Chuyện thầy giáo tôi - Phan Nam Sinh

19.11.2013

 Chuyện thầy giáo tôi - Phan Nam Sinh

Quê tôi làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nơi nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Cách mạng tháng Tám thành công được ít lâu, cha tôi theo lời mời của Bộ Nội vụ đã ra Hà Nội, sau đó lên sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Đến khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ, các anh chị tôi đều thoát ly đi kháng chiến, ở nhà chỉ còn mẹ tôi và ba con nhỏ mà tôi là đứa lớn nhất lúc đó cũng chỉ mới hơn sáu tuổi. Khi thực dân Pháp đánh chiếm quê tôi, chúng tôi chạy tản cư vào vùng tự do là làng Chiên Đàn, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cách quê nhà non trăm cây số. Ba năm sau, nhờ nghề dệt vải thủ công cuộc sống gia đình tạm ổn định, mẹ tôi cho tôi đi học trở lại. Tuy mấy năm không đến trường nhưng nhờ được học với một người quen, tôi được nhận vào học lớp nhì, lớp của thầy Phiêu chỉ sau một lần sát hạch gọi là có. Ở các vùng quê thuộc tỉnh Quảng Nam để tỏ ý tôn trọng thầy giáo người ta chỉ gọi tên các thầy sau từ thầy hoặc giáo tùy theo tuổi tác và địa vị người nói vì vậy mà cho đến nay sau nhiều lần dò hỏi, tôi vẫn không sao biết được họ và chữ đệm của thầy.

         Thầy nói giọng Bắc, chắc là quê ngoài ấy nhưng không hiểu sao thầy lưu lạc vào đất này và nghe đâu cũng đã định cư ở đây nhiều năm rồi. Tôi không biết gì nhiều về gia đình thầy. Có lần nghe nói hình như vợ con thầy còn đang ngoài Bắc. Thầy hiện sống một mình và trọ tại nhà một người bà con xa. Hồi ấy, áng chừng thầy cũng đã gần sáu mươi nhưng trông dáng đi và vẻ mặt của thầy thì còn khỏe mạnh lắm. Thầy để răng đen, không rõ là có ăn trầu hay không nhưng cứ vào đầu hoặc giữa buổi học, tôi thấy môi thầy đỏ tươi trông rất hợp với làn da bánh mật của thầy. Những lúc như thế thầy linh hoạt hẳn lên, giọng nói cũng trở nên sang và vang hơn. Tôi có may mắn là được đi học cùng đường với thầy. Những lúc chỉ có hai thầy trò, thầy thường một tay xách chiếc cặp da, một tay dắt tay tôi vừa đi vừa nói chuyện như hai cha con. Thầy nói nhiều chuyện lắm nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện gia đình, họ hàng thân tộc nhà tôi. Chuyện ông cố ngoại tôi là Tổng đốc Hoàng Diệu tử tiết khi thành Hà Nội thất thủ; chuyện ông nội tôi từ quan khi chỉ mới ba mươi bảy tuổi sau một lần cự cãi kịch liệt với tên công sứ Pháp; chuyện cha tôi bị thực dân Pháp bắt bỏ tù ba năm vì tham gia vào vụ xin xâu ở Quảng Nam năm 1908. Có lần cao hứng thầy còn đọc to lên mấy câu thơ nghe lạ hoắc mà không giải thích gì khiến tôi ngẩn tò te như đi lạc vào một thế giới khác. Sau này được học lên, tôi mới biết đó là mấy câu trong bốn bài tứ tuyệt bằng Hán văn mà cha tôi viết khi bị giam tại nhà lao Quảng Nam để tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc cụ sắp đi đày Côn Đảo và được cụ khen là xuất sắc hơn cả.

 

         Từ nhà tôi đến xóm Chùa, nơi có ngôi chùa tên là Từ Lang mà chúng tôi mượn tạm làm lớp học phải băng qua một đoạn đường đồng chừng năm mươi mét. Vào mùa mưa lũ, thường là vào tháng chín hoặc tháng mười âm lịch, nước lên ngang gối, có khi ngập tới bụng. Vào thời điểm này vụ gặt cũng vừa xong, cả cánh đồng mênh mông nước, những đứa không quen sông nước như tôi vừa trông thấy đã phát sợ. Vào những ngày ấy, tôi không thấy thầy đi ngang qua cổng nhà tôi nhưng khi ra đến lũy tre cuối làng, nơi giáp ranh với cánh đồng đã thấy thầy đứng đợi ở đấy cùng với năm ba đứa bạn tôi nữa. Dưới đất còn có thêm một cuộn dây mây khá dài được nối từ những sợi mây thường được trồng quanh vườn ở quê tôi vừa để làm hàng rào vừa để phòng bọn trộm cắp. Chờ cho lũ học trò đã tới đông đủ, thầy cởi chiếc quần ta dài cho vào cặp, buộc đầu cuộn mây vào một gốc tre già rồi lần từng bước sang bờ bên kia. Khi đầu kia của cuộn mây đã được buộc chắc chắn vào một mố cống, thầy quay trở lại hướng dẫn chúng tôi…lội ruộng. Vào lúc này, ngay cả những đứa nhát gan như tôi cũng chẳng còn biết sợ là gì mà còn vui nữa. Chúng tôi một tay giữ cặp trên đầu, tay kia lần theo sợi mây từng bước di chuyển sang bờ bên kia. Cũng có lúc không may, một đứa hụt chân suýt ngã khiến cả bọn chúng tôi cười ré lên. Thầy nghiêm nét mặt nhìn mấy đứa cười to nhất rồi vội vã bươn lên trước hỏi han đứa vừa ngã, có khi còn xách giúp cặp cho nó nữa. Gặp những hôm như thế chúng tôi thường đến lớp muộn, buổi học phải kéo dài thêm nửa hoặc một tiếng nữa. Đấy là chưa kể những lần máy bay Pháp quần đảo, bắn phá mạn thị xã Tam Kỳ chỉ cách chỗ chúng tôi chừng bốn năm cây số. Một buổi học có khi chúng tôi phải chạy ra giao thông hào bốn, năm bận để tránh máy bay nên cũng mất bộn thời giờ. Những buổi như thế thường chúng tôi phải ở lại lớp đến trưa hoặc quá trưa mới được ra về. Mấy đứa xấu đói thường phải nhai vụng khoai chà, một loại lương khô làm từ khoai luộc, giã nhỏ, sàng kỹ. Một lần, hai chiếc khu trục đang quần đảo phía thị xã, đột ngột chuyển hướng gầm rít ngay trên đầu chúng tôi rồi liền sau đó mấy loạt đạn nổ xé tai. Tôi nằm dài dưới giao thông hào, đầu cúi thấp gần sát mặt đất nhưng cũng đủ thấy đất dưới giao thông hào chỉ cách chỗ tôi nằm vài ba mét bị cày xới lên một đoạn dài. May mà chỉ vài phút sau bọn chúng đã cút mất. Lúc tôi kịp hoàn hồn vùng dậy đã thấy thầy đứng ngay trước mặt. Thầy sờ nắn khắp người tôi, đảo mắt nhìn khắp lượt quần áo tôi, sau đó mới vội vã chạy đi chỗ khác. Tôi thấy bóng thầy len lỏi vào các ngóc ngách của giao thông hào, lúc rẽ phải, lúc quẹo trái luôn miệng gọi tên đứa này, đứa khác. Chỉ đến khi chúng tôi bu lại quanh thầy không thiếu đứa nào, tất cả đều lành lặn, nguyên vẹn thầy mới thở phào nhẹ nhõm. Có đứa đang cầm trên tay mấy đầu đạn còn nóng, chắc là vừa đào được cạnh chỗ tôi nằm khiến cả lũ nhốn nháo. May mà thầy còn chưa hết lo, không để ý nên không đứa nào bị mắng.

         Mãi tới sáng hôm sau, một đứa bạn cho biết hôm qua nhà cậu ta bị chết một con bò, một con khác bị thương nhẹ. Đến lúc đó chúng tôi mới biết, thì ra trên đường trở về sân bay, bọn phi công Pháp nhìn thấy mấy con bò đang nhởn nhơ gặm cỏ ngay chỗ buổi sáng chúng tôi lội qua, ngứa tay bóp cò vãi đạn vừa để máy bay nhẹ bớt vừa để thị uy. May mà mấy người đi đường và bọn trẻ chăn bò đều là bạn của chúng tôi kịp chui vào cống nên không ai thiệt mạng, chỉ phải một phen sợ hú vía!

 

         Hồi ấy các thầy dạy tiểu học cũng phải dạy tất cả các môn như bây giờ. Những là toán, chính tả, tập đọc, cách trí, địa dư, luân lý…chỉ khác là mỗi tiết học kéo dài tới sáu mươi phút. Tôi không phải là đứa giỏi toán nhưng cũng không đến nỗi kém, chỉ phải cái tính toán hơi chậm. Vì thế mà lắm phen làm toán chạy tôi cứ phải tiếc hùi hụi. Gọi là toán chạy vì làm xong phải chạy vội lên nộp thầy để thầy chấm điểm, bởi khi đã thu đủ mười bài thầy không nhận thêm nữa. Vì vậy mà những đứa thuộc top mười phải là những đứa thông minh, có kỹ năng tính toán, đặc biệt là tính nhẩm. Nhiều lần khi làm xong bài, tôi nhấp nhổm chực đứng lên đem nộp đã thấy thầy khoát tay ra hiệu không thu nữa. Thế là suốt thời gian còn lại của buổi học hôm ấy mặt tôi buồn rười rượi, kệ cho đứa nào trêu chọc, khích bác tôi cũng chẳng nói một câu. Những thay đổi bất thường của tôi như thế hình như thầy có biết nhưng lạ là không thấy thầy khuyên bảo hay động viên gì cả.

         Thế rồi vào một buổi sáng chủ nhật, thầy đến thăm mẹ tôi. Tôi chỉ kịp rót nước mời thầy rồi lủi nhanh qua nhà hàng xóm vì ở quê tôi lúc đó trẻ con không được phép nghe hoặc xen vào chuyện của người lớn. Chẳng biết hôm ấy thầy nói với mẹ tôi những gì mà tờ mờ sáng chủ nhật sau bà dắt tôi đi chợ Quán Rường, cách nhà khoảng ba cây số để mua sợi. Chợ nhà quê họp sớm vừa để tránh máy bay vừa để kịp về đi làm đồng nên cũng chỉ lèo tèo năm sáu chục người vừa mua vừa bán. Mà cũng chẳng ai có nhiều sợi để bán. Kẻ ít thì vài ba lạng, người nhiều thì năm bảy lạng hoặc một ký, trên một ký. Mỗi buổi chợ như thế mẹ tôi phải mua của mươi, mươi lăm người mới đủ sợi dệt trong tuần. Khi mua tùy theo số lượng ít hay nhiều mà mẹ tôi ngã giá theo lạng hoặc ký. Có lần chỉ mua được mấy lạng sợi nhưng khi trả tiền bà lại rút ra một tờ giấy bạc mệnh giá khá lớn. Vậy mà cứ sau mỗi lần mua xong hoặc người bán trả lại tiền thừa, bà lại hỏi tôi bao nhiêu vậy con? hoặc đủ không con?.Tội nghiệp cho tôi lúc đó cứ phải vận dụng hết kỹ năng tính toán của mình, khi chia lúc nhân, hết cộng lại trừ, loay hoay mãi rồi mới trả lời được. Nhiều lần tôi ấp a ấp úng vừa trả lời vừa run. Mãi tới khi nhìn thấy bà cười mà không tỏ vẻ gì là băn khoăn lúc trả tiền hay lúc nhận lại tiền thừa tôi mới an tâm.

         Mấy tháng sau  rồi cũng đến một hôm, tôi lọt được vào top mười lúc làm toán chạy. Nhớ hôm nhận được điểm mười đầu tiên với lời phê trò đã thực hiện được điều mà mẹ trò và thầy đang mong, tôi cứ băn khoăn mãi về lời phê khác lạ của thầy. Trưa hôm ấy trên đường về nhà, thầy không dắt tay tôi như mọi khi mà quàng tay qua vai như với một người lớn. Thầy khuyên tôi phải kiên nhẫn, không được tự mãn mà cần cố gắng nhiều hơn nữa. Thầy còn dặn tôi nên tập đi chợ một mình để đỡ đần thêm cho mẹ vì dù sao hồi ấy tôi cũng là con trai lớn trong nhà. Tôi chỉ còn biết lặng yên nghe lời thầy mà không dám nói năng gì. Ngay cả những thắc mắc, hồ nghi về lời phê của thầy tôi cũng quên béng. Chỉ tới khi chia tay thầy, tôi mới lí nhí nói được lời cám ơn rồi chạy vụt vào nhà khoe với mẹ tôi. Tôi cũng không quên cám ơn bà về những lần bà đã dắt tôi đi chợ mua sợi. Không ngờ bà chỉ cười và nói: con nên cám ơn thầy con trước mới phải! Tôi hơi sững người một chút nhưng rồi cũng kịp hiểu ra ý nghĩa của lời bà vừa nói. Thì ra là từ bấy lâu nay thầy đã cùng mẹ tôi dạy tôi cách làm toán chạy theo cái kiểu riêng của hai người mà tôi chẳng thể nào ngờ tới…

            

         Không rõ hồi ấy chương trình có bắt buộc học sinh lớp nhì học chữ Hán hay không nhưng thầy chính là người thầy đầu tiên vỡ lòng cho tôi cái thứ chữ mà theo lời thầy nói, thâm thúy thì rất thâm thúy mà rắc rối cũng lại thậm rắc rối ấy. Nhớ ở tiết học nhập môn, thầy đọc mấy câu tiếng Việt, tiếp theo là vài ba câu như thơ mà không phải thơ khiến cả lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Trông bộ dạng chúng tôi lúc ấy chắc là ngô nghê, buồn cười lắm nên thầy trấn an ngay : các trò không hiểu cũng phải vì trong những câu thầy vừa đọc có những chữ Hán hay còn gọi là chữ Nho. Nhưng nó là văn Việt Nam hoặc của chính người Việt là tổ tiên của thầy và các trò viết ra đấy! Muốn hiểu, bắt buộc các trò phải học. Có học mới nói và viết đúng tiếng Việt, mới hiểu được đời sống tinh thần và tình cảm của tổ tiên có khi cách chúng ta mấy trăm năm hoặc hàng ngàn năm về trước.

         Trình độ của chúng tôi lúc đó tuy có nhỉnh hơn học sinh lớp ba bây giờ vì phần đông chúng tôi đều lớn tuổi hơn các em nhưng đã làm sao hiểu hết được lời thầy. Tuy vậy chỉ cần nghe nói sẽ hiểu được tổ tiên, sẽ nói và viết đúng tiếng Việt…không đứa nào trong bọn chúng tôi là không háo hức, muốn được học ngay. Vậy mà thầy hình như vẫn không hay biết, trỏ tay vào hai vế đối sơn son thếp vàng duy nhất còn được treo ở ngay gian giữa ngôi chùa, nơi chúng tôi mượn làm lớp học, vừa đọc vừa giải thích. Rồi thầy rời chỗ ngồi, tiến về phía vế trái của câu đối, đọc to tên tác giả ở phần mà sau đó ít lâu chúng tôi mới biết là phần lạc khoản. Thầy hỏi: các trò có biết gì về người thầy vừa đọc tên không? Tất nhiên là không đứa nào trong bọn chúng tôi trả lời được. Thầy nói: đấy là một người ở ngay xóm Chùa ta, nơi các trò đang ngồi học đây. Ông đỗ tiến sĩ năm Thiệu Trị thứ hai và là ông tổ đời thứ năm của một trò trong lớp ta đấy! Đến lúc đó, không khí lớp học bỗng như vỡ tung ra trở nên nhốn nháo chẳng khác nào một buổi chợ phiên. Không đứa nào trong bọn chúng tôi chịu ngồi yên. Đứa nọ hết nhìn đứa kia lại hướng mắt nhìn về chỗ thầy đang đứng, chờ đợi…có vẻ như đang nuôi hy vọng mình sẽ là đứa học trò mà thầy vừa nói. Chờ thêm vài mươi giây nữa để lớp học trở lại trật tự thầy mới chậm rãi tiến về phía bàn tôi ngồi, rồi dừng lại vỗ vào vai một đứa bạn ngồi ngay cạnh tôi và nói: đây, trò ấy đây! Cả lớp như bị điện giật quay phắt ngay lại, trố mắt nhìn chăm chăm vào mặt thằng bạn tôi lúc ấy đã theo lời thầy đứng lên, mặt còn đang ngơ ngác nhưng vẫn không giấu được vẻ hãnh diện. Còn chúng tôi thì trầm trồ, thán phục cứ y như nó là vị tiến sĩ đời Thiệu Trị, tác giả của câu đối kia vậy. Cái không khí rạo rực, háo hức ấy còn theo chúng tôi suốt trong thời gian học chữ Hán với thầy. Tiếc là chúng tôi chỉ được học với thầy trong một năm ấy rồi thôi. Sau này tôi còn được học chữ Hán với một hai thầy nữa nhưng không ai trong số các thầy có sức lôi cuốn học sinh, tạo được niềm khát khao, say mê học chữ Hán như thầy. Và cũng không có tiết học nào tạo được ấn tượng sâu sắc đối với tôi như tiết nhập môn chữ Hán của thầy.

 

         Từ đó đến nay đã gần sáu mươi năm. Tôi từ một đứa học trò chín mười tuổi, chậm chạp, nhút nhát nay đã là ông già trên bảy mươi dày dạn, từng trải. Chỉ là những nét sổ, nét mác, nét khung…nằm dài trên chiếc chiếu trải dưới nền nhà tô theo từng nét chữ của thầy với niềm đam mê học bằng được thứ chữ mà thầy đã truyền cho, nay tôi đã có một vốn chữ Hán kha khá, đủ để dịch được những bài thơ, đoạn văn ngăn ngắn và cũng không đến nỗi quá khó. Cuối năm 2008, đầu năm 2009  nhân kỷ niệm 100 năm ngày nổ ra phong trào xin xâu ở Quảng Nam và cũng là 50 năm ngày mất của cha tôi, tôi đã dịch bốn bài tứ tuyệt của ông làm tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng mà khoảng sáu mươi năm về trước thầy đã có lần đọc cho tôi nghe. Trong khi dịch, hình ảnh thầy luôn theo sát bên tôi và điều đó đã giúp tôi tự tin hơn. Hôm nhận được tạp chí “Xưa & Nay” của Hội khoa học lịch sử Việt Nam gửi biếu có đăng bài dịch của tôi, tôi đã thành kính thắp mấy nén nhang lên bàn thờ cha tôi để báo tin cùng ông và cũng là để tỏ lòng biết ơn thầy, người thầy tuy chỉ dạy tôi một thời gian ngắn nhưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp, người đã vỡ lòng cho tôi cái thứ chữ thâm thúy thì rất thâm thúy mà rắc rối cũng lại thậm rắc rối ấy…

                                                                                                            P.N.S