Thời kỳ hậu Corona – Luôn có cơ hội trong khủng hoảng
SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ VÀ CUỐN SÁCH
Scott Galloway là một doanh nhân và là Giáo sư Marketing tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và cũng chính là tác giả của cuốn sách The Four – Tứ đại quyền lực nổi tiếng cách đây không lâu khi ông giải mã mô hình kinh doanh của bốn công ty hàng đầu thế giới: Amazon, Google, Facebook và Apple. Cuốn sách tiếp theo này của ông được phát hành chưa đầy một năm sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, để lại biết bao nhiêu hậu quả tàn khốc trên toàn cầu. Scott đã lột tả một cách chi tiết về hệ thống kinh tế và những mô hình kinh doanh đã và sẽ tăng tốc ra sao trước và sau đại dịch. Là một giáo sư đại học kỳ cựu, ông đã dành hẳn một chương trong cuốn sách nói về giáo dục đại học của Mỹ dưới tác động của đại dịch và những dự báo trong tương lai về lĩnh vực này. Cuối cùng ông nêu ra những vấn đề của nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản, từ đó chỉ ra vai trò quan trọng của chính phủ trong việc điều chỉnh các khiếm khuyết của thị trường và tạo ra công bằng cho mọi đối tượng trong xã hội.
NHỮNG ĐIỀU RÚT RA TỪ CUỐN SÁCH
Dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng trên thế giới và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội. Thế nhưng tác giả không cảm thấy bi quan về những gì đang diễn ra dưới tác động của đại dịch, mà hơn thế nữa ông nhìn thấy được những cơ hội trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Theo ông thì “Cơ hội lớn nhất sẽ là ở những nơi mà đại dịch đang khiến nó thay đổi nhanh chóng”. Nội dung phân tích sắc sảo cùng những dẫn chứng và số liệu cụ thể trong cuốn sách sẽ làm cho người đọc suy ngẫm về những cơ hội trong tương lai.
Covid-19 dẫn đến nhiều công ty bị phá sản mà theo ông đó là quy luật đào thải của đại dịch toàn cầu, nhưng nghịch lý thay trong bối cảnh này vẫn có những công ty đã mạnh lại càng mạnh thêm. Đó chính là những công ty công nghệ lớn mà dẫn đầu là Amazon, Apple, Facebook, Google, Microsoft và Netflix. Tại sao những công ty này thành công như vậy? Tác giả đã chỉ ra đó chính là sự đổi mới sáng tạo trong kinh doanh để tạo ra thế độc quyền về công nghệ mà cơ chế quản lý nhà nước hiện nay dường như bất lực. Với thế độc quyền này, các công ty tạo ra cái mà Scott gọi là “bánh đà” làm tăng thêm sản lượng và doanh thu nhưng không làm tăng thêm yếu tố đầu vào hoặc làm tăng thêm chi phí. Amazon là một ví dụ điển hình trong phân tích của tác giả: “Amazon đã tìm ra hàng nghìn thủ thuật để bán hàng giá rẻ và đưa chúng đến tay bạn nhanh chóng”; “Bánh đà tối thượng của Amazon chính là Amazon Prime. Gói đăng ký này quyến rũ những người mua sắm muốn có nhiều loại sản phẩm và được giao hàng nhanh”. Các công ty công nghệ không còn được nhìn nhận một cách thông thường như trước đây là những công ty kinh doanh cung cấp phần cứng và phần mềm cho các công ty khác trên thị trường, mà bây giờ đã được xem như là những công ty công nghệ kinh doanh trong những lĩnh vực khác nhau. Apple đâu còn được xem như là một công ty chỉ chuyên bán máy tính hay điện thoại nữa, họ đã nhảy vô cả lĩnh vực sản xuất các chương trình truyền hình đó chứ. Hay như Google đâu chỉ quá nổi tiếng với công cụ tìm kiếm hàng đầu trên thế giới và các dịch vụ trực tuyến miễn phí như Gmail, Google Drive hay Youtube mà giờ đây Google còn phân phối cả phim ảnh và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Công nghệ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của các mô hình kinh doanh hiện nay, cũng chính vì vậy theo tác giả thì nhiều công ty kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau thực tế lại là những công ty về công nghệ. Amazon, Uber hay Airbnb có vẻ hoạt động như là những công ty bán lẻ, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe hay là đại lý cho thuê nhà nhưng thực chất lại “là những công ty công nghệ, chỉ khác nhau về ngành công nghiệp mà họ đã chọn để triển khai công nghệ của mình”. Scott không chỉ là một giáo sư đại học đơn thuần mà ông còn là một nhà doanh nhân kỳ cựu nên trong cuốn sách này ông đã lột tả được mô hình kinh doanh của bốn công ty công nghệ Amazon, Apple, Google và Facebook khi những công ty này đang thống trị thị trường trong cơn đại dịch và chỉ ra rằng chính đại dịch lại càng thúc đẩy sự thống trị này. Ngoài ra, theo Scott, đại dịch sẽ còn tạo ra cơ hội đột phá trong những lĩnh vực khác như giáo dục đại học và chăm sóc sức khỏe. “Đại dịch đã lột trần điểm yếu của các ngành kinh doanh mà sự đổi mới của họ chỉ là tăng giá”. Chính vì vậy để tồn tại trong đại dịch, các công ty cần phải linh hoạt và chấp nhận sự thay đổi một cách nhanh chóng, thoát ra khỏi lối kinh doanh truyền thống tồn tại lâu đời trước khi có đại dịch. Thật là thú vị khi trong cuốn sách này ông phát triển thuật toán T (dịch từ tiếng Anh “trillion” nghĩa là “nghìn tỷ”) mà chính ông đã từng đề cập trong cuốn sách nổi tiếng The Four – Tứ đại quyền lực trước đây của mình, bao gồm 8 yếu tố giúp một công ty có cơ hội định giá nghìn tỷ đô la: hấp dẫn với bản năng của con người, chất xúc tác, cân bằng giữa tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận, gói doanh thu định kỳ, mở rộng ngành theo chiều dọc, sản phẩm dạng lão hóa ngược, kể chuyện có tầm nhìn, dễ gây cảm tình. Chúng ta sẽ thấy những cái tên rất quen thuộc của những công ty điển hình mà ông cho rằng có sử dụng thuật toán T và có khả năng tạo ra sự đột phá trong ngành nghề kinh doanh ví dụ như Netflix, Spotify, Tesla, Twitter và TikTok. Nếu chúng ta nhìn vào số lượng người thường xuyên xem phim trên Netflix hiện nay hay nhìn vào số lượt xem video của những người nổi tiếng trên TikTok thì phần nào cũng phỏng đoán được sự thành công của hai công ty này về lượng khách hàng và người sử dụng. Tóm lại, đại dịch đã, đang và sẽ trở thành một động lực thúc đẩy các công ty tăng cường đổi mới sáng tạo. Một lưu ý quan trọng mà Scott đề cập trong cuốn sách đó là các công ty cần phải chủ động xây dựng chiến lược quản trị khủng hoảng dựa trên điểm mạnh yếu riêng có và phải nhanh chóng xử lý những vấn đề phát sinh bởi vì “Chậm trễ trong hành động chỉ làm cho vấn đề thêm tồi tệ”
Cũng là một giảng viên đại học nên tôi cảm thấy rất hứng thú khi đọc và nghiền ngẫm một chương của cuốn sách dành riêng cho giáo dục đại học. Ngay câu đầu tiên của chương, ông đã không ngần ngại nhận định rằng “Không nhiều ngành nằm gần bờ vực thảm họa do Covid hơn là giáo dục đại học”. Một điều có lẽ chúng ta đều đồng ý về mức độ ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến lĩnh vực giáo dục nói chung đó là trong trường hợp người học không thể lên trường lớp dự học trực tiếp với người dạy để tránh sự lây nhiễm, và vì vậy dịch bệnh chắc chắn sẽ làm thay đổi cách thức đào tạo cho phù hợp với tình hình mới. Tác giả đã chỉ ra ngành kinh doanh giáo dục đại học của Mỹ đã đạt đến độ chín muồi để cần đến một sự đột phá bởi vì học phí thì ngày càng gia tăng nhưng chất lượng đào tạo thì không gia tăng đáng kể, hệ thống giáo dục đại học vẫn là một hệ thống phân chia đẳng cấp, hạn chế sự tiếp cận đến nhóm người có điều kiện thấp. Đại dịch xảy ra là một cú hích cho sự thay đổi trong cách thức giáo dục đại học. Ông viết “Trung tâm của sự cải tổ sắp đến trong giáo dục đại học là công nghệ. Cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, đại dịch đã buộc ngành giáo dục đại học phải áp dụng công nghệ dạy học từ xa vốn từng bị các giảng viên và cấp quản trị chống lại. Kinh nghiệm chúng ta có được trong giai đoạn này sẽ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ”. Giai đoạn ban đầu sẽ rất là khó khăn cho cả người học và người dạy để thích nghi. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nhận định của tác giả, đó là “Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong giảng dạy nhanh hơn” Tôi cũng đã phải tìm hiểu và sử dụng những nền tảng trực tuyến khác nhau cho công tác giảng dạy của mình, bao gồm Zoom, Google Meet, Microsoft Teams và BigBlueButton trong Moodle và buộc phải điều chỉnh cách thức truyền tải kiến thức trực tuyến cho phù hợp. Vai trò thay thế của hệ thống đào tạo trực tuyến trong đại dịch đã làm cho tất cả chúng ta suy ngẫm về mô hình giáo dục đại học trong tương lai khi tác giả đặt vấn đề rằng “Ngay cả khi hậu Corona và việc tiếp xúc gần được cho phép trở lại, việc tạm thời loại bỏ trải nghiệm đại học sẽ mang lại một câu hỏi: Có nhất thiết phải có trải nghiệm đại học hay không?”, và “Cuối cùng, chúng ta không thể bỏ qua rằng ngay cả đối với những người tham gia vào trải nghiệm đại học “truyền thống” với giảng đường và các khu tự học, ký túc xá, nhà ăn,… từ lâu đã có sự bất bình đẳng và kém hiệu quả. Sự đột phá là cơ hội để phục vụ cộng đồng rộng lớn hơn theo cách tốt hơn”. Việc nở rộ các khóa học trực tuyến mở với quy mô lớn (MOOC) hiện nay đang được cung cấp trên các nền tảng Coursera, edX, Udemy hoặc từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Harvard, Yale, Stanford và MIT phản ảnh phần nào sự thay đổi của mô hình giáo dục đại học trong tình hình mới.
Theo Scott, đại dịch càng đào thêm hố sâu bất bình đẳng của chủ nghĩa tư bản và vì vậy chính phủ cần phải can thiệp để hạn chế sự độc quyền và tạo ra cơ chế phân phối công bằng cho mọi đối tượng. Ông đã dành khá nhiều trang sách để phân tích những vấn đề mà chủ nghĩa tư bản tại Mỹ tạo ra. Những nội dung này trong cuốn sách có thể sẽ đưa đến những tranh luận đáng kể vì quan điểm chính trị của người đọc sẽ khác nhau. Vài trang cuối cùng của cuốn sách theo tôi rất là giá trị dù nội dung hết sức ngắn gọn về cách thức mà chúng ta cần làm để vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu: thứ nhất, tất cả mọi đối tượng ở mọi cấp độ và lĩnh vực cần phải sẵn sàng hy sinh cho nhau và gạt bỏ những lợi ích cá nhân để hướng đến sự thịnh vượng chung cho hiện tại và cho thế hệ tương lai; thứ hai, luôn có cơ hội trong khủng hoảng và chúng ta có quyền hi vọng vào một tương lai tốt đẹp – “Đại dịch, chiến tranh, suy thoái – những cú sốc này thật đau đớn, nhưng theo sau đó thường là những thời điểm thăng hoa nhất trong lịch sử nhân loại”; thứ ba, hợp tác là cách thức để cả nhân loại vượt qua cơn khủng hoảng toàn cầu; cuối cùng, chính chúng ta chứ không phải là ai khác chủ động để định hình và thay đổi tương lai.
KẾT
Cuốn sách Thời kỳ hậu Corona có lẽ không dành cho những đối tượng độc giả mong muốn có được một giải pháp hay một cơ hội kinh doanh cụ thể có tính khả thi trong và sau đại dịch. Đây lại càng không phải là cuốn cẩm nang thực hành trong kinh doanh mà độc giả kỳ vọng. Scott quả là “liều lĩnh” khi viết về đại dịch trong khi cơn đại dịch toàn cầu này vẫn còn chưa chấm dứt. Vì vậy độc giả không đồng tình ở một số vấn đề trong cuốn sách và thậm chí phản bác lại là điều không thể tránh khỏi. Theo tôi, những phân tích sâu sắc và luận điểm mạnh mẽ của tác giả đặc biệt có giá trị cho những đối tượng lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực và phạm vi khác nhau. Một cách tổng thể, nội dung cuốn sách đem đến cho chúng ta cách suy nghĩ và nhìn nhận về thế giới hiện tại cũng như trong tương lai. Đọc đến trang cuối cùng và suy ngẫm, tôi càng hiểu rõ hơn hai luận điểm của tác giả ở lời mở đầu của cuốn sách: “Đầu tiên, tác động lâu dài nhất của đại dịch sẽ là động lực tăng tốc”, và “Thứ hai, trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có cơ hội; khủng hoảng càng mạnh cơ hội càng lớn”. Cuốn sách đem đến cho người đọc một tinh thần đầy lạc quan về tương lai phía trước.
Tôi xin mượn câu trả lời của Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật về Covid-19 thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong bài nói chuyện tại Hội thảo TED vào đầu tháng 12/2021 để kết thúc bài viết này như sau: “Đó là điều mà tôi có thể nói chắc chắn vào lúc này rằng đại dịch sẽ kết thúc. Câu hỏi là khi nào. Và câu trả lời là: Tất cả chúng ta có thực sự cùng hợp tác với nhau không? Tất cả các nhà lãnh đạo có thực sự cùng nhau để đưa chúng ta lại gần nhau hơn không để chấm dứt cơn đại dịch hay là đẩy chúng ta ra xa hơn cái thời điểm kết thúc đại dịch?”
1. Phó trưởng khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh)
2. Nguồn: https://www.ted.com/talks/maria_van_ kerkhove_how_to_end_the_pandemic_and_prepare_ for_the_next, ngày truy cập: 19/12/2021
(baovannghe.com.vn)