Người con gái trên núi
Đã hơn ba mươi năm, Phong mới trở lại vùng núi nầy. Quả núi có hình cái chóp chài ,sừng sững giữa ngàn cây cỏ… Anh đặt bó hoa và cặm mấy cây nhang gần một phiến đá to như hình chiếc ghế dựa .
“Bây giờ Sương vẫn cô đơn giữa núi rừng! ”
…Cô gái Khmer đánh xe bò có vấn khăn rằn trên đầu, hạ cái ách xuống vệ đường. Cô cầm lưỡi hái cắt cỏ đi về phía Phong. Nghe tiếng chân giẫm trên lá khô, Phong giật mình! Anh quay lại .
-Chú…chú ở đâu? Ở đây là vườn đồi nhà cháu! - Cô gái da ngăm ngăm, rám nắng nhìn Phong là lạ. Đôi mắt cô trong và đẹp, có chút ngơ ngác.
-Tôi tìm đường lên núi… Hồi đó, chỗ nầy có đường đi, sao giờ không thấy?
- Hồi đó là hồi nào? - Cô gái hơi ngẩn ra.
- Hồi chiến tranh… ấy mà!
- À! Lúc đó… Cháu chưa sinh ra. Đâu biết!
- Có ai biết không… cô bé?
- Có “Lục cả” ở chùa và ba cháu biết. Lục cả nói trên núi nầy có… ma! Bọn nhỏ chẳng đứa nào dám lên…
“Sương chắc đã chết ở đâu đây!Không biết lúc hấp hối… Sương có nhớ mình không?”.Phong lại đốt thêm mấy cây nhang. Khói hương bay là đà, u trầm trong bóng chiều dưới chân núi…
Lục cả kể, giọng trầm trầm: “Lúc trạm xá bị giặc rất đông vây đánh , một số rút về chiến khu ở rừng lớn, bên kia biên giới, còn mấy người bị bệnh sốt rét nặng đi không nổi, xin ở lại. Người ở trên núi hết lương thực ăn, bệnh nặng rồi chết dần. Bọn lính vây núi, nhưng không lên được. Ở trên ấy cứ chọi lựu đạn và bắn “se sẻ” xuống. Khi chúng lên được. Những người còn lại trên núi đã chết hết, trước khi chúng đến!”
*
“Các đồng chí phải cố gắng đi… Mình rút về bên kia biên giới. Chúng tôi sẽ tìm thuốc để điều trị cho các đồng chí ! Các đồng chí sẽ khỏi thôi!”- Chín Tùng-Trưởng trạm quân y- bùi ngùi động viên những chiến sĩ bị sốt rét nặng.
“Chú Chín và các đồng chí cứ đi trước đi! Chúng tôi đi không nổi đâu! Chúng tôi có thể chết dọc đường… Chi bằng ở lại chặn địch. Chúng tôi sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng!”- Chị Ba Hồng, Thu Sương và vài đồng chí nữ ứa nước mắt.Tóc họ đã rụng gần muốn trọc như sư vải! Mắt thục sâu, da xanh tái và thân thể gầy nhom vì sốt rét hoành hành! Thu Sương với chị Ba Hồng tình nguyện ở lại trạm chăm sóc, bảo vệ những người ốm đau nặng không thể theo đoàn được. Họ cũng bị sốt, nhưng nhẹ hơn những chiến sĩ kia! Chín Tùng lòng đau như cắt! Mọi người ngậm ngùi rơi lệ trước giờ phút phải chia tay, có thể là vĩnh viễn! Những nụ cười ánh lên gượng gạo, rưng rưng trong tròng mắt của người đi kẻ ở! Súng đã nổ dồn dập dưới chân núi, nghe gần lắm. Thu Sương cài xâu lựu đạn vào thắt lưng. Bỗng dưng, giọng cô trở nên mạnh mẽ lạ thường: “Chú Chín và các đồng chí hãy rút đi kẻo trễ. Bọn chúng không vào hang được đâu…Trừ khi chúng tôi chết hết!”
…Những thương binh còn lại lần lượt hy sinh, bởi bệnh nặng và thiếu thuốc! Chị Ba Hồng, Thu Sương và Thảo - y tá của trạm - tìm đường rời hang. Trong lòng họ rất đau đớn! Nhưng họ phải ra đi. Không còn ai để họ săn sóc, đút cháo, đổ thuốc nữa!… Có một lỗ thông gió nhỏ cuối hang ăn luồn qua một ngách núi. Đó là đường thoát hiểm! Có thể chui lọt. Những nữ chiến sĩ vất vả chui qua ngách hang. Quần áo của họ bị gai góc, cây, đá tước rách bươm, lộ ra làn da trắng xanh xao với những vết trầy xướt tươm máu, đau rát thịt da. Họ mệt nhọc, dè dặt, chậm chạp men theo con suối cạn chỉ còn ít nước. Nước chảy riu ríu, len qua những phiến đá gan gà ngổn ngang, trơn nhẩy. Họ đi được một đỗi…
- Thu Sương… nhìn kìa! - Chị Ba Hồng chong khẩu A.K về hướng một người mặc đồ bệt rằn ri, bê bết bụi đất, ngồi ngoẽo đầu, dựa vào một gốc bằng lăng cổ thụ, thoi thóp, động đậy. -“ Một tên giặc… Hình như nó bị thương. Chắc nó lạc đường hay bị bọn chỉ huy bỏ lại gì đó?!”
Thu Sương, chị ba Hồng và Thảo cẩn thận tiến lại gần tên lính. Hắn vẫn không hay biết gì cả. Không thấy tên lính có súng! Khuôn mặt anh ta trắng bệt, non choẹt lối chừng mười chín, hai mươi tuổi là cùng!
- Dậy nầy…dậy mau nầy! Mầy định làm trò gì vậy? - Chị Ba Hồng lay tên lính. Hắn khẽ mở mắt, nói như người mê sảng: “ Đói… Tôi đói quá! Mấy anh cho tôi ăn đi… Sao lại bỏ tôi giữa rừng?!”. Một bàn tay của hắn sưng tấy lên, với những vết máu khô đã có mùi tanh hăng hắc!
Mọi người bỏ đi. Nhưng! Trong bước chân và đôi mắt họ có gì băn khoăn, đau đáu! “Làm phước cứu nó đi…”- chị Ba Hồng nói - Họ quay lại .
Thảo xé chiếc khăn rằn đang quấn ngang bụng, băng trùm bàn tay bị thương của tên lính để ruồi nhặng đừng bu. Chị ba Hồng vạch miệng hắn cho Thu Sương dùng cái nắp bình ton đổ nước. Tên lính tỉnh lại, hắn lờ đờ mở mắt. Bỗng đôi mắt hắn ánh lên với cái nhìn đầy sợ sệt. Hắn run lẩy bẩy, miệng ú ớ: “ Việt Cộng!… Á … mấy chị là Việt Cộng. Đừng giết tôi! Xin đừng giết tôi…”
“Cho hắn ta một bình ton nước và bịch cơm… Mình đi ngay ! Đề phòng bọn chúng trở lại kiếm tên nầy”- Chị Ba Hồng nói nhanh.Tên lính hoàn hồn. Hình như hắn hiểu chuyện. Có vài giọt nước mắt ứa ra, rớt trên bàn tay bị thương vừa được Thảo băng lại bằng nửa mảnh khăn rằn của cô. Khuôn mặt tên lính khốn khổ và tội nghiệp! Hắn đau đớn ôm bàn tay, van nài yếu ớt:
- Mấy chị… Mấy chị cho em theo với! Em tự bắn vào tay, huỷ hoại thân thể, nên bọn chỉ huy đã bỏ em ở lại. Cho… cho em theo với?
- Tính sao với tên nầy. Hắn xin đi theo mình? Hắn có thể chết giữa rừng…
- Thôi thì dẫn hắn một khúc, gặp nhà dân gửi hắn ở lại… Sau đó, hắn ta muốn đi đâu thì đi!
Thảo còn khá khoẻ. Cô dìu người lính Sài Gòn phản chiến theo lối mòn ven bờ suối. Anh ta vịn vào vai Thảo cố đi. Có ngọn gió rừng thổi mạnh, luồn qua lòng suối làm run lẩy bẩy những chiếc lá tai tượng. Mái tóc dài đen nhánh của Thảo phất phơ, loà xoà vào khuôn mặt của người lính. Anh ta khẽ thoáng nhìn Thảo rồi quay mặt nhanh đi nơi khác, rồi cúi đầu, giấu giếm tiếng thở dài rất khẽ. Chị Ba Hồng và Sương đi trước một quãng ngắn dò đường.
Sương đùa: “Trông cặp nầy cũng xứng đôi quá chứ! Giá đừng có giặc giã, đừng có chiến tranh!” Thu Sương quay lại nhìn Thảo và nói với chị Ba Hồng. Chị Ba Hồng và Sương cười thú vị. Họ hình như trở lại hồn nhiên, bình thường như những cô gái chưa hề biết đến mùi bom đạn, chiến tranh. Sương nhớ Phong da diết. Cô bỗng đỏ bừng mặt và cúi gằm xuống sợ chị Ba Hồng bắt gặp. Một cảm giác bâng khuâng và lâng lâng, dìu dịu đến với cô. Ôi đàn ông! Họ yêu đương nhiều khi kỳ lạ thật!… Sao lại hôn lên bàn chân trần? Sao lại thích vuốt ve ở những chỗ…! Có ai mà biết chắc xấu hổ đến chui xuống đất! Nhưng nó sao ấy…
Người lính Sài Gòn được các chiến sĩ ta gởi lại một chòi giữ rẫy của hai vợ chồng người Khmer già ở lưng chừng núi. Có một chuyện buồn mà mấy ngày sau người lính ấy được biết! Một người con gái trong tốp ba người hôm nọ, đã hy sinh dưới chân núi khi gặp một toán phục kích của giặc. Bà con làm rẫy đã giấu xác cô trong rừng, về sau, cô được an táng chung một chỗ với các thương binh trên núi. Chị Ba Hồng và Thảo may mắn, suýt chết trong trận đó! Hai người luồn lách, lần tìm về được chiến khu. Người lính Sài Gòn được họ cứu - sau nầy - quấn xà rông, cạo trọc đầu. Anh ta giả thành người Khmer vào chùa tu. Sư phụ anh ta chết, anh ta nghiễm nhiên trở thành Lục cả, bởi trong chùa lúc ấy chỉ có mấy người! Lục cả làm cơ sở cho Cách mạng đến ngày giải phóng. Và, duyên nợ khiến xui như thế nào chẳng biết, Lục cả đã trở thành chồng của Thảo! Chị Ba Hồng, sau hiệp định Paris 1973, lên R học quân y. Hết chiến tranh, chị công tác ở miền Đông và lập nghiệp ở trên ấy luôn, dăm ba năm thỉnh thoảng chị có về. Về đây. Chị khóc nhiều lắm!
*
“…Khi đoàn trở lại, thì những người con gái, những chiến sĩ dũng cảm, anh hùng ấy không còn nữa!”- Lục cả nói.
“Sương đã ở lại với ngọn núi nầy! Ngày hoà bình không thấy cô ấy trở về!” … Sương ơi! Bây giờ hồn phách em xiêu dạt nơi nào? Phong khóc. Những giọt nước mắt của anh nhoà ra… nhoà ra, mờ ảo. Có một bàn tay mềm nhưng hơi lạnh lay anh: “Sao anh lại nằm đây? Sao lại uống rượu một mình ở chỗ nầy, để em đắp mền cho nhé !” Phong nắm bàn tay lạnh của người con gái kéo về mình, anh hôn lên đôi môi đẹp nhưng… khô héo. Anh ôm người con gái vào lòng: “Sương… Sương! Về nhà với anh? Hết giặc rồi. Hoà bình lâu rồi! Độc lập rồi! Về nhà với anh nghen… Sao lại ở hoài trên núi vậy?”. Người con gái không nói, cô đẩy dạt anh ra. Rồi bước lui vây vẫy tay. Rồi quay lưng đi nhẹ nhàng như lướt trên cỏ mềm về phía chân núi. Phong gọi theo tha thiết: “Sương… Sương! Đừng đi lên ấy. Ở trên ấy có… Có người chết đó!” Nhưng người con gái vẫn đi và nhoà khuất, rồi như tan ra, sau màn sương trắng bạc. Phong tỉnh giấc. Anh buồn bã. Sương đã chết lâu rồi! Dễ chừng đã hơn ba mươi năm! Đời người ngắn ngủi với biết bao buồn vui thoáng như giấc mộng. Tóc mình đã nhuốm vài sợi bạc! Tuổi trẻ và chiến tranh mà thế hệ anh đã đi qua, bây giờ chỉ còn là những ký ức…
- Chú nằm mơ thấy gì vậy… Mà la to làm cháu giật mình!- Cô gái đánh xe bò hôm ấy, lay đầu võng.
- Không có gì đâu Kim Hương ơi!…Tại chú ngủ võng không quen . Lục cả và ba em đâu?
- Mấy ổng “xỉn” đi xuống thị trấn uống cà phê rồi. Chút nữa về, sẽ rủ chú nhậu tiếp!- Kim Hương cười hồn nhiên - Để cháu múc cháo bò cho chú ăn nghen?
…Phong cũng may mắn trong chuyến đi lần nầy! Anh gặp lại Thạch Sen và vợ anh ấy là chị Mai, lúc đó là du kích địa phương, đã kết hợp với đoàn đánh giặc ở vùng núi nầy. Họ cùng đi với đoàn về được tới chiến khu. Về sau địch rút. Họ trở lại và gom được hài cốt của những người con gái trong hang, an táng dưới chân núi.
Có năm ngôi mộ lum lúp bên bờ suối nhỏ trong rừng. Thảo và chị Mai bảo Phong hãy cắm cho mỗi ngôi mộ một cây nhang. Sẽ có điều hiển linh cho xem! Phong làm theo chị. Lục cả khõ nhẹ dùi cây vào cái chuông nhỏ cầm tay. Boong!… Boong!… Boong… Có một ngôi mộ ở bìa với tàn nhang cong tròn rất lạ! Thạch Sen đổ một miếng rượu xuống đất và khấn lâm râm: “ Cô Sương… nếu có phải là cô Sương thì cho linh ứng!”. Thạch Sen bổ cuốc xuống nền đất khô cứng, đầy sạn. Đến lớp đất mềm. Anh moi bằng tay cẩn thận và kéo lên một cái bòng bằng vải dù đã bạc trắng những bông, nhưng chưa mục. Phong suýt hét lên vì vui mừng: “ Cái bòng của Sương… Cái bòng nầy là của Sương, không thể lầm được!”. Có một miếng gương tròn soi mặt viền mũ cứng màu hồng đã rạn nứt. Có một cái lược bằng nhôm máy bay đã ra ten lốm đốm. Có một cây viết Pilot 57 màu xanh lá cây ố màu. Tất cả gần như hư hỏng, rệu rã bởi trải qua mấy mươi năm chôn vùi dưới đất. Nhưng những di vật thu được đó, chứng tỏ chắc chắn ngôi mộ nầy là của Sương. Xương cốt nằm dưới ấy là của người con gái mà anh đã từng yêu tha thiết! Phong móc điện thoại di động. Anh hào hển, phấn chấn gọi vợ: “A lô! Thuý hả?… Có tin mừng cho má và em. Đã tìm được mộ của chị Sương em rồi!… Mai em lên gấp nhé? ” Phong cất máy vào túi, nhưng máy anh thỉnh thoảng lại reo lên. Những người thân ở nhà nóng ruột hỏi thăm tin tức.
Chiều hôm ấy, Thuý điện cho Phong: “Em sẽ đặt một vòng hoa thật đẹp cho chị Sương… Khoảng chừng bảy, tám trăm ngàn. Anh thấy có được không?”. Phong nói với vợ: “Thôi khỏi em à! Bà con ở đây đã làm cho chị ấy một tràng hoa rồi …Em mua ít quà lên biếu cho họ hay hơn!”. Thuý cố nói: “Mình làm việc có ý nghĩa, không sợ tốn tiền… Vòng hoa “xịn” cho nổi!” . Phong nhỏ nhẹ: “ Thôi em! Khi nào đem chị Sương về dưới rồi em muốn làm gì cũng được!”
Chị Mai và Kim Hương suốt buổi chiều vót cọng dừa, cột lạt để làm tràng hoa. Họ cho biết, mỗi năm khi Tết đến, hoặc những ngày lễ lớn như 2 tháng 9, hay 30 tháng 4, họ vẫn làm cho những ngôi mộ ấy những vòng hoa như thế . “Có cực nhọc gì đâu! Đơn sơ thôi. Nhưng để cho các cô trên núi được vui” Chị Mai cười, nói.
Thuý mang đồ cúng và quà dưới đồng bằng lên, cô đặt trước mộ chị. Khói hương trầm uất, u ẩn… - Ngày hoà bình, Phong tìm đến nhà Sương, nhưng anh không gặp cô, chỉ gặp Thuý là em gái của Sương và là vợ của anh bây giờ .
Phong,Thúy theo vợ chồng Thạch Sen, Lục cả, Thảo và bé Kim Hương lên chiếc xe bò. Chiếc xe lăn cọc cạch với tiếng lục lạc leng keng trên con đường mòn giữa buổi chiều hoàng hôn sơn cước. Họ để lại dưới chân núi một vòng hoa bằng cọng tàu dừa được trang trí với sim mua tím và bông trang vườn. Ngày mai, họ sẽ trở về thành phố.
Phong ngước nhìn lên ngọn núi - “Ở đây, ngày xưa, Sương…”. Lòng anh đau đáu, xót xa. Đã mấy chục năm hoà bình, độc lập. Nhưng người con gái ở trên núi ngày ấy vẫn chưa trở về!
ĐẶNG HOÀNG THÁM