Ma Văn Kháng và cuốn hồi ký – tự truyện mới
1- Thế là, cuối cùng, ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhà văn tài danh MA VĂN KHÁNG, đã đáp ứng sự chờ đợi và hy vọng của đông đảo bạn đọc cùng văn hữu. Vào giữa tháng chín năm nay, cuốn Hồi ký – Tự truyện Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của ông đã chính thức ra mắt công chúng.
Được đọc bản thảo vi tính cuốn sách từ hon nửa năm nay, trước khi nhà văn giao nó cho nhà xuất bản thẩm định, tôi không khỏi hồi hộp, thấp thỏm cùng nhà văn. Liệu cuốn sách có được chấp nhận, được in và phát hành suôn sẻ không, một khi…?
Nhưng thực may mắn, tuy chỉ với 552 trang in (bị hụt đi dăm chục trang so với bản gốc), rốt cuộc cuốn sách đã hiện diện trên các giá sách bày bán; thật ấn tượng với cái bìa màu đậm nổi bật dòng tên tác giả và tên sách do Văn Sáng trình bày.
Ngoại trừ khoảng hơn mười chỗ bị lược bớt [trong bản in đã chua các ký hiệu (...) vào những chỗ đó để người đọc nhận ra, chấp nhận sự hẫng hụt, đứt đoạn khi đang bị cuốn hút bởi mạch văn trôi chảy] phần chính yếu, căn cốt trong bố cục 26 chương của sách vẫn được tôn trọng. Như các cụ đã nói “Thà có (hoặc muộn) còn hơn không”, “Chớ tham bát bỏ mâm”, tôi mừng cho nhà văn đã không phàn nàn đi?u gì về tình trạng như hiện thời của cuốn sách mà ông viết chật vật, kỳ khu với bao tâm huyết, sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện trong 4 năm ròng. Tôi thầm mong, biết đâu, vài năm tới, trong một tình thế khác, khi tái bản theo yêu cầu của bạn đọc, cuốn sách sẽ lại được hiện diện với sự đầy đủ, hoàn chỉnh của nó như bản th?o gốc lần đầu?
Tôi nói đây là cuốn Hồi ký – Tự truyện, chứ không phải là Hồi ký như đã được ghi trên bìa sách xác định thể loại của nó, bởi vì cuốn sách không chỉ giới hạn trong sự kể lại một cách trung thực, mắt thấy tai nghe và nhớ lại theo cách viết và yêu cầu của hồi ký, mà hơn thế, nó còn được miêu tả, dựng lại một cách tạo hình, sống động với ngôn từ, bút pháp, phong cách của một cây bút văn xuôi tài hoa, lão thực. Qua từng trang của sách, hiện lên rõ nét bức tranh của đời sống xã hội trải dài trong mối quan hệ với tác giả hoặc trong sự quan sát chăm chú của ông theo góc nhìn của nghề viết văn.
Theo sự quan sát của tôi, cho đến nay chỉ rất ít các nhà văn hiện đại của ta viết hồi ký. Tính trên đầu ngón tay mới có mấy nhà văn “tiền chiến” có tác phẩm như: Nguyễn Công Hoan (Đời viết văn của tôi – 1970), Vũ Ngọc Phan (Những năm tháng ấy – 1987), Đặng Thai Mai (Hồi ký – 1985). Còn với Hồi ký pha chút tự truyện ở ta có thể nói tới: Nguyên Hồng (Những ngày thơ ấu – 1941), Tô Hoài (Cát bụi chân ai – 1990), Anh Thơ (Từ bến sông Thương – 2002), Nguyễn Hiến Lê (Hồi ký – 1993 và Đời viết văn của tôi – 1996).
Tôi cho rằng, trong một bối cảnh như thế, là một nhà văn thuộc thế hệ sau, Ma Văn Kháng đã mạnh dạn tiếp thu kinh nghiệm viết hồi ký của các bậc đàn anh trong nước, mặt khác tham khảo các cây bút nước ngoài (M. Gorky với bộ ba tự truyện Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi, K. Pau xtopxky với Bông hồng vàng, I. Eren bua với Con người – Cuộc đời và năm tháng - đều đã được dịch ra tiếng Việt những năm 60, 70 của thế kỷ trước) từ đó mà thể nghiệm, thu hút vào trong cuốn sách này đồng thời ưu thế của cả cách viết hồi ký lẫn cách viết tự truyện chăng?
Hòa bình lập lại, bước chân vào nghề giáo, tự nghuyện đi vào môi trường khắc nghiệt để thử thách bản lĩnh của mình, bền bỉ tích lũy vốn sống từ sự tiếp xúc và dày công quan sát, ghi chép, tập viết, Ma Văn Kháng dấn thân vào làng văn với truyện ngắn đầu tay đăng trên báo Văn Nghệ (3/3/1961). Được khích lệ, anh vững tâm cầm bút, quyết chí đeo đuổi nghiệp văn, trở thành một cây bút vững vàng, có nghề trong khi vẫn đảm nhiệm công việc của một viên chức nhà nước (nhà giáo, trợ lý – thư ký của Bí thư Tỉnh ủy, nhà báo và sau này nhà quản lý trong cơ quan xuất bản).
Nhìn lại hai chặng lớn trong đời viết văn ngót nửa thế kỷ của mình : 21 năm ở Lào Cai (Tây Bắc) và từ năm 1976 đến nay ở Thủ đô Hà Nội, với hai mảng đề tài mà nhà văn sở trường: miền núi trong đấu tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đời sống thành thị thời hậu chiến đa đoan và phồn tạp, nhà văn bộc bạch trong cuốn sách bao điều mà người đọc chưa biết đằng sau mỗi tác phẩm ghi dấu từng chặng đường sáng tác của ông. Đó là sự hăm hở trong những truyện ngắn buổi đầu về người miền núi, nay đọc lại thấy sơ giản biết chừng nào, bản thân ông tự lấy làm xấu hổ và ngượng về sự non nớt vụng về của mình; cuốn tiểu thuyết đầu tay viết đi viết lại 3 – 4 lần, được các bậc đàn anh khuyến khích, rồi may mắn được xuất bản trong niềm vui vô bờ; những chuyến đi thực tế miền Nam và hai cuốn tiểu thuyết mới đầu những năm 80 với bao trắc trở khi xuất bản, phát hành cùng sự phân hóa trong đánh giá, tiếp nhận của giới phê bình chuyên nghiệp, của công chúng các tầng lớp...
Văn học cũng đòi hỏi đổi mới về quan niệm nghệ thuật, về cách viết sao cho thu hút sự tìm đọc của công chúng. Ma Văn Kháng tự hối thúc và trăn trở đáp ứng yêu cầu của thời cuộc mới và công chúng hôm nay. Nhìn lại chặng đường đã qua của văn nghiệp mình, ông vui mừng về những tác phẩm ghi dấu cho một giai đoạn, đến nay vẫn còn đọc được – song ông đã trở nên khắt khe với mình hơn. Định hình quan niệm về văn chương góp phần “lưu giữ hình bóng cuộc đời”, ông tìm tòi một bút pháp truyền thống mà hiện đại, một giọng điệu phù hợp với cái tạng cố hữu của mình – nồng nhiệt tranh luận, biện giải, mở ra sự đối thoại với các ý thức khác, phát huy tinh thần dân chủ, đồng tham gia của người đọc.
Những số phận con người bất hạnh, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, những chân dung biếm họa về loại người lưu manh, hãnh tiến, táng tận lương tâm, sẵn sàng vì tư lợi chà đạp lên nhân phẩm của người khác bất chấp công lý…xuất hiện trong những truyện ngắn, tiểu thuyết mới của ông. Cùng với nó những chủ đề mới vang lên trong sáng tạo Ma Văn Kháng: sự vong thân của con người trước những cạm bẫy khôn lường; sự hy sinh, dấn thân vì tiến bộ xã hội của những nhân cách cao thượng có văn hóa; sự suy thoái của xã hội khi để cho đồng tiền, thói phi luân và hạng người phi nhân thao túng; khi người ta quên lãng chăm lo gìn giữ nền tảng gia đình với gia phong và kỷ cương tốt đẹp cùng sự quan tâm lẫn nhau một cách vô tư, chân tình...
Văn chương của Ma Văn Kháng thực đã khởi sắc! Ở giai đoạn sau 1976 và trong thời kỳ đổi mới, tác phẩm của ông vẫn được người đời tìm đọc và tạo được dư luận tích cực, đồng thuận trong xã hội.
Ma Văn Kháng mở rộng sự giao lưu, quan hệ rộng rãi với bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Những chuyến đi nước ngoài và trên cương vị ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn liền trong hai khóa V và VI, giúp ông có dịp mở rộng tầm mắt, phóng chiếu, hoàn kết những thức nhận của mình về cộng đồng quốc gia, dân tộc cùng những đặc tính của người Việt, sự khác biệt của những người cầm bút và lao động viết văn âm thầm mà quyết liệt.
Là một con người đầy ân tình, thủy chung với người thân và bạn bè, ông dành những trang cảm động viết về người cha có bàn tay vàng, chí thú với nghề cắt tóc truyền thống của làng, người mẹ tần tảo, người vợ hiền Hoàng Thu Phòng chịu thương chịu khó, những người họ hàng bà con cô bác anh chị em ruột thân thương và những đứa con ngoan trai gái dâu rể chịu nhiều thiệt thòi, cơ cực trong đời sống vật chất. Và nữa, tấm lòng tri ân, tri ngộ của ông đối với người đàn bà như Trời xui khiến, đã hân hạnh cho ông gặp, làm quen, duy trì một “tình yêu đi đôi với âm đức, ở trong vòng đạo lý”. Đó là Thu An, nguyên là nghệ sĩ sân khấu cải lương Nam Bộ, xinh đẹp mặn mòi, phồn thực ở tuổi hồi xuân, nay trở thành người cùng hội cùng thuyền, độc giả đầu tiên của những trang viết nơi ông ngay khi đang còn là bản thảo chưa in. Nàng, theo cách gọi suy tôn quen thuộc ngày trước, đã ngự trị ở nơi cao vời, một Nàng Thơ, khơi nguồn cảm hứng bất tận trong ông khi ông đắm mình vật lộn trên từng trang viết.
Nhà văn cảnh báo tác hại do bọn vô sản lưu manh, đốn mạt đã và sẽ không thôi gây ra những hiểm họa của xã hội, từ những lời dạy của K.Marx, V.Lénine cũng như từ thực tế đau lòng mà ông được chứng kiến tận mắt và được nghe kể. Với ông, vấn đề là xây dựng một đội ngũ giai cấp vô sản trí thức biết tiếp thu những tinh hoa văn minh, văn hóa của dân tộc và loài người – chỉ có như vậy mới tăng cường năng lực lãnh đạo và uy tín của bộ máy công quyền, đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa tới bến bờ thắng lợi, phát triển bền vững.
Không phải ngẫu nhiên nhà văn Ma Văn Kháng chọn mấy câu thơ của Tú Xương làm đề từ cho cuốn sách “Những là thương cả cho đời bạc/ Nào có căm đâu đến kẻ thù”, cũng như ở những dòng cuối sách ông cho rằng mình viết sách này chỉ để “ghi chép những câu chuyện đã qua của đời mình đó là việc nên làm và không có tham vọng gì, chỉ là một cuộc trò chuyện với chính mình, một cuộc độc thoại hoặc mở rộng ra đôi chút là để tâm tình cùng người thân và bạn bè thân thiết mà thôi”.
“Ôn cố tri tân” – cuốn sách khép lại một giai đoạn đã qua của đời sống văn học đất nước mà ông và những bạn bè, đồng nghiệp đã can dự, đã làm việc hết mình vì nó.
Đọc sách này của Ma Văn Kháng chúng tôi trộm nghĩ rằng:
Cũng như Ma Văn Kháng ở những trang cuối sách, ông cho biết gia đình ông sau mấy chục năm ròng nhiều lần di chuyển chỗ ở, sống không ra sống, chui rúc trong những cái gọi là “căn hộ” tồi tàn, chật chội, rút cục hậu vận đã mỉm cười với ông. Bằng những đồng tiền chắt chiu dành dụm do lao động cần mẫn mà có, ông cùng vợ con đã tự lực xây cho gia đình mình một chỗ ở mới khang trang, đẹp như hằng mơ ước. Sống trong căn nhà mới đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, thuận tiện hơn cho sáng tác, ông như quên đi hẳn những ngày nào không xa, cơ cực bần hàn ngồi viết trên chiếc giường chật hẹp trong gian phòng tạm bợ cũ kỹ và nóng bức như rang, cứ viết xong trang nào ông lại dúi ngay để cất giữ dưới gầm giường lỉnh kỉnh nồi niêu soong chảo nhọ nhem...
Lúc này, theo ông cần tận hưởng để thấm thía cái giá trị của những ngày đang sống, thầm nhủ cần luôn luôn hướng về phía trước, vượt lên tuổi già và bệnh tật mà tiếp tục cầm bút sáng tác, cùng là “tạo lập cho đại gia đình một cuộc sống xứng đáng với con người, mạch lạc, tự chủ, có tầm văn hóa, nhân văn cao hơn”.
Giờ đây, cả ông, cả tôi và những người khác nữa đã không còn là những người của ngày hôm qua nữa rồi! Hãy cùng nuôi dưỡng lòng tin yêu cuộc sống, quý mến nghề viết văn, cùng công chúng tìm đọc những sách đáng đọc và để đời, chăm chút vun đắp cho sự nghiệp văn chương của đất nước vươn tới nhiều hơn nữa những tác phẩm đỉnh cao, làm tổ trong lòng người hôm nay cũng như mai này./.
NGUYỄN NGỌC THIỆN