Thái Bá Lợi và quá trình đổi mới bút pháp sáng tạo

11.11.2009

Thái Bá Lợi và quá trình đổi mới bút pháp sáng tạo

Thái Bá Lợi thuộc thế hệ nhà văn cầm bút vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và được bạn đọc biết đến như một trong những cây bút xuất sắc của văn xuôi cả nước viết về chiến tranh sau chiến tranh. Anh cũng là một trong những tác giả sớm có những đóng góp báo hiệu cho xu hướng vận động của văn học nước nhà trước khi bước vào thời kỳ đổi mới.

Sinh năm 1945, quê xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Vốn là một quân y sĩ, đội trưởng một đội phẫu thuật tiền phương, Thái Bá Lợi đã từng có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất trong những năm chống Mỹ như Đường Chín, Nam Lào, Khe Sanh, Đông Hà, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Nhưng phải đến chiến trường Khu V với xứ Quảng mới thực sự là nơi khơi nguồn những trang viết đầu tiên và cũng là nơi từ bấy đến nay, anh đã quen thuộc, gắn bó với nhiều nỗi buồn vui của đời mình.

Những tác phẩm chính của Thái Bá Lợi đã được xuất bản gồm có : Vùng chân Hòn Tàu (truyện ngắn, 1978), Thung lũng thử thách (tiểu thuyết, 1978), Họ cùng thời với những ai (tiểu thuyết, 1978), Bán đảo (truyện, 1983), Còn lại với thời gian (tiểu thuyết, 1989), Đội hành quyết (truyện ngắn, 1994), Trùng tu (tiểu thuyết, 2003), Khê ma ma (tiểu thuyết, 2004).

Thái Bá Lợi đã từng nhận nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương: Giải thưởng truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân đội, năm 1983, với tác phẩm Lòng cha; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1983, với tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai; Giải A của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm 2003, với tiểu thuyết Trùng tu; Giải A của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, năm 2004, với tiểu thuyết Khê ma ma; Giải B (không có giải A) của Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất (1997-2005) với tiểu thuyết Trùng tu và tiểu thuyết Khê ma ma...

Tuy nhiên, theo chúng tôi, đánh giá một nhà văn không thể chỉ căn cứ vào giải thưởng; bởi lẽ, trong thực tế, và nhất là những năm gần đây, có không ít trường hợp nhà văn và tác phẩm cũng được giải thưởng, thậm chí là giải cao, mà cả người đọc lẫn giới phê bình nghiên cứu vẫn không mấy mặn mà.

Với Thái Bá Lợi, hành trình sáng tác của anh trong hơn ba thập niên vừa qua, đã được dư luận và độc giả chú ý theo dõi và đón nhận. Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập III, nhà xuất bản Đại học Sư phạm, năm 2004, ở chương viết về Nền văn học mới từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, khi đề cập đến quá trình vận động của văn học sau 1975, đã nhận xét và khẳng định : “Công cuộc đổi mới văn học thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI. Nhưng trước đó đã có những dấu hiệu đổi thay ở một số cây bút nhạy bén nhất. Năm 1977, Thái Bá Lợi viết Hai người trở lại trung đoàn, năm 1979, Nguyễn Trọng Oánh viết Đất trắng và Nguyễn Khải viết Cha và Con, và…” (1).

                           

Quả thực, với Hai người trở lại trung đoàn (in lần đầu trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, số tháng 4 – 1977) của Thái Bá Lợi, dòng chảy văn học viết về chiến tranh ở nước ta, sau 1975, đã không còn xuôi chiều như trước. Bằng cảm quan của người nghệ sĩ từng lăn lộn ở chiến trường, bằng vốn sống trực tiếp và thông qua sự sàng lọc của ký ức, Thái Bá Lợi đã hướng ngòi bút của mình về phía biểu hiện cuộc chiến đã qua với cái nhìn nghiêm cẩn hơn, nhiều phía hơn. Anh không chỉ ngợi ca tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp, cao cả của con người trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, mà còn phát hiện cả những mặt khuất lấp đằng sau tấm huân chương và gợi lên những suy ngẫm đầy tính dự báo về đạo đức, thế sự. Sự vận động đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn đã được biểu hiện khá rõ nét qua thế giới hình tượng nhân vật. Đã quen với lối tư duy phân chia rạch ròi địch, ta; xấu, tốt; đến Hai người trở lại trung đoàn, người đọc ngỡ ngàng nhận ra, không còn phải chỉ kẻ địch mới xấu còn ta bao giờ cũng tốt, mà té ra ngay trong cuộc chiến, ở ngay hàng ngũ của ta, cũng có những kẻ trí trá, xảo quyệt cơ hội (nhân vật Trí); có cả những người thật thà trung thực chỉ vì họ không gần cấp trên mà họ bị hiểu lầm oan uổng; phải gánh chịu những thiệt thòi mất mát (nhân vật Thanh). Rồi ngay cả một người con gái rất tốt, thông minh, dũng cảm như Mây cũng có lúc đã ngộ nhận, để rồi phải trả giá cho sự nông nổi, chân thực của chính mình. Tác phẩm kết thúc với tình huống, sau chiến dịch Hồ Chí Minh, nhân vật Trí, con người từng dẫm lên vai đồng đội, từng bội bạc trong tình yêu, nhưng nhờ không ai biết, nhờ những người tốt chịu thiệt thòi mà anh đã được thăng chức trung đoàn trưởng. Trung đoàn của Trí, nơi mà cả Thanh và Mây đã từng sống và chiến đấu được tuyên dương anh hùng. Trong ngày vui ấy, được Thanh (người đồng đội cũ đã từng thầm yêu Mây, nhưng vì Trí mà không thành) báo tin, Mây đã quyết định đưa đứa con mà mình đã có với Trí và cùng Thanh trở về thăm lại trung đoàn.

Vậy là, tên gọi tác phẩm Hai người trở lại trung đoàn vừa khái quát được nội dung thiên truyện, vừa cùng một lúc gợi ra nhiều suy nghĩ và xúc cảm thẩm mỹ cho người đọc. “Hai người” ở đây là Thanh và Mây, hai người đồng đội cùng trở lại thăm trung đoàn cũ của mình. Mặt khác, “hai người” ở đây cũng là hình ảnh hai mẹ con Mây trở về chứng kiến sự lên ngôi của Trí. Họ đều là những người từng góp phần làm nên chiến công chung của trung đoàn, nhưng chính họ là những “nạn nhân” của Trí và hiểu thực chất về Trí hơn ai cả. Họ không nói gì, thái độ tác giả cũng không thể hiện, chỉ để cho sự việc tự nói lên. Thiên truyện đem đến cho người đọc cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả tự hào lẫn mỉa mai, chua xót, cả hạnh phúc lớn lao lẫn mất mát thầm lặng. Hai người trở lại trung đoàn là một kết thúc mở tạo nên được những âm hưởng đa thanh cho tác phẩm.

Phải nói rằng, vừa mới hơn một năm sau ngày chiến thắng, giữa lúc luồn gió đổi mới chưa thổi tới, nếu không thực sự nung nấu và nhạy bén phát hiện, nếu không thực sự tự tin và can đảm, Thái Bá Lợi khó mà có được những trang viết như vậy. Hai người trở lại trung đoàn vì thế đã thuộc vào trong số tác phẩm sớm nhất mở rộng, khám phá và đề cập đến những diễn biến phức tạp của đời sống chiến trường và cả trong tâm trạng người lính ở buổi giao thời, mà trước đó văn xuôi theo mạch sử thi chưa đề cập đến hoặc chưa thể đụng chạm đến. Đây cũng là một thiên truyện giàu chất tiểu thuyết báo hiệu cho một kiểu tư duy hình tượng đậm đặc thế giới hiện thực ký ức, tạo nên một bản sắc nổi bật trong phong cách sáng tạo của Thái Bá Lợi; đồng thời từ đó đã khẳng định vị trí của anh trên văn đàn.

 

Thực ra, bất kỳ nhà văn nào muốn phản ánh và biểu hiện cuộc sống vào tác phẩm, cũng đều phải thông qua sự nhớ lại là tưởng tượng đầy cảm hứng chủ quan của họ, tức là dù ít dù nhiều chất liệu cuộc sống ở trong tác phẩm đều mang thế giới hiện thực ký ức, nhất là đối với thể loại tiểu thuyết. Milan Kundera cũng đã từng quan niệm: “tiểu thuyết là nơi sự tưởng tượng có thể bùng nổ như trong một giấc mơ và tiểu thuyết có thể vượt qua đòi hỏi trông chừng có vẻ tất yếu phải giống thật”(2). Vì thế, thế giới hiện thực ký ức cũng chưa hẳn là đặc điểm của riêng Thái bá Lợi. Tuy nhiên, với Thái Bá Lợi, đặc điểm này đã thấm đẫm và chi phối một cách sâu sắc toàn bộ thế giới nghệ thuật của anh từ cốt truyện, kết cấu, đến hình tượng nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu. Nó trở thành một nét đặc trưng khi nhận diện phong cách của nhà văn.

Nhiều tác phẩm của Thái Bá Lợi sau Hai người trở lại trung đoàn đều có chung một mô típ dẫn vào cốt truyện như thế. Chẳng hạn, tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai được bắt đầu từ “Vào một buổi chiều, chúng tôi trèo lên đồi 74 ở phía bắc sông Bến Hải”... với hồi ức “hơn mười năm trước”, “chính từ trên đỉnh đồi này, một người bạn kể lại câu chuyện về những con người từ cuộc chiến tranh quyết liệt vừa đi ra...”. Truyện dài Bán đảo  cũng là “câu chuyện mà tôi nghe được cứ ám ảnh trong tôi, làm tôi phải luôn luôn nghĩ về số phận của các nhân vật trong chuyện”. Truyện ngắn Đội hành quyết mở đầu cũng bằng “điều tôi bứt rứt hai chục năm qua, hôm nay mới làm được  do sự tình cờ”. Tiểu thuyết Trùng tu sở dĩ được viết nên cũng với lý do, vì “Tôi và nó, hai trong số vài ba chục người sống sót của một tiểu đoàn bảy trăm người sau sự kiện Tết Mậu Thân ở Huế tình cờ gặp nhau” rồi những ngày xa xưa bỗng “khơi dậy trong ký ức”. Và, Khê ma ma dù viết theo hình thức nhật ký, nhưng đó cũng là cuốn nhật ký nhặt được trên dòng suối mà bây giờ không biết tác giả ở đâu “để có thể gửi lại” rồi cũng phải “suy đi nghĩ lại mấy lần tôi mới quyết định công bố...”.

Kiểu vào truyện này dễ cuốn người đọc vào thế giới kỷ niệm cùng với tác giả và nhân vật, nhưng cũng dễ sa vào hồi tưởng lan man. Điều đáng nói ở đây là, Thái Bá Lợi đã không bị chìm vào màn sương của thế giới ký ức. Anh biết tận dụng sức mạnh của ký ức để lẩy ra, chắt lọc những sự việc, hình ảnh, con người nổi bật nhất. Và, cho dù viết về bất kỳ một mảng đời sống nào, từ hồi ức về một chiến dịch, về những bề bộn, phức tạp ở một vùng “bán đảo” sau ngày giải phóng, hay nhớ lại những ngày Mậu Thân ở Huế và công việc “trùng tu” Huế hôm nay, cho đến cả việc “ghi lại” những dòng nhật ký mà ai đó bỏ quên ở khu rừng Bà Nà, Thái bá Lợi đều hướng cái nhìn “ngậm ngợi” (chữ dùng của tác giả) của mình về phía những vấn đề của con người. Anh thuộc kiểu nhà văn quan tâm đến vấn đề trong diễn biến bề bộn của sự việc, hơn là chú tâm thuật lại cho kỹ những diễn biến đó. Thái Bá Lợi đã sử dụng nghệ thuật dồn nén sự việc, lược bớt những trường đoạn khi cần phải kể lại hoặc miêu tả. Chẳng hạn, đây là một cảnh di chuyển quân về vùng sâu trong chiến dịch Mậu Thân ở Huế được anh cô gọn: “Những gò đồi, những vạt ruộng nhấp nhô, hai khúc sông nhỏ, những làng mạc và con đường nhựa phải băng qua. Hai lần nghỉ trên đường, một lần pháo bắn vào đại đội 7, hai cậu hy sinh... Bốn giờ sáng chúng tôi tới được vị trí ghi trong mệnh lệnh” (Trùng tu, tr.66). Nhưng khi chạm đến suy nghĩ và tâm trạng nhân vật, tác giả lại dừng lại làm ta đến sững sờ trước cảnh một ngày xuân trong chiến tranh: “Đã hơn bảy giờ, nắng có chiều gay gắt hơn những ngày trước. Dù sao vẫn còn là nắng xuân. Ánh nắng trải vàng trên con đường làng trống trải, trải vàng trên những gò đất, trên hàng cây râm bụt của lối đi vào ngôi nhà ngói duy nhất trong thôn cộng với làn gió tây mơn trớn làm nhẹ đi phần nào những suy tính căng thẳng. Vào thời thanh bình, có được cái nắng ấm áp này sẽ làm người ta muốn đi đến một nơi nào đó, thăm viếng ai đó, hoặc chỉ thơ thẩn trong làng với vài người bạn. Một năm chỉ có vài ngày thế này thôi. Tự nhiên tôi ao ước được một ngày như vậy” (Trùng tu, tr.134). Trong sự co giãn linh hoạt ấy, khi đọc tiểu thuyết của Thái Bá Lợi, qua ký ức của nhà văn ta bắt gặp những hình ảnh vừa cô đúc chọn lọc, nhưng cũng vừa cụ thể, sinh động như chính bản thân đời sống; thậm chí cả những chi tiết dường như chỉ thoáng qua nhưng lại có tác dụng góp phần không nhỏ làm nên ý nghĩa phong phú, đa chiều cho tác phẩm. Có khi, không cần phải viết nhiều, tác giả chỉ cần qua cảnh quay chậm quang cảnh một vùng quê chiến trường với: “Những thân cây cụt ngọn, những đàn bò đi lang thang trên những làng mạc Gio Linh mới ngày nào còn trù phú với những vườn chè, rặng mít, vườn dứa và hồ tiêu đã cháy trụi chỉ còn tro đen và đất đỏ”; kể lại hình ảnh một tiểu đoàn bảy trăm người sau một chiến dịch chỉ còn vài ba chục người sống sót, một vết máu vẫn còn lại trên vách tường sau bao năm… đều đã nói lên tất cả sự tàn khốc của chiến tranh và nỗi đau khổ mà con người đã từng phải hy sinh, nếm trải. Cuộc gặp gỡ giữa bộ ba các nhân vật Hải, Tân, Ngà nơi làng chài “bán đảo” như một bức tranh thu nhỏ của không ít đời sống tâm trạng con người trước những hoàn cảnh phức tạp, nan giải của thời hậu chiến. Một hình ảnh ông Kazimerz (kiến trúc sư, một nhà trùng tu nổi tiếng của nước bạn) đi dạo trên phố Đà Nẵng, khi qua nhà hát Trưng Vương vừa xây dựng xong, bỗng đứng lặng đi khi thấy người ta đang cưa một gốc cây lớn để tráng vỉa hè bằng xi măng, cũng đã gửi gắm biết bao ý nghĩ về công cuộc xây dựng, quy hoạch hôm nay với việc gìn giữ bảo vệ môi trường, về con người và những vẻ đẹp nhân bản cần có v.v… và v.v… Chính vì thế, tiểu thuyết Thái Bá Lợi đem đến cho người đọc hai cảm giác ngược chiều nhau mà vẫn rất thống nhất, ấy là cảm giác dường như tác giả chưa nói đến cũng vì quá đắn đo, kiệm lời; nhưng lại vẫn cảm thấy phong phú, mới mẻ vì nhiều chi tiết, hình ảnh, câu văn rất chủ động điềm tĩnh mà giàu sức gợi. Phải chăng, nói như nhà văn Nguyên Ngọc “anh biết mười chỉ để viết một” và cách viết ấy chỉ có được ở những tác giả đã tiềm ẩn tư tưởng, vốn sống và thực sự làm chủ ngòi bút của mình.

 

Bước ra từ thế giới hiện thực ký ức, hai hình tượng nhân vật nổi bật thường gặp trong sáng tác của Thái Bá Lợi là người lính và người phụ nữ.

Người lính ở đây không hiện lên trong ánh hào quang, trong vòng nguyệt quế của chiến thắng mà hiện lên với tất cả sự thật gian khổ hy sinh không thể nào kể xiết ở chiến trường và cả một phần hình ảnh, cuộc sống của họ trong những ngày hòa bình đầu tiên. Đó là những nhân vật như Thạch– trung đoàn trưởng, Thanh chiến sĩ trinh sát trong Hai người trở lại trung đoàn; Hải cũng đã từng là trung đoàn trưởng trong Bán đảo; tư lệnh Phan Nam, hai bố con Trần Thán và Tánh, Nhiếp trong Họ cùng thời với những ai; rồi cả “tôi” và “nó” trong Trùng tu; và còn nhiều nhân vật người lính hữu danh vô danh khác. Trong số họ, nói như Thái Bá Lợi, có “những người tốt và chưa tốt, kẻ phản bội và người trung thành, trong con người khi hèn nhát và lúc dũng cảm, người sống hời hợt và người có tình yêu say đắm, người xốc nổi và người điềm đạm, người sáng suốt và người chậm chạp... Họ sống qua những ngày mà hoàn cảnh buộc họ phải hết mình mới sống được. Đó là những ngày trong sáng và chân thật mà mỗi lần nhớ lại ta đều thấy cay cay ở góc mắt” (Họ cùng thời với những ai, tr. 238). Không tô hồng, lãng mạn hóa, cũng không cường điệu, hoặc quá lời, là người trong cuộc, Thái Bá Lợi đã làm hiện lên qua ký ức những điều mình đã thấy đã nghĩ về người lính trong chiến đấu, trong tình cảm đồng chí đồng đội, tình cảm quân dân, trong tình yêu và cả trong nỗi niềm day dứt riêng tư thầm kín của họ. Với Thái Bá Lợi, ngòi bút của anh dường như luôn ý thức được rằng cần phải viết đúng sự thật nhưng cũng “đừng bao giờ làm tổn thương những gì thiêng liêng của người lính, của con người”. Có lẽ vì thế mà những trang văn của anh viết về người lính làm ta xúc động, gợi lên rất nhiều suy ngẫm về những ngày đã qua và cả hôm nay.

Cùng với hình tượng người lính, hình tượng nhân vật người phụ nữ trong sáng tác của Thái Bá Lợi cũng để lại rất nhiều cảm tình cho người đọc. Xưa nay, trong văn học nhân loại, trước “cuộc bể dâu” người phụ nữ bao giờ cũng chịu nhiều sóng gió nhất. Trong văn học viết về chiến tranh, hình tượng người phụ nữ thường là những nạn nhân với số phận bi thương xiết bao đau đớn. Nằm trong dòng chảy của văn xuôi cách mạng viết về hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhân vật người phụ nữ trong tiểu thuyết của Thái Bá Lợi vừa mang được những phẩm chất cao cả của cộng đồng vừa có được những nét riêng của thân phận, không ai giống ai. Hoàn cảnh buộc họ có lúc phải cương nghị, nén lòng, nhưng vẫn rất giàu nữ tính. Như phần trên đã nhắc đến, đó là Mây – người con gái du kích đất Quảng, tự tin, dũng cảm và mưu trí dẫn đường cho cả đoàn quân mạo hiểm lách qua hai cái chốt giặc trong Hai người trở lại trung đoàn. Đó là Tân, người con gái đất Bắc trôi dạt vào một làng chài nơi Bán đảo. Đó là Lê, người con gái trên đất Gio Linh – Cam Lộ, người xã đội trưởng làm nhiệm vụ tìm những con đường cho bộ đội qua về sông Bến Hải, có “một khuôn mặt không có gì phải chú ý với cặp má đầy đặn, đôi mắt nhỏ và hơi sâu, cái mũi thẳng”... nhưng “đôi bàn tay thon nhỏ và đen sạm” của cô làm cho Nhiếp “quên đi những khuôn mặt, những cái nhìn của những người con gái khác (Họ cùng thời với những ai). Đó là Mai, nữ du kích ở vùng tranh chấp ngày đêm chuyển đạn tải thương trong chiến dịch Mậu Thân ở Thừa Thiên – Huế năm 1968, trong Trùng tu. Và cả Khê ma ma, trong một tiểu thuyết gần đây nhất của Thái Bá Lợi.

Nếu người phụ nữ trong văn học kháng chiến chống Pháp phải nén lòng mình “hễ ai hỏi chuyện chồng con/ lắc đầu nguây nguẩy em còn đánh Tây” (Ca dao), thì những cô gái trong sáng tác của Thái Bá Lợi, dù trong hoàn cảnh khốc liệt của cuộc chiến, họ phải sống hết mình cho nhiệm vụ, nhưng ngọn lửa tình khát vọng vẫn luôn bừng cháy. Có người bộc lộ một cách da diết, thủy chung nhưng không tránh khỏi lầm lỡ (Mây); có người tỏ tình “mạnh bạo và lạ lùng” (Lê); có người dù hoàn cảnh phải “đi bước nữa” nhưng suốt đời như vẫn còn mang canh cánh bên lòng một mối tình xưa (Tân); ngược lại có người gặp ai cũng tỏ ra tha thiết niềm nở nhưng chỉ “lượn lờ” không yêu được cái gì cho đến nơi đến chốn”, mà thực ra họ cũng “không yêu ai hết” (Nhương – cô y tá trong Họ cùng thời với những ai) nếu không nói là chỉ yêu chính mình. Dù vậy, tất cả những người con gái ấy vẫn là biểu tượng của tình thương, là một chỗ dựa tinh thần cho người lính nơi chiến trận. Họ gánh vác trên đôi vai mềm mại của mình cả tiền tuyến và cả hậu phương. Họ là tiếng nói thầm, là niềm ám ảnh thương nhớ không nguôi trong tâm hồn những người chiến sĩ như Hải trong Bán đảo, Nhiếp trong Họ cùng thời với những ai, và cả nhân vật “nó” – người lính năm xưa, người cán bộ trùng tu di tích hôm nay. Cuộc sống, tình yêu, và sự hy sinh của những con người ấy, như ý nghĩ của một nhân vật trong Họ cùng thời với những ai đã làm cho người khác “phải xem xét lại tất cả những điều mình đã sống trước đây”, và bây giờ nếu làm điều gì không phải đều thấy họ vẫn như còn hiển hiện trong ký ức.

Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên, với tiểu thuyết Khê ma ma, Thái Bá Lợi đã lấy tên nhân vật nữ trung tâm làm tên gọi cho tác phẩm. Và, cũng qua hình tượng nhân vật người con gái trẻ trung đầy cá tính được ghi lại dưới hình thức nhật ký ấy, nhà văn đã gửi gắm khát vọng của mình về một mẫu người trong xã hội hiện đại: vừa sống chan hòa gần gũi với thiên nhiên, vừa giàu tình cảm nhân ái, vừa thông tuệ và đầy đủ bản lĩnh để thích ứng chủ động trước mọi hoàn cảnh đổi thay của cuộc sống. Phải chăng, người phụ nữ muôn đời vẫn là nơi cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng mọi vẻ đẹp của sự sống và tính cách trên cõi đời này.

 

Nằm trong mạch đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người  của văn xuôi nước ta sau 1975, Thái Bá Lợi là một trong những cây bút bằng trải nghiệm va đập với cuộc sống và bằng sự sàng lọc qua ký ức đã sớm có được một cách tiếp cận phức hợp về con người. Như trên có lần đã dẫn, một mặt anh quan niệm “viết về bất cứ đề tài nào thì cũng đạt mục đích cuối cùng là tôn vinh con người, Con Người viết hoa...”; nhưng mặt khác, có lần anh cũng mượn lời nhân vật để bày tỏ thái độ rất dè dặt “vì tính đa nghi bẩm sinh” khi nghe một ai đó chỉ toàn nói những điều tốt đẹp về con người. Dường như, ở đây, nhà văn đã bắt gặp một quan niệm về sự khác biệt giữa chủ nghĩa nhân đạo hiện đại và chủ nghĩa nhân đạo truyền thống; ấy là chủ nghĩa nhân đạo hiện đại không bao giờ đánh mất niềm tin vào con người, nhưng cũng không quá kỳ vọng vào con người. Xuất phát từ cái nhìn nhiều chiều như thế mà nhân vật của Thái Bá Lợi từ người lính đến người phụ nữ, từ những nhân vật chính mà tác giả dụng công xây dựng đến nhân vật chỉ thoáng qua đều hiện lên chân thực, sinh động, không hề tô vẽ, nhưng vẫn mang được những giá trị nhân bản đáng quý. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà đằng sau giọng văn điềm tĩnh, cách viết kiệm lời, bình dị, như vừa viết vừa nhớ lại, tưởng như không có gì lạ nhưng đã làm nên một bản sắc khó lẫn của Thái Bá Lợi. Người đọc tinh ý vẫn cảm nhận được sức cuốn hút của một vẻ đẹp vừa trí tuệ, vừa tình cảm; vừa sâu sắc, vừa mới mẻ.

Cùng với những đặc điểm mang tính ổn định để làm nên một phong cách, Thái Bá Lợi còn là nhà văn có ý thức và có khả năng tự vận động, đổi mới bút pháp sáng tạo của mình. Chỉ cần nhìn vào những tác phẩm đã có từ các truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn, Bán đảo đến các tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai, và Trùng tu, Khê ma ma... gần đây, ta cũng thấy được vẫn một Thái Bá Lợi quen thuộc ấy, nhưng ngày càng thâm thúy hơn, minh triết hơn và hình thức thể hiện cũng không ngừng thay đổi, biến hóa. Đều cùng là thế giới hiện thực hồi ức, nhưng nghệ thuật trần thuật đã chuyển dần từ tuyến tính sang đồng hiện, từ lối kết cấu tác phẩm theo kiểu đan xen giữa thực tại và dòng chảy ý thức trong Trùng tu, đến lối cấu trúc ghép mảng, hòa trộn thể loại, vừa quen thuộc  vừa pha một chút lạ hóa trong Khê ma ma. Điều đó chỉ có được ở những nhà văn chuyên nghiệp, thực sự có vốn sống, tài năng, bản lĩnh và giàu ý thức trách nhiệm với bạn đọc.

Tuy nhiên, cũng không khỏi có người cho rằng, Thái Bá Lợi điềm tĩnh quá, đắn đo quá nên anh viết chậm. Sau Họ cùng thời với những ai, Bán đảo gần hai chục năm, anh mới có lại Trùng tu và Khê ma ma. Mà cuốn tiểu thuyết nào của anh cũng thường rất mỏng khoảng chừng không quá hai trăm trang thậm chí có xu hướng ngày càng ngắn lại dường như thiếu đi một tầm cỡ cần thiết. Nhưng biết làm sao được, khi Thái Bá Lợi không nằm trong số những cây bút chạy theo thời thượng, anh chỉ cầm bút viết những gì khi anh đã quan sát, trải nghiệm đến độ nhuần chín trong suy nghĩ và cảm xúc; hơn nữa, phải chăng điều ấy cũng nằm trong quan niệm như có lúc anh đã mượn lời nhân vật để phát biểu: “nếu... muốn lưu danh cần gì đến hàng chục ngàn trang, vài câu hay vẫn lưu danh được” (Trùng tu, tr.46). Cũng có người trách rằng, nhân vật và sự việc trong tiểu thuyết của Thái Bá Lợi thường thiếu một sự bứt phá, thường không được tác giả đẩy đến cùng, ngay cả lúc anh nói “trùng tu” thì “cũng chưa rõ Thái Bá Lợi định trùng tu cái gì” (Thanh Thảo). Thế nhưng, cũng biết làm sao được, khác với sử thi, một thể loại “không những đã hoàn tất, mà còn già nua” thì “tiểu thuyết là thể loại văn chương duy nhất đang biến chuyển, còn chưa định hình” và “tâm lý hướng về sự hoàn tất thể hiện tính cổ điển của tất cả các thể loại phi tiểu thuyết”(3). Bởi vậy, nhà văn Nguyên Ngọc có lý khi nhận xét: “Thái Bá Lợi rất ít khi viết dài, rất ít khi anh để cho một cuốn sách của mình đi đến chỗ nói rốt ráo đến độ chẳng còn gì để nói tiếp nữa” và ông coi đó là “phẩm chất đối thoại mở” – một nét khiến ta nhận ra tính hiện đại ở tác phẩm của Thái Bá Lợi(4).

Dẫu sao, với một nhà văn như Thái Bá Lợi, người đọc vẫn có quyền yêu cầu, và tiếp tục hy vọng chờ đợi ở anh những sáng tác mới hay hơn, tầm cỡ hơn. Tiểu thuyết Minh sư mà anh đang ấp ủ và sắp hoàn thành với hơn 600 trang viết về nhân vật lịch sử chúa Nguyễn Hoàng, sẽ đáp ứng lòng mong đợi ấy chăng?

                        Đà Nẵng, tháng 11-2008

                         PHAN NGỌC THU

 

(1) Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập III. Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2002, tr.55.

(2) Milan, Kundera: Tiểu luận... Nxb. Văn hóa Thông tin – Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây, H, tr.24.

(3) M.Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Trường viết văn Nguyễn Du, H. 1992, tr.47.

(4) Lời bạt tiểu thuyết Khê ma ma. Nxb. Hội Nhà văn, H, 2004, tr. 112.