Xứ Quảng trong tấm lòng Phạm Phú Thứ
Trong bộ Giá Viên thi thảo đồ sộ, Phạm Phú Thứ viết về nhiều địa phương trong nước và nhiều nước trên thế giới nhưng hiếm có nơi nào ông dành nhiều tình cảm trong thơ như quê nhà Quảng Nam. Đọc thơ ông viết về xứ Quảng, không khó để nhận ra trong đó biết bao niềm yêu quý, tự hào cùng nỗi nhớ thương, ưu tư, lo lắng. Đó là những vần thơ đặc sắc, cảm động về đề tài quê hương trong nền văn học nước ta.
- Xứ Quảng trong niềm yêu quý, tự hào của Phạm Phú Thứ
Là vị trọng thần của triều đình, từng kinh lý nhiều nơi, đến nhiều địa phương có bề dày về truyền thống văn hóa trong nước (Huế, Nghệ An, Hà Nội…) cũng như nhiều trung tâm văn minh của nhân loại (Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, châu Âu…) thế nhưng hiếm có nơi nào mà Phạm Phú Thứ lại nhắc đến với niềm yêu quý, tự hào lớn như Quảng Nam. Thực tế, trong Giá Viên thi thảo, những vần thơ với cảm hứng tự hào, yêu quý tập trung phần lớn vào đề tài Quảng Nam nói lên điều này.
Trước hết, Giá Viên tự hào về vẻ thanh bình, tươi đẹp, hùng vĩ của quê hương mình. Trong thơ ông, có rất nhiều cảnh đẹp của Quảng Nam được nói đến với tấm lòng đầy yêu quý, trân trọng. Chẳng hạn, đó là cảnh núi rừng Trà Úc đẹp như tranh trong bài Thừa hiểu tựu quan thuyền bạc xứ: Mãn giang đồn cổ báo thiên minh/ Trà Úc sơn quang nhập họa bình (Trống đồn vang khắp sông báo trời sáng/ Cảnh núi Trà Úc đẹp như tranh).
Trong cái nhìn của Giá Viên, núi Ngũ Hành trong mây cũng đẹp mỹ miều như họa, như gấm. Ở bài Quy trình ký sự, ông viết: Lệ chử duy chu thướng Ngũ Hành/ Cẩm bình như họa thái vân sinh (Cột thuyền ở bãi Lệ rồi lên núi Ngũ Hành/ Bình phong gấm đẹp như bức họa do màu sắc của mây sinh ra).
Ở bài Tống Điện Bàn Phạm Tri phủ phó lỵ, cùng với lối ngoa dụ nhằm tả vẻ trong của nước sông Vĩnh Điện, Giá Viên lại dùng hình ảnh so sánh như tranh để nói lên vẻ đẹp thanh tú của núi Ngũ Hành: Hành sơn tú như họa/ Điện thủy thanh khả cúc (Ngũ Hành đẹp như vẽ/ Nước sông Vĩnh Điện trong muốn vốc tay uống).
Sông suối xứ Quảng trong thơ Phạm Phú Thứ đều mang đặc trưng chung là nước trong xanh biếc. Nếu như nước sông Vĩnh Điện trong như muốn vốc tay uống thì nước sông Thu Bồn, sông Vu Gia lại trong vắt, không bao giờ vơi cạn: Uông uông bất tác trọc hà thanh/ Cổn nhập Gia nguyên biệt dạng thanh (Tràn trề mà không làm tiếng của sông ầm lên/ Cuồn cuộn chảy vào sông Vu Gia trong vắt - Bồn giang chu trình).
Thiên nhiên xứ Quảng trong thơ Giá Viên còn có những bức tranh trong sáng, lãng mạn, thanh bình mà mỗi khi nghĩ về, nhà thơ lại thấy thêm yêu mến. Ví như, đó là vẻ đẹp của vùng biển Quảng Nam trong nắng sớm mà nhà thơ bắt gặp trên đường đi công vụ: Diên Chủy hàm sơ nguyệt/ Ngư phàm sấn tảo hi (Núi Mỏ Diều như ngậm lấy vầng trăng non/ Cánh buồm thuyền chài lướt đi trong nắng sớm - Quá Quảng Nam dương phận).
Ở bài Phụng phái tòng quan thuyền hiệu lao tống Thanh quốc nạn biển hồi Việt, đó là vẻ đẹp lãng mạn của biển trời Đà Nẵng trong tiết trời mùa thu: Huân phong Đà tấn sảng/ Thu nguyệt Hổ Môn cao (Gió đưa hương thơm, Đà Nẵng nước lên mát mẻ/ Trăng thu cao soi trên Hổ Môn).
Trong thơ Giá Viên thi thảo, bên cạnh niềm yêu quý, tự hào đối với những cảnh đẹp của Quảng Nam, ông còn dành nhiều tình cảm cho cảnh bao la, hùng vĩ của rừng núi của quê nhà, nơi như nói thay được cho hùng tâm tráng chí của thi sĩ. Ở bài Nguyệt dạ vọng Trà Sơn hữu hoài Châu Phong Ngụy công, quang cảnh vùng Sơn Trà hiện lên thật bao la, kỳ vĩ: Đông liên Chiêm đảo khoát/ Bắc tiếp Vân quan hùng/ Cuồng lưu thúc dương khẩu/ Hình thế độc cự Đà hải đông (Phía đông liền với Cù Lao Chàm rộng rãi/ Phía Bắc giáp với Hải Vân quan hùng vĩ/ Cửa biển thắt lại, nước cuồn cuộn trôi/ Hình thế sừng sững ở phía đông cửa biển Đà Nẵng).
Vùng Thanh Khê hiểm trở cũng được nhà thơ miêu tả một cách ấn tượng qua các hình ảnh so sánh độc đáo: Giáp áo song phong sơn tự bích/ Thanh Khê nhất đái lộ như cung (Hai ngọn núi như vách dựng kẹp lấy vụng biển/ Một dải Thanh Khê đường đi cong như cánh cung - Vãn phát Thanh Khê lộ trung).
Đặc biệt, ở bài Tiễn Hộ bộ Tham tri Bùi vãng Quảng Nam Tuần phủ, Giá Viên xưng tụng Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là những “đệ nhất kỳ quan”: Trà minh hải nội vô song hiểm/ Hành lĩnh nam lai đệ nhất kỳ (Trong các biển thì biển Sơn Trà là nguy hiểm vô song/ Núi Ngũ Hành từ phía nam đấy là đệ nhất kỳ quan).
Bên cạnh thiên nhiên, thắng cảnh, Phạm Phú Thứ còn tự hào khi nói về truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học của quê nhà Điện Bàn nói riêng, Quảng Nam nói chung: Điện ấp Ba giang thế canh độc/ Gia đình mỹ tế tại Nho khoa (Ở Điện Bàn và sông Ba thì đời đời cày ruộng và đọc sách/ Gia đình kế thừa sự nghiệp của tổ tiên dựa vào khoa cử Nho học - Lục thập sinh nhật tự thuật).
Có thể thấy, viết về quê hương, Phạm Phú Thứ đã dành nhiều tình cảm yêu quý, tự hào. Đây là một trong những lý do khiến Quảng Nam hiện lên trong thơ ông thật tươi đẹp, lãng mạn, hùng vĩ và giàu truyền thống văn hóa. Với Giá Viên thi thảo, Phạm Phú Thứ đã góp vào dòng thơ viết về đất Quảng nhiều vần thơ hay, độc đáo.
- Xứ Quảng trong nỗi nhớ thương của Phạm Phú Thứ
Phạm Phú Thứ sinh ra ở Quảng Nam nhưng phần lớn cuộc đời lại gắn với kinh thành Huế. Hơn nữa, trong cuộc đời làm quan thăng trầm của mình, ông có những chuyến đi công cán ở phương xa trong thời gian dài (Nam hành về Quảng Ngãi, Bắc hành lên Lạng Sơn, Tây hành về châu Âu, Đông hành vượt biển đi Trung Quốc). Quảng Nam dù ở gần Huế cũng dần trở thành cố hương xa ngút ngàn. Do đó, trong Giá Viên thi thảo, quê nhà Quảng Nam luôn thường trực trong lòng thi nhân với bao nỗi niềm ngậm ngùi, thương nhớ.
Đọc thơ Phạm Phú Thứ, ta dễ nhận ra, dường như trong mỗi bước đường của họa lộ thăng trầm, nhà thơ lại nghĩ về cố hương với những nỗi niềm ngậm ngùi, da diết. Bị đày ra trạm Thừa Nông ở phía Nam kinh thành Huế, gần đèo Hải Vân, nhà thơ trông về phía bên kia đèo mà nhớ quê tha thiết: Phần hương thiên tại Hải Vân nam (Quê nhà ở dưới trời phía Nam Hải Vân - Tân Hợi nguyên đán thí bút).
Được trở về thăm quê, lòng thi nhân bùi ngùi bao cảm xúc. Ông tự ví mình như con chim nhạn được bay về trời nam, dù lý trí của nhà thơ vẫn luôn đặt nặng trọng trách nơi kinh thành ở phía Bắc (đèo Hải Vân): Tâm đồng tinh bắc củng/ Thân dữ nhạn nam phi/ Tử lý Vân quan cận (Lòng cũng như ngôi sao chầu về phương Bắc/ Thân cùng chim nhạn bay về Nam/ Quê nhà gần ải Hải Vân).
Xuất dương vì trọng trách mà triều đình giao phó, giữa biển cả mênh mông, thi nhân ngoái đầu nhìn về Trà Sơn mà lòng dâng lên nhiều nỗi niềm khôn tả với đất nước, quê hương: Trà Sơn hồi thủ xứ/ Hương quốc ý hà cùng (Ngoảnh đầu nhìn lại Trà Sơn/ Tình quê tình nước biết sao cho cùng - Xuất dương).
Thuyền qua địa phận biển Quảng Nam, giữa bao la trời biển, nhìn về ngọn núi Mỏ Diều, Giá Viên lại chạnh lòng nhớ quê, dù trước đó ông đã tự thú nhận “Việc nước thật quá nặng nề/ Lòng bề tôi dám đâu nghĩ việc riêng tư” (Quốc sự chân kỳ trọng/ Thần tâm cảm niệm tư): Hải đài vân thủy khoát/ Hồi thủ chính y y (Chỗ Hải đài mây nước mênh mông/ Ngoảnh đầu lại trông lòng bao nhung nhớ - Quá Quảng Nam dương phận).
Sắp vào đến địa phận đảo Hải Nam của Trung Quốc, nhà thơ vẫn còn trông về biển Đà Nẵng dù biết biển quê hương đã xa cách ngút ngàn: Vọng đoạn Đà dương thiên lý ngoại/ Hải trung sơ kiến Hải Nam sơn (Trông về biển Đà Nẵng đã ở ngoài ngàn dặm/ Ngoài biển đã bắt đầu thấy núi Hải Nam - Chu quá Hải Nam dương phận).
Công vụ liên miên khiến Giá Viên phải đi xa, đi nhiều. Cho nên mỗi lần rời quê nhà để lên đường công vụ, nhà thơ lại chạnh lòng bao cảm xúc. Rời bến Cẩm Giang ở quê nhà để vào Nam công cán, trong lòng Giá Viên cứ hiện về hình ảnh ngôi nhà tuổi thơ xinh đẹp bên dòng sông Ba: Tùy quân Nam quá Cẩm giang tân/ Ngô lư cựu tại Ba giang chỉ/ Thương mãng dao liên Cẩm giang thủy (Theo ông đi Nam qua bến sông Cẩm/ Ngôi nhà tranh của tôi trước ở cồn sông Ba/ Xanh bát ngát liền với nước sông Cẩm - Tống xuân khúc tống Nguyễn Quảng Thúc Nam quy).
Nhiều địa danh của Quảng Nam còn được Giá Viên ký thác nỗi lòng với quê nhà, bằng hữu. Trong bài thơ làm để tiễn người bạn đồng liêu cùng huyện (Điện Bàn) vào Gia Định làm quan Hậu bổ, nhà thơ mượn hình ảnh chim nhạn núi, ánh trăng trên núi Bà để gửi vào đó nỗi thương nhớ của bạn mà cũng là của mình: Lữ hoài ký hướng Bà sơn nhạn/ Độ nguyệt hoàn lai ủy niệm quần (Gửi niềm nhớ thương nơi lữ thứ cho chim nhạn núi Bà/ Nương ánh trăng để trở về mà thỏa lòng nhớ bầy - Tống đồng huyện Cử nhân Nguyễn Phu Hiên chi Gia Định Hậu bổ).
Có thể nói, trên nhiều bước đường quan lộ, trong nhiều trạng huống cảm xúc, nhà thơ thường nhớ nghĩ đến quê nhà. Quê hương luôn đồng hành cùng thi nhân trong mỗi bước thăng trầm, là nơi sâu kín nhất trong tâm khảm nhà thơ mà ở đó, bao nhiêu nhớ thương cứ chôn chặt để rồi khi gặp một duyên cớ nào đó lại tuôn trào không thôi. Những vần thơ viết về quê nhà Quảng Nam đầy ngậm ngùi thương nhớ trong thơ Giá Viên vì thế thật cảm động, ám ảnh lòng người.
- Xứ Quảng trong nỗi ưu tư, lo lắng của Phạm Phú Thứ
Ở thời Phạm Phú Thứ, Quảng Nam là một trong những cửa ngõ quan trọng của kinh thành Huế, là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng, cũng là nơi xảy ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Gắn chặt với vận nước trước sự dòm ngó, tấn công của thực dân Pháp, quê nhà của Phạm Phú Thứ cũng xảy ra bao biến cố đau thương. Trong Giá Viên thi thảo, nghĩ/ viết về quê nhà, ông còn nặng lòng bao nỗi lo lắng, ưu tư.
Trong bài Quá tỉnh thành phòng quan thuyền tiêu tức nhân thư sở văn, đi công cán ngang qua tỉnh nhà, nghe tin giặc đang bắn phá cuồng điên ngoài cửa biển, quan quân ta phải chống trả quyết liệt, nhà thơ không khỏi lo lắng cho quê hương, và cả cho đất nước: Nhĩ lai duyên hải phận/ Thủy phỉ tứ phi xương/ Tạc văn Đại Áp tấn/ Quan quân xạ tặc hàng/ Pháo thanh liên tứ phát (Gần đây ven bờ biển/ Giặc biển rất cuồng điên/ Hôm qua ở cửa biển Đại Áp/ Quan quân bắn thuyền giặc/ Tiếng pháo liên bốn phát).
Trên đường về thăm quê, biết tin thuyền buôn của Tây thường xuyên khiêu khích chỗ Hải Phòng của ta, lòng nhà thơ cũng như nước biển Trà Úc, không dậy sóng mà cứ đục ngầu bạc trắng: Hóa Khuê phế lũy tĩnh phù ai/ Thông tự truyền phong bất thượng đài/ Trà Úc vô ba thu luyện bạch/ Dương thương thuyền sân hải phòng lai (Lũy Hóa Khuê hoang phê im ắng bụi phủ đầy/ Hòn Thông đốt lửa báo có giặc mà không lên đài xem được/ Trà Úc không dậy sóng, nước mùa thu như tấm lụa trắng/ Thuyền buôn của Tây cứ sấn vào chỗ hải phòng của ta - Quy trình ký sự).
Phạm Phú Thứ làm quan trong thời kỳ đất nước ta đang đối diện trực tiếp với súng đạn xâm lược của giặc Pháp mà Đà Nẵng là địa phương bị tấn công đầu tiên. Trong thơ của mình, Giá Viên lo lắng trước nguy cơ Đà Nẵng thất thủ, nước nhà rơi vào tay giặc; đồng thời ước mong chiến tranh không xảy ra, đất nước được thanh bình: Liệt phong hồi thủ Trà Sơn bảo/ Thùy vãn thiên hạ vị tẩy binh (Ngoảnh đầu lại trông vẫn còn khói báo hiệu binh lửa trên đồn Sơn Trà/ Ai kéo sông Ngân Hà trên trời xuống để rửa giáp binh - Tấn khẩu đãi quan thuyền vị chí nhân Phái viên Ngự sử Lê đồng vãn tỉnh thành chu trung tự thoại thư di). Ý thơ mong có thể kéo sông Ngân Hà xuống rửa binh giáp, không để chiến tranh xảy ra trong thơ xưa được Giá Viên dẫn lại thật cảm động. Chỉ một dòng thơ thôi mà như nói hết được bao nỗi lòng đau đáu trước vận nước an nguy, cho ước mơ đất nước thanh bình của bậc danh thần Phạm Phú Thứ.
Như vậy, cùng với niềm yêu quý, tự hào, nhớ thương, Quảng Nam còn thường trực trong nỗi ưu tư của Phạm Phú Thứ. Lo lắng cho vận nước, cho sự an nguy của tỉnh nhà trước kẻ thù mạnh, Giá Viên đã viết nên những vần thơ chất chứa bao nỗi ưu tư, xót xa, ray rứt. Đó là những vần thơ cảm động nhất trong Giá Viên thi thảo, thể hiện ở nhà thơ một nhân cách cao đẹp, một tấm lòng luôn nghĩ cho nước cho dân. Những vần thơ ấy đã góp phần làm nên diện mạo của dòng thơ chống Pháp yêu nước trong buổi đầu ở giữa thế kỷ XIX.
Danh thần Phạm Phú Thứ đã làm rạng rỡ cho quê hương Quảng Nam không chỉ bởi những thành tựu to lớn trên các phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa mà còn ở những vần thơ hay và cảm động về đất Quảng. Trong suốt cuộc đời làm quan thanh liêm, mẫn cán của mình, ông không những hết lòng vì dân vì triều đình, luôn đau đáu cho vận nước mà còn dành cho quê nhà một góc đầy trân trọng trong tình cảm, tư tưởng của mình. Cụ Giá Viên Phạm Phú Thứ xứng đáng là một trong những danh nhân văn hóa lớn, người con ưu tú của Quảng Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân đất Quảng.
P.T.V