Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương
Cuốn sách mới "Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn" của Huỳnh Như Phương (NXB Hội Nhà văn - Viện Giáo dục IRED, 2019) tập hợp 21 bài tiểu luận phê bình về những hiện tượng (tác giả, tác phẩm) và vấn đề mà ngày nay người ta ít bàn tới hoặc lưỡng lự khi bàn tới.
Có một "gia tài" gồm nhiều tác phẩm (giáo trình, chuyên khảo, bài báo khoa học, tản văn…), nhưng cứ độ 1-2 năm Huỳnh Như Phương lại cho ra một cuốn sách mới thuộc một thể loại nào đó: nghiên cứu, phê bình, sáng tác. Ở thể loại nào, sách của ông cũng có lượng độc giả nhất định.
Cuốn sách mới "Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn" của Huỳnh Như Phương (NXB Hội Nhà văn - Viện Giáo dục IRED, 2019) tập hợp 21 bài tiểu luận phê bình đã công bố trong vòng mươi năm trở lại đây về những hiện tượng (tác giả, tác phẩm) và vấn đề mà ngày nay người ta ít bàn tới hoặc lưỡng lự khi bàn tới, so với những hiện tượng vốn được đề cập và đào xới từ lâu. Chẳng hạn, ông trải lòng mình về những giấc mơ văn học khi nhắc đến 3 nhà thơ có số phận khác nhau của quê hương Quảng Ngãi (Bích Khê, Nguyễn Vỹ và Tế Hanh), vùng đất vốn mờ nhạt trên bản đồ văn chương Việt Nam; nói đến Nhất Hạnh - thiền sư, thi sĩ; Thế Nguyên - nhà văn công giáo dấn thân trước 1975; Chinh Ba - nhà văn viết truyện ngắn có sức ám ảnh; Lữ Quỳnh - nhà văn, nhà thơ với "nỗi buồn bàng bạc khắp các trang văn"; Tam Ích - nhà phê bình có khuynh hướng xã hội, lại là người bi quan trước thời cuộc…
Tôi nhìn thấy trong cuốn sách này tâm thức bình ổn, vượt thoát khỏi những hệ lụy vinh quang trong cách lựa chọn đối tượng và cách thể hiện. Phải đến một lúc nào đó, khi đã bớt mê say hăm hở với những hiện tượng thời thượng, với những đề tài hay nhân vật "dòng chính", ông mới có thể viết về Trần Mai Châu bằng sự đồng cảm sâu sắc. Đó là một nhà thơ lận đận có số phận như một kẻ bên lề của văn học mà đến gần cuối đời, lòng yêu mến văn chương mới làm sáng lóe lên nét tài hoa của một dịch giả: "Gặp lại những người bạn cũ thời "Dạ Đài", Trần Mai Châu chắc cũng nhận ra văn chương đã khiến không ít người tơi tả. Nhưng có lẽ khát vọng thơ ca vẫn âm ỉ ở một góc nào đó của tâm hồn văn nhân, chỉ chờ dịp bùng cháy trở lại" (tr.39). Hay như cách phát hiện và nâng niu hồn thơ Đỗ Hồng Ngọc cũng khiến ta cảm động: "Đỗ Hồng Ngọc chọn thơ ca và chọn nhi khoa là phải lắm. Ông chăm sóc thơ như chăm sóc tuổi thơ và chăm sóc tuổi thơ như chăm sóc mầm thơ. Ông không xem thơ như mục đích tự thân, cũng không xem thơ như một công cụ, mà để thơ tựa vào cuộc đời, tựa vào tình người. Câu thơ của ông chan hòa, giản dị, như tự bật ra từ trái tim, khi thấy lòng mình đã lên tiếng vừa đủ, thơ ông nhẹ nhàng rút lui hay ẩn mình trong khói sóng" (tr.74).
Đọc sách của Huỳnh Như Phương, ta không nhìn thấy những cơn lên đồng về chữ nghĩa nhưng trang văn nào cũng thấm tình cảm, cũng có chỗ gợi nghĩ suy và liên tưởng. Sự chắt lọc và điềm tĩnh là những đặc điểm của văn ông. Ông không bao giờ viết loại "hư văn" với câu chữ bay bổng chiều chuộng lòng người.
Trong bài tựa "Sự điềm tĩnh của lý trí", Mai Sơn chú ý đến sự dung hòa và tinh thần nhân văn của cuốn sách, ở đó khó tìm thấy sự phấn khích hay quá khích trong nhận định, bình luận. Nhưng đây cũng không phải là cách nhìn chiết trung mà là nhìn nhà văn, tác phẩm từ nhiều góc độ, nhiều chiều kích để giữ sự đúng mực trong phê bình. Điều đó thể hiện trong nhận định về con người và sáng tác văn chương, về "tình thế lưỡng nan" của những người làm nghiên cứu văn học, về mối quan hệ giữa báo chí và phê bình, đặc biệt là trong thời buổi văn học đối mặt với những thử thách của toàn cầu hóa.