Huỳnh Ngọc Huệ với cuộc cách mạng mùa thu trên “đất nhượng địa"
Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ (1914-1949)
Lịch sử thành phố Đà Nẵng mãi nhắc công lao to lớn của ông - người đã góp phần quan trọng làm nên thành công vang dội của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên “đất nhượng địa” 78 năm trước - một cuộc khởi nghĩa được đánh giá là “nhanh, gọn, không đổ máu, kết thúc tốt đẹp, trọn vẹn Cách mạng Tháng Tám ở đất Quảng”.
Tháng 5/1945, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị mở rộng trên chiếc thuyền tại bến đò Ông Đốc (nay thuộc thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Tại Hội nghị quan trọng này, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được bổ sung vào Tỉnh ủy và được phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Ban Công vận. Đây là một quyết định sáng suốt và đúng lúc, tạo điều kiện cho cơ sở đảng và các tổ chức cứu quốc ở nội, ngoại thành phố được phục hồi nhanh chóng trong một thời gian ngắn; đồng thời khẳng định rõ ràng vai trò lãnh đạo “đứng mũi chịu sào” của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đối với phong trào cách mạng Đà Nẵng - nơi có vị trí chiến lược và có căn cứ quân sự lớn của quân Nhật ở Đông Dương.
Tháng 7/1945, Huỳnh Ngọc Huệ triệu tập Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh thành phố Đà Nẵng tại nhà bà Thông Lén. Hội nghị quyết nghị đẩy mạnh việc tuyên tuyền vạch trần chính sách “độc lập bánh vẽ” của giặc Nhật, phổ biến sâu rộng chương trình Việt Minh trong quần chúng, tổ chức nắm lực lượng thanh niên Phan Anh, hướng đạo sinh và phân công cán bộ bám sát cơ sở cũ, tập hợp tù chính trị mới về, lập ra các Ủy ban vận động Việt Minh ở các khu, các xã và các cơ sở xí nghiệp, công sở... Hội nghị bầu Ban Chấp hành lâm thời Thành bộ Việt Minh do Huỳnh Ngọc Huệ làm Chủ nhiệm. Sau Hội nghị, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác công vận, nông vận, phụ vận và binh vận. Nhờ vậy, chẳng bao lâu, Ủy ban vận động Việt Minh ở Thanh Khê, Hà Khê được thành lập. Ở khu Đông và khu Tây, nhiều xã đã có các đoàn thể cứu quốc, nhất là hội nông dân và hội phụ nữ. Tại trung tâm thành phố, trong các sở công chánh, dây thép, đoan, hiến binh Nhật, đề-pô xe lửa, nhà máy đèn, pháo thủ, nhà thương, kho bạc, phạc-ma-xi, hãng thuốc lá Míc, khách sạn Mô-ranh…, trong các tầng lớp công nhân khuân vác, công nhân xe kéo, tiểu thương chợ Hàn, lính bảo an… đều có cơ sở Việt Minh. Đặc biệt, Việt Minh hoạt động rất mạnh trong phong trào công nhân. Đây là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho giai cấp công nhân thành phố phát huy vai trò tiên phong và làm nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám - 1945.
Cùng với việc lãnh đạo phong trào công nhân cứu quốc, trong những ngày sục sôi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Huỳnh Ngọc Huệ còn trực tiếp chỉ đạo việc sản xuất vũ khí thô sơ như giáo, mác, dao găm, mã tấu và sửa chữa súng tại các công xưởng tại Đà Nẵng. Ông còn tổ chức xưởng chế tạo vũ khí tại Giao Thủy (Đại Lộc, Quảng Nam) - đây được xem là xưởng chế tạo vũ khí cách mạng đầu tiên ở đất Quảng. (Xin được nói thêm rằng, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Huỳnh Ngọc Huệ đã chỉ đạo chế tạo thử nghiệm thành công súng tiểu liên Sten kiểu Pháp tại Xưởng cơ khí công chánh Đà Nẵng, tạo tiền đề để sau đó thành lập các binh công xưởng Phan Đăng Lưu, Cao Thắng).
Lịch sử cách mạng đất Quảng đã ghi nhận sự nhạy bén về chính trị và khôn khéo trong chỉ đạo của Huỳnh Ngọc Huệ, góp phần đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở mảnh đất “chưa mưa đà thấm”, trong đó có “đất nhượng địa” Đà Nẵng. Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930-1975), chiều ngày 13/8/1945, Tỉnh ủy Quảng Nam đang họp khẩn cấp tại Khương Mỹ, Tam Kỳ bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa thì từ Đà Nẵng, vừa nhận được mật báo của một cơ sở bí mật trong Sở Hiến binh Nhật, Huỳnh Ngọc Huệ tức tốc vào cấp báo: Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh. Với thông tin tối quan trọng này, Tỉnh ủy liền chuyển trọng tâm sang bàn khởi nghĩa và quyết định phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền, không phải chờ chỉ thị của Trung ương hoặc Xứ ủy để khỏi lỡ thời cơ “nghìn năm có một”. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban bạo động giành chính quyền tỉnh Quảng Nam gồm 17 đồng chí, trong đó có Huỳnh Ngọc Huệ, phụ trách Đà Nẵng.
Ngay sau khi Hội nghị Tỉnh ủy kết thúc, Huỳnh Ngọc Huệ triệu tập cuộc họp Việt Minh mở rộng thành Thái Phiên (tên gọi Đà Nẵng lúc bấy giờ) vào tối ngày 16/8 tại nhà ông Nguyễn Đăng Khoa (nay ở kiệt 6, đường Hoàng Diệu) để truyền đạt chủ trương mới của Tỉnh ủy. Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa, nhấn mạnh không được để ra đổ máu trong quá trình khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa thành phố được thành lập gồm 5 đồng chí, đồng chí Lê Văn Hiến làm Trưởng Ban, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Lúc này, tại Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng có tới 5.000 lính Nhật. Thực tế khởi nghĩa ở Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ đã có xô xát với quân Nhật, ta chịu một số tổn thất, cho nên việc vận dụng phương thức khởi nghĩa đòi hỏi phải linh hoạt hơn. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ phân công các đồng chí Nguyễn Hồng Minh và Lâm Quang Thự về tăng cường cho Hòa Vang. Ngày 22/8, được cơ sở nội ứng tại huyện đường cho biết tên Huyện trưởng đang dao động mạnh, Huỳnh Ngọc Huệ chỉ đạo đồng chí Nguyễn Hồng Minh (Trưởng Ban bạo động huyện) và một cán bộ huyện trang bị súng ngắn bí mật đột nhập vào huyện đường, bắt Huyện trưởng đầu hàng, giao nộp chính quyền, hạ cờ quẻ ly xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên trong lúc lính Nhật đang qua lại trước cổng huyện đường mà chẳng hay biết gì. Như vậy, cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn ở Hòa Vang bị đánh đổ một cách ngoạn mục!
Khoảng một tuần trước ngày nổ ra khởi nghĩa ở Đà Nẵng, ta được tin nhóm thân Nhật do Mai Trọng Tánh cầm đầu mưu toan lợi dụng danh nghĩa Việt Minh huy động quần chúng biểu tình để hòng đoạt chính quyền về tay chúng. Đề phòng quân Nhật biết được sẽ phản ứng không lợi, với tư cách Phó Trưởng Ban thường trực Ủy ban khởi nghĩa thành phố (lúc này, đồng chí Lê Văn Hiến, Trưởng Ban đang đi công tác Quảng Ngãi chưa về), Huỳnh Ngọc Huệ chỉ đạo bố trí lực lượng tự vệ bí mật tóm gọn nhóm Mai Trọng Tánh giữa lúc chúng đang họp. Cũng trong đêm đó, đồng chí chủ trì cuộc họp của Ủy ban khởi nghĩa quyết định 8 giờ sáng ngày 26/8 phát lệnh khởi nghĩa toàn thành phố. Thực hiện mệnh lệnh trên, đúng giờ hành động, khi tiếng còi tầm thành phố rú lên, tất cả lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng và cán bộ đã bố trí phụ trách từng mục tiêu đã định, đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong buổi sáng ngày 26/8, toàn bộ thành phố Đà Nẵng bao gồm 19 xã nhượng địa và 2 xã Cổ Mân, Mân Quang đã trở về tay nhân dân.
Sáng ngày 28/8/1945, tại sân vận động Chi Lăng, khoảng 3 vạn đồng bào thành phố đã tham dự cuộc mít- tinh trọng thể chào mừng thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Một lá cờ đỏ sao vàng khổ rất lớn được từ từ kéo lên cột cờ trong niềm xúc động và tự hào của mọi người. Thay mặt Thành bộ Việt Minh, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền nhân dân. Từ đây, Đà Nẵng - “đất nhượng địa” đau thương và tủi nhục suốt mấy chục năm trời đã vĩnh viễn trở về với Tổ quốc Việt Nam yêu dấu!
Tên đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã được trân trọng đặt cho một con đường và một ngôi trường tiểu học ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
V.T