Đỉnh Khói - Tìm niềm vui trong nỗi buồn
“Đỉnh khói” là tập truyện ngắn của tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa, NXB Văn hóa Văn nghệ xuất bản quí I-2015. Trong đó, có chùm truyện ngắn: “Thôi mùa cỏ cháy”, “Hương thôn dã”, “Đỉnh khói” đã giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 2013-2014.
Tập truyện gồm 8 truyện ngắn, được chia làm 3 phần: “Cỏ”, “Bụi” và “Khói” - những cái tên mong manh, dễ tan biến, gợi cho độc giả dự cảm buồn về những gì sắp đọc. “Thôi mùa cỏ cháy”, “Hương thôn dã”, “Đỉnh khói” được xem là những truyện hay nhất trong tập sách không chỉ vì đây là những tác phẩm đoạt giải mà còn vì toát lên tinh thần của cả tập truyện. Đó là tinh thần đấu tranh bền bỉ của những phận người bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ.
Nếu “Hương thôn dã” là lời tự sự của Tuyên phi Đặng Thị Huệ thời Chúa Trịnh, “Đỉnh khói” là số phận chua chát của Năm Thúy trong chiến tranh chống Mỹ thì “Thôi mùa cỏ cháy” là sự ghép nối của những mảnh đời cùng quẫn trong thời hiện đại. Ba bối cảnh xã hội khác nhau, ba thân phận khác nhau nhưng tất cả có chung một nỗi niềm: khát khao hạnh phúc, đoàn viên.
Sau những mưu quyền đoạt vị, những đấu đá chốn hậu cung, Tuyên phi Đặng Thị Huệ khiến người đọc cảm thương không phải do chuỗi ngày cô độc, lạnh lẽo nơi lãnh cung mà bởi sự khắc khoải nhớ quê hương, nhớ hương thôn dã qua từng nắm chè quê nhà; là nỗi nhớ chồng, thương con khi gia đình bị chia lìa... Trong khi đó, Năm Thúy, cô gái bị mẹ bỏ rơi trong truyện “Đỉnh khói” lại luôn đau đáu một ngày mẹ và em trai sẽ quay về tìm mình. Dù trải qua nhiều sóng gió thời cuộc và bị giày vò bởi những gã đàn ông mua vui, cô vẫn kiên định niềm tin, bám trụ mảnh đất nơi bị bỏ rơi để hy vọng ngày đoàn viên. Còn với mợ Ba của “Thôi mùa cỏ cháy”, những tưởng thoát kiếp “gái bán hoa”, sẽ có hạnh phúc với người chồng tàn tật hết dạ yêu cô. Vậy mà, số phận một lần nữa trêu ngươi khi tai nạn năm xưa đã cướp đi khả năng làm chồng, làm cha của cậu Ba, khiến hai vợ chồng luôn sống trong nỗi dằn vặt và những tiếng thở dài. Cả ba người phụ nữ ấy đều không chịu khuất phục trước số phận nghiệt ngã, đều gượng đứng dậy sau giông tố cuộc đời. Niềm hy vọng đã tiếp sức cho Năm Thúy đi qua chiến tranh cho đến ngày đất nước được giải phóng dù cơ hội đoàn viên mỏng manh như những làn khói. Nỗi khát khao làm mẹ khiến mợ Ba can đảm ra đi và mãn nguyện trở về với một đứa bé sơ sinh, dù không phải do mình sinh ra. Tình thương con giúp Tuyên phi sống mong ngày đoàn tụ và bà chỉ chấp nhận nhắm mắt xuôi tay khi biết tin con mình không còn trên dương thế...
Nghị lực của những người phụ nữ tiếp tục được tác giả lột tả trong “Tiếng đất”, “Chung dòng”. Ở những tác phẩm này, bi kịch gia đình được tô đậm, làm nổi bật khí chất và tình cảm của các nhân vật nữ. Trong khi đó, truyện “Giấc mơ đá vỡ” và “Khói tàn trên tháp” lại đề cập đến nỗi đau của chiến tranh. Nỗi đau tuy cũ nhưng luôn khiến con người day dứt khôn nguôi...
Dù viết về vấn đề gì hay bối cảnh nào, truyện của Nguyễn Thị Kim Hòa vẫn gây ấn tượng mạnh với người đọc. Ấn tượng không chỉ bởi thân phận con người trong truyện mà còn vì cách dùng câu chữ đắt, giàu cảm xúc khi tả tình, tả cảnh; cách dẫn dắt người đọc đi vào thế giới nội tâm của nhân vật nhẹ nhàng và tinh tế; cách mang đến bất ngờ ở những tình tiết cuối... Trên hết là trong những câu chuyện buồn ấy, người đọc vẫn tìm thấy những niềm vui, những tia sáng của sự lạc quan và hy vọng về một ngày mai tốt đẹp.
Cát Đằng
(http://nhavantphcm.com.vn)