Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đất Quảng - Nguyễn Đình An

15.11.2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đất Quảng - Nguyễn Đình An

Theo các hồi ký và những thông tin đã công bố, Võ Nguyên Giáp đến với Quảng Nam rất sớm, lần đầu vào năm 1927.

Giữa những năm 20, Võ Nguyên Giáp - một thanh niên yêu nước từ Quảng Bình vào Huế học, mau chóng gặp gỡ kết thân với những thanh niên học sinh cũng đầy nhiệt huyết yêu nước từ Quảng Nam ra.

Phan Bôi lúc này cùng học Quốc học trên Võ Nguyên Giáp một lớp và ở Nhà hội (một dạng ký túc xá tự quản của những học trò xứ Quảng ở Huế do nhiều nhân sĩ trí thức gây dựng. Ở đây học trò tiết kiệm được chi phí ăn ở. Đây cũng chính là nơi tập hợp những người trẻ tuổi có chí hướng cứu nước).

Võ Nguyên Giáp rất thân với Phan Bôi, thường đến Nhà hội và cùng với Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Phan Bôi đến thăm Phan Bội Châu, nghe ông già Bến Ngự nói chuyện.

Năm 1925-1926, học sinh ở Huế sôi nổi tham gia phong trào biểu tình đòi ân xá Phan Bội Châu, tổ chức truy điệu Phan Châu Trinh. Nguyễn Chí Diểu, bạn thân nhất của Võ Nguyên Giáp bị nghi là lãnh đạo phong trào. Mật thám Pháp bày trò vu khống Nguyễn Chí Diểu “chép bài của người khác”. Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học.

Võ Nguyên Giáp, Phan Bôi cùng một số người vận động bãi khóa phản đối việc đuổi Nguyễn Chí Diểu. Võ Nguyên Giáp, Phan Bôi lại bị đuổi học.

Trong tình hình đó, Võ Nguyên Giáp vào Quảng Nam-Đà Nẵng, ông gặp Lê Văn Hiến, rồi lên Trà Kiệu, Thu Bồn, về Bảo An gặp Phan Bôi.

Cái duyên của Võ Nguyên Giáp với đất và người Quảng Nam-Đà Nẵng ban đầu là như vậy.

*

Trên con đường cách mạng, cuộc đời Võ Nguyên Giáp còn gắn bó với số phận nhiều người con ưu tú của đất Quảng.

Sau khi bị đuổi học, Võ Nguyên Giáp vẫn trụ lại Huế. Ông được cụ Huỳnh Thúc Kháng bảo lãnh và thâu nhận làm biên tập Báo Tiếng Dân.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng hơn Võ Nguyên Giáp tới ba giáp (35 tuổi), nhưng cụ rất quý trọng người cộng sự trẻ tuổi thông minh yêu nước này.

Trong hoàn cảnh lúc đó, vì nhiều lý do, trên Báo Tiếng Dân (và qua các hoạt động khác), cụ Huỳnh bộc lộ nhiều nhận thức, quan điểm có thể nói là thiếu chuẩn, có lúc trực tiếp bài xích chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Chính cụ đã nói với Võ Nguyên Giáp “Cậu là một thanh niên thông minh, yêu nước nhưng các cậu chưa từng trải cho nên chưa hiểu rằng chủ nghĩa Bôn-sê-vích không hợp với nước ta”.

Nhiều văn kiện chính thức Đảng ta đã phê phán thẳng thừng các nhận thức, quan điểm ấy. Tất nhiên lúc này tư tưởng chính thống trong Đảng có chịu ảnh hưởng của khuynh hướng tả khuynh.

Theo nhiều nhà nghiên cứu trên thực tế từ Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản (1928), khuynh hướng tả khuynh đã nảy sinh trong phong trào Cộng sản quốc tế. Thời ấy, đường lối lãnh đạo cách mạng ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa đã nhấn mạnh quá mức vấn đề đấu tranh giai cấp, đồng thời phê phán một cách miệt thị các tầng lớp trung gian. Ở Việt Nam, trong cao trào cách mạng 1930-1931, ai nói đến chuyện dân tộc, chuyện đồng bào mà không nói đến chuyện giai cấp, chống bóc lột thì một số đồng chí cộng sản tả khuynh coi như phần tử cơ hội hữu khuynh.

Chính Bác Hồ những năm đầu 30 cũng từng bị nhận xét là mang tàn dư của hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa pha lẫn chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa duy tâm. (Xem Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước. NXB Chính trị quốc gia và NXB Nghệ An).

Ở đây không chỉ là vấn đề tả khuynh trong phê phán quan điểm tư tưởng mà còn thể hiện những sai phạm về chính trị. Khi nhập cục, Huỳnh Thúc Kháng - một người yêu nước chân chính, một nhân cách cao thượng - như Bác Hồ đã khẳng định - với nhóm Bùi Quang Chiêu, Phạm Quỳnh và cho rằng “Tư bản bản xứ chia làm hai bộ phận, một bộ phận đã hiệp tác với đế quốc chủ nghĩa, một bộ phận nữa (bọn Huỳnh Thúc Kháng, bọn Phạm Quỳnh, bọn Ngọ báo) hiện còn thỏa hiệp với đế quốc, chúng nó lợi dụng phong trào cách mạng để yêu cầu đế quốc những quyền lợi riêng của chúng nó. Ngoài mặt chúng nó ra bộ đòi những cải cách, nhưng kỳ thiệt chúng nó kiếm cách phá hoại phong trào cách mạng của công nông. Chiến lược của Đảng ta là phải chỉ rõ tính chất quốc gia cải lương của bọn này”. (Văn kiện Đảng tập 1)

Với tầm nhìn của mình và từ những trải nghiệm thực tiễn qua nhiều năm là cộng sự của cụ Huỳnh, Võ Nguyên Giáp vượt ra khỏi khuynh hướng đó. Võ Nguyên Giáp đánh giá cao cụ Huỳnh, xuất phát từ lòng yêu nước chân chính nên dù có nhận thức và quan điểm về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản khác với Đảng, vẫn hết lòng giúp những người cộng sản hoạt động. Ông tôn trọng nhân cách cao thượng và chính kiến của cụ.

Phải chăng vì vậy nên sau Cách mạng Tháng Tám, nhận được một bức điện ký tên Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần gửi tới cụ Huỳnh mời cụ ra Hà Nội và nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ có hồi âm “Thời tiết xấu tôi chưa đi được và không thể nhận chức Bộ trưởng. Trước sau tôi cũng ra gặp các cụ”. Một bức điện thứ hai cũng với hai người trước ký có thêm chữ ký Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ lâm thời. Chắc chắn bức điện này có sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch. Người hiểu biết quan hệ giữa cụ Huỳnh và Võ Nguyên Giáp. Người tin rằng, dù là một cộng sự vong niên nhưng với thâm tình cố nhân cụ Huỳnh có thể dễ thuận lòng hơn.

*

Có một sự gắn bó kỳ lạ giữa hai anh em ruột, hai người con ưu tú của đất Quảng Phan Thanh, Phan Bôi với Võ Nguyên Giáp.

Có lẽ do tình bạn thân thiết giữa Võ Nguyên Giáp và Phan Bôi để lại những ấn tượng đẹp, nên khi ra Hà Nội dấn thân và lập nghiệp, Võ Nguyên Giáp luôn luôn gần gũi sát cánh với Phan Thanh.

Phan Thanh chỉ hơn Võ Nguyên Giáp có ba tuổi. Nhưng nhân cách, tài năng và đức độ có sức hấp dẫn đặc biệt với Võ Nguyên Giáp. Gần như những hoạt động chính của Phan Thanh đều có Võ Nguyên Giáp đứng bên cạnh. Phan Thanh mở trường tư thục Thăng Long để mưu sinh và có môi trường liên kết vận động trí thức thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, một việc lớn được khởi xướng từ thời phong trào Duy tân ở đất Quảng vẫn đang lôi cuốn những thế hệ tiếp nối. Ở trường này, Võ Nguyên Giáp dạy văn - sử - địa, Phan Thanh dạy Pháp văn, cả hai đều dạy rất giỏi.

Phan Thanh nói tiếng Pháp rất giỏi, rất hay. Chuyện kể rằng, do ông nói tiếng Pháp quá hay, cả hội trường Đại hội đồng Kinh tế tài chính Đông Dương im phăng phắc, chăm chú nghe. Người chủ tọa cũng không rung chuông ngắt lời khi quá giờ quy định. Học trò ông nhận xét: “Thầy giảng súc tích, giọng dịu dàng, rành rẽ dễ hiểu, thầy dạy rất hấp dẫn, trong giờ thầy những anh hay nghịch ngợm cũng lắng nghe, cả lớp im lặng. Thầy giảng vừa hết bài là trống đánh”.

Võ Nguyên Giáp truyền đạt những khái niệm về cách mạng, về dân tộc, dân chủ, về nhân quyền, khơi dậy trong học sinh những lý tưởng cao đẹp, lòng háo hức hoạt động chính trị, kích thích tinh thần yêu nước. “Thầy Giáp đã đưa học sinh đến cửa Bắc trước vết đạn pháo của Pháp bắn vào thành Hà Nội, đến Ô Cầu Giấy xem nơi Francis Garnier, Henri Rivière tử trận, ngay tại hiên trường thầy đã  kể về diễn biến trận đánh cho học sinh nghe”.

Khi Đảng giao cho Phan Thanh nhiệm vụ thành lập Hội truyền bá quốc ngữ, ông được cử làm Tổng Thư ký Trưởng ban cổ động, thì Võ Nguyên Giáp là Trưởng ban dạy học. Đây là một phong trào vận động văn hóa sâu rộng sôi nổi chưa từng có do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đặt cơ sở cho việc xóa nạn mù chữ trên cả nước ta sau này.

Đây cũng đồng thời là một cuộc vận động chính trị-yêu nước công khai, hợp pháp, thích hợp với nhiều người, lôi cuốn và tập hợp được nhiều người.

Trong thời kỳ này, thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, Đảng chủ trương ra báo công khai ở cả ba kỳ, bằng chữ  quốc ngữ và chữ Pháp, xem báo chí là mặt trận quan trọng, Phan Thanh cùng với Phan Bôi và Võ Nguyên Giáp là những hạt nhân tích cực của hoạt động quan trọng này.

Phan Thanh viết báo rất sớm, bài báo đầu tiên ông viết năm 1926 - năm ông 18 tuổi. Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ ông tham gia viết cho các tờ Le Travail, Rassamblement, En Avant, Demain, Notre Voix… Thời thế, Tin tức, Đời nay - những tờ báo tiến bộ của  Đảng. Tham gia ba cơ quan dân cử cấp cao trong thời kỳ thực dân cai trị, Phan Thanh càng có điều kiện hoạt động báo chí.

Võ Nguyên Giáp cũng là một cây bút nổi tiếng trên các tờ báo ấy. Nhiều người kể lại có khi để hoàn thành một tờ báo mà Võ Nguyên Giáp bao trọn mọi bài vở, tin tức, ông làm việc 24/24 giờ thật kinh khủng.

Phan Bôi từ Côn Đảo trở về, có một thời gian ngắn hoạt động ở Đà Nẵng, Quảng Nam quê nhà. Sau đó, ông ra Hà Nội, ở nhà anh ruột là Phan Thanh và tham gia các hoạt động đấu tranh công khai hợp pháp của Đảng trong thời kỳ này.

Lúc này đồng chí Trường Chinh là Trưởng ban báo chí, Phan Bôi là cố vấn kiêm Chánh văn phòng. Trước Đảng, Phan Bôi là người trực tiếp phụ trách điều hành các tờ báo của Đảng lo đủ mọi việc viết bài, chọn bài để đăng báo, tiếp khách và các độc giả. Chính phủ Pháp luôn tìm cách kiểm duyệt quấy rối, bỏ bài này sửa bài khác, chúng cấm tờ này ta cho ra tờ khác.

Nguyễn Hữu Dụng (sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục) đang học Trường Thăng Long, tham gia Đoàn Thanh niên dân chủ, làm quản lý tờ báo Notre Voix (Tiếng nói chúng ta) được Phan Bôi hướng dẫn nghiệp vụ rất tỉ mỉ, chu đáo. Phan Bôi đưa cho Nguyễn Hữu Dụng một số bài báo viết tay, nói Dụng phải chép lại (cơ quan báo không có máy chữ) rõ ràng để thợ sắp chữ dễ đọc, không được để sai sót. Sau đó đốt bản chính đi, giữ bí mật cho các tác giả.

Phan Bôi bắt đầu làm báo khi nào và vì sao sớm trở thành một nhà báo cự phách (viết báo bằng hai thứ chữ Việt, Pháp)?.

Chúng ta chỉ được biết đầu những năm 30 ông vào Sài Gòn hoạt động cách mạng trong một tổ chức với Trần Văn Giàu và Hải Triều. Nhóm này cho ra hai tờ báo in bằng xu xoa (thạch) (Trần Văn Giàu phụ trách tờ Tân học sinh, tờ Giải phóng do Phan Bôi). Trần Văn Giàu, một người từng du học Paris và hoạt động cách mạng bị trục xuất, nổi tiếng là học giỏi và hùng biện đã có nhận xét như sau: “Không rõ anh Phan Bôi học tiếng Tây tới đâu, nhưng anh giỏi lắm, mà đặc biệt là giỏi nói, nói giỏi, rất đúng tiếng Tây, mà tiếng Việt nói cũng hay, cũng giỏi lắm, giảng bài hay, phát biểu thì rành rõi lắm”.

Qua nhận xét này chúng ta không rõ về năng lực làm báo của Phan Bôi nhưng có thể thấy đó là một người có năng lực tư duy siêu việt, cực kỳ thông minh, đây là cái gốc của tài năng báo chí.

Người xưa có nói đến hiện tượng liên tài. Những người cùng chí hướng, tài năng xuất chúng luôn luôn tôn trọng tài năng của nhau, và đánh giá rất đúng tài năng ấy của bạn mình. Võ Nguyên Giáp là người thấy hết, thấy đúng tài năng của Phan Thanh, Phan Bôi.

Chính vì thế, ông đã có một nhận định rất khái quát mà rất tinh anh về Phan Thanh: “Ở tuổi 30 mà anh Phan Thanh đã xuất hiện trong làng báo như một cây bút lành nghề và lão luyện; trên nghị trường như một chính khách sắc sảo và hùng biện, trên bục giảng ở nhà trường như một ông thầy chững chạc và mực thước”. Và theo Võ Nguyên Giáp, hồi đó người ta quen gọi Phan Thanh là một chiến sĩ xã hội vì anh là người hoạt động xã hội sôi nổi, cũng đã từng có quan hệ với Đảng Xã hội Pháp ở Việt Nam và đúng là Phan Thanh chưa từng được kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Võ Nguyên Giáp cũng xúc động kể lại chuyện người bạn đời của ông Nguyễn Thị Minh Thái (em gái đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai), khi Phan Thanh hấp hối đã trao cho thân nhân một huy hiệu búa liềm để đặt nơi trái tim Phan Thanh lúc anh đã qua đời và khẳng định “Đối với những người cộng sản chúng tôi thì từ đây Phan Thanh đã thực thụ là một người cộng sản”. Với Phan Bôi, ông nhiều lần nói Phan Bôi là người bạn ruột thịt của mình.

*

Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, lâu lâu Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Đà nhận được một “bưu kiện” chuyển tới bằng đường giao liên, giấy gói, dây buộc đã sờn rách, đứt lỏng. Đó là những tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy.

Dù không phải là quà của chúng tôi, nhưng được nhìn thấy những cuốn sách đến từ hậu phương lớn, có lời đề tặng và chữ ký quen thuộc của Đại tướng, chúng tôi cũng phấn khởi, tự hào.

Chúng tôi biết đồng chí Bí thư yêu kính của mình, người Chính ủy của Mặt trận Quảng Đà hôm nay và vị Tổng tư lệnh cuộc chiến từng là bạn học ở Trường Quốc học.

Trong cuốn sách Hồ Nghinh, một chiến sĩ, một con người có một bức ảnh tướng Giáp và đồng chí Hồ Nghinh, cả hai đã ngoài thất thập, nhưng đều còn tươi trẻ, linh lợi có chú thích: Nụ cười hai người bạn thời Quốc học Huế (1925-1926) gặp nhau sau năm 1975 tại Đà Nẵng.

Những năm sau ngày toàn thắng, Đại tướng có nhiều lần đến với Quảng Nam-Đà Nẵng và để lại trong chúng tôi những kỷ niệm đẹp đẽ.

Tôi nhớ khi là Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, có lần được tổ chức biểu diễn nhỏ đặc biệt phục vụ Đại tướng, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Thị Liễu diễn trích đoạn Đào điên Phương Cơ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Phẩm diễn trích đoạn Vua Đói. Đại tướng chăm chú và vui vẻ thưởng thức, sau đó còn giữ các nghệ sĩ ở lại hỏi chuyện, trao đổi rất thân tình, như là đã quen biết từ lâu.

Trong một chuyến công tác ở Đà Nẵng, Đoàn Tuồng (nay là Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) có biểu diễn phục vụ Đại tướng một số trích đoạn. Đại tướng rất phấn khởi theo dõi. Đêm diễn kết thúc, Đại tướng trò chuyện thân mật với anh chị em nghệ sĩ. Khi anh chị em xin ý kiến của Đại tướng về các tiết mục và nêu câu hỏi phải làm gì để có thể cải biên, cải tiến nghệ thuật tuồng. Đôi mắt ông như sáng rực hơn, ông cười rồi vui vẻ nói: “Chúng ta và cả thế giới đâu có yêu cầu cải tiến nhạc Mozart, Beethoven, các đồng chí nói tuồng là loại hình nghệ thuật bác học đạt đến đỉnh cao, đến trình độ cổ điển, vậy có nên, có cần cải tiến không”.

Một lần, khi còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng đến Đà Nẵng và có yêu cầu tìm hiểu khảo sát về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nghe nói cơ sở thủ công mỹ nghệ  Thánh Tâm của các nữ tu dòng Thánh Phao Lồ có làm những tấm mành trúc tuyệt đẹp về đề tài La Joconde, Thúy Kiều gảy đàn, Đại tướng ngỏ ý muốn đến thăm.  Anh em lo việc bảo vệ có ý dè dặt. Đại tướng nói: “Mình đi nghiên cứu tình hình sản xuất, chỗ nào sản xuất giỏi mình đến”.

Các sản phẩm mành trúc ở đây rất đẹp, những bàn tay tài hoa đúng là đã trên tre lá dệt ngàn bài thơ, Đại tướng rất vui, khen ngợi các nữ tu đã làm ra những tác phẩm tuyệt vời và tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Các nữ tu và những người lao động ở cơ sở sản xuất mành trúc Thánh Tâm rất phấn khởi.

Lúc này mới ra khỏi cơ chế bao cấp, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt về lương thực. Từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân thường ai cũng lao vào cuộc chạy gạo.

Không biết do ai mách bảo, tướng Giáp được biết ở mảnh đất phía sau Công ty Chiếu bóng Quảng Nam-Đà Nẵng (đường Trần Phú) có một cây sakê, loại cây được trồng nhiều ở Ấn Độ có những trái giàu chất bột còn được gọi là cây bánh mì. Ông nói cho ông đến xem và ông xem rất kỹ, hỏi han nhiều điều như để tính mở rộng việc trồng cây này góp chút gì đó giải quyết vấn đề lương thực.

Năm 1992, khi không còn giữ một chức vụ nào trong cơ quan lãnh đạo Nhà nước, với danh nghĩa một thầy giáo dạy sử, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Đại tướng đã tham dự một cuộc hội thảo về Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng do tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức và những nhà nghiên cứu tham gia hội thảo không quên được hình ảnh khi nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân phát biểu, chất giọng đặc sệt Quảng Nôm của ông không hẳn là dễ nghe.

Đại tướng từ hàng ghế đầu đã xuống nhắc một chiếc ghế ngồi gần chỗ thầy Xuân, để nghe cho rõ.

Tiễn vợ chồng tướng Giáp về Hà Nội, ở sân bay, đột nhiên ông hỏi tôi: “Này cậu, bài phát biểu về Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cậu đọc tối hôm qua là do ai viết?”. Tôi cung kính trả lời ông “Thưa anh Văn, tôi thường được giao viết hầu nhiều người, còn chuyện gì tôi nói tôi đều tự viết”. Ông cười rộng mở, bắt tay tôi “Thế là tốt”.

*

Lâu nay, nghĩ về Võ Nguyên Giáp - hình ảnh một võ tướng “đánh quen trăm trận, sức dư muôn người” luôn chiếm lĩnh đầu óc chúng ta. Nhưng nếu nhìn lại từ nhiều góc cạnh, dưới mọi cung bậc, mối quan hệ Võ Nguyên Giáp với đất và người Quảng Nam-Đà Nẵng, chúng ta có thể thấy còn nhiều điều mới lạ, đặc sắc làm chúng ta càng yêu mến hơn mảnh đất này và càng thấy tầm cao hơn của cuộc đời vô cùng phong phú của Võ Nguyên Giáp.

                                                                                                                                             N.Đ.A