Sự ám ảnh của những nỗi buồn?*
Gần cuối tiểu thuyết Từ Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, nhà văn Nguyễn Một trích dẫn Kinh Thánh: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa…” (Kinh Thánh Lc 23, 1-49). Như một lời nhắn gởi, rằng chiến tranh giống như lúc mặt trời trở nên u ám, tối tăm bao trùm cả mặt đất trong lịch sử loài người. Với ba tiểu thuyết, Nguyễn Một chạm đến những vấn đề lớn của con người. Về cuốn Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét: “Không theo con đường của hai tiểu thuyết Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời với lối viết huyền ảo tạo ra chỗ đứng vững chãi trong làng văn, Nguyễn Một, quay trở lại với mảnh đất hiện thực của riêng mình, kiên nhẫn đào sâu hơn xuống những tầng vỉa mới của sự phi lý gây nên bởi chiến tranh. Câu chuyện dàn trải, nhiều tuyến nhân vật, nhiều sự kiện đan cài, nhiều số phận, nhiều góc nhìn, nhiều nỗi đau buồn, nhiều sự vu vơ…” (Chiến tranh là thế - Tạ Duy Anh - trang 7). Trong bộn bề những nhân vật, những số phận, những sự kiện, những nỗi buồn, Nguyễn Một chọn ra: “Những cành bưởi rung lên bần bật, những bông hoa trắng rụng lả tả trên mái tóc đen mượt của Trang, trên mái tóc rễ tre phong trần của Tâm, trên thân thể thanh xuân của họ, những thân thể đầy nhựa sống này rồi có thể bị con quái vật chiến tranh nuốt chửng…” (bìa 2) như muốn bày tỏ một quan điểm, một sự chấp nhận hiện thực, một cái nhìn trong trẻo, tin cậy vào con người, vào cuộc đời.
“Nỗi buồn chiến tranh”
Không gian Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín trải dài từ một góc quê miền Trung xa xôi ngút ngàn đạn bom đến tận phố phường xứ Thủ Biên và còn trải ra nhiều vùng khác nữa, xa đến tận nước Mỹ. Và, khá nhiều tuyến nhân vật. Từ những người nông dân quê mùa chân chất đến những cô cậu học trò, từ những người làm ăn buôn bán, có cả những đại gia nổi tiếng, đến những người tham gia vào cuộc chiến kéo dài mấy chục năm trời ở cả hai phía. Không ít gia đình có con cái, anh em nửa tham gia bên này nửa tham gia bên còn lại dẫn đến không ít xung đột. Ở quê nhà của Sơn là những ông Ruộng, bà Kha Ly, ông Xí, bà Tư Mía, ông Trần Cư “tập kết”; lứa trẻ có “Thằng Hai, thằng Bốn “nhảy núi”, thằng Ba, thằng Năm đi lính Cộng hòa”- những người anh em của Sơn; rồi Quyên, Tươi... Ở thị xã Thủ Biên với những ông Tư Duy, bà Thu, bác Tư cụt, bà Mười xả dàn, ông Ngô Hai thương binh; lứa trẻ đông đảo với Diễm, Hùng Hippie, Hoàng thi sĩ, Thành phi công, thiếu úy Trần Văn Tâm, vũ nữ Đài Trang…, kết nối giữa các tuyến nhân vật là Sơn và thượng sĩ Lê Lý… Rồi những Hai Khánh, Ba Em… ở Tây Ninh. Hình ảnh chiến tranh hiện lên ngay từ trang đầu của tiểu thuyết: “Tất cả như một dự báo tai ương u ám hướng tới những cuộc đời, những cuộc tình của những chàng trai cô gái Trung học, của Sơn và Diễm, của cả một thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời khói lửa...” (trang 13). Sơn, đứa con trai cuối cùng sót lại của người nông dân quê nghèo không muốn cầm súng dù bên này hay bên kia. “Anh biết mình không phải là người sinh ra để phục vụ các cuộc chiến tranh, cho dù đó là cuộc chiến chính nghĩa hay phi nghĩa!” (trang 182). Anh bỏ quê xứ ra đi như một cuộc trốn chạy, cuối cùng vẫn không thoát được. Chiến tranh như một dấu lặng buồn bã phủ xuống quê hương vốn xinh đẹp. “Những trảng tranh xào xạc trong gió chiều, những ngọn đồi thinh lặng điểm những vạt hoa mua, hoa sim tím lặng người. Diễm bảo anh tại chiến tranh đã mang lại cho đất nước mình nỗi buồn như vậy” (trang 163). Cuộc chiến cứ kéo dài mãi, dai dẳng và ngày càng khốc liệt. “… chiến tranh có bao giờ kết thúc khi hai bên ngừng đánh nhau đâu? Chiến tranh kéo dài mãi khi lòng người ly tán” (Trang 277). Liệu có phải đây là lời giải thích cho sự kéo dài đầy đau đớn của chiến tranh? Nhưng phải sớm làm lành lại nỗi đau chiến tranh. “Những vết thương của cuộc chiến không chỉ để lại sự loang lổ trên đất nước bởi hố bom, bởi những vết tường đầy vết đạn, trên thân thể con người, trên những cánh rừng, mà trong tâm hồn mỗi con người. Tuổi trẻ không đương đầu với khó khăn, không bỏ sức lực ra thì ai sẽ làm lành được vết thương chi chít trên thân thể Việt Nam đau đớn này!” (trang 268). Đúng là vậy nhưng không hề dễ dàng, năm này tháng khác, thế hệ này đến thế hệ khác không thể một sớm một chiều xoa dịu nỗi đau mà cuộc chiến đem lại, để sớm quên đi, cũng không dễ dàng gì!
Bấp bênh phận người
Tiểu thuyết đề cập đến rất nhiều sự kiện liên quan đến chiến tranh Việt Nam: Kháng chiến 9 năm, Hiệp định Giơ-ne-vơ, các chiến dịch lớn nhỏ, sự can thiệp của Mỹ, phong trào đấu tranh ở đô thị, các cuộc đấu tranh, biểu tình của học sinh, sinh viên, phong trào Hippie, Hiệp định Pa-ri, sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, những cuộc vượt biên… và những câu chuyện thời hậu chiến. Trong vô vàn sự kiện, số phận con người hết sức mong manh. Sự phân rã ngay từ một gia đình, như gia đình Sơn: “Thằng Hai, thằng Bốn “nhảy núi”; thằng Ba, thằng Năm đi lính Cộng hòa, bốn thằng ấy kể như chết, chỉ còn mỗi thằng út này thôi, ráng giữ nó để sau này mồ mả của tôi với bà đỡ quạnh hiu. Có bán trâu cũng rán cho nó học hết Tú tài” (trang 51). Nhưng rồi Sơn vẫn bị lôi vào vòng xoáy của cuộc chiến. Những cái chết lạnh lùng, khó hiểu đầy oan nghiệt. Ông Xí chết bởi một viên đạn xuyên qua đầu, cả làng đi chôn người chết sau một đợt tàn sát của lính Đại Hàn “Lính Đại Hàn với du kích đánh nhau, lính chết bao nhiêu không biết vì họ lấy xác đi hết, còn bà con mình chết như rạ dưới Gò Làng tề!” (trang 57). Con trai bà Tư Mía bị lính bắn chết bởi sự chỉ điểm của con trai ông Xí khiến bà lúc điên lúc tỉnh, làng quê êm đềm bỗng bị xáo tung lên bởi những cái chết oan nghiệt. Một ngày kinh hoàng giữa cuộc chiến: “Trâu chết!/ Heo chết! Người già chết!/Trẻ em chết!/ Lính chết!/Mùi khét lẹt của những ngôi nhà bị cháy, mùi tanh tưởi của xác người trên khắp mặt ruộng, trong những ngôi nhà đổ nát, dưới những căn hầm bị sập” (trang 216). Người ta thay nhau chết, lần lượt, mỗi người mỗi cách, nhiều kiểu chết không thể nào tưởng tượng ra nổi. Cả những người ở lại với làng quê hay dứt ra đi đến tận phương trời xa, vẫn không thoát khỏi bàn tay ghê tởm của chiến tranh.
Chuyện tình những người trẻ, những Sơn, Diễm, Thành, Hùng Hippie, Hoàng thi sĩ. Rồi những Trang, Tâm, Quyên… vô cùng mong manh và tội nghiệp, “không biết ngày mai sẽ ra sao” với câu hỏi hiện lên mỗi ngày “bao giờ chiến tranh chấm dứt?”. Những cô cậu học trò vốn hay mơ mộng, thi hỏng rồi trốn lính hay bị bắt đi lính, những người thanh niên hoạt động bí mật trong lòng đô thị, những chàng trai tìm cách trốn lính hay chạy mua giấy hoãn dịch hoặc đăng lính làm “lính kiểng”, những sinh viên với những cuộc đấu tranh, biểu tình… Những gặp gỡ rồi chia ly, những va đập giữa con người và thời cuộc, những ly tán không hề lường trước… Tất cả hợp lại phô bày hết sự tàn khốc của chiến tranh.
Niềm hy vọng
Anh Hai Viên của Sơn trở thành cán bộ khá to nhưng không thể lấy vợ bởi bom đạn lấy đi mất thiên chức làm chồng, làm cha của anh. Tâm vẫn còn sống, đi cải tạo một thời gian rồi tìm về Thủ Biên với Trang... Cuối cùng rồi Sơn lấy Tươi “người vợ không tình yêu ở quê, nhưng chẳng ai có dấu hiệu gì”- không thể thực hiện được di nguyện của cha mình - ông Ruộng, Sơn li dị, bỏ hết mọi thứ để trở lại là chính mình như hồi chưa xảy ra chiến tranh. Gặp lại Diễm, như gặp lại một thời thanh xuân đẹp đẽ nhưng đớn đau của mình có thể phần nào làm dịu lòng Sơn. Và Sơn cảm ơn số phận bởi sau lần “họ tan vào nhau lần đầu cũng là lần cuối” đầy đau đớn trước khi chia tay Diễm anh đã thực hiện được ý nguyện của cha mình, với Diễm: một đứa con trai mang họ Trần Viết và tên làng của mình, A Đông. Tâm cưới Trang, “Đến lúc ấy, Tâm và Trang mới nghĩ đến chuyện sinh đứa con chung của hai người”… Bằng nhiều cách, niềm hy vọng luôn được được nhen lên.
L.T