Nàng Kim Chi sáu ngón - Đà Linh
Tôi đã có dịp đến Phúc Yên vào đầu những năm 80. Trước kia, khi người Pháp sang đô hộ, nơi đây là thị xã nghèo. Khi ra đi, họ chỉ để lại dấu vết của sự chiếm đóng. Tôi muốn nói đến nơi đóng quân của lính. Người dân ở đây thì quá quen thuộc với cái tên Thành Đỏ, nó nằm cũ rích tại trung tâm thị xã. Khi Vĩnh Phúc và Phú Thọ sát nhập thành một tỉnh lớn Vĩnh Phú, thì thị xã nghèo Phúc Yên đang trở nên một thị trấn sầm uất. Lúc tôi có mặt, cuộc sống nơi đây náo nức, nhộn nhịp với những cơ sở mới hoàn thiện: cửa hàng bách hóa, cửa hàng sách, điểm tâm giải khát, khu chợ mới và rạp xinê đang xây dựng... một bầu không khí thật lý tưởng đối với miền Trung du hồi đó. Cùng với hàng loạt trường học - nơi đây đã trở thành một trong những trung tâm học sinh, sinh viên. Tôi đã lang thang trên bờ sông Cà Lồ...
Trời về tối, gió biển thổi mát lạnh. Đề phòng ho sau mấy ly bia, tôi gài khuy cổ lại.
– Chị Kim Chi chưa về, anh thông cảm!
– Sao? Chưa về?
– Dạ! Tối nay chị ấy bận, có việc bên Mỹ Khê. Hay là tối mai anh lại.
Cô nhân viên trẻ trung nói thêm.
– Em ngồi với anh được không?
– Xin lỗi, hôm nay tôi muốn ngồi thế này.
*
* *
Một gương mặt sắc cạnh, thanh thoát, rồi dần dần cả thân hình cân đối, dong dỏng hiện ra, Kim Chi của hơn mười năm về trước.
– Chỗ anh có ai ngồi chưa?
– Chưa, em ngồi xuống đi.
Tàu dừng trước khi vào ga Yên Viên một đoạn, bất ngờ, mọi người xô nhau theo quán tính. Tiếng ồn ào, chửi bới ầm ĩ, một cái bọc khá lớn ngay trên đầu tôi rơi xuống. Tôi giật mình, còn Kim Chi đã kịp đưa tay đỡ. Chính giây phút đó, bàn tay sáu ngón của cô đã hiện ra với đầy đủ sự nhanh nhẹn và sức mạnh của nó.
Tôi đã cùng cô ấn cái bọc nặng về lại vị trí cũ. Ngồi xuống ghế, chúng tôi bắt đầu nói chuyện vui vẻ. Thỉnh thoảng, tôi đảo mắt tìm kiếm bàn tay cô, có những giây phút tôi đã bắt gặp lại nó: một bàn tay trắng mịn, thuôn dài, đầy đặn, nhưng trên một bàn tay có ngón thứ sáu mọc ra, cong keo, vẹo vọ, nó phá đi cái vẻ hoàn thiện của một bàn tay. Khi biết là đồng hành Phúc Yên, chúng tôi càng nói chuyện rôm rả. Ngón thứ sáu đôi khi mọc giữa chúng tôi, nhưng không ngăn cản được sự thân mật đang gia tăng.
*
* *
Kim Chi mang ngón thứ sáu từ thuở ấu thơ, mỗi ngày ngón thứ sáu mỗi lớn trông càng vẹo vọ tợn. Cha mẹ cô định đưa đến bệnh viện cắt đi, nhưng có ông già giỏi nghề thuốc ở làng Ngọc Hà khuyên đừng nên cắt, sẽ ảnh hưởng sau này, thậm chí có thể chết non. Còn để trông xấu xí tí thôi, lại gặp may mắn. Hình như ông còn nói đó là dấu ấn của Đấng cao quý.
Càng lớn, Kim Chi càng xinh đẹp, ngón thứ sáu cũng lớn lên theo, không ít lần nó đã hành hạ cô, cô quen dần với sự hành hạ đó. Khi chỉ có một mình, cô hay chăm chú đến ngón thứ sáu “bỗng ngày nào đó, nó biến mất, khi đó thì sao nhỉ?”. Những lúc như thế, ông già làng Ngọc Hà lại hiện thoáng qua trong đầu, gợi cho cô biết bao giấc mơ đẹp. Lần nào cô cũng thấy mình bay lên cung trăng, người nhẹ lâng lâng, quấn quýt cùng ai đó. Ngón thứ sáu kỳ dị tạo nơi cô những cá tính ai hiểu được.
Thời phổ thông, cô thường bị trêu chọc, có khi nghe chín mười cái mồm cùng hét “con sáu ngón!”. Có lần một cậu học sinh cùng trường đùa dai, la hét khản cổ cô không quay lại. Trong lúc bốc đồng, cậu ta lấy hòn cuội ném vào lưng cô. Chưa kịp hét tiếp, cô quay lại, thấy đôi mắt cô, cậu ta sợ quá bỏ chạy, vấp phải dây điện trong khi một tay ôm cặp cùng chiếc khăn nhàu nhò, còn tay kia đang giữ lưng quần, thế là mặt đập xuống nền gạch, máu mồm, máu mũi tóe loe. Từ đó trở đi ít đứa trêu Kim Chi, sợ cô có ma thuật.
Từ sự chịu đựng, dần dần nảy sinh trong cô những suy nghĩ lạ lùng về con người. Cô cho rằng ai sinh ra trên đời cũng đều có cố tật, nếu không lộ ra ở tay, chân, thân thể thì sẽ lộ ra ở phần khác. Chính có cố tật mới là con người, với cố tật, người ta mới nhận ra nhau, hiểu biết nhau.
*
* *
Trường Đại học ở Phúc Yên vào đầu những năm 80 còn cảnh nhà lá, giường tầng. Những lớp học bằng ván ép, những dãy nhà tranh, vài dãy nhà gạch cấp IV, mọc lổn nhổn không đều trên những khu đồi nhấp nhô cao thấp. Sông Cà Lồ khi trong, khi đục là nguồn nước chính của toàn trường. Nơi trũng nhất trong trường, thung lũng giữa những mảng đồi cao là sân chơi, có sân bóng rổ, sân khấu, phần nền sân còn lại là đất và gạch xỉ. Chỉ có khoảng gần nhà tắm, một vài nhóm cỏ mọc xanh rì, lác đác mấy cây cao vống. Loài cỏ vươn cao hơn nòi giống thật đáng thương, luôn bị bàn chân của các cô sinh viên dẫm gẫy gục. Cuộc sống vật chất của nhà trường mới chỉ có vậy là do Trường phải di chuyển biết bao lần qua những đợt Mỹ ném bom phá hoại.
Hàng ngày, trên con đường mòn từ dãy nhà Kim Chi xuống những bậc xi măng mép sông Cà Lồ, cứ vào khoảng 5 – 6 giờ chiều là các cô sinh viên đi lại tấp nập để vệ sinh, giặt giũ, gánh nước. Dường như Kim Chi luôn là người đi sau cùng. Tối đến, các bạn cùng phòng cô đều bận rộn cả: kẻ học, người tâm tư riêng... Kim Chi hết học lại đan lát. Không bao giờ thấy Kim Chi bay nhảy, hát hò vui đùa như chị em. Cô cứ ru rú ở nhà, ít thổ lộ. Riêng ngón thứ sáu làm không ít chàng trai gai gai trong người, nó trở thành đề tài trong những câu chuyện đêm khuya của các cậu sinh viên.
Những câu chuyện đàm tiếu về Kim Chi không hiểu sao lại tác động đến Nhật. Quy luật của trường học thường lớp dưới biết lớp trên, chứ các anh chị khóa trước ít để ý đến khóa sau. Tất nhiên, cần loại trừ các chàng trai hay “chim chuột”, những chàng này thường săn lùng và “tăm” của lạ, càng mới càng tốt. Nhật không ở trong số đó, cậu không có bạn gái nào cả.
Tự nhiên mọi người thấy Nhật thay đổi, bạn bè thấy cậu sao nhãng với quán chè ông Mảnh, ít tụ tập hơn với băng của cậu. Tránh xa hội hè, đàn hát và cậu đã chú ý hơn đến con đường mòn xuống sông Cà Lồ. Chính cậu cũng không rõ tại sao như vậy. Nhiều tối cậu tha thẩn, hết đường mòn ra sông, rồi lộn lại, đến những mảng đồi cao. Nhiều đêm khi về, cậu kéo Sơn qua ngủ cùng, hình như những đêm đó cậu sợ mình bị cô đơn. Có đêm Nhật tâm sự rằng cậu cảm thấy ngột ngạt, phải thay đổi tí chút không khí thường ngày, giữa canh ba cậu rảo bước trên những vùng đồi cao nhất. Tại đó, dưới chân là đồi, xung quanh là không gian tinh khiết, trên đầu là trăng sáng trong đến kỳ lạ. Đang thụ cảm ánh trăng thì cậu giật mình sợ hãi vì cái bóng của mình chạy dài tận mép sông Cà Lồ, qua những vùng đồi thấp, qua các mái nhà. Một cái bóng không ra hình thù gì cả, thật quái gở vậy mà nó làm tối cả một vùng rộng lớn. Cậu định chạy, nhưng mặt trăng bỗng cười, thật độ lượng, soi sáng con đường cho cậu về lại phòng ngủ.
Vài hôm sau, cậu lại đến vùng đồi ấy vào lúc trời chạng vạng, trên triền đồi còn nhiều tốp ngồi chơi. Bất giác, dưới chân đồi hai cô gái đi lên. Bên hông người đi đầu là chậu men lớn đựng áo quần đã giặt, người đi sau xách một thùng nước. Nhật chú ý ngay đến người xách nước, thùng nước nặng, vai phải cô hơi trĩu, người cô hơi cúi, tóc xõa xuống. Cô vuốt nhẹ làn tóc ra sau tai cho gọn gàng. Nhật nhìn thấy cái má hồng qua kẽ những ngón tay thuôn dài. Có lẽ dẫm phải hòn cuội lớn, đột ngột cô lao người về phía trước, thùng nước sóng sánh, làm ướt một vạt quần. Một chiếc dép văng lại phía sau. Cô đứng lại trong tiếng cười của một số người, với tiếng xì xào về một bàn chân sáu ngón nào đó. Đôi má cô đỏ dừ, đặt thùng nước xuống, đầu quay lại lúi chúi tìm dép. Nước trong thùng đã lặng, cô vẫn cúi tìm dép như muốn giấu cái mặt khỏi những tiếng ồn ào. Đúng lúc đó, Nhật đi từ phía đám cỏ rậm, chỗ có tảng đá to, tay cầm chiếc dép đến chỗ Kim Chi, cúi xuống đặt dép ngay chân cô. Kim Chi giật mình, hai bàn tay vô tình chạm nhau, một cảm giác kỳ lạ từ ngón thứ sáu lan đi khắp người Nhật.
– Dép của Kim Chi đây, tình cờ tôi thấy.
– Ồ! Anh...
Khi ngẩng lên, Nhật đã đi một đoạn dài, triền đồi không còn những tiếng ồn ào nữa. Ngón thứ sáu tiếp tục xách thùng nước, nước lại sóng sánh, nhưng không giọt nào văng ra ngoài, nó chao đảo trong lòng chiếc thùng, khi cao khi thấp, bầu trời nghiêng ngả theo bước chân Kim Chi. Còn Lan, cô bạn đi trước không hay biết gì, tưởng họ cười mình nên đã đi nhanh về phòng.
Cuộc sống ở vùng đồi bên dòng Cà Lồ dần dần đã khoác cái áo quen thuộc lên các cô cậu sinh viên. Trong phòng cũng như toàn trường, Kim Chi chỉ gần gũi, thân thiết với Lan. Hai cô đều con em tập kết, gốc Đất Quảng. Phòng Kim Chi ở có sáu cô với ba giường tầng. Mới năm thứ hai nhưng năm cô kia đã làm tốt “hai nhiệm vụ chiến lược”: Học tốt, yêu cừ. Người lập kỷ lục là Lan. Công khai đã có bốn, năm anh đến phòng. Nào anh Thông gió xây dựng, anh Dân dụng kiến trúc, anh Quang cối Quân sự... toàn những anh quen trên tàu cả. Tại trường thì còn anh Cường sạch sẽ (sạch sẽ là nhược điểm của sinh viên Vĩnh Phú!). Lan và Cường hay nhắc về quan hệ của họ. Khi Cường đàn và hát những bản tình ca ướt át, Lan ngây người nghe xao xuyến, đó là buổi bén duyên. Nghe nói khi ấy mặt trời đang lặn với một màu vàng đặc biệt. Khi họ tỏ tình là lúc gió ngưng, sông lặn, mọi vật im lìm. Không biết sao, sau đúng một tuần lễ họ chán nhau. Kim Chi yếm thế thì Lan sống dồi dào, vốn tình không bao giờ cạn. Ngay sau khi chấm dứt với Cường, “mối tình qua những bức thư” với anh Lượng nào đó đang học bên Đức, nhiều phen làm con tim Lan như vỡ từng mảnh. Anh Lượng này, nghe nói ba cô đã dấm cho khi tạo điều kiện cho anh ta du học, chứ cô chưa biết mặt. Người cha bao giờ cũng sáng suốt.
*
* *
– Lâu nay cậu vắng đâu?
– Ôn thi tốt nghiệp bác Mảnh ạ. Cho cháu ấm chè và bao Sông Cầu.
Khi Nhật vào trường, ngôi quán khang trang, tường gạch bao quanh này còn là một túp lều lụp xụp, ông Mảnh còn đi gắp phân trâu. Cái dáng khệnh khạng bây giờ đã thay thế cái tướng còm nhom, sợ sệt hồi ấy. Còn những thằng sinh viên như cậu thì vào trường chẳng thiếu thứ gì, sức sống tràn trề, đến năm cuối chỉ còn vẻn vẹn một, hai bộ quần áo không lành lặn với bộ xương cùng cái đầu “nguy hiểm chết người”.
– Chúng nó ký sổ nhiều quá. Cậu nhắc thằng Sơn thần chết, thằng Thanh lùn trả bớt một nửa. Bán chác kiểu này tôi lỗ vốn.
– Vâng!
Tiếng “vâng” đơn giản, nhưng cậu đổi được không khí yên lành. Cậu lại nghĩ về mình, về khái niệm bạn gái. Rồi một cảm giác lạ xâm chiếm, giống như sự quyến rũ vậy, từ ngón thứ sáu đang lan ra... lần này nó buộc cậu quyết định.
– Bác ghi cho cháu.
– Lần cuối đấy nhé, cậu còn nợ kha khá đấy!
Rời quán, trời đã tối, trăng sáng, gió mát, Nhật đi thẳng đến phòng Kim Chi.
Lan mở cửa, thoáng ý đùa cợt.
– Đấng mày râu nào vậy, cho biết quý danh!
– Tôi cần gặp Kim Chi. Nhật nói từ tốn.
Nét mặt Lan thay đổi lập tức, nàng như bị kích động, thụt ngay vào phòng, đến giường Kim Chi.
– Kim Chi ra có người gặp!
Im lặng, Kim Chi nhìn thẳng mặt Lan.
– Kim Chi ra có người gặp, mình nói nghiêm túc đấy!
– Tốt bụng thì rõ rồi, chứ nghiêm túc thì phải xem lại.
– Mình xin thề đấy. Ra nhanh đi kẻo họ chờ.
Người Kim Chi bắt đầu nóng ran lên, hai má ửng hồng, một cảm giác ngỡ ngàng xâm chiếm lấy cô, như lần đầu tiên chuẩn bị vào phòng vấn đáp: gặp ai? cần phải làm gì? người ta hỏi mình những gì? Sự lúng túng, khiến cả phòng cười ồ lên. Nhưng Kim Chi nào có thấy gì rõ ràng. Cô từ giường tầng 2 bước xuống với cánh áo nâu ưa thích, tiến thẳng ra, mở cửa với động tác dứt khoát. Tự nhiên cô chùn lại, trước cửa là một chàng trai, rõ nhất là đôi mắt. Đôi mắt ấy đang chờ đợi. Cô đã thấy đôi mắt đó ở đâu rất kỹ rồi. Một cơn gió nhẹ từ phía sông Cà Lồ tốc vô những ngôi nhà tranh ọp ẹp, giúp Kim Chi ngả nhẹ vào tấm liếp cửa, đèn điện trong phòng chao đảo, cánh cửa xập vào. Nơi Kim Chi đứng là chỗ giao thoa giữa ánh đèn điện vàng nhạt và ánh trăng xanh nhạt mọi ngày. Nhưng lúc này chỉ có ánh trăng. Họ nhìn thấy rõ nhau nhờ ánh trăng. Ánh trăng tối nay sáng trong, huyền bí, bầu trời thăm thẳm giấu kín mọi ý định của ngày mai. Từ ngọn đồi khoa này thấy rõ ngọn đồi khoa kia. Đứng bên này có thể đếm được từng gian nhà bên đó. Ánh trăng làm sáng cả thung lũng, sân bóng rổ nổi bật lên như viên đá lát khổng lồ sinh ra từ miền Non Nước, phẳng lì, nhẵn bóng trên nền đất và gạch xỉ đen ngòm. Trên nền phẳng và bóng ấy, có hai cột rổ đứng ở hai đầu chiều rộng, đứng im và cũng chờ đợi. Vài phút trôi qua, hai người hết nhìn lại cúi, cảm xúc lẩn quất dưới ánh trăng. Khi Kim Chi ngước nhìn lên, trăng in trong đôi mắt, trong sáng, dịu hiền, sâu lắng. Đôi mắt cô chứa trọn cả vầng trăng quyến rũ tối nay. Nhật muốn lao đến xiết chặt lấy cô, hôn lên mắt, môi cô. Họ nhìn nhau, chẳng nói lời nào, ánh trăng đang tan trong đôi mắt họ, không thấy gì nữa, ngoài hai tấm thân đang run rẩy.
Tối hôm sau Nhật đến thật vững tin, Kim Chi cũng đón nhận mọi điều thật bình tĩnh. Người con trai đó Kim Chi chưa hiểu hết, nhưng đôi mắt ấy khiến cô xao xuyến. Họ lại gặp nhau ngay trước cửa phòng dưới ánh trăng huyền bí, nói chuyện tự nhiên, xoắn xít như hai người bạn cũ. Họ đã thấy nhau trong mơ. Họ đã ở bên nhau, cầm lấy tay nhau bay lơ lửng trong khoảng trống bao la trên nền trời tối cùng các vì sao bé nhỏ. Hai thân thể cùng trắng xóa như các vì sao, đùa giỡn vẫy vùng làm các vì sao xao động. Cả bầu trời náo nức, mặt trăng núp sau những đám mây tươi cười hỉ hả. Họ từ từ rời các vì sao trở về trái đất, thật nhẹ nhàng. Khi sực tỉnh, ngón thứ sáu đang nằm trong lòng tay Nhật. Ông già làng Ngọc Hà đã đúng, họ đã tìm thấy nhau dưới ánh trăng vằng vặc sáng trong hôm đó.
*
* *
– Thằng Thanh lùn, thằng Hưng tồ lớp cậu nợ chồng chất, sắp ra trường tôi mất trắng. Tôi sẽ làm giấy gửi nhà trường.
– Nó đã bán sạch để ngồi quán bác. Nhiều lần cháu nhắc bác không để chúng nó ký tiếp.
– Tôi sẽ làm đến khi nhà trường kỷ luật thì thôi.
– Dồn chúng nó vào đường cùng, lại trong lúc ôn thi tốt nghiệp là không hay bác ạ. Chúng nó không chịu đâu.
– Tôi lạ gì chúng nó, quân ăn cướp, tôi sẽ báo nhà trường.
– Bọn cháu sống xa quê, tiền nhận cũng có đợt, chúng nó đã quịt bác bao giờ đâu. Cháu nghe nói tháng trước thằng Thanh, thằng Hưng trả hết rồi cơ mà. Số nợ còn lại chúng nó nói bác ghi nhầm, trả rồi bác quên không gạch.
– Đúng là quân ăn cướp! Tôi sẽ trừng trị.
– Bác không sợ bị đốt quán à!
*
* *
– Chị Kim Chi đã về, anh chờ một lát.
– Đã về, ồ! Cám ơn em.
Tôi dõi mắt ra cửa hiệu, một phụ nữ dong dỏng trong bộ đồ nâu bước vào.
– Chào anh! Người phụ nữ đó ngồi xuống.
– Chào chị, chị là Kim Chi.
– Vâng! Xin lỗi cho em hỏi...
– Tôi là Linh, người được cô giải thoát khỏi bao hàng nặng của một gã đi buôn nào đó toan đè xuống đầu tôi trên chuyến tàu Hà Nội – Phúc Yên.
– Anh Linh, lâu quá rồi... anh còn là giáo viên hướng dẫn môn kinh tế xây dựng cho lớp em nữa chứ. Rồi sau đó mất hút, không thấy ở trường, nhiều đứa tiếc rẻ mãi, một thầy giáo trẻ nhảy tàu rất xịn.
– Ừ, lúc đó anh kiến giảng. Nhưng đủ thời gian để nghe nói về quan hệ của Kim Chi và Nhật.
– Nhật không còn nữa!
Quá bất ngờ về tin đó, tôi đã thốt ra.
– Tại sao?
Lúc này, tôi nhìn kỹ Kim Chi hơn. Cô khác quá nhiều. Bàn tay cô đang bắt chéo trên bàn, không thấy ngón thứ sáu, cả hai bàn tay thật hoàn thiện.
*
* *
Ông Mảnh lấn đất của nhà trường, một khoảng khá rộng, bằng cách ông cắm tiếp một cái chòi vào đất nhà trường. Kế hoạch của ông là vài năm tới, ông sẽ quy hoạch cơ ngơi của ông rộng cũng phân nửa nhà trường. Nhà trường dạy sinh viên, còn ông nuôi heo gà, theo ông đó là những việc quan trọng như nhau, không những vậy heo gà còn có tác dụng thiết thực cho xã hội, ông hay lẩm bẩm “sinh viên gì như những thằng ăn cướp, những con đĩ” ra trường làm trò trống gì? Vì vậy ông quyết định mở rộng cả sang lĩnh vực đầu tư vốn sản xuất, cho vay lấy lãi nhất là khi biên giới của nhà trường chưa được xác định rạch ròi. “Chà! cái đồi rộng mênh mông thả đàn bò thì hay biết mấy”. Nuôi heo không sợ lỗ, bán thẳng cho bếp của nhà trường. Bằng sức lao động cần mẫn ông sẽ nổi cơ đồ. Hai thằng con trai lớn tồng ngồng không cần học, cứ ở nhà lao vào sản xuất, khi chết có miếng đất cắm dùi. “Học để trở thành ăn cướp, học làm gì”.
Sau sự kiện ông Mảnh cùng hai đứa con lột áo mới của Thanh giữa quán đông người, để nó cởi trần ra về, ít lâu, chòi ông Mảnh bốc cháy. Cái mốc ranh giới ông đổ bao mồ hôi dựng nên không còn. Toàn trường chứng kiến cảnh gia đình ông la hét, nguyền rủa và hứa trả thù. Nhật bị kỷ luật vì lời nói dại mồm bữa nào, cậu không hề bào chữa, nhận kỷ luật cải tạo chăn bò một năm. Được ít lâu, nghe tin má cậu ở Cam Phúc hấp hối. Cậu lao ra tàu, nhảy bám ở cửa. Tàu quá chật chội, quanh gánh, hàng hóa chật cứng, người đứng chật cả cửa, cả cầu thang lên xuống. Cậu chỉ đứng được một chân và vịn một tay. Đến cầu Thạch Lỗi cậu bị đập đầu vào thành cầu, rớt xuống sông.
Trên mô đất bên cầu Thạch Lỗi, hàng mộ giờ đây lại thêm một sinh viên yên nghỉ, dãy mộ mỗi năm một dài thêm. Người qua lại nhìn thấy dãy mộ đó thường kháo nhau nhiều chuyện về những sinh viên rủi ro. Có người khẳng định cái chết của những người trẻ tuổi này là lời cảnh báo của trời phật, họ là những thần đồng, đáng sống hơn bất cứ ai. Theo Kim Chi thì họ chỉ nghĩ đến các vì sao, chính thế không vượt qua nổi thanh sắt.
– Em không còn là Kim Chi sáu ngón nữa anh Linh ạ. Đúng khi Nhật ngã xuống cầu Thạch Lỗi, ngón thứ sáu của em co giật và teo lại. Nhật là người đầu tiên và duy nhất đã âu yếm nó và hình như cả thèm khát nó. Em đã chôn ngón tay đó vào phần mộ Nhật trong một đêm xuống ga Thạch Lỗi. Sau đó em bỏ học luôn. Chỉ có Lan mới biết quyết định của em.
Sau khi Nhật chết, Kim Chi bỏ học vào tận Cam Ranh nơi mẹ Nhật ở. Không có ai, ngoài cô đã ở bên bà suốt thời gian còn lại, đến khi bà tắt thở. Khi hấp hối một ý nghĩ vẫn lẩn quất trong bà: tại sao những điều không hay lại giáng xuống gia đình bà? Hai mươi năm trước chồng bà đã hy sinh, rồi con trai độc nhất, nay là bà. Để giúp bà đi vào cõi chết thanh thản, Kim Chi nói rằng cô đã có mang với Nhật. Cô đã phải về Đà Nẵng một thời gian, sau khi nhờ người trông nom bà, để trở lại với đứa bé ở Cô Nhi viện. Lúc đó bà đã ánh lên tia nhìn mãn nguyện.
Cô về lại Đà Nẵng, đúng lúc Lan ra trường, được phân về quê công tác. Một thời gian, Lan được đề bạt trưởng phòng, rồi phó giám đốc một Công ty. Lan thường xuyên đi lại với Kim Chi, cô đã thuyết phục được Kim Chi nhận quản lý một cửa hàng lớn thuộc Công ty.
– Hiện nay em là giám đốc Trung tâm dịch vụ Sông Hàn?
– Không, cửa hàng em kinh doanh đủ thứ. Nhưng dịch vụ bia tại chỗ em nổi tiếng, chiếm hơn nửa doanh thu. Em sẽ yêu hết mọi người, như Lan nói, để bù cho thời thơ ấu bị hắt hủi. Cô cười đầy ý nghĩa, rồi tiếp – ở đây mọi người gọi em là bà chủ “ôm” chứ chẳng ai gọi “Giám đốc” như anh.
*
* *
Tôi lại thấy mình lang thang trên bờ sông Cà Lồ nhỏ bé, hiền hòa, uốn quanh co theo những vùng đất mới khai hoang. Những lời ca bay lên từ dòng sông, từ miền Trung du tràn ngập trong tôi. Một ý nghĩ cứ len lỏi, lớn dần trong đầu – ta chưa hiểu những quanh co uẩn khúc, ta còn vô tâm, ký ức sống lại, tôi đã thấy trong cơn giận dữ dòng Cà Lồ đã vượt qua sức lực có hạn của con người, để nuốt trôi những cánh đồng phì nhiêu. Khi đó, một màu đất đục ngầu sẽ bao phủ lên những màu xanh mơn mởn.
Đ.L