Vũ và Trang là hai nhân vật chính của Nhụy khúc. Những chàng trai cô gái tuổi hai mươi, nhưng mang trong mình đầy ắp những tâm sự u uất bởi những tổn thương trong quá khứ. Họ gặp nhau tại một tiệm sách cũ, nơi Trang là nhân viên còn Vũ là khách hàng. Cả hai dần trở thành bạn. Một ngày kia, Vũ bất ngờ tự tử. Trước khi chết cậu nhờ Trang đi tìm một người đàn ông. Trang thực hiện lời hứa với người đã khuất, bắt đầu bước vào một hành trình khám phá, từ từ lật mở những trang sử tưởng như đã chìm vào dĩ vãng.
Nhụy khúc không phải là một cuốn tiểu thuyết thiên về việc kể và xây dựng cốt truyện. Câu chuyện của Vũ, hay của Trang dường như chỉ là một cái cớ để tác giả giãi bày những suy nghĩ và chiêm nghiệm của bản thân về cuộc sống, nhân sinh và sự xoay vần, biến động của thời cuộc thể hiện rõ nét bằng những câu chuyện đã trở thành một phần của lịch sử.
Khai thác mạnh kỹ thuật “dòng ý thức”, tiểu thuyết của Đinh Phương rất ít sử dụng các đoạn hội thoại, mâu thuẫn, hay diễn tả quá nhiều chuỗi hành động của nhân vật. Xuyên suốt cuốn tác phẩm là những dòng suy tưởng miên man của cái tôi cá nhân.
Nhụy khúc còn là hành trình đi tìm lại “phố Chìa” một địa danh dường như đã biến mất bởi sự hoen mờ của tháng năm lịch sử. Những gì còn sót lại khiến nhân vật Trang nửa tin, nửa ngờ, ngỡ lạc vào mê cung. Sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại cùng những suy niệm không ngừng từ nhân vật khiến không gian của cuốn tiểu thuyết hư hư, thực thực mà đậm chất thơ.
Đinh Phương đã khéo léo đưa những câu chuyện lịch sử như khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học, hay cuộc di cư diễn ra ở miền Bắc vào năm 1954 được biết đến với cái tên “Hành trình tự do” đan cài khéo léo vào trong tác phẩm của mình. Nhưng cuốn sách “lạ” ở chỗ anh không kể lại câu chuyện lịch sử như cách mà nhiều nhà văn đi trước đã làm. Tác giả đã đưa những quan điểm và góc nhìn cá nhân của một con người đang sống ở hiện tại vào sự kiện đã qua. Đó cũng là cách mang lại cho lịch sử một đời sống mới.Trở đi trở lại trong tiểu thuyết là hình ảnh của “cỏ nhụy khúc” , một thứ cỏ mọc lên từ những nấm mộ, hoang dại và tràn đây sức sống. Loài cây mà thoáng qua ta cứ ngỡ nó chỉ là thứ cỏ dại mỏng manh. Nhưng bên trong vẻ yếu ớt đó là sức sống mãnh liệt, khiến cho con người không thể xóa bỏ một cách triệt để. Đây là cách để tác giả đưa ra một ẩn dụ về lịch sử. Lịch sử đôi khi không còn tồn tại trong sử sách, nó chỉ mơ hồ trong những câu chuyện kể mà đôi lúc con người ta vô tình lãng quên, nhưng lịch sử không bao giờ bị xóa bỏ hoàn toàn, nếu nó đã từng tồn tại.
Nhụy khúc là sản phẩm sáng tạo đầy mới lạ của Đinh Phương. Cái mới, cái lạ và cá tính của tác giả được thể hiện từ cấu trúc tiểu thuyết, giọng điệu đến cách xây dựng nhân vật. Ta có thể gọi Nhụy khúc là một “siêu tiểu thuyết” (metafiction) bởi trong khuôn khổ hơn 200 trang nó mang tới nhiều câu chuyện và thông điệp. Chúng đan cài vào nhau tạo nên một bản giao hưởng của ngôn từ. Cuốn sách không dành cho người đọc vội, tác phẩm đòi hỏi ở người đọc sự suy ngẫm để bóc tách ý nghĩa trong từng lớp ngôn từ ấy.
Đinh Phương sinh năm 1989, tên thật là Nguyễn Trọng Hưng. Anh là một nhà văn trẻ đam mê lịch sử. Trước khi Nhụy khúc ra đời, tác giả đã sáng tác nhiều truyện ngắn lấy cảm hứng từ các sự kiện lịch sử. Anh đã đoạt giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ Quân đội với hai tác phẩm Chiều ký ức phủ gai vàChuyến trở về của cỏ. Hiện nay Đinh Phương đang là BTV tại báo Hạ Long (Quảng Ninh).