Về hai ngôi mộ thời Chúa Nguyễn ở Ngũ Hành Sơn

11.11.2009

Về hai ngôi mộ thời Chúa Nguyễn ở Ngũ Hành Sơn

1- Việc phát hiện hai ngôi mộ:

Trong đợt khảo sát các di khảo cổ học ở núi Ngũ Hành Sơn vào những ngày đầu tháng 12 năm 2000. Giáo sư Trần Quốc Vượng và chúng tôi đã phát hiện một lăng mộ mới xây, bên trong có trong hai ngôi mộ và hai tấm bia cổ, tọa lạc dưới chân Mộc Sơn, cạnh nhà thờ Tộc Lê, thuộc tổ 7, khối phố Đông Hải 1, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

 Lăng mộ có hình bầu dục, mặt xây về hướng tây nam, có chiều dài 9,42m, chiều rộng 7,40m, tường cao khoảng 0,50m được quét vôi màu vàng. Hai tấm bia trước mộ bằng đá sa thạch, ngả màu đen, có kích thước gần bằng nhau. Tấm bia bên trái có chiều cao 1,20m, chiều rộng 0,87m và dày 0,30m, đặt trên một đế bia hình chữ nhật cũng bằng đá Sa thạch, có chiều dài 1,13m, chiều rộng 0,70m và chiều cao 0,21m. Trán bia và diềm bia không có trang trí hoa văn, rộng 0,12m, diềm trong nhỏ hơn, rộng 0,06m, trang trí hồi văn, chạy vòng quanh lòng bia.

Nội dung văn bia được khắc chạm các dòng chữ Hán - Nôm, theo lối Chân Tự, với hai chữ trên của mặt bia là "Việt cố", dòng chính giữa cỡ chữ nhỏ hơn ghi: “Tướng Thần Tại Ty Câu Kê Lê Quý Bá Chi mộ”, dòng chữ bên trái ghi: “Tuế tại Mậu Dần Mạnh Xuân Cốc nhật”, dòng bên phải ghi: “Hiếu tử đồng phụng lập”.

Còn tấm bia bên phải có cùng kích thước và cách trang trí giống như bia bên trái, có chiều cao 1,20m, rộng 0,87m và dày 0,30m. Đế bia có chiều dài 1,09m, chiều rộng 0,73m và cao 0,21m. Nội dung văn bia với hai chữ trên của mặt bia cũng là 2 chữ "Việt cố", nhưng chữ "Cố" đã mòn mờ, dòng chính giữa ghi: “Câu Kê Lê Công Chánh thê Mai Thị Quý Nương Chi mộ”, dòng bên trái ghi: “Ất Dậu Quý Hạ Cát đáng”, dòng bên phải ghi: “Hiếu tử đồng lập thạch”.

Căn cứ vào nội dung văn bia, chức tước và năm tháng lập bia, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết đây là hai ngôi mộ của hai vợ chồng, với ông là người họ Lê, giữ chức quan Câu kê, ở Tướng thần lại Ty Quảng Nam, một chức quan dưới thời Chúa Nguyễn, bia được lập vào ngày lành, mùa xuân, năm Mậu Dần (1638). Còn bà là người họ Mai, người vợ chính của ông, khi mất mang tước hiệu của ông là Câu Kê, bia được lập vào năm Ất Dậu (1645), cả hai bia đều do con cái của ông bà phụng lập. Giáo sư Trần Quốc Vượng còn cho biết thêm chức quan Câu kê là chức quan Tá nhị ở các Ty nằm trong bộ máy hành chính của Chúa Nguyễn và ông cho rằng hai ngôi mộ này ở vào thời Chúa Nguyễn. Trong tác phẩm “Quan chức nhà Nguyễn” của tác giả Trần Thanh Tâm cũng có ghi “Câu kê là chức quan tá nhị ở các Ty của các Chúa Nguyễn (Tam ty) chức hàm như Thị Lang ở các Bộ. Theo biên chế Tam ty (Xá sai, Tướng Thần lại và Lệnh sử) của các Chúa Nguyễn trước thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, mỗi ty có 3 Câu kê, 7 Cai hợp, 10 Thủ hợp và 40 ty lại” (1)

Gần đây, qua tìm hiểu những bậc cao niên trong gia tộc họ Lê ở phường Hòa Hải, chúng tôi được biết nguyên trước hai ngôi mộ tọa lạc tại làng Khái Đông, được xây dựng khá kiên cố, có hai vòng thành, thành trong và thành ngoài, có hậu tẩm và bình phong, nấm mộ được xây dựng bằng một loại vôi mật với vỏ nhuyễn thể, không có cốt gạch, đây là dạng mộ hợp chất ở vào các thế kỷ 17-18 mà chúng ta thường thấy ở các tỉnh miền Trung, dân gian thường gọi là mộ Tàu hay Mã vôi. Vào năm 1979, khi có lệnh phải giải tỏa dời đi, Hội đồng gia tộc tộc Lê đã chuyển hai ngôi mộ về làng Đông Trà. Khi bốc mộ, mộ bà vẫn còn nguyên ván hòm, bà đội mão, chân mang hia, tay cầm bút lông, còn mộ ông thì bị hư hại. Đến năm 1997, hai ngôi mộ phải cải táng di dời một lần nữa về tọa lạc tại địa điểm hiện nay (2).

 
2- Ý nghĩa và giá trị lịch sử của hai ngôi mộ:

Với việc tìm thấy hai ngôi mộ cùng với hai tấm bia cổ trên đây, có thể nói, lần đầu tiên các ngôi mộ thời Chúa Nguyễn đã được tìm thấy ở Đà Nẵng, nó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Ngũ Hành Sơn, điều đặc biệt là trên các tấm bia có ghi tước hiệu của người nằm dưới mộ là Câu kê, một chức quan thu thuế ở địa phương, qua đó, cho thấy vùng đất Ngũ Hành Sơn vào những năm đầu thế kỷ XVII, là vùng đất đã có sự buôn bán, giao thương nhộn nhịp, là vùng trung chuyển nối liền Đô thị cổ Hội An và Đà Nẵng qua dòng sông Cổ Cò, mà đình làng Quán Khái và chợ Quán Khái là tâm điểm của việc buôn bán, giao thương này. Theo các cụ cao niên của làng Quán Khái Tây trước đây cho biết: "Đình làng Quán Khái nằm bên cạnh dòng sông Cổ Cò, đình có kiến trúc xây dựng lớn nhất vùng, lúc bấy giờ trên bến dưới thuyền buôn bán rất nhộn nhịp" (3), rất tiếc đình làng Quán Khái sau này đã bị sụp đổ, hư hại hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh đó, việc phát hiện hai ngôi mộ còn giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc nghiên cứu đời sống văn hóa, tín ngưỡng thời các Chúa Nguyễn như mộ được xây bằng hợp chất vôi, mật với vỏ nhuyễn thể mà không có cốt gạch, người chết được chôn theo đồ tùy táng...

 
3- Cần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của hai ngôi mộ

Ở miền Trung Việt Nam, Huế là địa phương tìm thấy nhiều ngôi mộ cổ thời chúa Nguyễn và cũng là địa phương đi đầu trong việc nghiên cứu, giữ gìn các ngôi mộ này. Đối với Đà Nẵng, ngoài hai ngôi trên cũng còn nhiều ngôi mộ khác, nhưng chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu bảo vệ, trong khi đó thành phố lại đang trong quá trình đô thị hóa, xây dựng nhiều khu dân cư mới, nhiều ngôi mộ cổ ở các địa phương phải thực hiện di dời, do vậy, những người làm công tác nghiên cứu không có điều kiện tiếp cận tìm hiểu. Riêng trường hợp hai ngôi mộ trên đã được những người trong gia tộc họ Lê gìn giữ chăm sóc, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy hết giá trị của di tích, do vậy, gia tộc và chính quyền địa phương cần xem xét, báo cáo lên các cơ quan chức năng để xin công nhận hai ngôi mộ này là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố hoặc cấp quốc gia nhằm phát huy giá trị di tích trong việc nghiên cứu và tham quan giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa tại địa phương.

                                     

HỒ TẤN TUẤN

 
Chú thích:

(1). Trần Thanh Tâm: “Quan chức Nhà Nguyễn”, Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế - 2000, tr. 88.

(2,3). Theo lời kể của Bác Lê Quang Châu, ở tổ 7, khu phố Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.