Bài thơ tình thứ nhất - Nguyễn Minh Hùng

20.11.2013

Bài thơ tình thứ nhất - Nguyễn Minh Hùng

Ngày 12/10/2013, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức Kỉ niệm 55 năm thành lập trường. Nhân dịp này, tuyển thơ Hương thời gian - Nxb Văn học, đã ra mắt bạn đọc, gồm các tác giả nguyên là thầy giáo, cựu học sinh các thế hệ. Tuyển thơ để lại ấn tượng riêng về những tác giả vốn không xa lạ với bạn đọc qua các giai đoạn. Tạp chí Non Nước xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Minh Hùng - một tác giả, một cựu học sinh và nguyên giáo viên nhà trường.

 

…Một lần đó anh viết vào trang giấy

Bài thơ tình thứ nhất có trăng sao

Có mùa xuân có mùa thu có mùa đông bão dậy

Trên đỉnh trời có áo lụa bay cao.

(Nguyễn Nho Nhượn - Một lần đó)

            Từ “thơ” trong tiếng Việt có nghĩa là “thơ ca” (“thi ca” trong tiếng Hán Việt) nhưng lại còn có nghĩa là tuổi thơ, thơ trẻ, thơ mộng… Viết về trường xưa, về thời niên thiếu, thơ ca trở nên đắc dụng, phổ biến, tay ngang vẫn có câu thơ xuất thần. Đó là Bài thơ tình thứ nhất có trăng sao để làm một chứng nhân của thời kì đẹp nhất mỗi đời người. Rồi trên muôn vạn nẻo đời, có thể sẽ có bài thơ tình thứ hai, thứ ba… nhưng sẽ không còn trăng sao nữa, hay nếu có trăng sao thì không phải trăng sao “sơ nguyên mộng” (Bùi Giáng) thuở ban đầu… Nguyễn Chiến có mong ước một Ngày tình cũ nhưng vẫn ý thức rất rõ: Lời xưa đã thành mây trắng - Là rồi mãi khuyết vầng trăng. Cái đã qua thì phải qua đi, dù tiếc mãi…

            Tập thơ này không chỉ là “nỗi buồn hoa phượng” nhưng trước hết hãy nói về nỗi buồn lung linh ấy, vì “Còn ai quen với phượng cho bằng bọn cắp sách đến trường một ngày hai buổi! Còn ai có linh hồn tươi thắm để quan hoài cùng với phượng thắm tươi?...” (Xuân Diệu - Hoa học trò).

            Hơn 50 năm trước, Nguyễn Nho Sa Mạc viết về màu áo học trò rất lạ:

            Em lộng lẫy màu phấn son chết lặng

Màu lạnh vàng ngủ gục dưới chân em

Trưa xanh xao lội chảy qua thềm

Em bỏ mặc ôm lấy màu trinh trắng

                                                            (Màu áo Phương Đông)

            Có lẽ, sau Huy Cận, Em lùa gió biếc vào trong tóc - Thổi lại phòng anh cả núi non (Áo trắng), còn ai viết về màu áo học trò thiên thần như vậy?! Và rồi, như lẽ đương nhiên, tình yêu học trò - một trong những cảm xúc mộng ảo, day dứt, dây dưa, chóng vánh và vĩnh cửu - lại tràn về không kiểm soát nổi:

- Thuở mới lớn anh rình cô bạn học

Tháng ngày ai thơm áo trắng không ngờ

Khi cô bé thả tóc thề ngang lớp

Là khi lòng cậu bé rối câu thơ

Anh tập viết (nên chưa từng dám nói)

Anh tập yêu đơn chiếc bảy năm trời

Mắt cô bạn mỗi dần xanh thiếu nữ

Câu thơ chừng hương ngát một hoa khôi

(Hoàng Lộc - Chuyện người đi theo thơ)

            - Vĩnh Điện xốn xang của ngày tập yêu

Viết vội tên em lên bàn lên ghế

Chỗ ngực em tì vẫn còn hơi nóng

Sợi tóc em rơi rối cả kỳ hè

(Lê Văn Hiểu - Thăm trường)

- Dù kiếp nhân sinh tuần hoàn hay chẵn lẻ

Tình yêu đôi ta: Một song ánh vĩnh hằng…

(Nguyễn Chánh Tú – Em và Toán)

            “Rồi thời gian lặng lẽ trôi” Họ lớn, họ già, đường đời xốc xới, lão bệnh, tâm bệnh bủa vây, Vấn thiên hà cố thương tâm sự - Thử địa phong trần hề đảo điên (Ngô Sửu – Tọa thiền không được). Càng xa tuổi thơ càng thấy tuổi thơ gần lại, hiển hiện rõ hơn và nhận ra họ cô đơn với chính thế giới trong veo xưa cũ. Cơn mưa hiện tại cũng trở thành bội ước khi đời thiếu bạn và xa thầy:

Cơn mưa hè gian dối

Bụi đường lên mắt cay

(Ngô Sửu - Cơn mưa)

            Họ ước một ngày họp mặt. “Ông” bước vào sân trường - một chứng nhân nữa - để thấu cảm nỗi cô đơn này:

Trước sân trường hoang vắng chiều nay

Chỉ có gió, cây phượng già mới biết

Cả lớp đang cùng ông họp mặt.

(Nguyễn Hàn Chung - Họp mặt lớp)

Có bạn xa trường từ tuổi nhỏ, có kẻ rời trường lúc về già, có người như Hoàng Hạc bay bay mãi bỏ trời mơ… Niềm lưu luyến ai có hơn ai, khi người trong cuộc bỗng chốc hóa thành cố nhân: Ai đi buổi ấy lưng ngấn mắt - Ai đứng trông vời bóng cố nhân…(Nguyễn Trí Viễn - Sân trường)…

Thơ viết về mái trường thật dễ, chân thành là thành thơ. Nhưng để có một bài thơ hay, thậm chí một câu thôi, quá khó. Đọc Hương thời gian, thật ngạc nhiên, sao lại có những bài thơ, những câu thơ độc đáo đến vậy?!

Trong tập này, bạn đọc sẽ gặp lại rất nhiều tác giả, nhiều trang thơ mà sự gắn bó với trường chỉ là một cái tên tác giả (cựu giáo viên, cựu học sinh) bởi thơ họ viết về những cái ngoài - trường - lớp. Điều đó không lạ. Mái trường hay tuổi thơ chỉ là một đoạn đời (thường là trong sáng), thuở ngồi dưới lớp hay đứng trên bục giảng cũng chỉ là một phần sống (thường là êm đềm) trong cõi nhân gian tác giả.

 

Tuyển thơ này còn mong muốn đạt được điều khác hơn, mà trong một thời gian dài, chưa có cách, chưa có điều kiện để làm. Đó là, tập hợp những gương mặt thơ từ mái trường này với tư cách là những tác giả - tác phẩm mà không ít người trong số họ, qua các giai đoạn, đã để lại những dấu ấn riêng trên thi đàn, ít nhất cũng là trên vùng đất này. Mục đích khác nhau nên kỉ yếu - đặc san không thể thay cho tác phẩm (và ngược lại). Những người tham gia thực hiện không lấy tuyển thơ Hương thời gian thay cho đặc san Hương thời gian quen thuộc của mỗi lần hội trường là vì lẽ ấy. 

            Hai bài thơ trang trọng đặt đầu tập sách này là một “cung chiêu anh hồn”, tuy không viết về Nguyễn Duy Hiệu (mái trường) mà của chính Nguyễn Duy Hiệu - người anh hùng lừng lẫy, lãnh tụ phong trào Cần Vương tại Quảng Nam, người nhà trường được vinh dự mang tên. Thơ Ông viết khi ra pháp trường biểu lộ một khí phách ngút trời và chiêm nghiệm ứa máu:

- Sơn hà phận dĩ thiên thư định

Thảo mộc sầu khan địa thế cùng

Kí ngữ phù trầm tư thế giả

Hưu trương thành bại luận anh hùng

            Dịch thơ:

Non sông phần tự thư trời định,

Cây cỏ buồn xem thế đất cùng.

Chìm nổi đời này ai đó tá?

Chớ đem thành bại luận anh hùng.

                                                      (Huỳnh Thúc Kháng)

            - Hàn sơn kỉ đắc cô tùng cán

Đại hạ yên năng nhất mộc chi

Hảo bả đan tâm triều liệt thánh

Trung thu minh nguyệt bạn ngô quy

Dịch thơ:

Được mấy thông già trơ núi lạnh,

Dễ đâu cột một chống nhà to

Tấm son mang xuống chầu vua thánh

Cùng với trăng thề sáng giữa thu.

                                                             (Khương Hữu Dụng)

            Ngày ấy, cụ Hường Hiệu là “cựu học sinh” của cửa Khổng sân Trình (với danh sư Lê Tấn Toán, Nguyễn Đình Tựu), là “cựu giáo viên” của triều đình dạy con nuôi thiên tử (giảng tập) mà tự mình vượt thoát ngu trung, giũ bỏ mũ cao áo dài để đứng về phía nhân dân. Người ấy, thơ ấy thơm mãi sử xanh.

            Nửa sau những năm sáu mươi của thế kỉ trước, những thầy cô giáo, những học sinh từ mái trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu, như bao lớp thanh niên khác, ít nhiều cuốn vào xã hội Miền Nam với nhiều hướng đi, nhiều ngả rẽ, trong bôn ba cơm áo, giữa phân tán lí tưởng sống, với nỗi niềm riêng mang trước thời cuộc. Làn sóng triết học Tây phương ùa đến, cái tôi cá nhân (với nhiều trào lưu) được đánh thức, được biểu hiện qua nhiều thể cách khác nhau. Có một lớp người dưới mái trường này chọn cách biểu đạt qua ngòi bút - nhất là ngôn ngữ thi ca. Thơ họ là tiếng vọng có vẻ xa vời nhưng soi chiếu rõ tâm tư, đặc biệt, thơ ấy sớm có chỗ đứng nhất định trên văn đàn thông qua một số tạp chí tiếng tăm xuất bản hồi đó.

Đynh Trầm Ca với tập Chết trên căn phần, Mắt đêm đã Té ngữa trên bờ dĩ vãng xanh/Té sấp trên trên đường tương lai đen rồi Chỉ còn hư vô và triệu dấu hỏi trong hồn. Tài hoa yểu mệnh là hai chàng thi sĩ tuổi mới đôi mươi mà có cả một gia tài thơ đáng nể với cách thể hiện của kẻ tài không đợi tuổi, bây giờ đọc lại vẫn còn nguyên cảm giác sững sờ. Nguyễn Nho Sa Mạc và Nguyễn Nho Nhượn có thơ đăng rất sớm trên một số tạp chí văn học nổi tiếng hồi đó như Mai, Bách Khoa, Văn, Văn Học, Thời Nay, Phổ Thông… Nguyễn Nho Sa Mạc tập hợp thành tập Vàng lạnh (di cảo), Nguyễn Nho Nhượn có đến 5, 6 tập - Tiếng nói giữa hư vô, Những lời sương khói, Lời buồn trong tim, Hơi thở miền nhiệt đới, Nỗi buồn mọc cánh, Những khúc ca hoang. Họ chết sớm và thơ họ sống lâu lắm.

            Thầy Nguyễn Phú Long (nguyên hiệu trưởng, kí tên Hoàng Thị Bích Ni khi làm thơ; Nguyễn Kim Phượng, Nguyễn Lê Mai trên những đầu sách văn học dịch) không thể chỉ làm thầy giáo chỉnh tề, đức độ, không chịu cảnh hồn đau nhỏ của kiếp nhân gian nhỏ mà muốn vươn đến một Nẻo cao:

            Trường Sơn cao... Hồn quê hương lảo đảo

Cây vươn trời và cỏ ngã đường xuôi…

Thầy giáo trẻ Phan Duy Nhân, trong Thư gửi cho mẹ và chị đã nói lên nỗi buồn thế hệ với những câu thơ nổi tiếng mà bây giờ đọc nghe vẫn âm vọng:

            Con đã ngấy những ngày thư viện đói

Nói khôi hài kinh kệ những ai xưa

Khi rách áo xem ra chiều thủ lợi

Không manh tâm thiên hạ cũng nghi ngờ…

Còn nhiều nữa, những năm tháng ấy, dưới mái trường này và từ mái trường này đã tạo ra (hoặc góp phần tạo ra) những gương mặt thơ không hổ thẹn với đất Điện Bàn - Quảng Nam vốn sinh ra nhiều danh sĩ… 

 

3. Sau năm 1975, quê hương đất nước đổi thay, nhiều lớp học trò, thầy cô đến rồi đi. Ngôi trường bên sông và dưới hàng phượng vĩ ấy cũng khá nhiều thay đổi. Hàng phượng có cây bật gốc và có cành vươn lên để đến hạ là đỏ chót réo gọi cao xanh. Dòng sông cứ chảy bên trường yên ả như không cơn cớ gì, mặc cho Những đứa trẻ vẫn vô tư nô đùa trên kí ức mai này/Những cô gái vẫn vô tình gánh lên từng gành kỉ niệm/Tiếng cười vang vang; để chợt khi ngoảnh lại Sông trong veo nước mắt ban ngày (Nguyễn Minh Hùng - Chia tay dòng sông). Cố nhân hay người đương cuộc, thơ vẫn xuất hiện đều, có khi nhiều hơn; còn hay hơn và mới hơn thì câu trả lời còn chờ đó.

Lý Đợi còn rất trẻ (tốt nghiệp THPT năm 1994) nhưng đã là một hiện tượng thơ “bên lề”, nói như Nguyên Ngọc, “Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề”. Tổ khúc những vật rỗngNếp nghĩ không căn cước trong tập thơ này đang “mở miệng”. Một cô gái trẻ hơn, Đoàn Minh Châu, cũng “trình chánh” những trang viết có bóng dáng riêng với ChìmMưa lõa thể. Thơ hai bạn này khó trích, phải đọc cả bài, đọc nhiều bài nữa. Sự phá cách của họ đáng ghi nhận. Họ đến đâu chưa biết nhưng họ có ý thức đi về một lối khác mà ở đó không mong gặp Hoàng Lộc, Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc…

Sẽ không đủ nếu không nói về không ít thầy cô và học trò cũ say mê thơ nhiều như Từ Huy, Nguyễn Hàn Chung, Lê Anh Dũng, Nguyễn Chiến, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Nho Thùy Dương… Hình như ai cũng ra mắt tập thơ riêng, có người đến bốn, năm tập. Họ có bạn đọc, bạn thơ, nhưng may quá, nhìn kĩ thì không thấy ai chọn thơ phú làm sự nghiệp đời mình. Thơ với họ là nơi kí thác, khi buồn nhớ thì quay về, khi không nói được bằng lời thì thơ cất lên, được mất không toan tính.

Do khuôn khổ và khả năng tập hợp hạn chế khiến cho Hương thời gian khó nồng nàn lan tỏa vì có thể có lãng quên đáng tiếc. Dẫu biết Kim nhân bất kiến cổ thi nguyệt (Lý Bạch) nhưng Bài thơ tình thứ nhất chỉ mong cầu một ánh trăng soi, để khi đọc lại - tìm về, còn biết giật mình tự nhủ: Trăng thề còn đó trơ trơ/Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng (Nguyễn Du – Truyện Kiều)…     

                                                                       

Đà Nẵng, mùa Thu 2013

 

                                                     N.M.H

 

 Lê Văn Hiểu

Cựu học sinh 1983 - 1986

 

                 THĂM TRƯỜNG

                        

                       Tặng lớp 12A  yêu thương

 

Đánh mất tuổi thơ mình ở đâu?

Để mùa thu mãi không còn trinh vẹn

Trong vạn nẻo đường đời nhớ bạn

Mùi phố phường không giấu được hương quê…

 

Vĩnh Điện xốn xang của ngày tập yêu

Viết vội tên em lên bàn, lên ghế

Chỗ ngực em tì vẫn còn hơi nóng

Sợi tóc em rơi rối cả kỳ hè

 

Mùa đông lùa hơi lạnh thiếu ăn

Chuyền tay nhau từng trang sách nhỏ

Học toán? - Để hình thành nhân cách

Học văn? - Sinh ra là nợ với đời

 

Ngôi trường mình đã hun đúc nên xanh

Má nói: nhà mình chỉ có khoai với sắn

Ba nói: làm trai phải có lòng yêu nước

Thầy nói: làm người không chỉ có trái tim

 

Đánh mất ở trường một nửa tuổi thơ…

Mót lúa, mót khoai, mót em, mót chữ…

                                                2011 – 2013

                                                     L.V.H

 

 

 

Hoàng Lộc

 

Giảng dạy tại Trường những năm 60

 

Nhớ Đynh Trầm Ca

 

Lâu lắm mới mở rượu

Lại nhớ bạn bên nhà

Thằng bạn ta nhớ nhất

Là ông Đynh Trầm Ca

 

Có cô bé khuynh quốc

Học trò cưng của ta

Nuôi mới vừa nhón gót

Ông đành tán trướt cha!

 

Nhớ ông là nổi giận

Không nhớ không được mà

Bốn lăm năm rồi bạn

Như vừa mới hôm qua

 

Rượu đây, thần Vĩnh Điện

Hiên vang chút nắng tà

Nhớ Ngọc Thoan, nhớ Phượng

Nhớ thêm mùa thu xa...

 

Ta – cùng ông một tuổi

Năm nay chắc đã già!

                           H.L

 

 

 

Nguyễn Nho Nhượn

    (1946 - 1969)

Cựu HS (những năm 1958 – 1962)

 

Một lần đó

 

Một lần đó anh ngập ngường ngại nói

Như ngày xưa cơn gió thoảng qua thôi

Chắc em nhớ nhưng xin đừng vội hỏi

Bàn tay không anh khép chặt lại rồi

 

Một lần đó anh còn xao xuyến quá

Dáng ai đi anh cứ tưởng em về

Mắt mỏi mòn trong từng hơi thở lạ

Mặt trời lên thêm ý đẹp miền quê

 

Một lần đó anh viết vào trang giấy

Bài thơ tình thứ nhất có trăng sao

Có mùa xuân có mùa thu có mùa đông bão dậy

Trên đỉnh trời có áo lụa bay cao

 

Một lần đó có giận hờn thương nhớ

Mùa hạ về thôi là gió heo may

Anh dù nói nhưng em còn nức nở

Chim vội vàng cất tiếng hót rồi bay

 

Một lần đó thôi trở thành quá khứ

Như ngày xưa cơn gió thoảng qua thôi

Chắc em nhớ nhưng không còn lời nói

Bàn tay không anh khép chặt lại rồi

                                N.N.N

 

 

 

Ngô Sửu

(1950 – 2013)

Giảng dạy tại Trường các năm 1975 – 1977

 

Tọa thiền không được

 

“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”

Kiết già phu tọa bất tâm nhiên

Vấn thiên hà cố thương tâm sự

Thử địa phong trần hề đảo điên

                          N.S

Cơn mưa

 

Ngồi một mình trong quán

Thiếu bạn và xa thầy

Cơn mưa hè gian dối

Bụi đường lên mắt cay

                           N.S

 

 

Phan Duy Nhân

 

Giảng dạy tại Trường các năm 1962 – 1964

 

Biển

 

Biển như vầng trán rộng
Thương đời triệu nếp nhăn

Người còn trong hữu hạn
Nhớ nghĩ ngoài xa xăm...

Biển gầm nơi sóng cuộn
Những nỗi đau âm thầm
Khối tình chôn giữa ngực
Đã hóa thành nam châm!

Biển muôn đời dào dạt
Mà tĩnh lặng khôn cùng
Ra tới ngoài vô tận
Biển chảy vào không trung...

                   Cà Mau sau bão, 2006

                             P.D.N