Nếp nhà

11.11.2009

Nếp nhà

Truyện ngắn
 

1 - Ông bà thân sinh vợ tôi có cả thảy chín người con, bảy trai hai gái. Vợ tôi thứ năm, bà chị thứ hai. Lẽ thường khi trong nhà chỉ có hai chị em gái thì chị em thường thân thiết với nhau. Những năm trước mỗi khi ra Hà Nội nếu không ở khách sạn thì vợ tôi về ở nhà chị mình. Bà chị vợ tôi hiền lành, ông anh đồng hao càng hiền lành hơn. Năm 2001 ông bị bạo bệnh, cùng lúc cả tai biến cả tiểu đường cả suy thận, bệnh nào cũng hết cấp. Bác sĩ bảo gia đình về xem giờ, đặng rút ống ô xy cho ông đi. Ban tang lễ gấp rút thành lập. Cái tràng kỷ và bộ xa lông ở phòng khách đem sang gởi hàng xóm. Tờ cáo phó đã viết xong... Mọi thứ cho giây phút vĩnh biệt ông đã sẵn sàng. Nhưng ông thầy chùa ở gần Ngã Tư Sở bảo người này sinh giờ tuất ngày tuất tháng tuất năm tuất, số trời chưa thể hết. Thế rồi ông tỉnh lại thật, tất nhiên nhờ thầy thuốc chứ không phải thầy chùa, nhưng công lao thầy chùa không ai dám bảo rằng nhỏ! Hôm rồi vợ chồng cô con gái ông mời ông và vợ chồng tôi đi ăn phở Bát Đàn. Năm người thì chỉ mình ông xơi hết tô phở, thêm hai cái quẩy! Mỗi tội bây giờ không đi đâu xa được, hàng ngày phải đủ năm sáu loại thuốc đặc hiệu  nào đấy, một bên tai lại đã điếc đặc. Nói chuyện với ông thật vất vả, nhưng không thể không nói vì đấy là thú vui duy nhất của ông bây giờ! Ngày xưa hai ông bà - chồng là giảng viên khoa kinh tế, vợ là giảng viên khoa triết, suốt ngày đứng trên bục giảng nói đến khô họng, giờ không nói biết buồn đến dường nào! Mà con đường đi đến bục giảng của ông anh đồng hao của tôi chông gai gian khó. Nhà bị quy phú nông sau nâng lên thành địa chủ cho đủ tỷ lệ, buộc phải rời ghế nhà trường ở tuổi đi học, rồi học ở cái tuổi người ta đã lập thân, vừa đi làm vừa học, học ngắn học dài học cao học thấp học tại chức học tập trung học trong nước học ngoài nước, để rồi thành giảng viên giảng chủ nghĩa Mác- Lê cho cán bộ chủ chốt, rất có thể là con cháu những người đã đấu tố gia đình mình ngày xưa, hỏi sao không cố tìm cách hầu chuyện ông, nếm thêm chút mặn nhạt của cõi nhân gian?  Đêm khuya hai anh em đồng hao ngồi bên ấm trà ông tỉ mẫn pha sao cho thật ngon, hét ầm ầm vào tai nhau - ông anh bảo Mác nói thế này ông em bảo Paul Samuelson(1) nói thế kia, ông em bảo Adam Smith(2) nói thế kia ông anh bảo Lenin nói thế này... khiến bà hàng xóm tưởng xẩy ra chuyện cãi vã chạy sang can ngăn!

Vợ tôi còn thân với anh Quân, có lẽ do sàn sàn tuổi nhau. Anh Quân thứ tư, cùng tuổi với tôi. Chị Lợi vợ anh lại cùng tuổi với vợ tôi. Nhưng tuổi tác năm tháng chỉ mới là điều kiện. Hễ biết tôi ra, thể nào anh Quân chị Lợi cũng bảo tới nhà ăn cơm. Nhưng giời ạ, nói là một bữa chứ đâu chỉ một bữa. Trưa ăn miến nấu cá rô, chiều xơi bún ốc hũ, tối xem đá bóng ăn đồ nguội uống uyxki. Đãi khách, chị Lợi thường chỉ nấu một món, nhưng nấu tài nấu khéo, món nào ra món ấy. Ngay cái món bún ốc hũ giờ không còn mấy người biết nấu, tôi cầm đũa gắp con ốc béo nhẫy chấm vào chén dấm bỗng mà tự dưng lòng mình cứ rưng rưng, cứ hoài niệm, cứ tiếc nuối một món quà sắp mất, những tháng ngày đã mất!  Bữa ăn thường có thêm người đàn ông thứ ba là Hà mập, ông con rể quí hóa giỏi kiếm tiền, giỏi chiều chuộng bố mẹ vợ lại giỏi nịnh mẹ vợ. Hễ bố vợ nhấc điện thoại gọi là Hà mập đánh xe ô tô tới liền. Sức uống không mấy nhưng bố cạn ly thì con nhấp môi! Lại cứ gắp một miếng thì mở miệng khen một tiếng. “ Ngon quá bố ơi!”. Ông bố vợ tưởng ông con rể nói với mình, kỳ thực nó hướng tới bà mẹ vợ trong bếp! Mà Hà mập khen thực lòng, bởi tôi và anh Quân mỗi người chỉ vài gắp bún, còn nó xơi một mạch hai dĩa đầy tú hụ! Rồi gương mặt trong bếp ló ra, tươi như trăng rằm tháng tám! Có được ông con rể tính tình mát mẻ giỏi giang bà mẹ vợ nào không mát lòng mát ruột! Anh Quân chị Lợi có ba cô cậu, một giai hai gái thì hai đang thành đạt ở nước ngoài, cô con gái còn lại thì một mực tài hoa, một mực khôn ngoan trong nước, vợ chồng kiếm đủ tiền để thích mua đất thì mua đất, thích sắm ô tô thì mua ô tô, thích cho bố mẹ đi du lịch thì “ bắn” vào tài khoản bố mẹ vài ba chục triệu!

Trời sinh ra chị Lợi để nấu ăn ngon. Trời sinh ra anh Quân để ...dễ thương. Có những người không một chút cố gắng nhưng ngay lập tức chinh phục những người xung quanh, khiến họ mến mình. Anh Quân là một người như thế. Ông cụ vợ tôi đã ngoài chín mươi, ở với ông anh cả, nhưng tắm thì một mực phải đợi anh Quân tới! Tuần hai lần, mùa hè cũng như mùa đông – bàn tay anh Quân lướt nhẹ trên da thịt kèm với những câu chuyện rủ rỉ rót vào tai làm ông cụ quên mình đang làm cái việc người già vốn ngại! Riêng tôi, tôi quý ông anh vợ - ông thiếu tá trưởng phòng vận tải sư đoàn thức thời quay về đời sống dân sự ngay sau khi chiến tranh kết thúc, không hẳn do tính tình. Tôi nghĩ anh Quân ít nhiều là người biết sống, tức biết làm cho cuộc sống nhẹ nhõm trong vô số hoàn cảnh khác nhau. Đã không tranh giành gì với ai, lại biết cách cho không ai tranh giành gì với mình, hỏi có mấy người? Cuộc đời cho anh cái chức trưởng phòng của một công ty xuất khẩu vài ba năm trước khi nghỉ hưu, có vẻ như quan hệ nhân quả, kiểu như ở hiền gặp lành, không vui chẳng buồn, mặc dù năng lực của anh có thể hơn thế! Nhưng nếu như chỉ làm chuyên viên, tôi đoan chắc ông anh tôi không chút phiền lòng, vẫn nhìn đời bằng con mắt bao dung, vẫn từ tốn chậm rãi trong dòng người hối hả, vẫn thầm nhớ những người đồng đội không may mắn lành lặn trở về như mình! Nhiều lúc tôi nghĩ ông anh vợ mình chọn nhầm nghề, chứ giá như ông đứng trên bục giảng kinh thuyết pháp, phật tử hẳn sẽ đông lắm! Lại nghĩ ông này đi tán gái, mười cô chắc “ chết” cả mười! Nhưng nghĩ linh tinh thế thôi chứ anh Quân ít nói, lại không có tài ăn nói. Hình như cái sức cảm hóa của anh là do trời cho, nó cứ tự nhiên thấm đẫm trong anh! Hình như người ta quý anh là do sự chân thành của anh.

Nói thì nói vậy chứ cả chín anh chị em nhà vợ tôi đều quý mến nhau. Chín người thì tám ở HàNội, chỉ mình vợ tôi theo tôi vào Nam. Chín người thì tám người giống tính ông cụ bà cụ hiền lành điềm đạm, chỉ mình vợ tôi dữ như cọp  (tất nhiên là chỉ với tôi, như hầu hết các bà vợ đối với chồng!). Nói chuyện với bà chị qua điện thoại bàn chuyện góp tiền giúp chú em đang gặp khó khăn, vợ tôi hét” Có làm từ thiện thì làm từ thiện trong nhà trước đã!”. Thông điệp của vợ tôi thấu tình đạt lý, nhưng cái cách diễn đạt phải bình tĩnh lắm mới tiếp thu nổi! Ngày còn sống bà cụ vợ tôi – một người đàn bà phúc hậu đức độ hiền như cục đất với chồng con với những người xung quanh nhưng sẵn sàng xù lông xù cánh bảo vệ tổ ấm nếu có cô nào đầu mày cuối mắt với chồng mình - cũng chỉ quanh quẩn nội trợ, một mình ông cụ xoay xuở kiếm tiền nuôi đủ mười một miệng ăn. Thời gian ông cụ giữ chức giám đốc sở của một tỉnh trung du mọi việc không đến nỗi khó khăn lắm. Nhưng khi gia đình về lại Hà Nội, cảnh túng quẫn ngày một rõ dần. Điều an ủi duy nhất là thời đó không ai không đói không thiếu. Nhưng tại sao ông cụ vợ tôi quyết định về lại Hà Nội, đổi chức giám đốc sở nhiều người mơ ước lấy cái ghế chuyên viên cao cấp của Bộ? Bên cạnh một số lý do tương đối rõ thì tôi có cảm giác còn điều gì đó cụ chưa nói ra! Một ông trí thức giỏi chuyên môn vào cái thời đa số còn đang theo học bình dân học vụ xóa mù chữ, giỏi tiếng Pháp, sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa, hẳn không quyết định làm một việc mà không có lý do chính đáng!

2 - Ngày ấy gia đình vợ tôi ở phố Mai Hắc Đế. Ngôi nhà của một chủ được chia cho non chục gia đình. Căn phòng phân cho ông cụ rộng chừng ba chục mét vuông, ở ngay đầu cầu thang lên tầng một. May mắn phía sau còn một cầu thang nhỏ dẫn xuống sân chung. Diện tích chân cầu thang trở thành bếp. Mỗi khi đun nấu nếu mở cửa khói xông lên mù mịt, dàn dụa nước mắt nước mũi người trên nhà! Nhưng nếu không mở cửa thì ngột ngạt nóng bức, mồ hôi đọng thành muối trên áo người nấu! Ba chục mét vuông - anh chị em vợ tôi lớn lên trong cái diện tích chật chội ấy. Không phải lúc nào cũng chín anh chị em. Ví như khi cậu út Chính ra đời thì ông anh cả và anh Quân vào bộ đội, mũi tên hòn đạn trên chiến trường. Sau này cả hai cậu em của vợ tôi cũng mặc áo lính. Rồi vợ tôi đi học nước ngoài. Rồi hai cậu em đi xuất khẩu lao động. Nhưng bớt người này thì thêm người kia - thêm dâu thêm rể, thêm cháu nội cháu ngoại. Gia đình vợ tôi lúc đó giống hệt một cái tổ chim. Cái tổ chim bé tí xíu, đàn chim non thì đông, nếu chim mẹ không khéo léo không cảnh giác rất có thể một chú chim nào đó sẽ ra khỏi vòng kiểm soát, lộn cổ như chơi. Hà Nội không thiếu những cám dỗ. Hà Nội luôn nhan nhản những đứa trẻ hư. Thời ấy chưa có thuốc lắc nhưng không hiếm những đứa móc túi ăn cắp vặt, trốn học đàn đúm. Chim bố tất nhiên miệt mài kiếm sao cho đủ cái ăn. Nhưng cố đến kiệt sức mà nào cung cấp đủ cho đàn chim đông đúc. Vậy là như rất đông các gia đình công nhân viên chức thưở ấy, bọn trẻ lĩnh hộp về dán - hộp phấn hộp bánh kẹo hộp mứt, tùy thời. Vậy là bà cụ và vợ tôi lao vào đan len. Vợ tôi, con bé láu cá ỷ mình là chị chuyên đùn việc cho các em, tay đan mắt dán vào vở học bài, hễ ngủ gật thì bà cụ cốc cho một cái. Sáng ra đứa dậy muộn nhất phải lau nhà - nước xách từng xô từ dưới lên, lại chỉ lau khi mọi người đã lên giường, nên chưa đầy năm giờ sáng đã í ới tiếng trẻ con cãi nhau xem ai dậy trước!...Đại thể, cái “ Gia ước” nhà vợ tôi rất rõ ràng, rành mạch. Cuối tuần cả nhà họp, ông cụ vợ tôi đóng vai quan tòa, bà cụ tường thuật chi tiết thành tích, khuyết điểm của từng cô cậu. Ai đứng nhất tuần - nghĩa là vừa học giỏi vừa chăm việc nhà, được khen thưởng. Ông cụ không bao giờ thưởng quà, tiền lại càng không. Phần thưởng là một suất xem phim ở rạp cùng cụ. Có một chuyện tôi chứng kiến và nhớ mãi khi tôi đã là rể của ông cụ bà cụ. Hôm ấy bà, chú út Chính và tôi cùng xem một bộ phim nào đấy trên tivi. Tôi khen phim hay, bà cụ gật gù đồng tình với tôi. Chú Chính buột miệng bảo bà có hiểu không mà khen hay? Bà cụ mắng chú Chính hỗn, bắt nằm úp mặt trên giường đánh cho năm roi. Năm roi của bà cụ nhẹ tựa lông hồng, nhưng đấy là năm roi dành cho ông con đã có vợ có con hẳn hoi! Chú Chính nằm im, cô Oanh vợ chú Chính đứng im, bé Vân con chú Chính cô Oanh úp mặt vào lòng mẹ. Tôi nghĩ năm roi của bà cụ không chỉ và không hẳn dành cho chú Chính!

Tôi nói ông cụ vợ tôi quyết định về lại Hà Nội vì trước đó các cụ đã định cư ở Hà Nội, thời gian đủ lâu để vợ tôi và các anh chị em có thể nhận mình là người Hà Nội. Nhưng có một điều lạ, nếu tôi nhớ không nhầm,  chưa bao giờ có ai trong gia đình vợ tôi nhận mình là người Hà Nội. Ngộ nhỡ ai đó hỏi, vợ tôi bảo quê ở Hải Dương. Nếu muốn biết thêm thì bảo ở huyện Bình Giang, xã Thái Học, đi qua Phố Nối chừng mươi lăm hai mươi phút ô tô thì đến. Dịp thanh minh vừa rồi tôi cùng các anh chị em vợ về quê. Cả nhà thuê một chiếc xe ô tô lớn, lăn bánh đến sát nhà thờ. Tôi vốn rất ngưỡng mộ các làng quê đồng bằng Bắc bộ - con đường làng lát gạch đỏ, cái ao có bầy vịt thung thăng, cái đình làng trầm mặc, một vài khóm tre ngẫm ngợi, một không gian thoáng đãng yên tĩnh, người làng từ các ông các bà đến mấy đứa trẻ con hễ gặp mình thể nào cũng cất tiếng chào dù chả quen biết gì nhau. Nhà thờ gia đình vợ tôi tọa lạc trên một mảnh đất rộng, toàn bộ diện tích đã được lát gạch đỏ làm thành một cái sân lớn khiến mình trở nên bé nhỏ. Phía trước là một cái ao tương xứng với cái sân, đủ lớn để hơi nước mát rượi theo ngọn gió bay lên. Ngôi nhà thờ này gia đình vừa chuộc lại. Đằng đẵng năm tháng, vật đổi sao dời bèo dạt mây trôi – cải cách ruộng đất, hợp tác hóa, chống mê tín dị đoan… những cơn bão siêu cấp một thời ập lên đầu, mạng người chưa chắc giữ được nói chi nhà thờ, đất đai! Đã bao lần kẻ đến người đi, giành giật chia chác nhưng cuối cùng tạo hóa trêu ngươi, đất vẫn đấy, nhà thờ vẫn đấy! Nghe nói nhà nào sống trên đất nhà thờ không đau ốm cũng bệnh tật. Nghe nói có ai tắt mắt lấy thứ gì của nhà thờ đêm về các cụ báo mộng bảo phải giả lại - người lấy không chỉ một, hai nhưng báo mộng thì chỉ thông qua một người, chính xác lấy cái gì lấy lúc nào nên người ta sợ lắm!Thế rồi toàn bộ nhà thờ được hoàn nguyên cho chủ cũ. Ngày ông anh cả vợ tôi- một đại tá về hưu chín chắn luôn luôn đúng trong mọi quyết định, đứng ra chuộc lại rồi anh chị em góp tiền trùng tu, nhà thờ vẫn còn khá nguyên vẹn. Ba chữ “Phụng tiên đường” và đôi câu đối “ Lê tộc quý tôn vạn đại trường tồn danh kế thế/ Tổ đường vọng bái thiên niên hằng tại đức lưu quang” sơn son thếp vàng vẫn rực rỡ tỏa sáng. Ở ngoài sân, các dòng chữ “ Phụng tiên tư hiếu”, “Hậu tất hưng” tuy có mờ đi đôi chút nhưng vẫn còn khá rõ. Lần đầu tiên trong đời tôi đối diện với một ngôi nhà thờ không rồng phượng, không những mái đao cong vút - một ngôi nhà thờ thuần Việt vừa dung dị vừa uy nghi, vừa cao xa vừa gần gũi. Tôi có cảm giác như đang đối diện với một câu chuyện cổ tích, chính xác là tôi đang đứng trước một ông tiên hiền từ bao dung với những đứa trẻ ngoan và nghiêm nghị với những đứa trẻ hư! “ Phụng tiên tư hiếu”? Chiến tranh khốc liệt là thế, nhưng cả chín anh chị em vợ tôi đều đang lành lặn quây quần bên bàn thờ thành kính dâng hương. “Hậu tất hưng”? Tôi liếc nhìn cháu Giang con ông anh cả vừa ở Pháp về đang đứng cạnh chị nó là cháu Trà - cái con bé Trà giống mẹ mà tôi rất mực quý mến, luôn thấy ở nó hình mẫu của một người phụ nữ hoàn thiện hoàn mỹ, vừa xinh đẹp vừa dịu dàng đằm thắm nết na. Tôi liếc nhìn cháu Huyền con cậu Minh ở Tokyo về - con bé Huyền mảnh khảnh vượt qua cả nghìn đứa nhận học bổng bằng tiền yên chứ lương trưởng phòng kỹ thuật Công ty thông tin tín hiệu của bố Minh nó thì may lắm đủ ăn! Tôi mường tượng cháu Sơn con anh Quân chị Lợi đang ở Hà Lan thỉnh thoảng sang chơi với chị Thu nó ở Đức. Tôi nheo mắt nhìn cháu Phượng con bà chị vợ, thân gái chẳng cầu cạnh nhờ vả ai, phỏng vấn chỗ nào trúng chỗ đó. Tôi hình dung cháu Thủy con ông anh thứ ba đang vững vàng ở Sài Gòn. Và còn các cháu con chú Vinh, chú Chính... mỗi đứa một thân phận nhưng đều ngoan và khá... Các cháu của tôi không dám so sánh với ai, nhưng tôi xin thắp nén hương chân thành biết ơn các bậc tiền hiền của dòng họ. Lại chạnh nghĩ nếu ông cụ vợ tôi không về Hà Nội nghìn năm văn hiến, liệu các anh chị em nhà vợ tôi, liệu các cháu nội cháu ngoại của ông bà có được như ngày nay?

3 - Sau khi đã xong việc hương khói ở nhà thờ và ở mộ, chúng tôi hưởng lộc các cụ. Gà luộc, xôi vò, cơm nắm muối vừng, giò lụa, chả quế...chị Lợi nấu nướng sắm sửa hơi nhiều, có lẽ một mặt tuân thủ lời dạy “ mâm cao cỗ đầy” dâng lên các cụ tỏ lòng thành, mặt khác lo chúng tôi đói. Thanh minh - lòng người thanh thản, đất trời hiền hòa. Chai uyxki ông anh cả mang theo ngon tuyệt, qua vài lần rót đã cạn. Tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa trêu chọc nhau ồn ào. Vợ tôi bỗng nhiên cắc cớ ” Này, đêm tân hôn anh Quân chị Lợi làm gẫy giường, nhớ không?”. Một câu hỏi bất ngờ, nhưng chỉ sau mấy giây mọi người đã phá lên cười, nghiêng ngã, quặn ruột, giàn dụa nước mắt! Thấm thoắt thế mà đã gần bốn mươi năm. Ngày ấy phải cưới nhau mới có cái phiếu mua giường. Giường đóng bằng gỗ tạp, mộng mị lỏng lẻo như răng bà lão. Anh Quân cẩn thận gia cố bằng mấy cái đinh năm phân. Nhưng vừa bật quạt tắt đèn, cả nhà chưa ai kịp ngủ thì nghe rắc rắc, rồi đánh sầm một cái. Tiếng động trong đêm khuya khuyếch đại, nghe như tiếng nổ của bom của mìn...Nhìn chị Lợi đang đỏ mặt, tôi tiếp sức cho vợ tôi” Này, lúc ấy chị thế nào?”. “ Sợ hết hồn chứ gì nữa!”- chị Lợi trả lời tôi. Rồi chị Lợi nói tiếp “ Sợ ...là sợ bật đèn...”. Tôi hỏi thế có ai bật đèn không? Chị Lợi bảo kỳ lạ, kỳ lạ tới mức không hình dung nổi. Tình huống xẩy ra quá đột ngột, bất thường, nhà đầy người nhưng không những không ai bật đèn mà tất cả im ắng, cứ như mọi người đang ngủ say lắm lắm!...

Bốn mươi năm, già nửa đời người, tiếng cười để dành chừng ấy năm giờ mới bật ra, hỏi sao không dàn dụa nước mắt? Nhìn những mái tóc đã bạc trên đầu các ông anh bà chị và cả của các chú em, tôi kinh hãi cho cái nếp nhà mà ông cụ bà cụ vợ tôi đã gầy dựng cho con cái mình!

                                                                                                        

HOÀNG

 

(1) - Paul Samuelson: Nhà kinh tế học người Mỹ, đoạt giải Nobel kinh tế năm 1970.

(2) - Adam Smith: Nhà kinh tế học nổi tiếng người Scotland.