Tranh của thiên tài Vincent Vangogh

11.11.2009

Tranh của thiên tài Vincent Vangogh

Không hiểu sao khi viết về Van Gogh, tôi lại nghĩ ngay đến câu nói của Fridrich Nietzsche – triết gia Đức vĩ đại: “Cô đơn là số phận của thiên tài, là bản chất của người mạnh. Còn kẻ yếu không thể có cô đơn và cũng không xứng được cô đơn”. Bỏ qua những mớ đèo bòng chữ nghĩa triết học, ta thấy Van Gogh là một thiên tài cô đơn. Suốt đời ông chỉ biết đến cảnh khốn cùng nhưng ngày nay tranh của ông vào loại đắt giá nhất thế giới.

Vincent Van Gogh – thiên tài kiệt xuất dị thường. Nghệ thuật của ông tỏa ra từ con tim hừng hực lửa, ánh sáng và sắc màu, những khát vọng vươn tới cái đẹp toàn mỹ, gây một cảm xúc mãnh liệt cho người thưởng lãm. Dưới nét cọ Van Gogh dường như tất cả đều bốc cháy, từ chiếc ghế, ngôi nhà, cánh đồng cho đến bầu trời đêm đầy sao… Ông được các họa sĩ tôn vinh là “chủ soái” của trường phái hậu Ấn tượng (Post Impressionnisme) mở đầu cho trường phái Dã thú (Fauvisme) và Biểu hiện (Expressionnisme). Van Gogh là người tiên phong cho nền hội họa hiện đại đầu thế kỷ XX.

Là họa sĩ duy sắc, thời kỳ đầu Van Gogh chọn màu đen và xám để mô tả cuộc đời, gắn liền với tầng lớp cần lao. Tác phẩm thành công nhất giai đoạn này là bức Những người ăn khoai, ít nhiều chịu ảnh hưởng tranh thời Phục hưng: cách xử lý ánh sáng, đường nét, bố cục…

Đến kinh đô ánh sáng Paris, Van Gogh có điều kiện tiếp xúc với các họa sĩ tiên tiến cùng thời như Russall, Toulouse-Lautrec, Bernard. Théo Van Gogh – em trai ông – giới thiệu với ông các họa phẩm của các họa sĩ Paris: Monet, Renoir, Sisley, Pissarro, Degas, Signac, Seurat và Paul Gauguin. Tuy chịu nhiều ảnh hưởng của những người theo trường phái Ấn tượng, nhưng Van Gogh vẫn luôn mang trong mình nét độc đáo riêng biệt

Sinh ra trong gia đình có tôn giáo tại Hà Lan: cha là mục sư Tin lành và bản thân Van Gogh cũng là người mộ đạo, đã có một thời gian ông theo học thần học và từng là nhà truyền giáo tại vùng mỏ Birinage (Bỉ). Nhưng ông sớm nhận ra rằng, với những con người khốn khổ đó, giảng đạo chỉ làm trò cười cho họ. Thất vọng vì một lý tưởng giải thoát con người bằng niềm tin tôn giáo, Van Gogh tìm đến với hội họa: bằng cách đắm mình trong màu và cọ với một nguồn xúc cảm mạnh bạo đến cực đoan, Van Gogh đã tìm được nguồn sống đích thực cho chính bản thân mình. Trong một bức thư gửi Théo, Van Gogh viết: “Anh phó mặc cả cuộc đời mình cho sự nghiệp và một nửa lý trí của anh đã vì nó mà ra đi”. Nhờ vào đó mà nhân loại có thêm một kho tàng nghệ thuật vô giá.

Van Gogh nhạy cảm, thông minh và nồng nhiệt. Nhưng cuộc đời ông lại là một chuỗi dài những bất hạnh. Chính nỗi tuyệt vọng vì cuộc sống khốn cùng đã làm tăng thêm sự sâu sắc trong tranh ông và khiến ông hình thành quan niệm về một nghệ thuật dành cho những kẻ bị bạc đãi. Do đó nghệ thuật Van Gogh không có cái vinh hoa của tầng lớp quí tộc thương lưu, cái đẹp của ông là cái đẹp “thô nhám”, “đời thường”, ông tránh xa cái đẹp kiểu cách. Tâm hồn Van Gogh là tâm hồn của giới bình dân.

Tranh Van Gogh thường không mịn, gồ ghề, đan xen những nét gạch khỏe, thể hiện tính cách mạnh mẽ, dữ dội đầy trăn trở của định mệnh thiên tài. Van Gogh là người đầu tiên sử dụng màu sắc và đường nét để diễn đạt cảm xúc. Ông đã từng tâm sự với Théo: “Thay vì cố gắng tái tạo lại những gì đã từng lướt qua trước đây thì nay anh sử dụng màu sắc để thể hiện theo cách của mình và để tiếp thêm cho sức mạnh của bản thân”.

Thành công của ông không phải là ăn may mà là kết quả của sự quan sát công phu, tinh tế. Ông đã đầy tự tin khi vung bút và hào hứng thể hiện các họa tiết quí.

Chi tiết xác đáng nhất là ở tranh chân dung. Ông đặc tả rất kĩ, rất sâu đến từng chi tiết nhỏ nhất. Van Gogh đi đến tận cùng của tâm hồn, đối mặt với chính mình trong các bức chân dung tự họa: ánh mắt đau đáu, suy tư… Chỉ có thiên tài Van Gogh mới đủ sức lột tả cái thần của mắt và những nếp nhăn trên mặt.

Thiên tài Van Gogh còn thể hiện ngay trong cách chọn đề tài. Đó là những hình ảnh đời thường gần gũi nhất. Nhìn Căn phòng của họa sĩ ở Arles (1889) – sơn dầu, 73 x 92cm của ông, ta hình dung ra tính cách chủ nhân: giản dị, hướng tới lao động sáng tạo. Cùng với chủ nhân của những vật dụng (chiếc giường, bàn ghế, mắc áo…), ta không hề quan tâm đến giá trị tiền bạc của chúng, chỉ thấy chúng thân thiết, gắn bó với con người. Chúng đã được nhân cách hóa để không còn là ngoại vật mà là một phần hồn của con người. Đặc biệt bức tranh Đôi giày (1886) – sơn dầu, 34 x 41,5cm. Đôi giày của Van Gogh là đôi giày biết nói, thậm chí nói được tất cả những điều cần nói: bầm dập, bơi chải, dấn thân, vật lộn với đời. Ta khâm phục, kính nể người mang giày.

Tĩnh vật biết nói, cảnh biết nói. Cây cầu với xe ngựa sắp qua và những người đàn bà giặt lúi húi dưới dòng nước trong bức Cây cầu Langlois và những người đàn bà giặt ở Arles (1888) – sơn dầu, 54 x 65cm, tất cả như đang phát sáng trong nắng sớm. Đó là mở màn cho một ngày đẹp trời, đáng ghi nhớ trong đời người. Xem Mùa gặt ở Crau (1888) – sơn dầu, 73 x 92cm, ta ngỡ ngàng trước cảnh đồng quê quen thuộc mà thần tiên. Thiên đường đấy, một cõi đi về đấy! Tâm hồn người xem cũng phồn thực rộng mở, trong sáng ra trước thiên nhiên. Bất giác người thưởng lãm phồng ngực hít một hơi thật sâu để cảm nhận hết hương vị đồng quê.

 Nhưng vẽ người mới là khó nhất. Người của Van Gogh không chỉ đúng về phương diện hình họa, như cân đối, động tác khéo léo, duyên dáng, thận trọng của người đàn bà rót cà phê trong bức Những người ăn khoai (1885) – sơn dầu, 81,5 x 114,5cm, mà ông còn đặc tả được ánh mắt nhân vật. Người chồng sau một ngày vật lộn cực nhọc với vẻ mặt bơ phờ, mệt mỏi. Người vợ nhìn người chồng với ánh mắt thương cảm, biết ơn, tin yêu, chia sẻ. Con mắt là cửa sổ tâm hồn, về giải phẫu gần như giống nhau, ai cũng vậy. Ấy mà lại rất khác nhau, nó làm nên người này chứ không phải người kia. Mỗi người trong tranh là một khuôn mặt cuộc đời, một tính cách rõ ràng và nhất là lại trong một tâm trạng nhất định, đúng với tình huống trong tranh. Những người ngồi ăn khoai không ai giống ai, nhưng chung một cảm xúc. Và vì thế người xem tranh xúc cảm cùng họ, tham dự vào không khí đó. Thái độ trân trọng củ khoai rất rõ. Phải là người tin tưởng cuộc đời và con người, tràn ngập tình yêu thương với đời sống mới có được như vậy!

Ngay cả Giỏ khoai tây (1885) – sơn dầu, 44,5 x 60cm, cũng là một đề tài. Chỉ có tình cảm lớn với người cần lao tác giả mới giám đặt củ khoai vào đúng vị trí của nó để ca ngợi. Thiên tài Van Gogh cho ta cái ngỡ ngàng qua kiệt tác Sao đêm (1889) – sơn dầu, 73,5 x 92,1cm. Liều lĩnh nắm bắt bằng tri giác nhạy bén bậc thày, cùng con tim cuồn cuộc bốc cháy. Bằng nét cọ mạnh mẽ, đậm đặc màu sắc làm cho cảnh vật quay cuồng: cây cối, vì sao, chân mây, ngọn núi như những ngọn lửa quằn quại trong đêm, trong vòng quay sinh sôi, nảy nở của vũ trụ, đường nét, màu sắc hài hòa toát lên từ một tâm hồn dấn thân. Đó là một nhân sinh quan, vũ trụ quan lãng mạn bay lên từ gần gũi đời thường.

 Van Gogh buộc người xem tranh mình không thể thờ ơ với cái ông vẽ ra, bắt người ta phải quan sát, phải nghĩ và rung lên cái cảm xúc thẩm mỹ mà ông muốn chuyển tải, gửi gắm. Sức mạnh của hội họa và thành công của thiên tài Van Gogh  là ở đấy.

Giờ thì chúng ta không còn ngạc nhiên tại sao trang Van Gogh đắt như vậy: Chân dung bác sĩ Gachet (1890) – sơn dầu, 67 x 56cm, giá 82 triệu đô la; Hoa hướng dương (1888) – sơn dầu, 91 x 72cm, giá 40 triệu đô la; Hoa diễn vĩ, giá 53 triệu đô la; Cầu Trinquetille, giá 20 triệu đô la… Tác phẩm lớn chỉ có thể là con đẻ của một nhân cách lớn, một tâm hồn và tài năng lớn. Điều này không có ngoại lệ. Được thưởng lãm họa phẩm của ông, tâm hồn ta rộng mở, ngỡ ngàng trước cái đẹp lạ lẫm của đời thường. Cái đau đáu, trăn trở trước thiên nhiên và con người của Van Gogh chỉ có thể thực hiện được bằng chính cây cọ trong tay ông mà thôi. Ta lặng đi trước những họa phẩm ông đã cống hiến cho nhân loại, và thêm yêu một Van Gogh kỳ tài.
 
TRŽNH CHU