Bình thơ

11.11.2009

Bình thơ

Lặng yên -Giấc mơ ngày bình thường

 
LẶNG YÊN             

 Mọi ồn ã náo động đã qua

giờ chỉ còn anh với lặng yên

lặng yên bên anh...

 

Chấp chới ngoài cây lộc non

chấp chới trời cao sao biếc

lặng yên mà xanh

lặng yên mà sáng

anh thấy mình như cây như sao

hồn nhiên đâm chồi

rồi băng đi mất tiêu

bờ sông ngân không cây không cầu...

 

Mặt trời quen thuộc đã cho nắng vào gọi

giã từ lặng yên

anh đi về phía tiếng người tiếng xe

lặng yên

im lặng...

                             Nguyễn Minh Hùng

 

Tập thơ Chân trời của Nguyễn Minh Hùng (NXB Đà Nẵng, 2002) là khát vọng về một bài thơ - cuộc sống miên viễn, về tận hiến cái đẹp. Bài thơ Lặng yên (Được trao giải Chùm thơ hay nhất Báo Văn nghệ trẻ năm 1995) trong tập trên là một nhịp đập, một hình ảnh rõ nét tinh khiết của khát vọng thường trực "dày vò" ấy. Ở đây, ta gặp giấc mơ một ngày bình thường, một sự yên lặng thuỷ tinh của sự sống, một khoảnh khắc sáng tạo về chân - thiện - mỹ khi “con người máy tính", “thời đại vi tính" mỗi ngày, mỗi khắc phải đối diện với vô vàn sự kiện, vô vàn thay đổi chóng mặt ở môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh.

Mọi ồn ã náo động đã qua

 giờ chỉ còn anh với lặng yên

 lặng yên bên anh...

Khổ đầu bài thơ, với nhịp điệu chậm rãi, những tâm sự thầm thì và tiếng nói thi ca như một ngọn lửa sưởi ấm những ngày đông giá; hoặc dường như là nỗi xúc động hạnh phúc còn ngầm chứa của người con tha hương chợt phút giây chạnh lòng quắt quay quê cũ...Tác giả như bảo: giờ đây chỉ có tôi và em, tôi và tình yêu, tôi và yên lặng trong giấc mơ thầm kín. Cái khoảnh khắc vô biên ấy không phải để an ủi, vỗ về một kết thúc, mà để cháy sáng một "khúc độc hành" của mộng mơ  vô tăm tích - đánh thức một ý nghĩa nhân văn về thân phận.

Chấp chới ngoài cây lộc non

chấp chới trời cao sao biếc

lặng yên mà xanh

 lặng yên mà sáng

Mỹ từ, tứ thơ được phát lộ, thổi bùng lên, ngỡ chừng cánh cung đã căng ra trước đó để mũi tên lao vút về phía trước, về cái đích mà anh dẫn dụ độc giả. Những "chấp chới, lặng yên" ở một phía đầu của con đường, còn ở phía bên kia là các tính từ khêu gợi "non, biếc, xanh, sáng" như một di chỉ của khát vọng bền bỉ, dai dẳng, dẫu rằng cuộc sống bề bộn, ồn ã chợ đông, thị thành gấp gáp... Đứng trước một bờ cõi trong sáng, mộng mơ, thơ ấu, tác giả đã thấy rõ mình, tìm lại được cái "bản lai diện mục", cái bản ngã phiêu hốt láng lai, “như cây”, “như sao”, “đâm chồi”, “rồi băng đi mất tiêu”...Tứ thơ được khai triển nhanh, gọn, sắc. Từ ngữ anh dùng có hấp lực, có kỹ xảo mà vẫn tự nhiên như không. Hình ảnh thơ bảng lảng khói sương...

Nhưng "mặt trời quen thuộc đã cho nắng vào gọi/ giã từ lặng yên” đã cắt đi một khúc mê ca chìm đắm lòng người. Cái hụt hẫng của hiện thực bắt đầu nhòm ngó; và nhà thơ thành thực sống với thế giới hiện thực, với nỗi sầu lo vui sướng, với ồn ã chợ xe...Giấc mơ tận hiến dường như tan biến. Một kết cục “có hậu” đến chua xót?!...Dường như thơ của anh thường có những kết thúc "đuối lý" như vậy. Chẳng hạn ở bài Trong mưa tranh, anh cũng đã viết: “Thình lình mưa bỗng tắt/nắng hửng lên êm đềm/lội mưa tranh ướt đẫm/đâu, đâu rồi bóng em?!”.  Ôi! Lại nhớ cái kết của Bùi Giáng: "Khi Vô Tích khi Lâm Tri/Khi vào bệnh viện khi đi ra đường/Khi ngồi dưới gốc cành dương/Chiêm bao lãng đãng con đường xuống lên/Xa xôi vô tận bồng bềnh/Bất ngờ gần gũi chênh vênh tôi chào" (Vô Tích hôm nay)...

Nhà thơ đã đánh thức một giấc mơ đẹp ở mỗi tâm hồn của bạn đọc. Và chúng ta luôn luôn hy vọng sự sáng tạo bền bỉ của anh trên những con đường gồ ghề phía trước.

 
                                  HUỲNH MINH TÂM