Dịu mát Nguyễn Ngọc Tư

18.06.2015

Dịu mát Nguyễn Ngọc Tư

Sông là dao, núi là dao, và cánh đồng, cây cầu, mảng rào, cánh cổng, con tàu đều bén ngót, cắt ngọt. (Ghi trên điểm gãy, Nguyễn Ngọc Tư).

Tư viết trên báo về sắp đặt chiến tranh ở tận xứ Hàn. Tư in trên báo Sài Gòn, tuyển thành tập từ năm 2008, nay 2015, Kim Đồng lựa lại, lọc bớt và tái xuất bản chỉ còn 21 tạp văn.

 ngó mưa miên man nhỏ xuống một bờ rào đá, tôi có cảm giác, chỉ chút nữa thôi đá sẽ mềm nhão ra như đất ở quê mình. Nhưng mưa đã triệu năm rồi, đá vẫn vĩnh cửu trên hòn đảo xinh đẹp này… đá hờ hững gá lên nhau ngăn những thửa đất cây cỏ xanh mầm, đá quây lấy những đồng cỏ chăn thả ngựa. Đá xếp làm tường nhà, làm biển hiệu quán ăn, làm cọc tiêu những con đường dọc bờ biển và cả một công viên đá đi mỏi giò chưa hết. Jeju “đãi” người yêu đá đến no căng, ngây ngất. (“Sỏi đá buồn tênh”).

Cái kiểu nhìn của Tư như kiểu nghiêng đầu, nheo mắt rồi cười nhả nhẹ đi một cái lúc Tư thấy đá. Tư yêu tới đắm chìm, nhưng viết về đá (nặng vậy) cứ nhẹ như không. “Biển của mỗi người”, vẫn cái tựa cũ, nhưng minh họa khác. Vẫn là tập hợp thủa trước, nhưng không đăng lại lời dẫn. Độc giả Bắc nếu chưa có dịp cầm sách Nam, thì đây là lúc để “giữ” Nguyễn Ngọc Tư và “bày” trong tủ sách.

Sa mưa, rạ rơm sống một cuộc đời khác, của những hóa thân. Rạ hòa trộn vào bùn nhão nuôi dưỡng những mầm xanh nhuốt. Bầy gà tìm trùn đất, bươi đống rơm ướt vung vãi ra sân. Đống lúa lép, bùi nhùi mấy con vịt Xiêm đã sục sạo suốt mùa gió chương, bỗng mọc lên mấy chòm lúa mỏng mảnh, xanh xao. (Rơm rạ xốn xang).

Tư dùng từ lúc nào cũng khác. Như kiểu chỉ có mình Tư. Sau này có một số người bắt chước lại, nhưng dường như chỉ bắt được chút cái nhịp cái giọng của Tư, chứ còn từ là khó dùng lại hoặc sáng tạo khác đi được. Tư nhìn thấy rơm rạ không chỉ mỗi cái màu vàng ươm nắng, rơm của Tư “đã dẻ dặt, xạm màu nắng”, “rơm se khô một chút, vàng sẫm hơn một chút, giòn hơn một chút”, “giữa mùa mưa rơm ngả sang màu đất”, “cái màu vàng ngày cũ đã tự cháy để tái sinh vào màu xanh rượi của cỏ cây”.

Sáng mồng Một, ông đóng cửa, khép rào và làm một chuyến tới mênh mông. (Biển của mỗi người).

Đọc Tư cứ phải đọc đi đọc lại. Không phải là Tư khó hiểu, mà văn của Tư có cái gì đó cứ xa xăm, ngấm dần dần mỗi lần đọc. Mỗi lần lại thấy nhưng cái buồn của Tư, buồn mà đâu phải có buồn, ngẫm về quá khứ mà thật ra để có một món “quà quý” nhìn tiếp về tương lai.

Tôi có dịp được hỏi Tư một câu về cuốn tiểu thuyết “Sông”, thấy yêu những từ tốn, điềm đạm và tự nhiên của Tư năm 2012. Đọc xong “Biển của mỗi người” cứ thấy mọi thứ thật dịu, dịu mát như sau cả chuỗi ngày nắng, có chút lạnh sâu của trận bão, dù biết sẽ rất buồn.

Còn một chi tiết nho nhỏ, bản thân Tư cũng thấy rất sung sướng, khi thời xăng tăng, gạo đắt này, mà giá một cuốn sách của Tư chỉ có trên hai chục ngàn (23.000 đồng). Không được nghe Tư trực tiếp nói câu đó, nhưng mà đọc Tư, cứ hình dung cái kiểu cười ngất của Tư nó thế nào (!). 

(Tienphong.vn)