Vân Khanh rụng hồn trong mắt Huế
Điệp khúc Huế cứ ru thức anh, chập chờn giấc ngủ tha phương. Tất cả đã làm nên một thứ chất liệu cho thơ, để ta thấy được rằng Vân Khanh nhớ Huế một cách rất riêng, với những hoài niệm sâu lắng, những thiêng liêng, những cổ kính, những điệu hát câu hò thấm đẫm tình quê...
Những năm tháng trở lại sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi thường lui tới các CLB thơ ca quận, huyện như thuỷ chung với cái nghiệp của mình. Tôi luôn để ý đến một người thơ khá đặc biệt, anh có lối sống giản dị mà không thiếu phần sang trọng và lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, quyến rũ, hay nở nụ cười bí hiểm mà ấn tượng, có lúc vồn vả ân cần, khi thì vô vị, khi thì kiêu bạc. Anh lặng lẽ mà sâu thẳm như dòng Hương Giang quê anh cứ chảy vào lòng người những nhớ thương, những lưu luyến. Tôi chưa thấy anh cao giọng lớn tiếng với ai bao giờ trong luận bàn thì cả, hay trong giao tiếp đời thường. Anh có một giọng ngâm thơ đầy truyền cảm và hấp dẫn người nghe. Hơn nữa đời người anh đã chuyển tải biết bao nhiêu những cảm xúc của thơ vào lòng công chúng, anh đã chắp cánh cho thơ Sài Gòn bay lên từ những năm tháng xa xưa. Đó là nhà thơ Vân Khánh cũng là một nghệ sĩ diễn ngâm được nhiều người biết đến.
Chàng trai Nguyễn Văn Khánh sinh năm 1945, giữa mùa ly loạn trên đất Huế. Anh đã sớm ly hương bằng cuộc hành trình về phương Nam, đầy gian truân cơm áo, qua nhiều vùng đất, nhiều nghề nhưng ấn tượng nhất là thời làm giáo viên, mà nay anh vẫn còn chập chờn tâm trí với bóng hồng xưa ấy trên con đò Thủ Thiêm: Xe đạp quay vòng đo năm tháng / Đời thanh tao trong gian khó nhọc nhằn / Bao thế hệ đi qua toả vào đời thơ mộng / Em vẫn giữ mình bên phấn trắng tường vôi / Chiều ngoại thành mây trắng thả chơi vơi / Nghiêng nón lá những bắt đầu tín hiệu (trong bài Cô giáo ngoại thành).
Hành trang phương Nam của anh luôn nặng trĩu quê nhà. Cây đa, bến nước, sân đình, làng quê, câu hò, trường cũ và hình ảnh cô láng giềng cuối thôn luôn luôn xuất hiện trong thơ Vân Khanh. Điệp khúc Huế cứ ru thức anh, chập chờn giấc ngủ tha phương. Tất cả đã làm nên một thứ chất liệu cho thơ, để ta thấy được rằng Vân Khanh nhớ Huế một cách rất riêng, với những hoài niệm sâu lắng, những thiêng liêng, những cổ kính, những điệu hát câu hò thấm đẫm tình quê. Chính cái gian khó, cái nghèo khổ của quê hương đã làm nên một Vân Khanh có sức chịu đựng vượt qua những thăng trầm, dâu bể của cuộc đời mà đi đến thành công. Ta hãy nghe Vân Khanh nhớ Huế: Khi núi là em tôi hoá thành mộng mị / Khi sông là tôi tri kỷ một vòng tròn / Cứ xô nhau ngày tháng để mong nhau / Bao dâu bể nay vẫn còn sóng sánh / Vẫn Ngự Bình nghiêng bóng xuống sông Hương (trong bài Sông Hương và Núi Ngự Bình), hoặc là: Chiều Thuận an tóc liễu mềm / Câu thơ nũng nịu bắt đền ngày xưa/ Nhớ ai Muống biển đong đưa / Tôi quen hoang dại trong màu mắt em / Vắng em con sóng vỗ thềm / Hôm nay biển lại hớ hênh với người / Yêu em giận biển trách trời / Ghét mây hờn gió - một đời - một tôi (trong bài Tôi - biển và em) và đây nữa: Nơi xứ lạ tôi lang thang tìm Huế / Rất tình cờ nhặt Huế trong mắt em.
Có thể nói rằng trong hai năm 2015 và 2016 anh đã cho ra đời hai tập thơ, mà cả hai tập đều có tựa đề về Huế, nhớ Huế. Đây cũng là một năng lực lao động sáng tạo nghệ thuật đáng được chúng ta trân trọng. Anh tìm Huế trong mắt em nhưng trong đôi mắt ấy không những có Huế của anh mà còn xuất hiện vô số vô cùng những hoàn cảnh, những nhịp đời khẩn trương có tính thời sự của một thành phố lớn nhất nước đang trên đà phát triển. Vân Khanh đã đưa vào văn chương những hình ảnh của thời đại: chiến tranh, hoà bình, xây dựng-phát triển, tính nhân văn, tính thuỷ chung và những mặt trái của cuộc sống ngày càng đa đoan rưng rứt lòng người. Ta hãy nghe anh tâm sự trong “Đêm Sài Gòn”: Sài Gòn đêm dễ ghét đến nỗi dễ thương / Nhớ nhớ quên quên cứ nao lòng du khách / Dẫu kiêu kỳ trong thầm kín thâm sâu / Con gái văn minh mỗi thời mỗi mốt / Gió thổi eo thon mát rượi ngang đầu.
Anh đã thấy mùa xuân về trong Viện Ung thư bởi những bàn tay thiện nguyện, bởi những tấm lòng rộng mở của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã thấy con sông Cửu Long buồn vì người ta khuấy động thượng nguồn, gây hạn hán và xâm nhập mặn ở hạ lưu. Anh đã thấy đất nước Việt Nam không phải chỉ hình chữ S mà còn muôn ngàn hòn đảo xa xôi, đang bị quân thù xâm lấn ở biên cương. Anh đã thấy những công trình kiến trúc mang tính thời đại mà Hầm Vượt Sông Thủ Thiêm đã đọng lại trong ta: Ấn tượng đường hầm Thủ Thiêm / Vượt sông Sài Gòn / Điểm nhấn văn minh Đông Nam Á / Hun hút gió những âm thanh là lạ / Âm vang người đi dưới đáy lòng sông. Anh đã thấy những người đi Lễ Chùa thời nay: Vuốt áo Phật vuốt lên đầu / Bao lần như thế thành câu răn mình / Nghe tiếng kệ chạm lời kinh / Ra về lạc phố thình lình nhân gian.
Anh đã dắt Chiều qua thành Nội khiến cho ta chạnh lòng với chế độ phong kiến chưa xa lắm mà đã vang bóng một thời: Làm vua giờ lại thuê ngôi / Đâu như xưa nữa đứng ngồi kiếm cung / Aó bào lóng lánh màu nhung / Mười lăm phút vẫn ung dung một thời, hoặc là: Bây giờ Sĩ tử về đâu? / Gió xưa lành lạnh ngang đầu linh thiêng / Cố đô - chiều muộn niềm riêng / Có con tuấn mã vấp miền hoa rêu. Thơ Vân Khanh giàu cảm xúc, đa đề tài, tinh tế, và sâu lắng. Có thể nói rằng tập thơ Huế tìm trong mắt em là một thông điệp tình thương mến thương Vân Khanh đã gửi đến cho chúng ta những nỗi niềm những trăn trở của đời thường mà rất thơ. Về hình thức trong tập này anh đã cập nhật ngày tháng ra đời của tác phẩm. Đây cũng là vấn đề mà từ lâu thi ca đã luận bàn. Trong bài thẩm bình về tập Mê hồn ca của nhà thơ Đinh Hùng, Giáo Sư Phạm Việt Tuyền có nói: “Con người ta không phải là sản phẩm của hoàn cảnh, nhưng giấy khai sinh là tờ hộ tịch căn bản của đời người. Một tác phẩm nghệ thuật là một ngôi nhà, một bản đàn, một bức tượng, một tấm tranh, một bài thơ đánh dấu một tâm trạng cá nhân, một trường hợp cá biệt trong tiểu sử của một người và nó có giá trị như một viên gạch một hòn đá để xây dựng cái mốc của sự tiến triển về nghệ thuật hay lịch sử. Người ta có thể nhận biết được sự tiến triển nghệ thuật của một nhà thơ qua cái mốc thời gian sáng tác của họ. Có thi thì có thoại. Giai thoại hoặc ngày tháng ra đời của tác phẩm đều làm cho người đọc cảm nhận và thẩm thấu thi ca một cách thích thú hơn”.
Tình yêu là cứu cánh của hai nữa nhân loại, nó vô cùng vô tận, ngàn đời nay vẫn chưa ai cắt nghĩa được đến ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng phải thốt lên “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều / Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt / Bằng hương nhè nhẹ gió hiu hiu”. Vậy mà Vân Khanh cũng như bao nhiêu người làm thơ khác đều phải vướng vào đây. Nhưng mỗi người đều có cách biểu hiện khác nhau. Những người con gái xuất hiện trong thơ Vân Khanh khi thì nguyên mẫu, khi thì mơ hồ, nhẹ nhàng mà thăm thẳm và sâu lắng: Hồn quê thanh tiếng sáo diều / Cô em nghiêng nón liêu xiêu giọng hò / Ngày em nhan sắc qua đò / Tôi còn mê mải sông hồ phiêu linh (trong bài Mỹ Á). Và đây một nguyên mẫu của anh: Từng bước dìu nhau giữa cuộc đời / Ơi người tri kỷ của tôi ơi / Đã tìm đã thấy trong lòng mắt / Một cánh chim xuân một biển trời (trong bài Tặng vợ).
Hình như trong thơ người ta thấy hình ảnh quê ngoại và người mẹ xuất hiện thường xuyên hơn là quê nội và người cha. Ở đây trong thơ Vân Khanh luôn hoài niệm về người cha rất mực của mình: Hai lăm năm cũ tưởng đâu đây / Đạo đức Cha ươm để lại dày / Con cháu đời sau đầy hạnh phước / ơn cha huý nhật nén hương này (trong bài Hoài Niệm) và anh cũng luôn luôn trăn trở, nhớ thương đến công ơn biển trời của người mẹ: … Rồi thời gian qua nhanh / Mẹ lại chậm dần / Bao nhiêu sức lực của Mạ / Đã kết tinh vào ngày nay của chúng con khôn lớn nên người / Thương mẹ những ngày hoàng hôn tuổi hạt tà dương … và anh đã khắt sâu vào tâm trí của mình: …Giữa hai cơn đau Mạ đã cho chúng con nên phận làm người / Giờ đâu nữa để đáp đền hiếu thảo / Mạ biển trời đâu thước tấc nào đo.
Trong giới hạn của trang viết tôi chưa nói hết những gì đáng nói cho thơ Vân Khanh, xin trân trọng những cảm nhận tiếp theo của quý vị, các anh chị và các bạn, để Vân Khanh có điều kiện tiếp tục cuộc hành trình thi ca của mình.
Xuân Trường
(nhavantphcm.com.vn)