theo cách thức không thể hiểu nổi và không thể giải thích nổi, nó là bộ phận của tâm hồn con người, của thế giới con người. Đó chính là điều khiến các thiên thần (và Korin, người đọc về sự trốn chạy của họ, và cả người đọc cuốn tiểu thuyết) trăn trở, ưu tư.

Tập cảo bản còn một nhân vật khác thường, nhân vật bí hiểm (kiểu thần Hermes), người xuất hiện ở mọi địa danh mà chúng ta bắt gặp bốn người đàn ông kia. Đó là Mastemann - hắn xuất hiện ở đâu trong chiếc áo choàng lụa màu đen, vuốt ve chú mèo lông đỏ trong lòng, là ở đó mọi việc bắt đầu tồi tệ, thay vì sự yên tĩnh là nỗi sợ hãi, thay vì sự nhìn nhận là sự hung hăng, thay vì cái đã biết và cái chắc chắn là sự xa lạ và phập phù bất định.

Về tiểu thuyết này, nhà phê bình, nhà văn Danyi Zoltán viết:

Trong suốt hành trình này, Korin được dẫn dắt bởi vị thần Hermes (Hy Lạp). Hermes là tín sứ, là người đưa đường, nhưng cũng là vị thần tăm tối, bí ẩn, không thể nắm bắt, vị thần của những con đường ban đêm, người chỉ ra thực chất tương đối của các luật lệ, sự phức tạp của thế giới. Hermes là biểu tượng của sự thay đổi liên tục, bản ngã biến ảo của thần phủ nhận sự đồng nhất tự thân, đảo lộn trật sự của các mắt xích nguyên nhân, phá vỡ các giới hạn không gian và thời gian; và như vậy các mối liên hệ quen thuộc, qua Hermes, trở nên bí ẩn. Trong học thuyết thần bí đi tìm những sự thật tận cùng thì sự bí ẩn đóng vai trò trung tâm. Bản chất của sự bí ẩn chính là nó phải tồn tại là một bí ẩn vĩnh cửu, chính vì vậy sau mỗi bí ẩn được khám phá lại ẩn chứa một bí ẩn mới; mọi bí ẩn lại ẩn chứa một bí ẩn khác, bí ẩn ấy lại ẩn chứa một bí ẩn thứ ba, và cứ thế tiếp tục. Thế là trong hình ảnh thế giới xuất hiện mê lộ của các bí ẩn chồng lấp lên nhau, nhưng không có lối ra, nghĩa là không tồn tại một bí ẩn duy nhất, to lớn, cuối cùng. Điều này gợi nhớ đến lý thuyết hậu hiện đại, theo đó ý nghĩa luôn bị trì hoãn, liên tục trượt lùi tiếp tục, mọi việc đều được xác định bởi một điều gì đó khác, điều đó lại được giải nghĩa bằng một việc khác, và cứ thế quay tròn tới vô cùng.”

Ngôi sao lạ trên bầu trời văn chương đương đại Hungary

Krasznahorkai László sinh năm 1954 tại Gyula, một thành phố miền Đông Nam Hungary, là nhà văn tự do từ năm 1982.

Ông có lối hành văn khác lạ, các câu văn dài, nhiều khi rắc rối, trùng lặp, dồn dập như những dòng nham thạch phun ra từ ngọn núi lửa sôi sục là tâm hồn bí ẩn và trí tưởng tượng phong phú, kỳ dị của ông. Các nhà phê bình, văn giới và bạn đọc Hungary cũng đánh giá về ông rất khác nhau. Bên cạnh những nhìn nhận tích cực, nhiều ý kiến cho rằng ông có cái nhìn bi quan, tiêu cực về thế giới hiện tại và tương lai của nền văn minh nhân loại. Nhưng ông tự nhận mình là người đứng ngoài dòng chảy của văn chương chủ đạo Hungary và dường như ông ít quan tâm đến những ý kiến đó. Ông luôn hoài nghi, tự đặt câu hỏi không biết mình có đích thực là một nhà văn hay không. Theo ông, thực ra trong suốt cuộc đời cầm bút, ông chỉ viết một cuốn sách, chỉ theo đuổi, chỉ đi tìm một hình ảnh mập mờ, một ảo ảnh, lúc ẩn lúc hiện nào đó. Ông nói: “Các nhân vật của tôi tìm kiếm không mệt mỏi và sẽ còn tìm kiếm trong một mê lộ, mê lộ đó không là gì khác hơn là nơi họ mắc sai lầm và là nơi con người ta chỉ có thể có một mục đích duy nhất: hiểu ra sai lầm này và cấu trúc của nó. Họ trực tiếp đi tìm nguyên nhân sự bất an của mình, đi tìm phương thuốc chữa lành nỗi đau của mình, hay ít ra cũng để nhận ra rằng không có phương thuốc nào cho vết thương của họ…”

Krasznahorkai László là nhà văn xê dịch nhiều, cuộc đời ông liên tục là những chuyến đi xa, những chuyến khám phá các miền đất lạ. Chẳng hạn để viết tiểu thuyết Chiến tranh và chiến tranh (1999), ông đã bỏ ra mấy năm đi khắp nhiều nước Châu Âu và Mỹ, đến hầu hết những địa danh mà ông đề cập tới trong cuốn sách. Từ đầu những năm 1990, sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, ông thường xuyên thay đổi chỗ ở, từ Âu sang Á.

Quan tâm đặc biệt tới văn hóa Á Đông cổ đại, ông đã nhiều lần tới Mông Cổ, Trung Quốc và Nhật Bản, có những chuyến đi kéo dài tới nửa năm trời. Rất mê Lý Bạch và thơ Đường, ông đã đi bằng tàu hỏa, tàu thủy và cả đi bộ qua những vùng mà ông gọi là “Trung Hoa cổ điển” như quê hương Khổng Tử và Lý Bạch, tiếp xúc với nhiều người dân Trung Quốc đủ các tầng lớp. Ông đã hỏi trực tiếp khoảng 300 người Trung Quốc chỉ duy nhất một câu hỏi: Ngày nay, đối với họ Lí Bạch có ý nghĩa gì?, để tìm hiểu về ý nghĩa và tác động của văn chương đích thực tới hậu thế.

Các tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được giới phê bình văn học quốc tế đánh giá cao và và rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây như Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản. Nữ nhà văn Mỹ Susan Sontag gọi ông là “bậc thầy Hungary khiến người ta nhớ tới Gogol và Melville tiên tri”.

Ông đã giành nhiều giải thưởng văn chương danh giá trong nước và quốc tế, trong đó có Kossuth (2004), giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật của Hungary; giải Bestenliste-Preis (1993) cho sách hay nhất trong năm tại Đức; giải America Award in Literature (2014); giải Man Booker International (2015).

Giáp Văn Chung

------------
* Krasznahorkai László: Chiến tranh và Chiến tranh, người dịch: Giáp Văn Chung; Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam, NXB Văn học, 2017.

(Nguồn: Tạp chí Tia Sáng)