Kinh đô thất thủ

02.08.2023
Lê Hoàng Phò

Kinh đô thất thủ

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Đang mơ mơ nằm nghỉ lưng trên chõng tre nhỏ ngoài hiên, sau một ngày làm đồng ê ẩm xương cốt, ông Ngọc giật mình nghe tiếng súng nổ vang. Mới xay xong hai ang gạo, Hiền ra chái sau tạt vài gàu nước dội sạch chuồng lợn nái, nghe vậy loạng choạng thả gàu chạy lên hỏi cha. Bên hông chái nhà, Phú đang lúi húi xếp mấy bó củi để dành mùa mưa lụt lên giàn cao, liền chạy vội ra sân ngó về phía có mấy tiếng nổ liên tục.

Tiếng súng rền từng hồi. Bầu trời khá tối, Rằm tháng Năm mới qua một tuần. “Kinh thành có biến!”. Ông Ngọc buộc miệng, Phú nghe ngóng một lát rồi thưa: “Dạ Thầy. Con nghĩ là súng to, chắc Tây đánh úp Thành nội rồi nhưng lại tiếng súng thần công của bên ta....”. Anh ta bỏ lửng câu nói. Mấy tiếng nổ lớn phía Kinh thành, rồi lại ầm ầm chớp sáng rực trời phía hữu ngạn sông Hương.

Bà Ngọc đang nằm ốm, cũng vội lò dò ra sân, Hiền run run đỡ mẹ. Giọng bà khàn khàn đầy lo lắng. “Thằng Phú nói nho nhỏ thôi, kẻo mất mạng!”, bà lẩm bẩm: “Có chạy giặc ngay chừ không nữa trời!”. “Đêm hôm tối tăm như vầy biết chạy hướng mô đây?”. Ông Ngọc vứt điếu sâu kèn mới thắp, thở dài nói: “Chừ con tính sao, có đi lên Đội tập trung không?”.

Cả xóm rìa làng Thế Lại, bên sông Đông Ba, chú Bốn, ông Danh, bà Thể, rồi chú Thức, o Ly đều chạy qua hỏi tình hình thằng Phú lính cơ đội!

***

Một lát thì tiếng súng thưa thớt, bỗng lại ầm ầm như kiểu đánh phản công. Phú đang phép nghỉ mấy ngày. Anh tranh thủ giúp cha mẹ dọn vườn, thu hoạch lúa chín rồi cho trâu đạp, phơi phong nắng hạ...

Phú cũng không hề hay biết có mật lệnh tập trung. Nghỉ ngơi một lát rồi chàng vội cáo từ mẹ cha, dặn dò cẩn thận cô em rồi khoác bộ đồ lính, áo nẹp quần viền, đội nón dấu, khoác tay nải, đi như chạy ra bờ sông. Anh trai đi gấp quá nhưng Hiền còn kịp nhớ ra chạy vội theo anh, gởi gói quà nhỏ đã chuẩn bị từ trước cho người ấy. Phú định lấy bậy chiếc thuyền câu của ai neo bến, nhưng rồi chàng ta cởi hết áo quần, ngửa nón đặt đồ lên rồi nhanh chóng sức trai trẻ bơi qua sông Đông Ba, chếch lên phía cầu Thanh Long.

Đeo vội thẻ bài, Phú không chạy ngược lên cửa Đông Ba mà chàng ta thoăn thoắt đi xuống phía lùm cỏ cửa sông Ngự Hà. Anh ngó lên hai cửa tò vò hai bên cống Lương Y, cửa lim khi đóng khi hé mở, có ánh đuốc và các lính tuần khu vực đó. Chỉ còn nước cuối cùng nhập thành là leo vô mấy lỗ tròn trên thành cống. Phú hy vọng là bạn Thu đang trực chiến, anh lấy tay làm loa hú vọng lên ám hiệu, tiếng hú của bạn đáp lại và bó đuốc quơ qua quơ lại ba lần. Phú mừng húm. Vậy là đội tuần đã biết và chấp nhận, không thì lãnh phát tên hay viên đạn như chơi.

Đường đi lối lại ngõ tắt Phú rành rỏi nên một lát băng qua rạch nhỏ, nương rau là đến bờ tường đá dựng đứng. Người ngoài không thể trèo lên chứ cả đội tuần biết rõ khe đá, nhánh cây dẻo cứng để leo lên leo xuống rất bí mật, phòng khi cấp thiết.

Thu thò đầu ra chờ và kéo bạn lên. Thu hổn hển kể tình hình chiến sự khi cả hai chạy đến kho lấy súng kíp. Quân ta chia hai cánh, đánh vào Toà Khâm sứ bên kia sông Hương và đánh úp Trần Bình Đài.

Viên Võ úy phụ trách Đội trấn giữ Đông thành Thủy Quan chạy qua chạy lại, xem xét động tĩnh và chỉ đạo hai phân đội trấn hai bên cống Lương Y. Trên thượng thành, hai phía có đặt hai khẩu đại bác có thể bắn tàu thuyền địch xa khi vừa quẹo vào cống Thanh Long từ sông Đông Ba, thêm hai khẩu sơn pháo nhỏ bắn gần.

Phú, Thu và mấy anh em đồng đội khoác súng kíp, súng hỏa mai, cung tên khệ nệ khiêng lên dốc cống nhiều tảng đá lớn. Đó là sáng kiến thô sơ, phòng bọn Tây áp sát, ngoài súng to súng nhỏ bắn tên, quân ta có thể qua lỗ khoét thành cống mà thả đá xuống đầu, đội hình, xuống tàu giặc!

Trên đường sát bờ thành, toán kỵ binh mấy chục người ngựa súng ống từ cửa Đông Ba, cầm mấy bó đuốc chạy rầm rập lên cống Lương Y rồi phi nhanh về phía Trấn Bình Đài.

Đôi bạn căng mắt quan sát hai phía sông Ngự Hà. Vẫn không có động tĩnh gì. Phú nhớ lại tháng trước, suốt cả tuần, khuya nào quân lính nơi đây cũng có thêm nhiệm vụ khiêng đi một số thùng thuốc pháo dự trữ xuống thuyền để chở đi đâu không rõ.

Đôi bạn nào biết bí mật kế sách lớn và táo bạo của phe chủ chiến trong Triều đình. Ba tháng trước ngày đánh úp Pháp ở Huế, đại thần Tôn Thất Thuyết đã bí mật cho chuyển dần các vật liệu, súng ống, thóc gạo, châu báu, bạc tiền đi
Tân Sở, Cam Lộ. Không những xây để phòng thủ, mà còn là nơi để thành Hoàng cung, sẽ là Kinh đô thứ hai chống giặc Pháp lâu dài.

Tiếng súng nổ giòn về phía Tây hồ Ngự Hà, phía cống Cầu Kho, Trấn Bình Đài chỗ bọn lính Tây chiếm đóng trong Thành nội. Phú băn khoăn, giờ gia đình mình có chạy đi đâu không? Mẹ thì đang đau yếu. Năm ngoái, khi anh ta thắng giải bắn súng điểu thương hạng Nhất nên được điều chuyển từ Tuần biển cửa Thuận An lên đây. Cảm mến tấm lòng và thân quý nhất đội bạn là Thu đồng trang lứa, tay thiện xạ cung nỏ. Rồi Phú đưa bạn quý về nhà thăm chơi nhưng có thêm dụng ý. Tuy buổi ban đầu gặp nhau, chỉ nhìn qua là biết, cả bạn Thu và em Hiền đều tỏ ra quyến luyến mến thương nhau. Ông bà Ngọc thấy mừng mừng trong bụng.

***

Chừng canh ba. Tiếng súng dồn dập, tiếng la hét vang xa, một lát thì quan lính tuôn chạy từ phía Trấn Bình Đài, men sông Ngự Hà chạy ra. Người ngựa tơi tả, máu me đầm đìa!

Viên cai đội báo là quân Pháp trong Trấn Bình Đài phản công. Chẳng ai biết, khi quân ta bắn trước, phấn khích bắn nhiều thì bọn Pháp khôn ngoan núp hầm, bọn chúng chỉ bắn trả cầm chừng. Đến lúc ta bắn gần hết thuốc đạn và áp sát thành, tưởng là sắp đoạt thành đến nơi rồi, hân hoan reo hò mất cảnh giác thì bọn Tây ranh ma nhất loạt vùng dậy bắn khắp tuyến đầu. Quân ta hoảng loạn, không địch nổi vũ khí hiện đại, nên đua nhau mà chạy khỏi tầm đạn quân Pháp đuổi theo.

Dưới sông Ngự Hà, mấy chiến thuyền nhỏ bên ta chạy ra bắn mật hiệu. Lệnh khẩn mở cổng thủy Đông thành được thi hành rồi đóng kỹ càng ngay lập tức. Viên cai đội nhắc lính quan sát, phòng bị tàu bè bọn Tây cả hai bên cửa cống, bọn nó đi vô tiếp cứu hay chạy trốn ra ngoài thành.

Nhiều tiếng súng trong đêm tối không biết ngả nào, quân ta hoảng sợ bỏ chạy tứ phía. Trong các hào đào hoặc giữa đường, nhất là các lộ chính từ Trấn Bình Đài ra cửa Thượng Tứ, Đông Ba,... người trước bước lên mù u té ngã nhào, mù u tròn tròn trơn trượt mà phe ta mưu kế đơm đặt để ngầm tiêu diệt bọn Pháp, kẻ chạy sau đạp dồn lên nhau mà chết dây chuyền.

Trong Thành nội, thấy quan lính bỏ chạy, đêm nghe súng nổ inh tai, trai gái già trẻ khiếp vía, người mang của kẻ bế con tranh nhau hớt hải mong thoát ra ngoài cửa thành. Thật thảm cảnh thê lương trong cảnh tối trời khuya khoắt, tinh thần lớ quớ tối tăm, người chạy trước gục té, kẻ sau đạp lên, nằm la liệt đầy đường.

***

Trời hưng hửng sáng. Đêm 22 rạng ngày 23 tháng Năm năm Ất Dậu kéo dài thật lâu. Đội trấn giữ Đông thành Thủy Quan chấp hành nghiêm quan lệnh, vẫn đồng lòng gan dạ bám trụ giữ cửa sông hồ.

Bỗng hai tàu của ta xuất hiện mé cửa sông Đông Ba, nhưng sao khang khác, có bộ điệu khả nghi. Viên Vệ úy lấy ống thiên lý nhãn nhìn, có vài quân ta đứng ra mặt nhưng tỏ ra bất thường, coi kỹ lần nữa thì thấy mấy tên quân Pháp ẩn núp kiềm chế, ông ta đưa cho tay phó kiểm tra một lần nữa rồi ra lệnh bắn ngay. Thì ra, bọn Pháp cướp hai tàu phe ta để vào hỗ trợ Trấn Bình Đài bị vây hãm. Tức thì, sau ta khai hỏa là đại bác của chúng bắn ầm ào đáp trả và còn làm ra vẻ oai hùng thị uy. Bốn khẩu đạn to bên ta bắn chục phát, một tàu địch trúng bốc cháy rồi chìm dần trong tiếng kêu la của lính Tây. Chiếc tàu còn lại đi chậm và bắn liên tục hai bên.

Các tay súng hỏa mai, cung thủ của ta đều sẵn sàng, chờ tàu tới gần mà bắn tỉa qua các lỗ tròn trên thành cống và phía bên ngoài hai cửa tò vò. Mấy người lính trúng đạn nhiều chỗ, kêu than quằn quại thật thảm thiết. Tiếng đạn chiu chiu găm vô cửa gỗ cửa tò vò. Tắt đuốc! Đóng cửa! Khẩu lệnh Vệ úy đưa ra. Chưa đầy một phút, mảnh đạn tiện đứt ngang cánh tay phải Vệ úy.

Phú và Thu gan dạ leo ra ngoài cống để bắn tỉa. Cả hai núp kín trong bụi cây to mọc lên gờ đá rồi nhắm bắn. Địa thế thật độc đáo, khó ngờ. Đôi bạn tìm mục tiêu và khe khẽ trao đổi nhau. Thu giương cung, mới bắn vài mũi tên tẩm thuốc độc đã trúng được đích, hai thằng lính cao to núp bên thành tàu ngã lăn quay. Phú giương súng định bắn, đột nhiên một tiếng đại bác vang trời nổ xé toạc góc tường thành, mãnh đạn bay rào, một mãnh làm Thu đổ người ngay xuống đầu gối Phú. Máu từ ngực tuôn ra ướt áo rồi nhỏ giọt lên chân bạn.

Một toán lính Tây nện giày đinh đã lấp ló trên cống. Quân lính và dân chúng đã chạy gần hết ra xa phía cửa Đông Ba. Bọn chúng xì lô xì la, vừa đi vừa bắn vu vơ.

Nơi bụi cây. Phú lấy mấy lá thuốc khô mang theo hút, nhai nhai nhanh để đắp vô vết thương rồi xé áo ngoài của mình, băng tạm ngang ngực cho bạn. Thu thở gấp rồi ngáp ngáp. “Chắc tôi chết mất!”. Phú một tay giữ súng một tay ôm bạn động viên: “Bạn chỉ bị nhẹ nhẹ thôi, phải cố lên để còn gặp em Hiền nữa mà! Em Hiền có gởi lên tặng bạn gói quà đó nghe! Trong ánh sáng ban mai mờ mờ, Phú nhìn nụ cười bạn hé nở rồi thều thào: “Anh nhớ nói em Hiền là tui....”. Câu nói chưa dứt thì Thu trừng mắt tắt thở.

Loay hoay đặt bạn tựa vô nhánh cây áp cống. Phú giương súng nhắm tên chỉ huy đang ngồi trong buồng lái. Anh ta ghìm nén lòng mình đau buốt mà nín thở nhắm bắn. Đoành! Nhồi thêm thuốc súng. Đạn xì. Phú nhồi lại, may mắn bắn được. Đoành. Anh ta căng mắt nhìn tàu địch. Đạn trúng buồng lái nhưng chỉ làm mặt kính vỡ tan.

Bọn Tây nghe tiếng súng nổ bèn quay nhanh lại cống Lương Y. Một lát, sau tiếng bắn nổ thứ ba của Phú mấy loạt đạn bắn tới lùm cây... “Mẹ ơi!” là tiếng kêu cuối cùng. Máu tuôn ra đầm đìa. “Mẹ ơi!” là tiếng nấc khe khẽ của chàng trai gan dạ mà hiếu thảo, tiếng lòng thương cha nhớ mẹ. Bà Ngọc, mẹ anh khổ cực sinh nở bảy lần, vợ chồng bà mong kiếm được năm suất đinh mạnh mẽ làm ruộng làm nương, mà ông Trời không thương cảm, chúng bị chết non chết trẻ gần hết!

Xác hai anh em đồng đội đè trĩu nặng nhánh cây rồi lăn tõm xuống dòng Ngự Hà. Hai vệt máu đỏ tươi cuộn vào nhau lấp loáng sóng nước lan dần. Ánh bình minh trên bầu trời Kinh thành sáng tỏ dần, một bình minh mang đầy âm khí.

L.H.P