Võ Nguyên Giáp với giải phóng Trường Sa - Ngô Minh

15.11.2013

Võ Nguyên Giáp với giải phóng Trường Sa - Ngô Minh

Đầu tháng Tư năm 1975, năm cánh quân của ta đang ép sát Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dù bận trăm nghìn công việc, phải chỉ huy một chiến dịch lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta như vậy, thế mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn nghĩ ngay đến việc phải nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo phía Nam Tổ Quốc. Đó là nhãn quan quân sự chính trị rất nhạy cảm và tầm nhìn chiến lược của vị tướng thiên tài. Vì năm trước, vào ngày 11-1-1974 Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, hải quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa. Sau đó đã cho tàu chiến đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc đó do Chính quyền Sài Gòn quản lý. Nên việc giải phóng quần đảo Trường Sa là vô cùng cấp bách.

          Quần đảo Trường Sa của Việt Nam lúc đó đã có nhiều nước xâm lấn một số đảo. Trong số 100 đảo lớn nhỏ và bãi đá san hô ngầm, quân đội Sài Gòn chỉ quản lý 5 đảo là: Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca. Đảo Trường Sa có 159 tên lính, do một viên trung úy chỉ huy. Chỉ huy sở chung của Quân đội Sài Gòn đóng tại đảo Nam Yết . Ngoài ra có  một đến hai tàu chiến của Hải quân Sài Gòn làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần và  yểm trợ cho các đảo. Tin tức về Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ làm cho nhiều nước mưu toan xâm chiếm quần đảo Trường Sa. Nếu quân ta không nhanh chân có khi mất thêm  nhiều đảo lớn vào tay các nước.

           Bởi thế mà ngày mùng 4 tháng 4 năm 1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã chỉ thị cho đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu 5, và đồng chí Chu Huy Mân, chính ủy chiến dịch Huế-Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Hải quân “ Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng”. Liền sau đó, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ thị cho Quân chủng Hải quân tổ chức lực lượng, sẵn sàng phối hợp với Quân khu 5 giải phóng quần đảo Trường Sa, không để cho lực lượng nước khác lợi dụng tình hình đến chiếm đảo. Một tuần sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại có bức điện “tối khẩn” điện cho Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công và chính ủy chiến dịch Huế - Đà Nẵng Chu Huy Mân cùng phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái: “Phải hành động kịp thời theo phương án đã định”.

          Theo mật lệnh của Đại tướng, ngày 9 tháng 4 năm 1975, trong lúc quân ta đang mở chiến dịch tấn công thị xã Xuân Lộc, thì trên hướng biển , một phân đội tàu gồm 3 chiếc tàu của Đoàn 125 anh hùng nhanh chóng rời  cửa biển Hải Phòng, mở hết tốc lực thẳng tiến vào cảng quân sự Tiên Sa, Đà Nẵng. Đây vốn là những con tàu không số năm xưa gồm các tàu 673 do Nguyễn Xuân Thơm làm Thuyền trưởng, tàu 674 do Nguyễn Văn Đức và tàu 675 do Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng kiêm biên đội trưởng, dưới sự chỉ huy của đồng chí Dương Tấn Kịch, Tham mưu trưởng Đoàn 125. Biên đội tàu không số cập cảng Tiên Sa vào 21giờ đêm 10-4-1975. Đêm ấy, tất cả rộn ràng khẩn trương chuẩn bị, vì lệnh xuất quân là 0 giờ ngày 11 tháng 4.  Bộ đội  đi giải phóng Trường Sa gồm đội 1 của đoàn 126 đặc công nước Hải quân do Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Ngọc Quế làm đội trưởng, cùng một lực lượng đặc công của sư đoàn 2 - Quân khu 5 phối thuộc. Chỉ huy cả hai lực lượng này là Lữ đoàn trưởng đặc công nước Mai Năng. Đơn vị giải phóng đảo được thành lập có phiên hiệu Đoàn C75 do Anh hùng Chí Mai Năng (tức Tạ Xuân Thiều) làm Chỉ huy trưởng.

 Để giữ bí mật cho trận đánh, ngay trong đêm cả ba tàu 673, 674 và 675 được giả trang là tàu đánh cá, gắn biển số tàu nước ngoài, mang cờ hiệu nước ngoài để ngụy trang. Còn bộ đội và vũ khí thì nằm bên nhau chật như nêm cối, án binh bất động dưới khoang tàu, trên phủ lưới đánh cá. Thậm chí có người  nằm ngửa ba bốn tiếng liền, mỏi mà không trở lưng được. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều mặc quần áo thường phục như ngư dân. Dọc đường hành quân ra Trường Sa, có lúc xuất hiện máy bay trinh sát của Mỹ, ba chiếc tàu lại quay hướng về phía đảo Hải Nam như  mọi chiếc tàu vận tải, đánh cá khác. Khi máy bay chúng đi xa thì lại hướng ra Trường Sa.

             Đảo Trường Sa cách bờ biển , điểm gần nhất trong đất liền (mũi Cà Ná) 249 hải lý. Đảo Song Tử Tây cách Đà Nẵng 480 hải lý (1 hải lý bằng 1,852 km). Mặc dù tàu trang bị thô sơ, không có hải đồ từ đất liền ra Trường Sa, chỉ có một la bàn từ, một đồng hồ thiên văn và bộ định hướng theo sao trời. Nhưng với kinh nghiệm đi biển dày dặn nhiều năm trên những con tàu không số, nhiều Thuyền trưởng đã đi qua quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nhiều lần, nên sau 2 ngày đêm hành trình đến chiều ngày 13 tháng 4 năm 1975, phân đội tàu  chở các chiến sĩ đặc công nước đã đến gần đảo Song Tử Tây. Đoàn C75 quyết định thực hành đổ bộ đánh chiếm đảo Song Tử Tây ngay trong đêm 13 tháng 4.Theo phương án chiến đấu đã vạch , tàu  673 chở Đội 1 vào gần đảo để đổ bộ, tàu 674, 675 ở ngoài  yểm trợ khi cần thiết. Các phân đội dùng xuồng để đổ bộ. Sau khi bí mật tiếp cận mép đảo đơn vị đổ bộ dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, đội trưởng Đội 1 của Trung đoàn 126 đặc công Hải quân phối hợp với hỏa lực của Tiểu đoàn 471 Quân khu 5 chia làm 3 mũi bất ngờ tấn công lên đảo. Sau phát súng DKZ đầu tiên làm hiệu lệnh, quân ta nhanh chóng tiến sâu vào đảo. Bọn địch bắn trả quyết liệt. Với chiến thuật đặc công, bộ đội ta đã vượt qua làn đạn chống  trả của địch, kịp thời khống chế các ổ đề kháng. Sau 30 phút chiến đấu ta đã tiêu diệt 6 tên địch, bắt sống 33 tên khác, thu toàn bộ vũ khí, hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây.

 

            Anh  Hồ Công Hạo, người Thừa Thiên Huế, hiện đang sống ở đường Nguyễn Sinh Cung, Huế, là sĩ quan quân báo của Quân chủng Hải quân luôn sát cánh cùng Lữ 125 trong việc nghiên cứu tình hình tàu địch trên biển cho biết, khi tàu ta giải phóng Trường Sa thì anh đang ở cảng Đà Nẵng, nên biết rất rõ trong trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây, một chiến sĩ đặc công của ta hy sinh, không có ai bị thương . Đó là tổn thất duy nhất của bộ đội ta trong  trận đánh  chiếm đảo Song Tử Tây ngày 13-4- 1975. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nửa xanh nửa đỏ được kéo lên cột cờ của đảo, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên hòn đảo phía bắc của quần đảo Trường Sa. Sau khi giải phóng đảo Sông Tử Tây, ba tàu  không số trở về cảng Tiên Sa, Đà Nẵng chở theo xác liệt sĩ của ta và tù binh là lính quân đội Sài Gòn.

 

          Đảo Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa, địch hoang mang. Hải quân Sài Gòn vội vàng cho hai chiếc tàu HQ16, HQ402 từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại đảo. Ngày 17 tháng 4 khi đến gần đảo, chúng phát hiện trên đảo có 3 lá cờ của ta đang tung bay. Chúng cho rằng, lực lượng “Việt Cộng” rất đông, nên không dám tiến vào chiếm lại đảo. Chúng  quay về phòng thủ ở đảo Nam Yết.

           Đợt 2 giải phóng Trường Sa bắt đầu 4 giờ sáng ngày 21 tháng 4 năm 1975. Hai tàu không số 673 và 674 chở 3 phân đội thuộc Trung đoàn 126 đặc công hải quân, rời quân cảng Đà Nẵng tiến ra Trường Sa. Kế hoạch ta sẽ tấn công  giải phóng các đảo Nam Yết, Sơn Ca và Sinh Tồn trong một đêm. Sau đó sẽ giải phóng hai đảo còn lại là Trường Sa và An Bang.

         Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn là 3 đảo nằm ở khu vực giữa của quần đảo Trường Sa, gần với các đảo Ba Bình do quân Đài Loan chiếm giữ, và các đảo Thị Tứ, Loại Ta, Bến Lạc do quân Philippine chiếm giữ. Khi thủy triều xuống mức thấp nhất, đảo Nam Yết  có chiều rộng khoảng 170 mét, dài 650 mét, cao  3 đến 4 mét. Cách đảo Sơn Ca 12 hải lý về phía nam, cách đảo Song Tử Tây 88 hải lý và cách đảo Trường Sa 175 hải lý. Bao quanh đảo là bãi san hô ngập nước, rộng tới  300 mét. Vành san hô ngầm ở phía tây đảo rộng từ 1.800 đến  3.700 mét . Đảo Sơn Ca có chiều dài  450 mét, rộng 130 mét, cao từ 3,5  đến 3,8 mét. Dưới mép nước bao quanh đảo là thềm san hô ngầm  rộng từ 800 đến 1000 mét. Đảo Sơn Ca cách đảo Ba Bình 6,3 hải lý , cách đảo Sinh Tồn  30 hải lý. Đảo Sinh Tồn cách đảo Trường Sa 165 hải lý, có chiều rộng và dài ngang nhau, khoảng 100 mét, nằm trên một ngầm san hô ngập nước có đường kính khoảng 1.800 mét. Khi thủy triều thấp nhất thì nền san hô này nhô lên mặt nước từ 0,2 đến 0,4 mét. Hai đầu đảo theo hướng đông - tây có hai dải cát dài hơn 140 mét và thường di chuyển theo mùa sóng gió.... Đó là những  thông tin về đặc điểm địa hình, vị trí các đảo mà Quân chủng Hải quân phổ biến cho các Thuyền trưởng và chỉ huy đặc công nước để trù liệu khi tấn công giải phóng các đảo.

       Cũng như giải phóng đảo Song Tử Tây trước đó, lần này các tàu của ta vẫn thực hiện phương chân “đánh du kích”, đóng giả tàu ngư dân đánh cá, bộ đội mặc thường phục , tàu gắn biển hiệu nước ngoài, kéo cờ nước ngoài,  trên bong tàu có lưới. Đêm 24 tháng 4, tàu 673 chở bộ đội ta vào gần đảo Nam Yết thì phát hiện một chiếc tàu khu trục của địch đang hoạt động ở đó, nếu ta vào gần đảo, tàu địch sẽ chống trả, việc đổ bộ sẽ khó thành. Tàu ta đành quay về neo ở Song Tử Tây. Còn tàu 641 chở lực lượng đổ bộ đã đến phía tây đảo Sơn Ca  2 hải lý, nhưng ở đây nước chảy rất  xiết. Nếu  đổ bộ sẽ  bị nước cuốn. Thế là tàu đành lùi ra xa rồi vòng lên phía tây bắc đảo. Ở đây  dòng chảy yếu hơn, nên tàu nhanh chóng cho các chiến sĩ đổ bộ xuống biển, đi xuồng vào. 2 giờ 20 phút ngày 25-4, lực lượng bộ đội đặc công đổ bộ bám sát mép đảo. Chỉ huy phát lệnh nổ súng. Địch chống cự yếu ớt. Sau 30 phút chiến đấu ta tiêu diệt 2 tên địch, bắt sống 17 tên khác, ta kéo cờ làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca. Cách đó không xa về phía tây, đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa  vẫn tĩnh lặng trong  ánh điện mờ giữa màn đêm đen ngòm của biển.

          Tin đảo Sơn Ca bị đánh chiếm làm cho quân đội Sài Gòn đóng ở các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa đều rút xuống các tàu bảo vệ của chúng, rút chạy khỏi đảo. Các tàu ta chở bộ đội đổ bộ  giải phóng các đảo không  phải nổ phát súng nào. Đến đêm 29-4-1975, trước giải phóng Sài Gòn một ngày, tất cả 5 đảo mà quân đội Sài Gòn đồn trú ở quần đảo Trường Sa đã được giải phóng. Cùng với việc giải phóng Trường Sa, Đoàn tàu không số còn  chở bộ đội ta tấn công giải phóng các đảo tây nam Tổ quốc như đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Hòn Cao, Hòn Tử, Côn Đảo.v.v..

            Giải phóng quần đảo Trường Sa  là chiến công có ý nghĩa chiến lược to lớn là bảo vệ  chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đoàn tàu không số, dưới tầm nhìn xa bao quát biển Đông của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nếu quân ta không “nhanh chân” thời đó thì quần đảo Trường Sa chưa chắc đã còn…

                                                                                                            N.M